28 tháng 2, 2013

SỢ ĐÁNH MẤT CÁI "VŨ KHÍ" KHÔNG CÓ !?



* BÙI VĂN BỒNG


Hôm mới đây, ngồi nhăm nhi li rượu đầu năm mới tại nhà ông Trần Cường (Ba Cường)*, Bí thư chi bộ trong khu phố.
Ông Cường bộc bạch:
- Đọc báo, thấy bài viết nêu lên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói với một bí thư chi bộ, rằng: “Mỗi đảng viên đừng bao giờ đánh mất vũ khí của mình, vũ khí của chúng ta là dám nói lên sự thật…”. Không dám đâu. Ai cho tôi vũ khí đó mà bảo tôi đánh mất? Tự nhiên mất cái không có à? Nói thẳng nói thật không dễ đâu? Khi mình nói, ông Tư Sang có mặt ở chi bộ, đảng bộ cơ sở để nghe không? Nói mần chi mà thêm chuốc vạ. Như tui đây nè, làm bí thư chi bộ, có tham gia ký tên vào đơn tố cáo bà Năm Vàng khai man, chạy chọt lên Sở LĐ-TB-XH và thành phố để làm giả hồ sơ thương binh, hưởng chính sách “chui” đã mấy chục năm nay. Thế mà, tui bị Đảng ủy cấp trên bắt làm bản kiểm điểm. 
            Nghe Ba Cường nói vậy, thấy lạ, tôi mới hỏi:
- Khiếu nại, tố cáo là quyền của mọi công dân, sao đảng viên không được dính vào?
             Ba Cường lắc đầu:

- Thì dzậy đó, tui cũng thấy không hợp lý chút nào. Tui hỏi liền: 'Tui sai chi?'.  Ông Bí thư Đảng ủy nói:
- Trên chỉ đạo phải kiểm điểm anh, vì anh vi phạm 19 điều đảng  viên không được làm, trong đó có quy định đảng viên không được ký tên vào đơn khiếu kiện, tố cáo”. Ông ta dẫn ra: “Quy định thứ 4 trong 19 việc đảng viên không được làm, có câu: “Cùng người khác tham gia viết, ký tên trong một đơn tố cáo” . Thế là ông vi phạm rồi còn gì?
            Dừng một lát, gắp mấy củ kiệu muối “đưa mồi”, nhắp chút rươu, Ba Cường nói:
- Cho nên, vì thế, bởi dzậy: “Hổng dám dùng vũ khí của ông Tư Sang đâu! Không khéo bị quy chụp  tội tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép!...  

Theo báo Sài Gòn giải phóng ngày 13-2-2013: Tới thăm, chúc tết gia đình GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những đóng góp tích cực và hiệu quả trong nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học của giới trí thức, khoa học tại TPHCM và cá nhân GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn đối với sản xuất và đời sống của đất nước những năm qua…
“Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để giới trí thức, khoa học cống hiến tài năng, trí tuệ của mình cho công cuộc xây dựng đất nước. Mỗi trí thức, nhà khoa học hãy biến những say mê, trí tuệ, ước mong cống hiến của mình cho sự nghiệp của dân tộc. Dân tộc đang rất kỳ vọng, trông đợi những thành quả lao động trí óc, những sáng tạo của giới trí thức, khoa học cho sự phát triển vững bền của đất nước” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
               …Thăm nhà của GS.TS Phan Thị Tươi, khi nghe bà Tươi giới thiệu chồng mình - ông Hoàng Thái Lai, đã nghỉ hưu nhiều năm nay, hiện là Bí thư Chi bộ khu phố 2, phường Thảo Điền (quận 2), Chủ tịch nước hỏi:
- Đồng chí có gửi gắm gì không?
- Tôi mong mỗi cán bộ lãnh đạo hãy làm đúng những gì đã nói.
- Đúng, làm đúng những gì đã nói đang là thách thức rất lớn đối với chúng ta hiện nay
… “Từ trước đến nay, chúng ta có “cái bệnh” rất lớn là không dám nói lên sự thật. Hôm nay nghe đồng chí bí thư chi bộ khu phố nói, tôi thấy đấy là sự thật, một sự thật ở ngay trong dân. Chắc chắn người dân đã gửi gắm rất nhiều vào đồng chí bí thư, nên hôm nay tôi mới nghe được gửi gắm của dân mong muốn mỗi cán bộ, đảng viên phải làm đúng những gì đã nói. Đây là tiếng nói của lòng dân, Đảng hiểu dân nói mới là thước đo niềm tin chính xác nhất. Nhiều cán bộ không muốn nghe sự thật và không dũng cảm nói lên sự thật là vì lợi ích. Người dân cũng kỳ vọng vào Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng kỳ này của Đảng ta không ngoài mong muốn chúng ta phải sửa những khuyết điểm, yếu kém. Mỗi đảng viên đừng bao giờ đánh mất vũ khí của mình, vũ khí của chúng ta là dám nói lên sự thật…”.
             Nhưng, người ta vẫn nghi ngại. Không ai nói là Chủ tịch nước cũng nói dối, mà chính ông đã không dám nói thật cho rõ "đồng chí X là ai?". Nhiều bộ luật rất sáng rõ, nhưng chính quyền lại không làm theo luật, vậy ai dám nói thẳng ra? Đương kim tại vị Chủ tịch nước có quyền lớn nhất về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhất là về mặt pháp chế mà Hiến pháp đã quy định quyền hạn, ông cũng không dám nói thật, có mạnh bạo và kịp thời ra ngay các quyết định minh oan cho người ngay và xử lý những cơ quan, những cán bộ cố tình làm sai luật. Vậy, tuy chủ tịch không nói dối, nhưng lại không dám nói thật, và nhất là hứa hẹn với bà con rất chi là kêu và có lý, nhưng sau đó lại không làm, hoặc sai người khác làm kéo rê, câu dầm chẳng đi đến đâu. Cho nên, dân nói là "không dám sử dụng vũ khí sự thật đó đâu!". Biết đâu, chẳng phải đầu cũng phải tai, bị quy tội "tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép!". Vậy nên, như ông Bí thư chi bộ Trần Cường nói đúng: “Ai cho dùng loại vũ khí đó mà sợ đánh mất?”.

Hà Tĩnh: Bắt được cá lạ rất hung dữ


 “Hai anh em tôi thấy cá trườn trên rãnh nước cạn, cạnh Vực Miệu thuộc Phân thủy Sông Tiêm dưới chân núi Giăng Màn Thác Vũ Môn. Khi người vật lộn để bắt, cá tỏ ra rất hung dữ”.       

                                
Lúc 8h30 phút sáng  hôm nay 27/2/2013, trên đường lái xe ô tô đi chở hàng anh Hoàng Văn Kiều 37 tuổi cùng em trai ở thôn Vĩnh Hưng xã Hương Vĩnh huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phát hiện 1 con cá to đang lóc lách trườn theo rãnh nước cạn tại Vực Miệu cách nhà 1km. Anh cùng em trai chạy tới, đột ngột thấy người con cá tỏ ra rất hung dữ trườn nhanh theo rãnh nước để trốn thoát. Anh Kiều liền bảo em trai phải giữ chặt miệng cá đề phòng nó cắn. Sau 30 phút vật lộn, hai anh em họ mới đem được con cá lên xe chở về nhà.
Con cá lạ này nặng 7,8 kg, dài gần 1,2m, đầu cá dài hơn 30cm, miệng và răng giống như cá sấu, mình trơn, vây và đuôi màu đỏ, không có vây trên lưng, trên mình cá màu vàng nhạt, dưới bụng màu trắng, da giống như da rắn, hai mắt đỏ lừ.
Anh Kiều dùng thuyền gỗ đổ đầy nước và dùng vòi ôxy để cá thở, Hiện tại con cá đang rất khỏe mạnh, hễ người sờ tay là cá vùng vẫy và phản ứng mạnh. Các bậc cao niên xứ sông nước chuyên nghề đánh bắt cá dọc Sông Tiên, sông Ngàn Sâu bảo rằng từ xưa tới nay chưa ai bắt được con cá nào có hình dạng  giống như con cá này.
 Được tin anh Kiều đầu năm bắt được con cá lạ,  hàng ngàn người dân trong xã và các vùng lân cận hiều kỳ đổ xô về xem. Nhiều người dùng các phương tiện ghi hình, chụp ảnh cá lạ và trầm trồ truyền tụng nhau những suy đoán  ly kỳ về con cá này.
 Hiện tại có thương lái đã trả giá con cá  7 triệu đồng nhưng anh Kiều chưa muốn bán. Anh bảo: “Trước mắt, tôi để chăm sóc con cá này đã. Cũng có thể  ai đó xin con cá về nuôi phục vụ cho việc nghiên cứu, khảo nghiệm thì tôi cho cũng nên…”
                      Dưới đây là một số hình ảnh về con cá lạ:









27 tháng 2, 2013

GÓP Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO HIẾN PHÁP

GS PHAN ĐÌNH DIỆU





Kính thưa tất cả các  quý vị đại biều,
Tôi xin phép có một số ý kiến tham gia cuộc thảo luận về dự thảo Hiến pháp.
Ý KIẾN THỨ NHẤT: Chúng ta đang sống trong một tình hình mà đất nước và thế giới có rất nhiều vấn đề cần được nhận thức và lý giải một cách tỉnh táo. Về những khó khăn của đất nước, tôi xin không phải nói lại. Nhưng vấn đề cốt lõi là hiện nay đất nước đòi hỏi gì? Theo tôi nghĩ, cái lớn nhất mà đất nước đòi hỏi là phải phát huy được tất cả mọi năng lực của tất cả các thành viên cùa dân tộc trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp, tự cường để đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng và tiến kịp với thế giới. Phải trên cơ sở phát huy thật sự mọi năng lực của dân tộc thì mới có thể tận dụng được những thành tựu của thế giới hiện đại, tận dụng được những khả năng hợp tác với bên ngoài, và do đó, mới có thể sử dụng được mọi thuận lợi để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, có cuộc sống no ấm hạnh phúc trong cộng đồng thế giới đang bước sang một giai đoạn văn minh mới.
Tôi nói điều đó bởi vì hiện nay, trong điều kiện mở cửa, nhiều khi ta hy vọng quá nhiều vào những quan hệ với nước ngoài, đầu tư của nước ngoài, v.v… Điều đó là hết sức quan trọng, nhưng cái quan trọng hơn nữa, cái cốt lõi nhất là phài làm sao phát huy được mọi năng lực của chính bản thân chúng ta. Bởi vì dân tộc ta, nếu không phát huy được năng lực của chính mình, thì dù người nước ngoài có ồ ạt đầu tư vào, chúng ta cũng chỉ đóng vai trò của những kẻ đầy tớ hèn mọn mà thôi. Cho nên vấn đề làm chủ, vấn đề phát huy thật sự năng lực của mọi thành phần của dân tộc, không phân biệt đối xử, không có hận thù, hòa giải, hòa hợp, mới là cái cốt lõi, cái cơ bản nhất. Năng lực ấy chúng ta có. Còn thi hành bất kỳ một chính sách phân biệt nào, bất kỳ sự chia rẽ nào, bất kỳ sự duy trì tình trạng đối địch thù hận nào, cũng đều nguy hiềm cho quá trình đoàn kết để chấn hưng đất nước. Vì vậy, Hiến pháp, theo tôi nghĩ, cần phải được bàn trên tinh thần đó, tạo điều kiện cho xã hội Việt nam tiến theo hướng đó. Và cũng cần nói thêm rằng với tư cách một bộ luật cơ bản, cao nhất, thì hiến pháp phải thực sự là bộ luật cơ bản và cao nhất, không có bất kỳ một thứ luật nào khác, thành văn hay không thành văn, cao hơn nó.
Ý KIẾN THỨ HAI: Vậy những đòi hỏi đó của đất nước hiện nay cần được phản ánh trong thể chế xây dựng nhà nước, tức là được phản ảnh trong Hiến pháp, như thế nào?
Như chúng ta đã biết, qua sự vận động của đất nước ta cũng như trên thế giới vừa qua, thì điều đã rõ là chúng ta phải từ bỏ mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ để xây dựng một đất nước, một thể chế có nền kinh tế thị trường thật sự (dĩ nhiên là có sự điều tiết của nhà nước) và một chế độ chính trị dân chủ đoàn kết dân tộc, có nghĩa là một xã hội dân sự và một nhà nước dân chủ pháp quyền. Vì thế, ở đây có nhiều vấn đề cần phải dứt khoát và phải có những quan điểm rõ ràng. Bởi vì, nếu theo hướng đó thì rõ ràng chế độ xã hội chủ nghĩa với tư cách là một thể chế xã hội, tức là một hình thái tổ chức xã hội trong đó chế độ sở hữu công cộng là cơ bản hay gần như là duy nhất, trong đó nền kinh tế được quản lý tập trung bằng kế hoạch thống nhất của nhà nước, trong đó có một chế độ chính trị do một đảng lãnh đạo theo mô hình chuyên chính vô sản, đã chứng tỏ là không thể duy trì được nữa và là sự cản trở cho mọi tiến bộ của dân tộc. Và cũng như đã được chứng tỏ, nó là sự cản trở và đã bị phá bỏ ở nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, chúng ta phải dũng cảm để nhận thấy rằng chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình đó, tức là theo chủ nghĩa Mác – Lênin, không còn đáp ứng được mục tiêu phát triển của dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Một vấn đề đặt ra là có thể chăng cố gắng kết hợp một nhu cầu không thể bác bỏ được là phát triển nền kinh tế thị trường với một ý đồ duy trì thể chế chính trị “xã hội chủ nghĩa” kiểu chuyên chính vô sản do một đảng lãnh đạo? Tôi nghĩ, ở đây mỗi thể chế, mỗi cách tổ chức xã hội có logic của nó và trong mỗi logic đó có những yêu cầu về tính nhất quán của nó. Không thể dễ dàng từ bỏ một số yếu tố này mà lại giữ nguyên một số yếu tố khác. Thực tế mấy năm qua cho thấy trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, nhưng vẫn giữ sự độc quyền lãnh đạo, thì không phải chúng ta phát huy được tính tích cực của cả hai thể chế đó, mà thật ra xã hội đồng thời chịu tác động tiêu cực của cả hai thể chể. Bởi vì, trong một nền kinh tế không có hàng hóa thì người ta không thể dùng quyền để bán đi được. Nhưng một nền kinh tế thị trường mà vẫn giữ độc quyền thì quyền cũng là một thứ hàng hóa. Và trong mấy năm qua, nạn tham nhũng không thể trị được chính là hình thức kết hợp sự độc quyền và nền kinh tế hàng hóa. Vì không có thứ hàng hóa nào lại dễ ăn dễ lãi như quyền lực. Tham nhũng về thực chất là việc biến một cách phi pháp quyền lực thành hàng hóa. Cho nên không thể kết hợp những yếu tố không thể dung hòa được của hai thể chế để hy vọng tạo ra một hình thái tích cực được. Chúng ta cần nhanh chóng khắc phục những yếu tố cộng lại cái tiêu cực như vậy.
Thật ra, kinh tế thị trường không phải cái gì cũng tốt cả. Kinh tế thị trường cũng có nhiều mặt tiêu cực của nó. Chính vì vậy, để phát triển được nền kinh tế thị trường và để nó có thể phát huy được mặt tích cực và hạn chế được mặt tiêu cực, thì đòi hỏi phải tăng cường luật pháp, đòi hỏi phải có một hệ thống luật pháp thật đầy đủ và có khả năng điều chỉnh mọi mối quan hệ phức tạp trong một xã hội có kinh tế thị trường. Do đó, phải tăng cường luật pháp, tăng cường dân chủ, phải xóa bỏ độc quyền. Để làm được như vậy phải bảo đảm quyền tự do dân chủ, đặc biệt những quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do phê phán của nhân dân. Trong điều kiện đó, tôi đề nghị phải dũng cảm nhìn vào sự thật và có sự lựa chọn khoa học và logic. Trong sự lựa chọn này, tôi hoàn toàn đồng ý với nhiều ý kiến đã được phát biểu là: khi khái niệm chủ nghĩa xã hội theo kiểu cũ không còn thích hợp nữa, còn theo một kiểu mới nào đó thì chúng ta chưa hề định hình được, thì không nên ghi những từ như vậy trong một văn bản pháp luật có tính chất bắt buộc đối với toàn dân trên đất nước này. Chúng tôi đề nghị những thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa Mác – Lênin”, v.v… trong Hiến pháp đều nên tạm gác lại. Có bỏ vĩnh viễn hay không, chuyện đó ta hãy xét sau, nhưng ít nhất là nên tạm gác lại. Tổ quốc này chưa phải là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, tài sản công cộng cũng không phải là “tài sản xã hội chủ nghĩa”, những chữ ấy không mang một nội dung gì cả. Vì vậy chỉ cần nói chúng ta bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, chúng ta xây dựng đất nước Việt Nam, chúng ta bảo vệ tài sản công cộng trên đất nước này, thế là đủ. Ban nãy, Linh mục Vương Đình Bích có nói: vì có sự khác biệt tư tưởng giữa chủ nghĩa Mác – Lênin và tôn giáo, do đó nếu ghi chủ nghĩa Mác – Lênin vào Hiến pháp thì rất khó xử đối với đồng bào tôn giáo. Tôi không theo một tôn giáo nào, tôi là một người làm khoa học, nhưng vì là một người làm khoa học, tôi hiểu rằng trong học thuyết của Mác và cả trong sự phát triển về sau của Lênin có những yếu tố tích cực cần giữ, đồng thời có rất nhiều yếu tố mà thời đại chúng ta đã vượt qua, khoa học đã bác bỏ. Với tư cách là một nhà khoa học, tôi cũng không thể đội lên đầu một chủ nghĩa, xem như nó là một thứ ánh sáng bất biến, một ánh sáng vạn năng chiếu rọi cho mọi tư duy của mình. Chúng ta cũng không nên bắt cả dân tộc ta phải đội lên đầu bất kỳ một chủ nghĩa nào, bất kỳ một cá nhân nào. Dân tộc phải trên hết.
Trên tinh thần đó, tôi nghĩ rằng nếu đặt vấn đề đổi tên nước, thì tôi hoàn toàn đồng ý với anh Lê Đình Hoan phát biểu ban sáng là nên lấy một cái tên cực kỳ đơn giản, nhưng phản ánh mọi tình cảm tha thiết nhất của mọi người dân đất nước này, dù ở bất kỳ góc trời nào, đó là tên NƯỚC VIỆT NAM. Việt nam thôi, không cần có mĩ từ nào bên cạnh cả.
Ý KIẾN THỨ BA: Dẫu biết rằng nhiều người không muốn nói đến một vấn đề khá tế nhị và không phải dễ phát biểu, tôi cũng xin mạnh dạn đề cập. Đó là vấn đề đảng lãnh đạo.
Chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần lựa chọn: Một Hiến pháp theo mô hình chuyên chính vô sản, do Đảng cộng sản lãnh đạo, hay một Hiến pháp dân chủ pháp quyền? Nửa vời thì sẽ tự mâu thuẫn. Tôi không có thì giờ phân tích kĩ ở đây, nhưng rõ ràng có rất nhiều mâu thuẫn trong bản dự thảo Hiến pháp hiện nay. Không chỉ là mâu thuẫn, mà còn có nhiều chỗ phản ảnh không thật và nhiều điều bị che giấu đằng sau những ngôn từ của văn bản. Vì, nếu đã giữ điều 4, tức là giữ điều nói đảng là lực lượng lãnh đạo của Nhà nước và xã hội, thì cần có một chương qui định rõ ràng về đảng lãnh đạo. Để trung thực với dân tộc thì cần nói rõ đảng lãnh đạo là như thế nào? Trong điều kiện đó, quốc hội có còn là cơ quan quyền lực cao nhất nữa không? Hay đảng là cơ quan quyền lực cao nhất, còn quốc hội chỉ là cơ quan thể chế hóa các nghị quyết của đảng? Những điều như vậy cần được ghi rõ thành những điều trong Hiến pháp, có vậy mới sòng phẳng và trung thực với nhân dân. Nếu không làm như vậy, thì Hiến pháp sẽ là hình thức và sự chuyên quyền tùy tiện sẽ thực tế ngự trị như ta đã biết từ trước đến nay. Còn nếu quả thực đã thừa nhận Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì để không mâu thuẫn, phải không có điều 4. Trong trường hợp đó đảng phải giành quyền lãnh đạo bằng sự tín nhiệm, bằng cách ra ứng cử Quốc hội trong cuộc bầu cử thực sự tự do và bình đẳng, và giành đa số trong Quốc hội. Đảng lãnh đạo, như vậy, là phải đứng trong dân tộc, nằm trong dân tộc, cùng với dân tộc để tranh quyền lãnh đạo, chứ không phải tự đặt mình đứng trên dân tộc, đứng ngoài dân tộc, đứng trên Nhà nước để tự áp đặt quyền lãnh đạo của mình. Thế là công minh và minh bạch. Như thế, tôi chắc rằng uy tín của đảng sẽ cao hơn. Biết bao thời kỳ trước đây, làm gì có điều qui định trong Hiến pháp là đảng lãnh đạo, mà đảng vẫn được nhân dân thừa nhận, và rõ ràng uy tín của đảng hồi đó cao hơn cả thời kỳ mà sự lãnh đạo được ghi vào Hiến pháp. Tôi không chống lại sự lãnh đạo của đảng. Tôi mong muốn có một đảng với tư cách là một lực lượng chính trị có tổ chức và có kinh nghiệm, có trí tuệ và có năng lực tập họp, giành được sự tín nhiệm của nhân dân và lãnh đạo đất nước trong một thể chế dân chủ. Nhưng tôi cũng không mong có một đảng tự áp đặt quyền lãnh đạo tối cao, bất chấp mọi luật pháp, đứng trên Nhà nước. Điều đó chỉ làm giảm uy tín của đảng và đưa thiệt thòi đến cho dân tộc mà thôi.
Ý KIẾN THỨ TƯ: Vấn đề quyền con người và quyền công dân. Trong bản dự thảo có một chương dài, nhưng sắp xếp chưa thỏa đáng lắm.
Mỗi chúng ta ở trong xã hội đều có quyền con người và quyền công dân, bởi vì mỗi cá nhân sống trong xã hội với hai tư cách: tư cách là một cá nhân cần được bảo vệ, cần được tôn trọng để tồn tại như một con người cá thể và tư cách thứ hai là như một thành viên của cộng đồng dân tộc. Quyền con người là quyền để tồn tại như một cá thể, quyền công dân là quyền để tồn tại và để góp phần như một thành viên của cộng đồng dân tộc. Những quyền như bất khả xâm phạm, tự do cư trú, tự do tư tưởng, tự do đi lại, v.v… là những quyền con người. Còn quyền công dân cơ bản là quyền tham gia công việc của cộng đồng: tham gia lựa chọn những người xứng đáng vào bộ máy cai quản cộng đồng, tức là quyền bầu cử, ứng cử, quyền hội họp, quyền lập hội.
Nhưng nên nhớ rằng nhân dân không chỉ thực hiện quyền dân chủ thông qua các cơ quan dân cử, nghĩa là cứ 4-5 năm đi bầu một lần là xong. Nhân dân còn có quyền tham gia quản lý nhà nước trong quá trình hoạt động hàng ngày và thường xuyên của nhà nước và của xã hội. Nhưng tham gia bằng cách nào? Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng tập hợp dân lại để lấy phiếu về từng vấn đề. Cũng không phải lúc nào cũng có thể tập họp dân lại để bàn chuyện này, chuyện khác. Vì vậy, quyền cơ bản của dân trong việc thường xuyên phê phán và góp phần vào việc quản lý Nhà nước là thông qua dư luận, tức là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Quyền này cực kỳ quan trọng. Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí không chỉ nằm trong phạm vi quyền con người, mà đây là quyền của nhân dân góp phần vào công việc của cộng đồng. Cho nên chúng tôi đề nghị phải thật sự tôn trọng những quyền này và tạo điều kiện cho những quyền này có vị trí thích đáng. Một xã hội sẽ hoàn toàn tê liệt nếu như không có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, tức là những quyền mà danh từ khoa học gọi là tạo ra những “feedback”, những liên hệ ngược. Trong hệ điều khiển của xã hội, không có nó thì xã hội bị tê liệt và sự thao túng của quyền lực là điều không thể tránh khỏi. Những chuyện tham nhũng, những chuyện đặc quyền, đặc lợi, trong đó có những chuyện tày đình như đã xảy ra trong thời gian vừa qua, sẽ không thể nào khắc phục được, là bởi vì nếu chỉ giao cho những cơ quan quyền lực thì làm sao chống được những tệ nạn mà nguồn gốc chính là từ quyền lực? Những chuyện như hóa giá nhà ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, tại sao không công bố trên báo chí danh sách những người được hưởng nhà hóa giá? Nếu công bố như thế thì sẽ rõ ra ai là người tham nhũng và cần phải chống tham nhũng như thế nào. Cho nên, mối liên hệ ngược, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tự do phát biểu của nhân dân trong đời sống hàng ngày, quyền tạo ra dư luận là quyền cơ bản, rất cơ bản, nằm trong các quyền công dân của chúng ta. Tôi đề nghị trong Hiến pháp các quyền công dân đó được ghi thành một nhóm, còn các quyền con người thì ghi thành một nhóm khác.
Ý KIẾN THỨ NĂM: Về Quốc hội. Muốn quốc hội trở thành cơ quan quyền lực cao nhất, phải có hai điều kiện: 1) đại biểu quốc hội phải có năng lực thật sự để hiểu được quyền lực cao nhất đó và có khả năng thực hành quyền lực đó. 2) đại biểu phải có thì giờ để làm công việc đại biểu của mình. Còn nếu quốc hội chỉ gồm cho đủ thành phần, kể cả những người không hiểu gì về công việc Nhà nước, xuân thu nhị kỳ ngồi với nhau để gọi là có ý kiến về những vấn đề trọng đại của đất nước thì làm sao có “ý kiến” được. Tôi đồng ý đại biểu quốc hội phải có những tiêu chuẩn về kiến thức, năng lực, nhưng cũng phải có tiêu chuẩn này nữa: đại biểu quốc hội phải bảo đảm dành hoàn toàn thì giờ lo việc của quốc hội trong nhiệm kỳ cùa mình. Nếu tự xét thấy không đủ điều kiện đó, thì không nên ứng cử đại biểu. Một Quốc hội làm việc thường xuyên thật sự đại diện cho trí tuệ của dân tộc là hết sức cần thiết để bảo đảm cho Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hiện nay, khi chuyển sang kinh tế thị trường, cần có hệ thống luật pháp thật đầy đủ và hoàn chỉnh, nếu cứ như hiện nay, mỗi năm Quốc hội họp hai lần, mỗi lần chỉ thông qua vài ba luật một cách không đầy đủ trí tuệ lắm, tất nhiên sẽ không bao giờ có đủ luật cho một nền kinh tế phát triển lành mạnh. Mà không có luật đầy đủ và hoàn chỉnh thì chỉ có thể có một nền kinh tế què quặt, chứa đựng rất nhiều tiêu cực hoành hành mà thôi.
Do đó, tôi đề nghị cần thực sự đổi mới việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đặc biệt là việc tôn trọng quyền tự do và bình đẳng trong ứng cử. Quyền ứng cử là quyền bình đẳng của mọi công dân. Chỉ cần thỏa mãn một số điều kiện qui định là đều có quyền ứng cử. Điều kiện đó có thể là người ứng cử phải hội đủ một số chữ ký đề cử của cử tri (có thể là 5 nghìn chữ ký chẳng hạn). Những chữ ký đó có thể là của cử tri trong một đoàn thể hay trên địa bàn dân cư. Việc hiệp thương có thể được tiến hành giữa các đoàn thể để giới thiệu các ứng cử viên chung. Sau đó, cần nộp đơn ứng cử cho ban bầu cử, chứ không phải nộp đơn cho ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc. Mặt trận là một tổ chức của các đoàn thể, không phải là một cơ quan nhà nước để tổ chức bầu cử. Việc lập danh sách bầu cử là của cơ quan Nhà nước về bầu cử ở trung ương và địa phương.
Ý KIẾN THỨ SÁU: Về tổ chức Nhà nước. Đó là vấn đề phức tạp. Chúng ta dường như thích phê phán cái gọi là “tam quyền phân lập” (tức quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp) như là một cái gì đó của chế độ tư bản. Thật ra đó là một hình thức tổ chức nhà nước tiến bộ của loài ngườỉ. Dĩ nhiên, chúng ta có thể theo hoặc không theo, có thể chế biến theo cách này hay cách khác. Theo tôi, trong điều kiện thực tế của chúng ta hiện nay, cần tôn trọng tính chất độc lập của các quyền đó, nhưng có thể không theo một hình thức tổ chức hoàn toàn phân lập. Về quyền hành pháp nên có qui định trách nhiệm cá nhân thật rõ ràng và đầy đủ của thủ tướng. Còn về Quốc hội, tôi đồng ý với những ý kiến như của giáo sư Lý Chánh Trung vừa rồi. Nếu Quốc hội làm việc thường xuyên thì không cần có ủy ban thường vụ Quốc hội, mà chỉ cần có chủ tịch và các phó chủ tịch. Các kỳ họp không nên cách nhau sáu tháng mà phải ngắn hơn. Do đó, cũng không cần ủy ban thường vụ Quốc hội. Chức chủ tịch nước như bản dự thảo trình bày là hoàn toàn cần thiết. Hệ thống hành pháp thì rõ ràng cần phải có sự chỉ đạo tập trung và thống nhất. Do đó, phải bổ nhiệm những viên chức chịu trách nhiệm hành pháp tại các địa phương. Có thể tham gia ý kiến người này, người khác, nhưng phải bổ nhiệm. Và người được bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm trước cấp bổ nhiệm mình.
Ý KIẾN THỨ BẢY: Về vai trò của Mặt trận và các đoàn thể. Tôi đề nghị cần xem xét nghiêm túc là có nên tiếp tục nhà nước hóa các đoàn thể như hiện nay không ? Bởi vì hiện nay, chúng ta cái gì cũng dựa vào nhà nước cả. Thật đau lòng là mỗi khi Mặt trận làm gì, cũng nghe kêu Nhà nước đối xử với Mặt trận như thế này, như thế kia, nhà nước cần có chế độ thế này, thế kia, v.v… Nếu chúng ta là tổ chức quần chúng, tức là một tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của quần chúng, thì cái rễ của chúng ta là quần chúng, chứ không phải nhà nước. Và như vậy, sức mạnh của chúng ta là sức mạnh phản ảnh nguyện vọng, tâm tư, đề nghị của quần chúng, chứ không phải là cái đuôi nhạt nhẽo của bộ máy nhà nước. Tôi đề nghị: trong việc chuyển biến nhà nước thành một nhà nước dân chủ pháp quyền, các tầng lớp nhân dân, các thành phần nhân dân có quyền thành lập các đoàn thể, các hội đoàn của mình một cách hoàn toàn tự nguyện, và điều đó cần được bảo đảm trong hiến pháp về quyền lập hội, thế là đủ. Cũng không cần nêu trong Hiến pháp là có những đoàn thể nào. Đặc biệt, không nên xem các đoàn thể của nhân dân là nằm trong cơ cấu của hệ thống nhà nước, là những thành phần của một hệ thống chính trị chịu sự điều khiển của Đảng và Nhà nước. Dĩ nhiên, như vậy thì các đoàn thể chúng ta cũng phải dũng cảm không ăn lương của Nhà nước. Tôi đề nghị ngân sách Nhà nước chỉ chi cho bộ máy Nhà nước, không chi cho bất kỳ đoàn thể nào. Vì vậy, các cơ quan đảng, các cơ quan đoàn thể không ăn lương từ ngân sách nhà nước.
Cuối cùng, tôi không hy vọng những điều trình bày nói trên sẽ được xem xét phân tích trong một thời gian ngắn, cũng như ý kiến của nhiều vị đã trình bày trong hội nghị này chắc chắn sẽ còn được nghiên cứu kĩ. Như nhiều vị đã phản ảnh, việc thảo luận dự thảo Hiến pháp lần này quá vội vàng, nhân dân chưa có điều kiện góp ý đầy đủ. Do đó, nên chăng lần này chỉ nên đưa ra một số điều sửa đổi Hiến pháp 1980 để tạo thuận lợi cho những công việc trước mắt, ví dụ như những điều khoản về chế độ kinh tế, những điều khoản về vấn đề bầu cử quốc hội, v.v… Còn việc sửa đổi toàn diện để xây dựng một Hiến pháp mới thì giao cho Quốc hội mới tiến hành trong cả nhiệm kỳ sắp tới./.

TÂM VÀ TẦM CỦA ĐB QUỐC HỘI

              Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:
           

Nhân sự kiện 'tứ đại ngu', Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, ĐBQH các khóa VIII, IX, X, trao đổi với Tiền Phong về văn hóa nghị trường, tâm và tầm của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Động cơ xấu sẽ bị lộ
Hiện nay diễn ra xu hướng ngày càng nhiều người phát biểu, nêu chính kiến trên mạng. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Theo tôi, bất kỳ ai cũng có quyền phát biểu chính kiến của mình, dù là trên mạng hay ở ngoài đời thực. Cũng có những người khi không có cơ hội đóng góp trực diện, hoặc ý kiến không được tiếp thu thì họ lên mạng để bày tỏ, nêu quan điểm.
Tuy nhiên, khi phát biểu phải với động cơ trong sáng, vì dân, thì những ý kiến đó cần được trân trọng. Nhưng nếu với động cơ không trong sáng, không vì dân, thì phải phê phán. Cũng có thể có các ý kiến cá nhân với động cơ tốt nhưng do nhận thức còn hạn chế, thông tin chưa đầy đủ thì ta phải góp ý.
Ông có thể cho biết sự khác biệt giữa việc nêu chính kiến, tranh luận với thóa mạ, xúc phạm nhau?
Nói để mà đả kích, để hả dạ, để hạ bệ nhau là vô cùng nguy hiểm. Thường anh kém, anh xấu muốn ngoi đầu lên lại tìm cách hạ bệ anh giỏi xuống. Nếu kẻ nào tìm cách moi móc hạ bệ người khác, sự ngu dốt sớm muộn sẽ bị lộ ra, động cơ xấu xa cũng tự bộc lộ.
Còn nếu mình góp ý để cùng nhau tiến bộ, thì người được góp ý cũng tốt lên mà chính bản thân mình cũng sẽ được nâng tầm lên. Góp ý cho nhau, tranh luận để chỉ rõ cái sai, cái đúng cùng đi đến nhận thức đúng là cần thiết và được trân trọng.
Từng nhiều năm tham gia Quốc hội, theo ông ĐBQH phải giải quyết những mối quan hệ nào?
Hoạt động của ĐBQH không chỉ ngồi trong nghị trường. Hoạt động của ĐB bắt đầu từ việc đi tìm hiểu tình hình, nắm tình hình, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân. Trên cơ sở đó chọn lọc các vấn đề nếu có thể giải quyết được thì giải quyết cho cử tri, nếu vấn đề lớn hơn thì trình ra nghị trường để QH cùng giải quyết.
Trước tiên đối với ĐBQH mối quan hệ với Trưởng, Phó Đoàn đại biểu là mối quan hệ khá nhạy cảm. Do các Trưởng, Phó Đoàn đại biểu QH thường là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh. ĐB phản ánh những ý kiến bức xúc của cửa tri nhiều khi lại liên quan đến vấn đề điều hành của chính, lợi ích của người dân. ĐB QH không đứng trên địa vị của người dân thì không dám đưa ra thảo luận, đấu tranh.
Ba khóa tôi là đại biểu QH của tỉnh Nghệ An, có nhiều ý kiến dân rất đồng tình, nhưng với các Trưởng Đoàn, Phó Đoàn nhiều lúc lại không bằng lòng.
Khi bàn thảo những vấn đề chung trên nghị trường, ông đã gặp những va chạm khó xử nào chưa?
Nếu điều gì động chạm đến lợi ích của người dân, của Tổ quốc, tôi đều thẳng thắn đấu tranh, vì vậy nói về tranh luận, va chạm trên nghị trường thì rất nhiều.
Tại kỳ họp QH khóa IX, một ĐBQH của tỉnh Đắc Lắk khi đó là Giám đốc Lâm trường Gia Nghĩa phàn nàn về việc giải quyết chính sách đối với thương binh liệt sỹ, đồng chí nói rằng “lúc nào cũng bàn về vấn đề chính sách đối với người có công, đâu có thể giải quyết nổi”.
Lúc đó tôi nói luôn: “Đồng chí không đủ tư cách là ĐBQH” và đề nghị QH xem xét tư cách đó. Vì Đắc Lắk cũng là chiến trường mà tôi đã có 10 năm chiến đấu. Và tôi biết rằng lâm trường mà đồng chí đó đang quản lý hôm nay, ngày trước đã có biết bao chiến sĩ đã hy sinh trên đó.
ĐB cần dũng khí, vì dân

Từ thực tiễn sinh hoạt trong QH lâu năm (15 năm-PV), theo ông ĐBQH cần có những phẩm chất gì?
Tôi từng ĐBQH của ba khóa (VIII, IX, X) và qua hai thời kỳ bao cấp và đổi mới. Qua các thời kỳ, các khóa, tôi thấy vai trò vị trí của QH ngày càng được nhìn nhận, nâng cao và làm rõ hơn. Nói như vậy để thấy, vai trò của ĐBQH càng ngày càng quan trọng.
Theo tôi phẩm chất quan trọng mà ĐBQH cần có là tấm lòng vì dân và dũng khí.
Thứ nhất, ĐBQH trong trái tim phải có người dân, phải đau đáu việc dân sướng khổ thế nào. Và ĐBQH hoạt động trên tinh thần đem lại lợi ích cho người dân, lợi ích quốc gia. Thực tế, cũng có người hiểu như vậy rồi, nhưng ra nghị trường chưa hẳn đã làm được. Vì vấn đề lợi ích của dân và vấn đề lợi ích của chính quyền đôi lúc có mâu thuẫn nhất định.
Yếu tố thứ hai là phải có dũng khí của người cách mạng. Nếu không có dũng khí không thể đem bức xúc của người dân ra nghị trường, và không dám đấu tranh đến cùng vì quyền lợi của người dân.
Nghị trường lắm khi ác liệt hơn chiến trường
Nhiều người đang đặt ra vấn đề nâng tầm cho các ĐBQH, theo ông vấn đề mấu chốt nằm ở đâu?
Đặt ra vấn đề nâng tầm cho ĐBQH thì phải chỉ rõ cái tầm đó xuất phát từ đâu. Trước tiên phải nói rõ không phải tất cả ĐBQH đều ngang tầm nhau. Tầm của đại biểu là cán bộ xã khác với Bí thư tỉnh ủy, tầm của Thủ tướng khác với Bộ trưởng. Quan trọng là trong nhiệm vụ, chức năng của mình. Người đại biểu ở mỗi cương vị của mình phải phản ánh được bức xúc của người dân để bảo vệ lợi ích của người dân.
Tầm phải luôn xuất phát từ tâm của mình. Có thể có những người chỉ là một bác sĩ ở một bệnh viện tỉnh, nhưng họ dám đấu tranh cho lợi ích của người dân, người bệnh vẫn tốt hơn cái tầm của một vị Bộ trưởng mà không làm được gì cho dân.
Vừa là một vị tướng đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau, lăn lộn ở nhiều chiến trường ác liệt, cũng vừa là một đại biểu được đánh giá là sắc sảo, thẳng thắn, quyệt liệt suốt ba nhiệm kỳ QH, ông thấy ở vai trò nào khó hơn?
Là người lính, vị tướng hay là ĐBQH, mỗi vị trí đều có những điểm khó.
Cái khó của người lính là đứng giữa sự sống và cái chết, giữa thắng lợi và thất bại.. Người lính nằm trong mối quan hệ với cấp trên, cấp dưới và chiến đấu với kẻ thù, mọi thứ đều rõ ràng rành mạch. Tôi cho rằng người lính chiến đấu ngoài mặt trần dù ác liệt nhưng dễ dàng vượt qua sự khốc liệt đó. Vì nhiệm vụ của người lính là bảo vệ Tổ quốc và tiêu diệt kẻ thù. Họ chỉ có lựa chọn là chiến đấu để đem lại chiến thắng hoặc hi sinh, chứ không bao giờ đầu hàng.
Đối với ĐBQH, vừa là đại diện cho người dân, đấu tranh cho quyền lợi của người dân. Nhưng mặt khác họ lại là người của tổ chức, của Đảng, Đoàn, chính quyền. Đôi khi những lợi ích của người dân chưa chắc đồng nhất với lợi ích của cơ quan quản lý nên phải xử lý hài hòa, thấu tình đạt lý.
ĐBQH nằm trong mối quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, quan hệ trên dưới. Mỗi việc làm, quyết định, phát ngôn của ĐBQH không chỉ liên quan tới hôm nay mà còn cả ngày mai.
Để an thân, để khỏi rách việc cũng có đại biểu chọn giải pháp im lặng, nhưng như thế thì chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân! Người đại biểu phải có dũng khí vượt qua những mối quan hệ phức tạp nói trên, phải đấu tranh vì quyền lợi của người dân, phải là người đại biểu chân chính của nhân dân.
Theo tôi, nếu không làm được điều đó thì nên nghỉ. Nói như vậy để thấy dũng khí ở nghị trường khó đạt hơn so với ở chiến trường và nhiều khi nghị trường còn ác liệt hơn ở chiến trường.
Xin cảm ơn Trung tướng?
N.C.Khanh (thực hiện)






BAN NỘI CHÍNH TW - Bước khởi hành "mã đáo"



Hồng Chính Quang

Bắt đầu từ hôm nay, Ban Nội Chính Trung ương chính thức đi vào hoạt động, sự kiện này đang được rất nhiều người dân trên cả nước quan tâm chú ý. Trao đổi vớiGiáo dục Việt Nam về vấn đề này, bà Bùi Thị An – Đại biểu QH TP. Hà Nội chia sẻ: “Việc tái lập Ban Nội chính Trung ương là một sự cân nhắc rất cẩn trọng của Bộ Chính trị, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Việc này đã đáp ứng mong muốn của dân nói chung cũng như ý muốn của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng.
Trong công tác quản lý nhà nước giai đoạn vừa qua, tuy có thu được nhiều thành tựu nhưng bên cạnh đó còn một số vấn đề tồn tại. Ban Nội chính Trung ương đã được tái lập với những chức năng rõ ràng làm cho mọi người không chỉ đối với các Đảng viên mà đối với nhân dân cả nước có một niềm tin rằng Ban sẽ có đóng góp tích cực trong quá trình phát triển đất nước và trước hết là trong quá trình nâng cao, củng cố vị thế và lòng tin của Đảng đối với dân”.
Nói về vị tân Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, bà An cho biết: “Trong suốt quá trình làm việc, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã có công rất lớn đối với Đà Nẵng dù trong quá trình làm việc không thể tránh khỏi điều nọ điều kia.
Nhìn tổng thể thấy nhân dân Đà Nẵng ghi nhận sự đóng góp của đồng chí Nguyễn Bá Thanh: Bộ mặt TP. Đà Nẵng thay đổi, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao và một loạt vấn đề liên quan đến sự phát triển của Đà Nẵng mang tính bền vững. Không những nhân dân Đà Nẵng mà những người qua lại Đà Nẵng cũng ghi nhận những sự thay đổi đó”.

Bày tỏ sự hy vọng vào ông Nguyễn Bá Thanh, bà An nói tiếp: “Tôi hy vọng đồng chí Nguyễn Bá Thanh với những kinh nghiệm trong đó bao gồm cả những thành công và cả sự va vấp trong quá trình lãnh đạo Nhân dân và Đảng bộ Đà Nẵng vững mạnh sẽ tiếp tục phát huy trên cương vị mới. Đó là người có bản lĩnh và sẽ thể hiện được khả năng của mình trong tầm vĩ mô hơn”.
Khi được hỏi về những thuận lợi của Ban Nội chính Trung ương khi được tái lập và tân Trưởng ban Nguyễn Bá Thanh trong bối cảnh hiện nay, bà Bùi Thị An cho rằng: “Thuận lợi lớn nhất dành cho đồng chí Nguyễn Bá Thanh cùng Ban Nội chính Trung ương là sự ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân mà trước nhất là từ Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Thứ hai là những kinh nghiệm của vị tân Trường ban khi đã qua một giai đoạn dài lãnh đạo một địa phương không phải ít “gai góc” như Đà Nẵng, giúp Đà Nẵng phát triển khá vững chắc”.
Tuy nhiên, Bà An cũng cho rằng, trước vấn đề tham nhũng nghiêm trọng và công tác cán bộ có vấn đề khi đã có nhận định cho rằng 30% cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô” về thì Ban Nội chính Trung ương sẽ gặp không ít khó khăn. “Đó là môi trường làm việc khi đồng chí Nguyễn Bá Thanh khi chuyển từ một địa phương (ở tầm nhỏ) ra Trung ương (ở tầm lớn hơn rất nhiều) với những đặc điểm khác hẳn nhau. Tất nhiên, với tầm nhìn của mình, đồng chí Nguyễn Bá Thanh sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi ban hành những chủ trương trong quá trình lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương.
Còn trong công tác phòng chống tham nhũng, đó là việc vô cùng cam go, khó khăn. Giặc ngoại xâm còn nhìn rõ hình thù, nhưng tham nhũng vẫn được ví như giặc nội xâm thì rất khó nhận biết và xử lý vì nó tồn tại ở ngay trong nội bộ của mình. Sự khó khăn trong công tác chống giặc nội xâm còn thể hiện ở chỗ, chính đồng chí ấy sẽ phải chống lại những cán bộ thoái hoá biến chất có chức, có quyền trong đó có thể có cả những người đồng chí của mình”.
Còn về những áp lực mà ông Nguyễn Bá Thanh có thể gặp phải trong quá trình làm việc, bà An nói: “Việc có sức ép là chắc chắn có và bất kỳ công việc nào cũng có sức ép. Chỉ có điều, nếu vì một mục tiêu trong sáng và vì lợi ích chung thì quan niệm về sức ép sẽ khác đi. Chỉ khi mục tiêu của mình không trong sáng, vụ lợi cá nhân không vì nhân dân, vì Đảng thì sức ép mới lớn đến mức khó có thể hoàn thành nhiệm vụ thôi. 
Trước đây, những người lĩnh ra trận dối diện với bom đạn, với cái chết thì sức ép cũng rất lớn chứ. Nhưng những người lính đó vẫn phơi phới lên đường đi cứu nước vì lý tưởng vì đất nước. Nên tôi nghĩ, trong quá trình làm việc, nếu có phương pháp mềm dẻo mang tính nguyên tắc, kiên quyết thì sức ép nào cũng có thể xử lý được. Tôi tin đồng chí Nguyễn Bá Thanh sẽ vượt được qua những khó khăn và sức ép để có thể tận dụng tốt những thuận lợi hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị mới”.
Hôm qua, 31/1, Ban Nội chính Trung ương tiếp nhận con người, cơ sở vật chất từ Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN). Với hơn 80 nhân sự ban đầu, Ban Nội chính sẽ chính thức hoạt động, đầu tiên là với chức năng cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, kể từ ngày Luật PCTN sửa đổi có hiệu lực 01/2. Việc tiếp nhận tổ chức, bộ máy, nhân sự từ Vụ Pháp luật và Vụ Nội chính - thuộc Văn phòng Trung ương - như quyết định của Bộ Chính trị đã đề ra, sẽ được triển khai sau đó.






Vì sao tháng hai chỉ có 28 hoặc 29 ngày?


Mỗi tháng Dương lịch đều có từ 30 đến 31 ngày, nhưng tháng Hai chỉ có 28 hoặc 29 ngày nếu là năm nhuận, là do giữ nguyên cách tính lịch của người La Mã trước kia.

Lịch La Mã ban đầu ban hành bởi Romulus, vị hoàng đế đầu tiên của thành Rome. Lịch do ông ta ban hành dựa vào chu kỳ của mặt trăng, tức là tương tự như âm lịch của người phương Đông, tuy nhiên chỉ có 10 tháng. 10 tháng của lịch này bắt đầu từ tháng ba và kết thúc vào cuối tháng mười hai (lưu ý rằng cách đánh số tháng 1, 2, 3,... là do cách dịch của người Việt Nam, còn trong nguyên bản của lịch La Mã cũng như cách dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới thì mỗi tháng có tên riêng).
Như vậy một năm chỉ có 10 tháng, tức là có một khoảng thời gian kéo dài hai chu kỳ Trăng không được đưa vào lịch, vì Romulus cho rằng đây là thời gian mùa đông không có ý nghĩa gì với việc làm nông nghiệp nên không cần có quy ước
Khoảng thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, hoàng đế Numa Pompilius là người quyết định đưa thêm hai tháng nữa vào lịch cho đủ 12 chu kỳ Trăng. Mỗi tháng có 28 ngày, làm cho lịch kéo dài đủ 12 chu kỳ Trăng, tổng cộng là 354 ngày. Tuy vậy, Pompilius cho rằng số 28 là con số không may mắn nên sau đó quyết định cho tháng một thêm một ngày thành 29 ngày, còn tháng hai không hiểu vì lý do gì vẫn giữ nguyên chỉ có 28 ngày.
Lịch đặt theo chu kỳ của mặt trăng dần bộc lộ điểm yếu, nó không phản ánh đúng chu kỳ biến đổi thời tiết các mùa, vì chu kỳ này gắn liền với chuyển động của trái đất quanh mặt trời. Vì thế, người La Mã lại quyết định cứ hai năm thì đưa vào thêm một tháng nhuận kéo dài 27 ngày sau ngày 23 tháng hai (những năm đó tháng hai chỉ có 23 ngày).
 Việc thay đổi như trên làm việc tính lịch trở nên rắc rối. Đến khoảng năm 45 trước Công nguyên, Julius Caesar quyết định thay đổi hệ thống tính lịch này. Ông giữ nguyên 12 tháng nhưng thêm ngày vào các tháng để 12 tháng đó trùng với chu kỳ của mặt trời (chu kỳ vị trí của mặt trời trên bầu trời, chứ không phải chu kỳ trái đất chuyển động quanh mặt trời vì thời đó người ta không biết trái đất có quỹ đạo quanh mặt trời).
Caesar cũng đặt quy định cứ 4 năm một lần thì tháng hai lại được cộng thêm một ngày cho phù hợp với chu kỳ của mặt trời được tính ra khi đó là 365,25 ngày, điều này về cơ bản khá gần với chu kỳ thật của trái đất quanh mặt trời, hiện nay chúng ta biết là 365,2425 ngày.
 Có nguồn tài liệu ghi rằng ban đầu theo cách tính lịch của Caesar, tháng hai có 29 ngày và mỗi 4 năm nó được thêm một ngày thành 30 ngày, tức là không có chênh lệch lớn với các tháng khác. Tuy vậy sau này khi các tháng đặt tên lại, ngày thứ hai chín của tháng hai được chuyển sang tháng tám do tháng này đặt theo tên của Augustus (Hoàng đế sáng lập đế chế La Mã), để cho tháng đó có độ dài tương đương với tháng bảy (July) - tên của Julius Caesar.
Dương lịch mà con người sử dụng ngày nay chính là lịch La Mã được hoàn thiện thêm. Cách chia các tháng vẫn giữ nguyên để tôn trọng lịch sử và đó là lí do tháng hai có ít ngày hơn các tháng khác. Về cơ bản đây chỉ là một qui ước, không gây ảnh hưởng gì tới việc sử dụng thời gian của loài người.
                                                                                 Nguồn: kiến thức



Những điều hối tiếc nhất trong cuộc đời là gì?


Câu chuyện này có lẽ chẳng hề quá sớm cho những người trẻ như chúng ta. Bởi nhận thức càng sớm, bạn sẽ càng ít phải hối tiếc.

1. Giá mà tôi có đủ can đảm để sống một cuộc sống đúng với bản thân mình, chứ không phải là cuộc sống mà những người khác mong đợi ở tôi.
“Đây là niềm hối tiếc phổ biến nhất. Khi con người ta nhận ra rằng cuộc đời của họ đang gần đến điểm kết thúc, ngoảnh nhìn lại, thật dễ dàng để nhận ra có bao nhiêu giấc mơ đã trôi đi mà chưa thành hiện thực. Hầu hết mọi người đã không tôn trọng thậm chí chỉ một nửa giấc mơ của mình và giờ đây họ phải ra đi trong suy nghĩ rằng điều này hoàn toàn do những gì họ đã lựa chọn, hoặc không lựa chọn. Sức khỏe mang lại một sự tự do mà rất ít người nhận ra, cho đến khi họ không còn có nó được nữa”.
2. Giá mà tôi đã không làm việc một cách cật lực.
“Điều hối tiếc này này đến từ tất cả các bệnh nhân nam mà tôi chăm sóc. Họ đã bỏ lỡ tuổi trẻ của con cái họ cũng như sự đồng hành của người bạn đời. Phụ nữ cũng có nhắc đến điều hối tiếc này, nhưng vì hầu hết họ đến từ thế hệ cũ, họ đã không cần phải là trụ cột gia đình. Tất cả những người đàn ông mà tôi đã chăm sóc đều hối hận một cách sâu sắc rằng họ đã chi tiêu quá nhiều cuộc sống của họ để chạy đua với công việc”.
3. Giá mà tôi có đủ can đảm để bộc lộ cảm xúc của mình.
“Nhiều người phải ức chế cảm xúc của mình để giữ hòa khí với những người xung quanh. Kết quả là, họ phải tự nén mình xuống sống một cuộc sống tầm thường và không bao giờ trở thành người mà họ đã thực sự có khả năng trở thành. Nhiều căn bệnh phát triển liên quan đến sự cay đắng và oán giận mà họ đã phải ôm trong người”.
4. Giá mà tôi giữ liên lạc với bạn bè của tôi.
“Thường thì họ sẽ không thực sự nhận ra những lợi ích đầy đủ của những người bạn cũ cho đến những tuần cuối cùng của cuộc đời, và không phải lúc nào cũng có thể tìm lại được bạn bè. Nhiều người đã bị kẹt trong cuộc sống riêng của họ đến nỗi đã để những tình bạn vàng trôi đi theo năm tháng. Đến cuối đời họ cảm thấy rất ân hận bởi đã không dành đủ thời gian và nỗ lực để chăm chút cho tình bạn của mình. Tất cả họ đều nhớ đến những người bạn của mình khi họ đang hấp hối”.
5. Giá mà tôi để cho bản thân mình được hạnh phúc hơn.
“Đây là một niềm hối hận phổ biến đến mức ngạc nhiên. Nhiều người cho đến phút cuối cùng mới nhận ra hạnh phúc chính là một sự lựa chọn cho cuộc sống. Họ bị kẹt trong những mô hình và thói quen cũ. Cái gọi là “sự dễ chịu” của sự quen thuộc đã lấn át đời sống tinh thần cũng như thể chất của họ. Sự sợ phải thay đổi đã khiến họ phải giả vờ với mọi người xung quanh và với chính bản thân họ, rằng họ đang rất mãn nguyện, nhưng thực ra, ở sâu bên trong, họ thèm được cười hết mình và có được lại sự khờ dại”.
                                                                                                       Nguồn: tin.vn


26 tháng 2, 2013

Đại Thi hào Nguyễn Du: Những ngày cuối


Nguyễn Xuân Bách


Năm 1813, sau chuyến đi sứ lần thứ nhất trở về, Nguyễn Du được mệnh danh là nhà ngoại giao có tài và được nhà vua đặc cách thăng chức Hữu tham tri Bộ Lễ. Vào năm Canh Thìn (1820), Gia Long mất, vua Minh Mệnh lên ngôi, triều đình lại quyết đinh cử Nguyễn Du làm chánh sứ đi Trung Quốc cầu phong lần thứ hai.

 - Chuyến đi này thời gian ngắn, lại vào giữa mùa thu, để tránh trở ngại dọc đường, Nguyễn Du đã cho đoàn tuỳ tùng chuẩn bị rất đầy đủ phương tiện, quân lương và thuốc men. Hơn nữa, ông cũng muốn đi sớm, để trên đường sẽ dừng lại Kinh thành Thăng Long đón trăng rằm Trung Thu - nơi ông đã sinh ra và có nhiều kỷ niệm. Đoàn gồm có 20 người, yên ngựa, vọng, kiệu đã sΩn sàng để lên đường, quyết định của nhà vua cũng đã được trao vào tay Nguyễn Du. Vào thời điểm này có một bệnh dịch tả lớn đang lan nhanh. Sử triều Nguyễn thời đó còn ghi rõ: "Bệnh dịch tả từ Căm Pu Chia lan về vùng đất Hà Tiên và ra đến phía bắc Kinh thành Huế. Dịch bệnh lan đến đâu, làng xóm điêu tàn đến đó, nhà vua thấy cảnh dân tình chết chóc ảm đảm, đã xuất một số vàng bạc và các phương thuốc dự trữ trong kho cung cấp xuống cho dân, đồng thời ban cho các địa phương lập đàn tế lễ để cầu đảo. Nhưng rồi người chết vẫn cứ chết, nạn dịch năm đó có đến 20 vạn người chết". Ở trong Thành những đám tang cứ lặng lẽ nối nhau đi, Kinh thành Phú Xuân những ngày mùa thu năm Canh Thìn sống trong sự ảm đạm, nơm nớm lo âu. Nguyễn Du và một số người trong đoàn tuỳ tùng đi sứ cũng dính vào bệnh dịch, Nguyễn Du đành phải hoãn chuyến đi. Những ngày đầu ông cho là ốm đau bình thường và đơn giản, tạm nghỉ vài hôm lấy sức rồi lại tiếp tục lên đường. Ông nằm trị bệnh ngay tại nơi làm việc trong nội phủ Phú Xuân, nhưng những ngày sau bệnh tình không thuyên giảm, càng nặng thêm. Người ông như gầy rộc, đôi mắt hõm sâu, sức chống đỡ ngày càng yếu, chuyến đi sứ không thể nào thực hiện được, ông đã cử người lên báo với nhà vua cho người thay thế. Ở quê nhà, gia đình cũng biết tin ông đau nặng, nhưng do đường sá xa xôi, vợ con không ai vào chăm được. Túc trực bên giường bệnh của ông những ngày đau yếu có Nguyễn Ức - em ông và Nguyễn Thắng, người cháu gọi ông bằng chú ruột. Khi bệnh tình trầm trọng, ông được chuyển xuống khu gia cư giành cho các quan nội phủ, nằm phía sau cổng Thành Huế. Vào những ngày cuối cùng, sức khoẻ ông dường như cạn kiệt. Nằm trên giường con cháu đem thuốc cho, ông không chịu uống, người nhà sờ tay chân nói "đã lạnh cả rồi" ông vẫn bình tĩnh, thanh thản trả lời: "Thế là được". Nói xong, vài giờ sau ông lặng lẽ nhắm mắt, không nói thêm một lời trăn trối nào. Nguyễn Du mất vào ngày 16 tháng 9 năm 1820 (tức là ngày 10 tháng 8 âm lịch), hưởng thọ 55 tuổi. 

Khi nhận được tin báo Nguyễn Du mất, nhà vua rất thương xót, ban tên thuỵ cho ông là "Trung Thanh". Ngoài số tiền tuất được hưởng theo quy định, vua còn ban cho 20 lạng bạc, 2 tấm vóc đỏ, 30kg sáp, 300kg dầu thắp đèn và 1 câu đối để điếu: 



Nhất đại tài hoa, vi sứ, vi khanh sinh bất thiểm; 
Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc tự do hương.
 
Nghĩa là:  Một kiếp tài hoa khi làm sứ, lúc làm khanh sống không hổ thẹn; 
Trăm năm sự nghiệp việc nhà, việc nước chết vẫn còn thơm.
 

Hai câu đối đó đến nay này vẫn được khắc lên phía trước Nhà thờ của ông. Ngoài ra, mẹ vua và em vua là Kiến Anh Công cùng các quan trong triều ai cũng thương tiếc, đều đến điếu và đặt lễ phúng viếng. Thi thể ông được quàn trong chiếc quan tài bằng gỗ vàng tâm. Vài ngày sau triều đình và người nhà đã tổ chức mai táng ông tại cánh đồng Bàu Đá, thuộc xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một nghĩa trang đẹp có địa thế cao ráo dành riêng cho quan nội phủ và các hoàng tộc trong triều lúc đó.
 
Đám tang đưa tiễn Nguyễn Du lặng lẽ, rất ít người đưa tiễn, vì bệnh dịch tả đang làm cho mọi người khiếp sợ, hơn nữa, khi đám tang vừa ra khỏi cổng thành thì một cơn mưa vần vũ ập đến, nước loang khắp cả mặt đường, dòng sông Hương hiền hòa cũng gợn lên từng đợt sóng...



Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa

Nguyễn Duy












Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn



Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thưở nào
*
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa
*
Cái cò sung chát đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết được lời mẹ ru
*
Bao giờ cho tới mùa thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng năm
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
*
Ngân Hà chảy ngược trên cao
Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm
Bờ ao đom đóm chập chờn
Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi
*
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng ?
*
Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm tấm lưỡi lừa cá xương




Cà pháo


Trân Châu
Ngày đầu năm nhiều ơi là nhiều những món ngon, món ngọt nhưng không hiểu sao tôi cứ nhớ tới quả cà pháo trong bữa ăn hàng ngày. Mà chẳng riêng gì tôi, nhiều thực khách ở các nhà hàng sang trọng khi gọi món cứ cất lời rõ to "Cho bát cà pháo giòn tan nhé". Đúng rồi cà không phải là sự lựa chọn đầu tiên khi vào bữa nhưng là điểm "nhấn", điểm đến cuối cùng, khi kết thúc bữa ăn, mỗi người một chén cơm canh với quả cà, đứng dậy rồi còn dư vị mặn mòi...

Cà pháo muối - món ăn để lâu qua ngày này ngày khác của một thời khó nhọc, cái thời xa xưa chẳng biết tự bao giờ, những bữa ăn bao gia đình làng quê Việt Nam chẳng có gì để nuốt trôi cơm, chỉ có quả cà mặn mòi và nước dưa chua đun lên. Có khi là cơm độn mì hột, độn khoai khô, độn sắn. Cà lúc đó được xem như thịt. Bà tôi, mẹ tôi đã chế ra các món "thịt" cà như : cà xào, cà kho. Cà muối lâu ngày sau khi đã mặn cay mặn đắng, bà lấy từng quả cắt làm đôi, rồi rửa sạch bằng nước giếng, để ráo. Lấy một chút mỡ lợn để trong hũ ( hồi ấy mỡ cũng hiếm như mì chính), cho vào chảo và xào cùng với cà, thêm một chút đường, một chút lá chanh và ớt cắt sợi. Thế là cả nhà được một bữa liên hoan "thịt cà", vừa mặn, vừa béo, vừa giòn. Ăn mà mỡ còn lấp lánh nơi miệng, hàng xóm cứ tưởng nhà có thịt!. Có khi nhà mua được cá mắm, bà bỏ cà vào kho cùng với mắm. Mắm đã mặn, cà còn mặn hơn, nhưng lúc ăn, cà ngấm cá, ngấm mật, cứ mặn đằm nơi lưỡi, cắn từng tí một, tí một dè dè, cứ thế bát cơm hết veo lúc nào chả hay.
Cà pháo muối nén có lẽ là món dễ làm nhất và hợp khẩu vị nhất với nhiều người. Sau khi đã chán ngán các món kho, món xào, các "sơn hào hải vị", vị mặn tinh khiết cùng vị giòn khó tả của cà khiến cho bữa ăn thêm đậm đà. Cà pháo ăn với canh cua, với canh rau vặt, nước rau muống luộc là món khoái khẩu của nhiều người. Chuyện vui rằng bữa cơm đầu tiên với nhà chồng, cô con dâu gắp một quả cà và cắn một miếng, hạt cà bắn vào mặt mẹ chồng. Nhưng bà mẹ chồng không giận, còn thương vì cô đã chọn món đầu tiên là cà. Vả lại quả cà cô cắn tiếng kêu giòn, như tiếng pháo nổ.
Dân gian còn lẩy Kiều: "Kiều càng sắc sảo mặn mà. So về bề mặn  nhạt thì cà mặn hơn", nghe thú vị đáo để!
Chẳng hiểu sao trong ca dao cũng có một đoạn về cà mà lấy tích từ trong truyện Kiều: 
"Khen anh làm rể Chương Đài 
Một năm ăn hết mười hai vại cà 
Giếng đâu thì dắt anh ra 
Kẻo anh chết với vại cà nhà em". 
   Thế mới biết cà không chỉ ngon cơm mà còn như dây tơ hồng ông tơ bà nguyệt, bền duyên đôi lứa, mặn nồng son sắt chăm chút cho nhau. Bạn gái tôi tỏ ra rất sành: món ngon đâu phải kỳ công và đắt tiền, mà là món ấy người mình yêu có thích ăn hay không!. Ngày Xuân tản mạn về cà để nhớ thêm về những ngày "tương cà", những ngày "Tào khang phu thê bất khả hạ đường". "Tào khang" là tấm, cám. Vợ chồng từ khi đang khổ cực, ăn cám ăn tấm với nhau thì giàu sang rồi không được bỏ...


Trang