25 tháng 2, 2013

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương


Lưỡng Hà

Lâu nay, giới nghiên cứu đã tốn nhiều công sức và tâm huyết bàn về tiểu sử, sự nghiệp thơ văn Hồ Xuân Hương. Từ góc nhìn của người phụ nữ đồng hương với bà, lại có hạnh phúc nhiều năm được nghiên cứu, giảng dạy thơ văn bà và văn học Việt Nam nói chung cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, chúng tôi muốn trình bày một số suy nghĩ tâm đắc của mình.

1. Có một thực tế là tên tuổi Hồ Xuân Hương càng ngày càng được nhiều người biết đến, cả trong và ngoài nước. Ở Paris, ở Mạc Tư Khoa, ở Cornell Hoa Kỳ người ta dịch thơ bà. Cuối thế kỷ trước, hai dịch giả Phần Lan là Rauni Turkia và Kai Neiminen đã tuyển dịch thơ bà qua tập Những lời hỏi trăng (NXB Nostmomo - 1992), họ viết: "Theo chúng tôi, Hồ Xuân Hương là một tác giả có một không hai trong văn học thế giới. Ngôn ngữ trong thơ bà là tiếng Việt giàu nhạc điệu, với lối chơi chữ, sử dụng từ ngữ rất tài tình, thơ của bà luôn mang nhiều nghĩa, chính vì vậy thơ bà rất khó dịch... nhất là khi dịch sang ngôn ngữ phương Tây".Vì vậy, có một số điểm đã khá rõ ràng về bà, giới nghiên cứu trong nước cần phải thống nhất ý kiến. Chẳng hạn, dù bà là con ông đồ Hồ Phi Diễn (?- ?), hay là con ông đồ Hồ Sĩ Danh (1706 - 1783 ), em cùng cha khác mẹ với Song nguyên Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống (1738 - 1786) thì nàng đều có quê gốc là làng Quỳnh Đôi, bà là người con gái xứ Nghệ thứ thiệt! Cuối năm 1998, theo nguyện vọng của gia tộc họ Hồ, được sự giúp đỡ của Quỹ phát triển văn hóa Việt Nam - Thụy Điển, xã Quỳnh Đôi đã hoàn thành nhà bia tưởng niệm Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương. Bia khắc tiểu sử, sự nghiệp của bà bằng 4 thứ chữ Việt, Trung, Anh, Pháp. Nhà bia ở đầu làng Quỳnh Đôi, cách Quốc lộ 1A khoảng 2 km.
2. Từ trước đến nay, một số học giả có quan niệm người xứ Nghệ bảo thủ, cứng nhắc. Họ quên mất rằng các nhà canh tân lỗi lạc hàng đầu của dân tộc về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... như Hồ Quý Ly (1336 - 1407), Nguyễn Huệ (1753 - 1792 ), Nguyễn Trường Tộ (1828 - 1871 ), Hồ Chí Minh (1890 - 1969) đều là con dân xứ Nghệ, hoặc chí ít cũng có nguồn gốc xứ Nghệ. Riêng trong lĩnh vực văn học, ngoài Hồ Xuân Hương, hai thi hào đồng hương với bà là Nguyễn Du (1765 - 1820), Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) đều có khát vọng sáng tạo lớn! Đó là chưa kể nữ sĩ với Hồ Quý Ly và Nguyễn Huệ cùng có chung một ông Tổ là Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (thế kỷ X); chưa kể Hồ Xuân Hương và 3 anh em Tây Sơn có cùng ông tổ 5 đời là Hồ Sĩ Anh. Nhưng công bằng mà nói, Nguyễn Trường Tộ và nhất là Hồ Chí Minh đã đi khắp thế giới, sống và làm việc trong nhiều môi trường văn hóa khác nhau. Các danh nhân còn lại ở trên cũng đã đi khắp nước, chí ít cũng được thanh lọc và thăng hoa trong môi trường văn hóa đế đô. Riêng Hồ Xuân Hương sinh ra ở quê mẹ (Kinh Bắc hay Hải Dương?), sống nhiều năm ở phường Khán Xuân, gần Hồ Tây (khu vực Vườn Bách Thảo - Trường Bưởi - Đường Cổ Ngư- làng Yên Phụ). Bà từng du lãm nhiều nơi: động Hương Tích (Mỹ Đức, Hà Đông); núi ông Chồng, Bà Chồng (trên đường lên Tuyên Quang); Kẽm Trống (Ninh Bình giáp Hà Nam); chùa Địch Lộng (Ninh Bình); đèo Ba Dội (Ninh Bình giáp Thanh Hóa); Quán Khánh (Thanh Hóa); vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); rồi còn Nghệ An quê cha, Vĩnh Tường, Yên Quảng quê chồng... Kể ra, một người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa được đi và sống nhiều nơi như thế là vô cùng hiếm! Nhưng cũng phải đi như thế, tiếp thu tinh hoa nhiều vùng văn hóa, nhất là môi trường văn hóa Thăng Long, sáng tạo thi ca của bà mới đạt đến mức tuyệt vời có một không hai được!
3. Lần đầu tiên, bài thơ Hồ Xuân Hương gửi Nguyễn Du "Cảm cứu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu" (Nhớ người cũ, viết gửi Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu) với chú thích: Hầu người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân được ông Trần Thanh Mại công bố trên Tạp chí Văn học tháng 11/1964. Trên tuần báo Văn nghệ số 428 ra ngày 24 - 12 - 1971 hai ông Trương Chính, Lê Thước đã trích lại và dẫn luận kỹ càng. Sinh thời nhà thơ viện sĩ Xuân Diệu (1916 - 1985) vô cùng cảm động về cuộc tao ngộ văn chương kỳ thú này, vì ông cho rằng Truyện Kiều là tác phẩm "tót vời" của nguồn cổ điển, thơ Hồ Xuân Hương lại là tác phẩm "tót vời" của nguồn nôm na bình dân. Chúng tôi muốn nói thêm: giá như hai thiên tài khác giới có bản lĩnh người xứ Nghệ cao cường như nhau mà sống chung với nhau thì hạnh phúc hay bất hạnh đây? Các nhà nghiên cứu thường có nhận định giống nhau: Nguyễn Du vừa tiếp thụ tinh hoa văn học cổ điển vừa chú ý học hỏi tiếng nói của người trồng dâu, trồng gai; còn Hồ Xuân Hương sử dụng tục ngữ, ca dao bình dân trong thơ mình thật nhuần nhị, chẳng hạn: "Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm/ Cầm bằng làm mướn, mướn không công, hay: Không có, nhưng mà có mới ngoan". Có lẽ cần chú ý thêm: Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du có sử dụng từ ngữ địa phương xứ Nghệ như ả, mụ, nghỉ, chi, đan, dậm, giật, giàm... còn trong thơ Hồ Xuân Hương ngôn ngữ và thổ âm nặng nề của quê hương Nghệ An hầu như không để lại dấu vết gì?
4. Trong nền văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX có 4 nhà thơ nữ kiệt xuất: Lê Ngọc Hân, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương. Thơ Nôm song thất lục bát của Ngọc Hân và Đoàn Thị Điểm thì kiệt tác Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều may ra mới sánh được! Còn thơ Nôm Đường luật của Bà Huyện Thanh Quan và nhất là của nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì ngay cả các thi hào Tế Xương, Nguyễn Khuyến có lẽ cũng phải nhường bước! Đặc biệt, Hồ Xuân Hương đã thực hiện một cuộc cách tân lớn! Trong thơ bà cuộc sống đời thường trần trụi, chất phác, dân dã đã trở thành đối tượng thẩm mỹ đích thực. Vẻ đẹp thân thể người phụ nữ trở thành mẫu số chung cho các sáng tạo hình tượng nghệ thuật thơ Hồ Xuân Hương. Ngôn ngữ thông tục của đời sống ào ạt đi vào thơ bà và ngỡ như được "phù phép" để trở thành ngôn ngữ văn học tuyệt vời! Bà đã dân tộc hóa thể thơ Nôm Đường luật thành công nhất không phải ở việc đổi mới hình thức niêm luật nghiêm ngặt mà ở nội dung hết sức dân chủ của nó. Đến Hồ Xuân Hương, thơ Nôm Đường luật đã đạt đỉnh cao nhất, nói như nhà nghiên cứu Hoàng Hữu Yên: "So trước nhìn sau, mọi người đều thừa nhận rằng: Thơ Hồ Xuân Hương là rực rỡ nhất vì hình thức thơ đẹp hơn, dân tộc hơn và đại chúng hơn cả". Có lẽ phải tìm cội nguồn sáng tạo của nữ sĩ chủ yếu ở nền văn hóa Thăng Long như đã trình bày ở mục 2. Bài học sáng tạo thành công của Hồ Xuân Hương cũng như của các thi hào đồng hương với bà là Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ chắc chắn còn rất có ý nghĩa cho các nhà thơ xứ Nghệ hiện nay!
5. Trong mảng thơ Nôm truyền tụng, có một số bài không phải của nữ sĩ, nhưng công việc phân biệt thật giả không đơn giản tí nào! Từ khi phát hiện Lưu hương ký, có người chủ trương dựa vào phong cách Lưu hương ký để tuyển lựa thơ Nôm truyền tụng. Nhưng cũng có người cho rằng ngay cả khi xác định được chắc chắn hai mảng thơ trên đều của một tác giả Hồ Xuân Hương, thì việc lấy một tập thơ trung bình như Lưu hương ký làm khuôn thước để đo đong một tập thơ độc đáo, đặc sắc như mảng thơ nôm truyền tụng tránh sao khỏi làm thiệt thòi cho cả tác giả lẫn bạn đọc, nhất là cho bạn đọc. Dẫu sao thì công việc giám định vẫn vô cùng cần thiết đối với đông đảo công chúng. Ngay một bài thơ hay như bài "Chơi đài Khán Xuân Trấn Võ" có sách ghi của Hồ Xuân Hương, có sách ghi của Bà Huyện Thanh Quan. Các chuyên gia hàng đầu văn học Việt Nam cổ trung đại như Lê Trí Viễn, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Lộc, Đỗ Đức Hiểu, Đào Thái Tôn... đã chú ý nghiên cứu phong cách của hai tác giả rất khác nhau này, nhưng vẫn chưa kết luận được bài thơ trên của ai? Có lẽ cần phải có một người thật sự là tri âm, tri kỷ của hai nữ sĩ này chăng? Mà tìm được một người ngang tầm với thiên tài - kỳ nữ Hồ Xuân Hương đâu phải dễ!
6. Trong thời đại vẻ đẹp phụ nữ lên ngôi như hiện nay, có một khám phá về Hồ Xuân Hương của Gs.Đỗ Đức Hiểu cần được chú ý đúng mức. Ông vốn là một chuyên gia hàng đầu về văn học Pháp. Theo ông, thơ Hồ Xuân Hương "chủ yếu là ngày hội của bản năng, một Festivan của cơ thể người phụ nữ... Thế giới thơ nôm Hồ Xuân Hương là thế giới vô vàn scandales, những cú huých, những thách thức...". Ở Hồ Xuân Hương "không hề có "cái tục", mà chỉ có cái tự nhiên, cái đẹp, sức sống của tồn tại con người. Hồ Xuân Hương phản ứng dữ dội lối sống "phản tự nhiên ", lựa chọn chính khung cảnh nhà chùa để miêu tả cơ thể người phụ nữ, tình yêu bản năng, rõ ràng đó là thiên tài của nhà thơ, cũng như xưa kia ở phương Tây, Cervantès lựa chọn Don Quichotte, nhà hiệp sĩ để kết thúc loại tiểu thuyết hiệp sĩ thời Trung cổ ". Ông kết luận bài "Thế giới thơ nôm Hồ Xuân Hương" của mình: "Nếu thơ được định nghĩa như "văn bản của cái kỳ lạ", gây ngạc nhiên như Baudelaire nói, thì thơ nôm Hồ Xuân Hương rất thơ. Nó mang nhiều chất nổ của thời đại, thời đại của kinh kỳ, Phố Hiến, của trào lưu văn học nghệ thuật đòi giải phóng con người, ngợi ca tài năng, cái đẹp, nhất là của người phụ nữ. Hồ Xuân Hương góp tiếng thơ đầy nhạc, biểu đạt sức sống và cái đẹp của cơ thể, của tấm thân và trái tim rất trẻ của người phụ nữ, trong định mệnh đầy cay đắng. Hồ Xuân Hương sáng tạo những cấu trúc ngôn ngữ đầy tài năng, đến nay chưa dễ ai hiểu hết". Quả đúng cuộc đời và sự nghiệp thơ văn Hồ Xuân Hương còn có nhiều ẩn số chưa dễ hiểu hết. Trên đây, mới chỉ là một số thu hoạch bước đầu. Hy vọng sẽ có dịp trở lại vấn đề một cách sâu hơn, thỏa đáng hơn?!

Không có nhận xét nào:

Trang