Dù nguồn vốn dưới hình thức nào, con cháu đều phải trả! Do đó, nguồn vốn vay hay viện trợ đều phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích.
- PV:- Có chuyên gia cho rằng, sự lãng phí cho tiếp khách, hội họp... như trên không đáng kể gì so với nhiều dự án ngàn tỉ đang bị bỏ hoang, chi phí làm đường cao tốc đắt hơn Mỹ, công trình hoành tráng quá cỡ, lãng phí nhiều nhất trong đầu tư công... nhưng chính sự tùy tiện trong việc dùng ngân sách là căn nguyên của những lãng phí lớn hơn nói trên. Ông có đồng tình với ý kiến đó không và vì sao?
Gs.Ts Đặng Đình Đào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội. |
- GS.TS Đặng Đình Đào: Tôi cho rằng sự lãng phí cho tiếp khách, hội họp, “bôi trơn” … không phải là một khoản nhỏ, nhất là đối với một nước nông nghiệp còn nghèo như nước ta. Trong khi người dân còn rất nhiều khó khăn, hưởng lợi từ thành quả đổi mới chưa nhiều thì không thể xem nhẹ chuyện lãng phí dù chỉ một đồng và càng không không thể coi là không đáng kể gì?
Tất nhiên khi so với nhiều dự án ngàn tỷ đồng đang bị bỏ hoang, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng còn cao hơn rất nhiều các nước trên thế giới, lãng phí trong đầu tư công lớn, ta càng thấy phải đặt ra yêu cầu bức xúc trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước phải thật nghiêm minh và có hiệu quả hơn; Thực hiện luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí phải đi vào thực chất hơn, không theo kiểu đăng ký tiết kiệm phong trào như hiện nay.
Phải thẳng thắn, sự lãng phí cho tiếp khách, hội họp hay các dự án nghìn tỷ bị bỏ hoang, nhiều công trình vừa khánh thành đã hư hỏng, xuống cấp đều là có tội với người dân. Vì đó là nguồn tiền do dân đóng thuế mà có.
- PV:- Thưa ông, nhiều người cho rằng cái khó của Việt Nam là rất nhiều công trình đầu tư xây dựng cơ bản chủ yếu dựa vào nguốn vốn vay, nguồn viện trợ nên phải chịu các ràng buộc. Còn việc hào phóng chi tiêu cho việc hội họp lễ tân đâu đó vẫn được xem như sự đảm bảo về năng lực tài chính và tiềm lực quốc gia. Quan điểm của ông như thế nào? Nếu như vậy thì muốn giảm bớt sự xài sang của Việt Nam đi có đơn giản hay không?
- GS.TS Đặng Đình Đào: Đúng là nhiều công trình đầu tư xây dựng cơ bản chủ yếu dựa vào vốn vay, nguồn viện trợ nên phải chịu những ràng buộc nhất định. Nhưng điều đó không thể biện minh cho sự thất thoát và lãng phí, có thể nói là rất lớn trong đầu tư xây dựng công trình như hiện nay.
Trong kinh tế thị trường, “Không có cái gì là cho không cả và đã cho không thì không có giá trị” nên dù nguồn vốn dưới hình thức nào thì con cháu chúng ta cũng đều phải trả! Do đó, nguồn vốn vay hay viện trợ đều phải được quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Theo tôi, chính do cách quản lý sử dụng vốn như hiện nay mới có hiện tượng “Chạy dự án” đủ các kiểu ở Việt Nam. Còn việc hào phóng chi tiêu cho hội họp, lễ tân đâu đó thì cũng là tiền từ ngân sách nhà nước, tiền đi vay mà có nhưng vẫn còn nhiều người coi đó như là một sự thể hiện cho năng lực tài chính và tiềm lực của mình?.
Đã có nhiều dự án chưa triển khai, chưa đi vào hoạt động nhưng chủ doanh nghiệp đã chi hàng chục tỉ đồng để mua xe hạng siêu sang, xây dựng cơ sở hoành tráng nhưng cuối cùng rồi phá sản!
Rõ ràng là muốn giảm bớt sự xài sang của Việt Nam đi là cả một quá trình và là điều không hề đơn giản chút nào?
- PV:- Bộ Tài chính vừa mới thừa nhận, nợ công của Việt Nam đã gần sát ngưỡng Quốc hội cho phép nhưng trong điều kiện hiện tại chúng ta vẫn tiếp tục phải đi vay thêm. Ông bình luận như thế nào về phát biểu trên? Tư duy của người quản lý túi tiền quốc gia như vậy có khiến ông kỳ vọng sẽ có một chiến lược thắt chặt chi tiêu, giúp Việt Nam dần thoát khỏi vòng luẩn quẩn nợ nần?
- GS.TS Đặng Đình Đào: Đúng là Bộ tài chính luôn cho rằng, nợ công của ViệtNam hiện nay là không đáng lo ngại và hiện vẫn ở dưới mức cho phép là 65%. Tuy nhiên, đó là do quan niệm chưa thống nhất về nợ công.
Nợ công của Việt Nam không bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước không được nhà nước bảo lãnh, nợ đọng xây dựng cơ bản… Cho nên sự thừa nhận đó chưa phản ánh đúng nguy cơ thực tế. Theo tính toán của nhiều chuyên gia, nếu tính đủ nợ công phải lên tới gần 100% GDP.
Trong điều kiện như vậy, chúng ta lại phải tiếp tục đi vay thêm mà các khoản vay đó lại chủ yếu là để trả nợ. Hơn nữa, theo các chuyên gia, trong cơ cấu, nợ ngắn hạn rất lớn, tốc độ tăng nợ lại nhanh hơn tốc độ tăng GDP … nên rõ ràng nợ công đe dọa an ninh tài chính quốc gia.
Nhưng một khi mà chưa nhận rõ được nguy cơ thực sự của nợ công thì rất khó mà có được một chiến lược thắt chặt chi tiêu, giúp Việt Nam dần thoát khỏi cảnh nợ nần.
- PV: - Xin cảm ơn Giáo sư đã trả lời phỏng vấn!
Vũ Lan/ĐVO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét