“Thân mật không phải là lễ
độ. Xã hội công dân khác với gia đình. Xưng hô cũng là bày tỏ ý thức về vị thế,
tư cách, thái độ và phẩm giá của mình”- Một đề nghị về xưng hô của Phạm Thị
Hoài- chuyện không nhỏ!
Phạm Thị Hoài
Có thể các bạn không biết nên chọn cách xưng hô nào thích hợp hơn trong hệ đại
từ nhân xưng thường được ca ngợi là phong phú của tiếng Việt. Có thể các bạn
coi đó chỉ là việc nhỏ không đáng bận tâm. Có thể các bạn thấy việc tự xưng
là chúng cháu trước công luận, như trong “Thư cám ơn, lời kêu
cứu của Tuổi trẻ Yêu nước” mới đây hay trong “thư gửi bác Chủ tịch nước” vài
tuần trước là bình thường và đương nhiên. Tôi không thấy như thế.
Phan Bội Châu viết bài hịch Bình Tây thu Bắc năm 17 tuổi.
Nguyễn Thị Minh Khai tham gia lãnh đạo Đảng Tân Việt cũng năm 17 tuổi. Nguyễn
Huệ gia nhập Phong trào Tây Sơn năm 18 tuổi và trở thành chủ tướng năm 23 tuổi.
Nguyễn Trung Trực lãnh đạo phong trào khởi nghĩa chống Pháp năm 20 tuổi. Lương
Ngọc Quyến tham gia Phong trào Đông du năm 20 tuổi. Văn Cao tham gia Việt Minh
và viết Tiến quân ca năm 21 tuổi. Tạ Thu Thâu lãnh đạo An Nam
Độc lập Đảng năm 21 tuổi. Triệu Thị Trinh dấy cờ khởi nghĩa chống quân Đông Ngô
năm 22 tuổi. Nguyễn An Ninh nổi tiếng với những bài diễn thuyết về canh tân đất
nước trước cử tọa hàng ngàn người tại Sài Gòn khi chưa đầy 23 tuổi. Cao Thắng
chỉ huy Khởi nghĩa Hương Khê năm 23 tuổi. Phạm Quỳnh trở thành chủ bút
báo Nam phong năm 25 tuổi và Tổng thư kí Hội Khai trí Tiến đức
năm 27 tuổi. Nhất Linh thành lập Tự lực Văn đoàn năm 26 tuổi.
Trần Phú viết Luận cương Chính trị và trở thành Tổng Bí thư
đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 26 tuổi. Nguyễn Thái Học sáng lập Việt
Nam Quốc dân Đảng năm 25 tuổi và lãnh đạo Khởi nghĩa Yên Bái năm 28 tuổi…
Danh sách này còn rất dài. Trái với lời than về sự chậm trưởng thành, “mãi trẻ
con” của dân mình, lịch sử Việt Nam được viết một phần đĩnh đạc bởi tuổi trẻ.
Tôi không thể hình dung những con người trẻ tuổi dấn thân ấy đứng ra trước quốc
dân đồng bào và tự xưng là chúng cháu. Thân mật không phải là lễ
độ. Xã hội công dân khác với gia đình. Xưng hô cũng là bày tỏ ý thức về vị thế,
tư cách, thái độ và phẩm giá của mình.
Tôi muốn đề nghị một cách xưng hô khác: các bạn hãy giản dị tự xưng là chúng
tôi, trong mọi trường hợp trước công luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét