Minh Thùy
Từ sình lầy, ông Dương Đình Phúc biến thành khu
sinh thái ở Hà Tĩnh với ao hồ, cây xanh, chim muông… Gần chục năm, ông tiêu tốn
hàng chục tỷ đồng gọi cò về phố, mong có nơi cho người dân thưởng ngoạn.
Chi
đậm cho "ý tưởng điên rồ"
Đang
làm mưa làm gió với những gói thầu làm đường cả trăm tỷ đồng, bỗng dưng Dương
Đình Phúc chuyển sang làm sinh thái. Giới làm thầu ở Hà Tĩnh thời điểm đó cho
rằng, ông Phúc đang “nổ” để phô trương thanh thế của công ty. Còn người thân
tín của ông lại tìm cách ngăn cản ý tưởng điên rồ ấy.
Cái
thị xã Hà Tĩnh chỉ vẻn vẹn vài phường bé tí hồi đó, quán cơm còn vắng hoe,
huống chi nói đến mô hình sinh thái du lịch. Ấy vậy mà ông Phúc làm thật.
Sau
nhiều ngày thị sát, địa điểm ông chọn cũng lạ chẳng kém ý tưởng ban đầu. Đó là
vùng đất nằm rìa thành phố, sình lầy bùn đất. Ngày động thổ, thắp được nén
hương, ông phải cho người dong thuyền ra giữa đầm đóng cột, rồi lập bàn thờ
giữa không trung.
Cởi
bỏ chiếc sơ mi trắng phẳng lì, ông cùng công nhân lao vào khoanh vùng với 10ha
đầm lầy được thành phố đồng thuận cho thuê.
“Thực
tình, đến tận bây giờ, tôi không nghĩ mình sẽ làm được đến mức này. Cả ngày
ngụp lặn với bùn đất, đêm về, người đau bầm dập. Nhiều lúc nghĩ buông xuôi,
nhưng hình ảnh các cụ già, cháu nhỏ đạp xe nô đùa ở công viên như tiếp thêm sức
mạnh”, ông Phúc bộc bạch.
Hơn
năm trời, ông lặn lội lên tận miền rừng Hương Khê, Vũ Quang, đến từng ngọn núi
để chọn đất, đá. Hàng trăm ngàn chuyến xe được ông Phúc huy động ở các công
trình, nơi ông làm chủ thầu, quy tụ về. Bất kể ngày đêm, tiếng máy nổ, đất đá
đổ ầm ầm như xé toang màn đêm giữa vùng sình lầy đen kịt.
Khi
mặt bằng tạm ổn cũng là lúc thời điểm bất động sản lên giá. Mọi người lại có
dịp xôn xao, ông Phúc được lãnh đạo tỉnh "bật đèn xanh" lấy đất san
lấp để chia lô bán nền. Rồi kiện tụng, rồi tung tin nói xấu, ông vẫn mặc.
“Mình
làm việc lớn, để ý chi những việc lặt vặt đó”, ông Phúc cười điềm tĩnh, nói.
Thế
rồi, khi doanh nghiệp đổ xô vào kinh doanh bất động sản, ông Phúc lại tiếp tục
lên rừng tìm đá, cây. Ngay từ cổng vào, người tinh ý nhận ra cá tính riêng của
ông chủ nơi đây.
Những
tảng đá đen sì được khớp nối với nhau một cách tỉ mẩn, xem ra đơn sơ mà vững
chãi. Những cây lộc vừng, chuối rừng, si, sanh được mọc lên xanh tốt giữa vùng
sình lầy năm xưa.
Ý
tưởng ban đầu chỉ dừng lại ở cây cối, ao hồ nhỏ lẻ, nhưng khi cây bắt đầu xanh
tươi, kế hoạch làm kiểu bán đảo nằm giữa ao hồ mờ ảo giữa sóng nước bao la hiện
ngay phía trước.
Nghĩ
là làm, hàng trăm công nhân được huy động ngày đêm múc đất. Mấy tháng trời quần
quật của sức người và máy móc, hình hài một hồ lớn gần ba héc ta với hai hòn
đảo nổi hiện ra. Xung quanh được kè chắn bởi những tảng đá nặng cả chục tấn nằm
chồng lấn lên nhau như sự sắp xếp của tạo hóa.
“Tiền
công săn đá, thuê máy cẩu, máy đào, xe tải hạng nặng chở những tảng đá này lên
đến hàng tỷ đồng chứ bỡn”, ông Phúc nói.
Sau
hơn năm làm việc cật lực, bán đảo này cũng chỉ mới kè chắn được hơn nửa. Để có
những bức kè chắn kiểu tự nhiên như hôm nay quả là kỳ tích của chủ nhân.
Đưa
cò về phố
Nếu làm kinh tế, tôi không dại bỏ ra hàng chục
tỷ đồng vào cái ao hồ, chim chóc này. Dương Đình Phúc gần 60 tuổi rồi, tiền
nhiều để làm gì. Sau này, các cháu đạp xe ven hồ, ngắm cảnh, thượng ngoạn
chim muông nơi đây, biết được có một ông Phúc góp đá, trồng cây ở đây là tôi
toại nguyện lắm
Ông Dương Đình Phúc
|
Hơn bảy năm quần quật xây dựng, hỏi chủ nhân đến khi nào cho
khai trương, mở cửa đón khách, ông chỉ cười nhẹ: “Mình làm cái này đâu phải để
kinh doanh hốt bạc như mọi người đồn ra đoán vào”.
Ông
Phúc nhẩm tính sơ sơ, đến nay, khu sinh thái ông đang theo đuổi
"ngốn" hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, khi nhắc đến thành quả lớn nhất
nhận được từ khu sinh thái này, ông lại tửng tưng: “Đó là đàn cò trắng. Tài sản
vô giá trong đời tôi. Vài chục nghìn bạc mua được đôi cò vặt lông ngoài chợ,
nhưng cả nghìn tỷ đồng không mua nổi một con cò trong bán đảo của tôi”.
Như
để minh chứng cho lời nói của mình, ông nhờ một công nhân đang trồng cỏ pha ấm
trà mạn, bê đặt lên tảng đá kè, ngồi hàn huyên. Sau vài chầu trà cũng là lúc
trời ngả chiều, cái lạnh của đá, hơi nước, sương chiều mỗi lúc một buốt hơn.
Từ
phía Tây, từng đàn cò trắng, sau một hồi chao liệng trên bầu trời, lao thẳng về
đậu kín trên hai hòn đảo giữa hồ. Tiếng gọi bạn, tiếng gập cánh làm huyên náo
một vùng trời.
Cái
duyên ông đến với đàn cò cũng lạ. Khu sinh thái được bao bọc xung quanh với cây
keo kín mít, chỉ thích hợp cho những loài chim ưa sự kín mít để ẩn náu mới tìm
đến. Nào ngờ, vào một buổi chiều khi ông cùng công nhân đang vệ sinh ao hồ,
bỗng nhiên từ trên đảo hai chú cò trắng vỗ cánh bay ra.
Hình
bóng cò in xuống dòng sông, làm ông sực nhớ đến những đàn cò ập về mỗi khi gió
đông bắc tràn xuống, lúc còn cắp sách đến trường. Phải làm gì để gọi cò về đảo,
luôn thôi thúc ông.
Sau
nhiều lần tham khảo bạn bè, ông lại lặn lội xuống các xã vùng biển mua ruốc,
tép làm thức ăn mồi cò về. Để thức ăn sạch sẽ và đàn cò dễ thích nghi, hằng
ngày, sau khi đàn cò đi ăn, ông lại đi mua chiếu cói về giặt sạch, trải xuống
đất, rồi rải tép lên trên đem đặt khắp các đảo.
“Vài
ngày đầu thấy cò không về, tôi nghĩ hay là tại mình xuất hiện trên đảo nên nó
sợ. Nào ngờ, sau vài con ban đầu, giờ đếm không xuể”, ông Phúc nói.
Khi
chén trà mạn bắt đầu tan nóng cũng là lúc đàn cò yên vị trên những cành cây.
Hai hòn đảo nhỏ lúc này phủ một màu trắng.
Cũng
ít ai nghĩ, chính cái đàn cò này đã đem lại cho ông Phúc không ít tai tiếng.
Sau khi mọi người kháo nhau cò kéo về vườn ông Phúc nhiều, người dân đua mua
súng vào săn. Ban ngày còn dễ canh giữ, nhưng khi màn đêm buông xuống, cũng là
lúc ông cùng công nhân phải căng mình tuần tra. Sau nhiều lần vận động, thuyết
phục không được, ông đành phải làm căng báo các cấp chính quyền và nhờ công an
can thiệp.
“Nhiều
đêm, trời lạnh buốt, nghe tiếng động là phải lao ra phía hồ. Thấy cò đang ngủ
yên mình mới an lòng”, ông Phúc trải lòng.
Thế
nhưng, cũng nhiều đêm vắng chủ, các tay súng làm càn, lội ra đảo săn cò. Cũng
vì thế mà nhiều tay săn cò bị công nhân bắt giữ đem nộp công an. Vin vào cái cớ
này, nhiều người xấu bụng vu khống ông Phúc bắt người nhốt trong khu sinh thái
tạo dư luận xấu.
“Người
xấu trước sau gì cũng rõ trắng đen. May người dân sống xung quanh đang còn
nhiều người tốt. Nếu không tôi không có cơ ngơi như ngày hôm nay”, ông chủ khu
sinh thái tâm sự.
Gần
chục năm miệt mài xây dựng khu sinh thái với hàng chục tỷ đồng là minh chứng rõ
nhất cho cái tâm nguyện của Dương Đình Phúc. Hóa ra, cái ý tưởng ông “nổ” đã
thành hiện thực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét