Sưu tầm viết lại.
Bên cạnh các văn bản đăng khoa lục, các bộ
sử, gia phả các dòng họ nổi tiếng…hệ thống văn bia đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu
Quốc Tử Giám là một nguồn tài liệu hết sức quý giá khi tìm hiểu truyền thống,
thành tích khoa cử xứ Nghệ (Nghệ An, Hà Tĩnh) thời Lê sơ-Lê Trung Hưng.
Văn miếu là nơi
ghi nhận, vinh danh thành tích cao nhất của trí thức Nho học xứ Nghệ trong các
kỳ thi đại khoa (Thi Hội, thi Đình) được tổ chức tại kinh đô Thăng Long. Tại
đây, trong hàng ngàn tiến sĩ được triều đình cho khắc đề bia, khoa bảng xứ Nghệ
luôn nằm trong số ba hay bốn địa phương đứng đầu về số lượng cũng như thứ bậc
(Bên cạnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hóa) trong các kì thi.
Tám mươi hai bia
văn miếu ghi danh sách những người đỗ đạt trong tám mươi hai kỳ thi, mở đầu từ
năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đến năm Chiêu Thống thứ 7(1779), và được cho dựng bia
từ năm Hồng Đức thứ 27(1484) đến năm Chiêu Thống thứ 8(1780). Trong 82 bia thì
có tới 57 bia có tên người Nghệ An hoặc Hà Tĩnh đỗ (24 bia có ghi người Nghệ
An, 23 bia với Hà Tĩnh, và trong 52 bia thì có đến 15 bia có Nghệ An và Hà Tĩnh
cùng đỗ). Trải hơn 300 năm, trong số 1304 Tiến sĩ được đề bia thì có 110 Tiến
sĩ người Nghệ. Theo thống kê của Đinh Khắc Thuân1,
dựa theo các tài liệu Đăng khoa lục, trong tổng số 2263 Tiến sĩ đỗ trong triều
Lê sơ (1426-1527), Lê Trung hưng (1533-1778) và Mạc (1527-1592) thì có tới 142
người Nghệ đỗ. Như vậy số Tiến sĩ xứ Nghệ trong bia văn miếu còn lại đến ngày
nay chiếm 77,5% (110/142) trong tổng số lượng người Nghệ đỗ. Loại trừ đi số bia
bị mất hoặc chưa cho khắc bia, danh sách đỗ đại khoa của người Nghệ trên văn
bia hiện còn về cơ bản là phản ánh đúng đội ngũ đông đảo khoa bảng Nghệ trong
các thế kỷ XVI-XVIII.
Nhìn chung lác đác
mới có một số bia không ghi người Nghệ đỗ. Tuy nhiên có một giai đoạn khá đặc
biệt khi khoa cử xứ Nghệ “mất trắng” trong tám kì thi liên tục các năm 1595,
1598, 1602, 1604, 1607, 1612, 1613, 1616 (Hiện tượng này không thấy trên văn
bia văn miếu Huế. Thời Nguyễn khoa cử Nghệ nếu bị mất mùa thì chỉ gián đoạn tối
đa một mùa). Trong các năm này, tên một người Nghệ duy nhất được nhắc trên văn
bia, nhưng không phải với tư cách người đỗ mà là với tư cách giám thí: Lại bộ
Tả thị lang Ngô Trí Hòa, Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân năm Quang Hưng 15 (1592)
(ông làm giám thí trong ba kỳ thi 1612, 1613, 1616).
Ngoại trừ hiện
tượng trên đây, còn lại phần lớn cứ đều đặn một mùa đại khoa đều có tên người
Nghệ trên văn bia. Trong 57 bia có Tiến sĩ thì có tới 31 bia có ít nhất hai
người Nghệ đỗ, còn lại 24 bia có một người Nghệ đỗ. Trong 110 Tiến sĩ thì có 8
người đỗ Đệ nhất giáp, 32 người đỗ Đệ nhị giáp, 70 người đố Đệ tam giáp1.
Tám người đỗ Đệ nhất giáp là:
- Cao Quýnh: huyện
Đông Thành, phủ Diễn Châu. Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ khoa thi Ất Mùi niên
hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475)
- Đinh Bạt Tụy: xã
Bùi Khổng, huyện Hưng Nguyên. Đệ nhất giáp chế khoa2 xuất thân khoa thi Giáp Dần niên hiệu
Thuận Bình thứ 6 (1554)
- Phan Tất Thông:
xã Hạ Thành, huyện Đông Thành. Cùng khoa với Đinh Bạt Tụy.
- Dương Trí Dụng:
xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc. Đệ nhất giáp chế khoa xuất thân khoa thi Ất Sửu
niên hiệu Chính Trị thứ 8 (1565).
- Nguyễn Bật
Lương: xã Cương Giản, huyện Nghi Xuân. Đệ nhất giap Chế khoa xuất thân khoa thi
Đinh Sửu niên hiệu Gia Thái thứ 5 (1577)
- Lê Phúc Nhạc: xã
Lạc Xuyên, huyện Kỳ Hoa. Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân cùng khoa Nguyễn Bật
Lương.
- Phan Cảnh: xã
Lai Thạch, huyện La Sơn. Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh khoa thi Quý
Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 (1743).
- Nguyễn Huy Oánh:
xã Lai Thạch, huyện La Sơn. Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh khoa thi
Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5 (1748).
Trong tám người
này thì Phan Cảnh và Nguyễn Huy Oánh là hai Đình nguyên đỗ ở hàng Đệ nhất giáp.
Kỳ thi năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743) Phan Cảnh đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ
tam danh (Thám hoa), cả nước lúc ấy chỉ có Phan Cảnh đỗ Đệ nhất giáp. Nguyễn
Huy Oánh cũng tương tự, kỳ thi năm Cảnh Hưng thứ 9 (1752) ông đỗ đầu trúng Đệ
nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh. Có nhiều khoa thi triều đình không lấy Đệ
nhất giáp, thậm chí có lúc không lấy cả Đệ nhị giáp, chỉ lấy Đệ tam giáp. Trong
các khoa thi đó thường các Tiến sĩ Nghệ vẫn nằm trong danh sách đầu bảng. Chẳng
hạn kỳ thi năm Vĩnh Hựu thứ hai (1738) triều đình không lấy Đệ nhất giáp, Lê Sĩ
Bàng (xã Nội Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc) đỗ Đình nguyên, chỉ một mình ông đỗ Đệ
nhị giáp Tiến sĩ xuất thân. Khoa thi năm Vĩnh Hựu thứ năm (1739) triều đình
cũng không chọn Đệ nhất giáp, Vũ Diễm (xã Thổ Vượng, huyện Thiên Lộc) đỗ đầu
trúng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân. Các năm triều đình không chọn Đệ nhất
giáp, nhiều trường hợp Tiến sĩ Nghệ nằm trong số 2 đến 5 người đỗ đầu ở hàng Đệ
nhị giáp hoặc Đệ tam giáp. Chẳng hạn kỳ thi năm Quang Hưng thứ ba (1570) Nguyễn
Văn Giai (xã Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc) là một trong bốn người trúng Đệ
nhị giáp Tiến sĩ xuất thân. Kỳ thi năm Quang Hưng 15 (1592) Ngô Trí Hòa là một
trong hai người trúng Đệ nhị giáp. Kỳ thi năm Kỷ Hợi (1779) Phạm Nguyễn Du là
một trong hai người đỗ Đệ nhị giáp. Kỳ thi năm Cảnh Hưng 21 (1760) triều đình
chỉ lấy Đệ tam giáp, Nguyễn Khản (xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) là một trong 5
người được chọn đỗ.
Có những kỳ thi
đặc biệt khi Tiến sĩ Nghệ chiếm số lượng áp đảo so với các địa phương khác. Kỳ
thi Chế khoa năm Gia Thái thứ 5 (1577) 4 trên 5 Tiến sĩ được cho khắc bia đều
là 4 người Hà Tĩnh: Nguyễn Bật Lương, Lê Phúc Nhạc (Đệ nhất giáp), Hồ Bỉnh
Quốc, Nguyễn Hoành Từ (Đệ nhị giáp). Kỳ thi năm Quang Hưng thứ 6 (1583) không
lấy Đệ nhất giáp, 3 trên 4 người chọn đỗ đều là người Nghệ: Nguyễn Phong, Trần
Phúc Hựu (Hà Tĩnh, Đệ nhị giáp), Nguyễn Văn Thông (Nghệ An, Đệ tam giáp). Kỳ
thi năm Quang Hưng thứ 15 (1592) không lấy Đệ nhấp giáp, 2 trên 3 người đỗ đều
là người Nghệ An. Điều đặc biệt có một không hai trong kì thi này là cả hai cha
con (xã Lý Trai, huyện Đông Thành) cùng đỗ một khoa, con cao hơn cha một bậc:
Ngô Trí Hòa, con, 28 tuổi, đỗ Đệ nhị giáp; Ngô Trí Tri, cha, 56 tuổi, đỗ Đệ tam
giáp. Sự kiện này rất nổi tiếng vào đương thời, vua Lê Thế Tôn đã tặng bức
trướng có 10 chữ vàng cho hai cha con về vinh quy bái tổ “khoa danh thiên hạ
hữu, phụ tử thế gian vô” (Đậu đại khoa thì có nhiều người nhưng hai cha con đậu
cùng khoa thì chưa thấy bao giờ). Bài ký đề tên Tiến sĩ khoa thi đó đã ghi lại
hiện tượng này như một biểu tượng của triều đại thịnh trị, thanh bình: “Ai nấy
đều lấy làm sung sướng được trông thấy cảnh đời thái bình, dưới triều vua
thánh, có cha con cùng đỗ một khoa thật là thịnh hội và văn minh vậy”.
Cùng một số địa
phương có truyên thống hiếu học, khoa bảng Nghệ thường chiếm một tỷ lệ cao. Kỳ
thi năm Quang Thuận thứ 7 (1484): 5 người Nghệ trên tổng 27, Hồng Đức thứ 9
(1478) 5/62, Cảnh Thống thứ 5 (1562) 6/61, Hồng Thuận thứ 3 (1511) 4/47, Thuận
Bình thứ 6 (1554) 5/13, Quang Hưng thứ 3 (1570) 2/6, Phúc Thái thứ nhất (1643)
2/9, Khánh Đức thứ 2 (1650) 2/8, Khánh Đức thứ 4 (1652) 3/9, Cảnh Trị thứ 2
(1663) 3/13, Vĩnh Trị thứ 5 (1680) 3/19, Chính Hòa thứ 21 (1700) 3/19, Vĩnh Thịnh
thứ 8 (1712) 3/17, Long Đức thứ 2 (1733) 4/18, Kỷ Hợi (1779) 3/15.
Các địa phương xứ
Nghệ có truyền thống đào tạo Nho học và thi cử đại khoa thường vẫn có con em
đại diện trúng Tiến sĩ trong mỗi mùa thi. Các huyện được khắc tên trên bia đá
tại Thăng Long trở nên rất quen thuộc trong mỗi kỳ có người Nghệ trúng tuyển.
Đứng đầu số lượng Tiến sĩ được khắc bia là huyện Thiên Lộc (Huyện Can Lộc, Hà
Tĩnh ngày nay) với 18 người, tiếp sau là Đông Thành (Yên Thành và Diễn Châu,
Nghệ An ngày nay) với 15 người, La Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh ngày nay) 13 người,
Thanh Chương 11 người, Nghi Xuân 9 người, Thạch Hà 9 người, Kỳ Hoa (Kỳ Anh và
Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ngày nay) 5 người, Quỳnh Lưu 5 người…Có những xã nổi tiếng
truyền thống khoa danh cũng thường được bia đá đề tên: xã Trung Cần (Thanh
Chương) 3 người, xã Tiên Điền (Nghi Xuân) 3 người, xã Thu Hoạch (Thiên Lôc) 3
người, xã Lai Thạch (La Sơn) 3 người, xã Hoàn Hậu (Quỳnh Lưu) 3 người, xã Quan
Trung (Đông Thành) 2 người, xã Lý Trai (Đông Thành) 2 người, xã Nội Thiên Lộc
(Thiên Lộc) 2 người…
Số lượng đỗ cao
tại các địa phương này chủ yếu là thuộc về các dòng họ nổi tiếng có truyền
thống khoa bảng. Họ Lê ở xã Nội Thiên Lộc (Thiên Lộc) có hai anh em cùng đỗ
khoa thi Vĩnh Hựu thứ 2 (1736): anh là Lễ Sĩ Triêm, đỗ Đệ tam giáp, em là Lê Sĩ
Bàng đỗ Đệ nhị giáp (năm đó chỉ lấy 1 người đỗ đệ nhị giáp). Họ Ngô ở xã Lý
Trai (Đông Thành) 4 đời liên tiếp đỗ 5 Tiến sĩ, cả 5 đều được đề tên tại bia
đá. Ngoài cha con Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa như đã nhắc, còn có Ngô Sĩ Vinh là
con Ngô Trí Hòa đỗ Đệ tam giáp năm 1646, Ngô Công Trạc là cháu nội Ngô Sĩ Vinh
đỗ Song nguyên (Hội nguyên-Đình nguyên, đệ tam giáp) năm 1694, Ngô Hưng Giáo là
em Ngô Công Trạc đỗ đệ tam giáp năm 1710. Họ Nguyễn Trọng ở xã Trung Cần (Thanh
Chương) có cha là Nguyễn Trọng Thường đỗ đệ tam giáp năm 1712, con là Nguyễn
Trọng Đương đỗ đệ tam giáp vào năm 1769, 3 kì thi sau Nguyễn Trọng Đường là
cháu đích tôn của Nguyễn Trọng Thường, cháu gọi Trọng Đương bằng chú cũng đỗ đệ
tam giáp năm 1779. Ba đời họ Nguyễn Trọng đều được triều đình cử đi sứ nhà
Thanh nên tại nhà thờ họ ở xóm Khoa Trường, xã Trung Cần vẫn còn bức hoành phi
đề 5 chữ “Tam thế ngũ hoàng hoa” (ba đời, năm lần được đi sứ) tương truyền do
vua Thanh đề tặng.
Họ Lê ở xã Quan
Trung (Đông Thành) có cha là Lê Kính đỗ Đệ tam giáp năm 1628, con là Lê Hiệu đỗ
Đệ nhị giáp năm 1643. Cả hai cha con khi làm quan đều là Thượng thư đồng triều.
Họ Nguyễn ở xã Hoa Lâm (Nam Đường) có cha là Nguyễn Phùng Thì đỗ Đệ tam giáp
năm 1715, con là Nguyễn Bá Quýnh cũng đỗ Đệ tam giáp năm 1733. Họ Phan ở xã Thu
Hoạch (Thiên Lộc) có cha là Phan Cận đỗ Đệ tam giáp năm 1754, con là Phan Huy
Ích đỗ Đệ tam giáp năm 1775, em của Phan Huy Ích là Phan Huy Ôn cũng đỗ Đệ tam
giáp hai kì thi sau (1779). Họ Nguyễn ở xã
Tiên Điền (Nghi Xuân) có cha là Nguyễn Nghiễm đỗ Đệ nhị giáp năm 1731, con là
Nguyễn Khản đỗ Đệ tam giáp năm 1760.
Trong các họ xứ
Nghệ thì họ Hồ ở Nghệ An (với hai nhánh chính là họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu
và họ Hồ ở Thổ Thành (Yên Thành) là họ có thành tích khoa bảng đông đảo nhất.
Theo số liệu của Đào Tam Tỉnh1 kể từ nhà Trần đến Nguyễn họ Hồ có
tổng cộng 14 Tiến sĩ. Người mở đầu truyền thống khoa bảng dòng họ này là Trạng
nguyên Hồ Tông Thốc đời Trần. Hiện tại trong văn bia Quốc tử giám có 5 Tiến sĩ
họ Hồ: đầu tiên là Hồ Bỉnh Quốc đỗ Đệ nhị giáp chế khoa xuất thân năm 1577 (Hồ
Bỉnh Quốc quê ở xã Bình Lãng, huyện Thiên Lộc, Hà Tĩnh. Gốc gác của ông vốn là
họ Hồ Quỳnh Lưu, vì ông nội là Hồ Tông Thành đã chuyển từ Quỳnh Lưu sang lập
nghiệp ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh), sau đó là Hồ Sĩ Dương (đời thứ 9) đỗ Đệ tam giáp
năm 1652, Hồ Phi Tích đỗ Đệ nhị giáp năm 1700, Hồ Sĩ Tân đỗ Đệ tam giáp năm
1721, Hồ Sĩ Đống đỗ Đệ nhị giáp năm 1772 (Hội nguyên).
Trong hơn 100 Tiến
sĩ Nho học Nghệ An có tên trên văn bia Văn Miếu, có 4 người Phan Huy Chú chọn
ra để xếp vào mục Nhân vật chí trong Lịch triều hiến chương loại chí,
coi như những gương mặt tiêu biểu nhất của trí thức xứ Nghệ có đóng góp cho
quốc gia. Đó là Dương Trí Trạch, Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Nghiễm, Ngô Trí Hòa.
Nhìn chung đội ngũ khoa bảng Nghệ thời Lê sơ Lê Trung hưng chủ yếu đều đóng góp
về phương diện quan trường, giữ các vị trí quan trọng trong quan nghạch triều
đình. Số lượng các nhà khoa bảng có trước tác tiếng tăm để lại cho đời không
nhiều (Phạm Nguyễn Du, Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Văn Giai…). Một khi đã kết thúc giai đoạn học tập
quyết khoa, thì làm quan, gánh vác chính sự là bổn phận chính của họ. Nhìn từ
phương diện này, có thể nói khoa cử xứ Nghệ đã cung cấp cho chính quyền phong
kiến trung ương một đội ngũ quan lại cao cấp dồi dào, có tài năng và chí tiến
thủ để đảm đương các loại công việc quản lý-hành chính-giáo dục đương thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét