Trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp và vẫn được sử dụng trong đời sống chính trị hiện đại ở nhiều nước.
Trưng cầu ý dân là khái niệm và thực tiễn khá phổ biến ở các nước phát triển nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Trong lịch sử chính trị thế giới, có hai hình thức dân chủ là: trực tiếp và đại diện (hay còn gọi là gián tiếp). Hình thức dân chủ trực tiếp khá phổ biến ở thời kỳ Hy Lạp Cổ đại, khi các luật lệ của nhà nước được đem ra lấy ý kiến trực tiếp từ đại đa số công dân có quyền chính trị.
Hình thức dân chủ đại diện càng trở nên phổ biến khi cộng động chính trị, dân cư ngày càng được mở rộng với việc người dân ủy quyền cho các đại biểu quốc hội đại diện cho mình trong việc xây dựng, thông qua và giám sát thực thi pháp luật.
Trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp và vẫn được sử dụng trong đời sống chính trị hiện đại ở nhiều nước như là một biểu hiện cao nhất của dân chủ.
Bài viết này xin giới thiệu các khái niệm và hình thức cơ bản xoay quanh trưng cầu ý dân như là một tham khảo trong việc thảo luận và xem xét dự thảo luật trưng cầu ý dân trong các kỳ họp sắp tới của Quốc hội.
Dự án luật Trưng cầu ý dân sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp này. Ảnh minh họa: Minh Thăng
Mặc dù các quốc gia có quy định và thực tiễn chính trị khác nhau, có ba hình thức cơ bản liên quan đến trưng cầu ý dân như sau:
Đề xuất luật (Tiếng Anh: Initiative)
Đây là một quá trình cho phép các công dân không cần thông qua cơ quan lập pháp (quốc hội) đệ trình một dự luật hay sửa đổi hiến pháp. Ở Hoa Kỳ, hiện đã có 24 bang quy định quyền này của người dân trong hiến pháp của bang. Quyền này có hai hình thức: trực tiếp và gián tiếp.
Đối với hình thức trực tiếp, một dự thảo luật được một số công dân đề xuất nếu đạt đủ các yêu cầu có thể được đem ra lấy ý kiến bỏ phiếu trực tiếp của toàn dân để thông qua.
Đối với hình thức gián tiếp, dự thảo luật này sẽ được đệ trình ra quốc hội xem xét trước. Tùy theo từng nơi, dự luật đó sẽ được đem ra bỏ phiếu trưng cầu ý dân nếu quốc hội phản đối, đề xuất một dự thảo khác hay không có hành động gì. Hoặc, quốc hội có thể đề xuất một dự thảo khác để cùng đưa ra lấy ý kiến của người dân với dự thảo luật ban đầu. Ở một số bang của Mỹ những người đệ trình đề xuất luật có quyền lựa chọn hình thức trực tiếp hay gián tiếp.
Quy trình đi đến bỏ phiếu bản đề xuất luật cơ bản gồm các bước sau:
1. Gửi bản đề xuất lên cơ quan có thẩm quyền.
2. Cơ quan có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của bản đề xuất và sự phù hợp về ngôn ngữ trong văn bản.
3. Chuẩn bị tiêu đề và tóm lược bản đề xuất cho việc bỏ phiếu.
4. Lấy đủ chữ ký ủng hộ cần thiết của người dân theo quy định (thường là 1% số cử tri tham gia cuộc tổng tuyển cử gần đó nhất).
5. Gửi bản đề xuất lên cơ quan phụ trách bầu cử để xác minh số chữ ký.
Nếu bản đề xuất có đủ chữ ký, thì sẽ được đưa ra bỏ phiếu trực tiếp bởi người dân nếu là theo hình thức đề xuất luật trực tiếp, hoặc được gửi lên quốc hội nếu theo hình thức gián tiếp. Khi bản đề xuất luật được đưa ra bỏ phiếu trực tiếp thì cần ít nhất quá bán số phiếu tán thành để trở thành luật.
Trưng cầu ý dân (tiếng Anh: Referendum)
Có hai hình thức cơ bản trong trưng cầu ý dân: (1) trưng cầu ý dân lập pháp - khi cơ quan lập pháp đưa ra lấy ý kiến của cử tri cho việc thông qua một đạo luật (2) trưng cầu ý dân phổ thông - khi một bản đề xuất luật được thông qua do bỏ phiếu trực tiếp của cử tri để trở thành luật. Trưng cầu ý dân phổ thông giống với hình thức đề xuất luật ở chỗ cùng xuất phát từ sự đệ trình luật của cử tri, nhưng có một số khác biệt quan trọng.
Trong trưng cầu ý dân lập pháp, quốc hội thường được yêu cầu lấy ý kiến của người dân để thông qua một số quyết định lập pháp. Ví dụ, việc sửa đổi hiến pháp, việc phát hành trái phiếu chính phủ, hay việc sửa đổi luật thuế ở các bang ở Hoa Kỳ cần được cử tri thông qua trước khi có hiệu lực. Trưng cầu ý dân lập pháp thường có xu hướng ít gây tranh cãi hơn, hay được thông qua hơn và có sự tham gia đông đảo của cử tri hơn là trường hợp đề xuất luật trực tiếp bởi người dân.
Trưng cầu ý dân trực tiếp là một phương tiện cho phép người dân thông qua hay kháng nghị một đề xuất luật của quốc hội. Nếu quốc hội thông qua một đạo luật mà một số cử tri không đồng tình thì họ có thể tập hợp chữ ký của những người đồng chính kiến để tổ chức trưng cầu phổ thông về đạo luật đó.
Thông thường, 90 ngày sau khi một đạo luật được thông qua là thời gian mà những người phản đối có thể đệ trình việc xem xét lại dự luật. Khi có đủ số lượng chữ ký và được xác nhận hợp hiến, một luật mới sẽ được đem ra bỏ phiếu phổ thông. Trong khoảng thời gian sau khi đạo luật được thông qua đến lúc bỏ phiếu phổ thông đạo luật mới được đề xuất, luật đó sẽ chưa có hiệu lực.
Nếu cử tri bỏ phiếu tán thành dự luật mới, luật này sẽ có hiệu lực thay vì đạo luật ban đầu được quốc hội thông qua. Nếu cử tri không thông qua, nó sẽ không được thông qua và không có hiệu lực. Có 24 trên 50 bang của Hoa Kỳ quy định trưng cầu ý dân phổ thông.
Hình thức thứ ba của trưng cầu ý dân, ít khi được sử dụng, là trưng câu ý dân tham khảo (tiếng Anh: Advisory referendum). Với hình thức này, quốc hội hay người đứng đầu cơ quan hành pháp có thể đưa ra lấy ý kiến của cử tri về một vấn đề cụ thể nào đó. Kết quả lấy ý kiến không có hiệu lực pháp lý mà chỉ mang tính tham khảo cho cơ quan lập pháp hay hành pháp trong quyết định của mình.
Xem xét bãi miễn (tiếng Anh: Recall)
Xem xét bãi miễn là một quy trình cho phép công dân bãi nhiệm một quan chức trước khi hết nhiệm kỳ của người đó. Hình thức này khác với việc buộc tội ở chỗ đây là phương tiện chính trị (political device) còn việc buộc tội là một quy trình pháp lý (legal process). Quá trình xem xét bãi miễn được tiến hành thông qua bỏ phiếu còn quá trình buộc tội được quốc hội tiến hành theo một quy trình pháp lý. Hiện ở Hoa Kỳ có 18 bang quy định hình thức này.
TS. Đặng Văn Huấn (Đại học Portland State, Hoa Kỳ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét