4 tháng 5, 2015

Thống nhất đất nước, thống nhất lòng người

Để cho những người xa quê hương còn nghi ngờ, còn e ngại mạnh dạn trở về để “bỏ viên gạch”, “góp một sáng kiến”, thì người ở nhà phải chìa bàn tay ấm áp ra trước, phải xoá bỏ hoàn toàn sự phân biệt đối xử.
“Chúng tôi mong tất cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài nếu trong 40 năm qua chưa có dịp về nước thì nên về. Đất mẹ luôn sẵn sàng mời tất cả những người con về nhìn lại làng xã của mình, chắc chắn sẽ thấy nó phát triển”, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ như vậy nhân kỷ niệm 40 thống nhất đất nước.
Câu nói đó cũng là lời mời rất chân thành của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đối với kiều bào, những người vì lý do nào đó, chưa muốn trở về nước. Những năm qua, càng ngày càng nhiều người Việt ở nước ngoài đã về nước, không chỉ về thăm mà về cộng tác trong nhiều lĩnh vực, về làm ăn, có người về và ở lại Việt Nam.
Để thống nhất được lòng người, thì người ở nhà phải chìa bàn tay ấm áp ra trước.
Nhiều nhân vật tưởng rằng có ngăn cách rất sâu nên khó lòng trở về, nhưng chính những người đó lại chứng minh rằng, khoảng cách nào rồi cũng được lấp đầy. Cựu Phó tổng thống chính quyền cũ – ông Nguyễn Cao Kỳ, nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Khánh Ly và nhiều người khác đã trở về và đã nhận được sự những tình càm, có thể vượt quá sự mong đợi của họ.
Tuy nhiên, còn có không ít người vẫn chưa muốn trở về, trong lòng còn những suy nghĩ ngăn cách. Có thể họ chưa tiếp nhận đầy đủ thông tin, hoặc thông tin chưa khách quan, nên hiểu chưa đúng về đất nước. Hãy nhìn cố quốc bằng cái nhìn của một người con xa quê hương, có tấm lòng chân thành với đất nước. Nếu có những điều chưa đồng thuận thì góp ý xây dựng, thậm chí phản biện, tranh luận, nhưng công tâm, khoa học. Đó là thái độ ứng xử đáng trân trọng.
Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân có lời mời rất tha thiết và cũng rất cần thiết trong lúc này: “…hãy làm gì đó, hãy bỏ viên gạch xây nhà cho quê hương, hãy trồng một cái cây cho quê hương mình thêm xanh, hãy góp một sáng kiến cho đất nước mạnh thêm”.
Đất nước chưa giàu, chưa mạnh, nhưng cứ chia cắt lòng người thì không thể giàu và không thể mạnh. Cả hai phía, đều phải xoá bỏ hận thù, thật lòng hoà giải thì mới mong có sự hoà giải. Nếu còn phân biệt đối xử, phía bên này, phía bên kia thì thêm mấy chục năm nữa cũng chỉ“bằng mặt mà không bằng lòng”. Vậy thì thống nhất đất nước nhưng vẫn chưa thống nhất được lòng người.
Nhưng để cho những người xa quê hương còn nghi ngờ, còn e ngại mạnh dạn trở về để “bỏ viên gạch”, “góp một sáng kiến”, thì người ở nhà phải chìa bàn tay ấm áp ra trước, phải xoá bỏ hoàn toàn sự phân biệt đối xử.
Theo Lê Thanh Phong

Không có nhận xét nào:

Trang