8 tháng 5, 2015

Đổi mới hay là chết?

Tác giả; Ngọc Quang (ghi)
40 năm trước, chúng ta không thua kém Hàn Quốc, Nhật Bản là bao nhiêu; thậm chí chúng ta còn có lợi thế rất lớn về tài nguyên, nhưng tới giờ thì thu nhập bình quân đầu người của họ đang gấp ta hàng chục lần. Nếu tính trong Đông Nam Á thì chúng ta đang kém hơn Malaysia, Thái Lan và chẳng biết bao giờ mới đuổi kịp Singapore!
Chúng ta phải biết trân trọng những giá trị đã đạt được từ sự lãnh đạo của Đảng, nhưng cũng mong muốn Đảng có những cải cách mạnh mẽ hơn.
LTS: Đại hội VI diễn ra trong thời điểm đất nước gặp vô vàn khó khăn, mà trước hết chính là vấn đề kinh tế.
Có thể nói là ở thời điểm đó kinh tế của đất nước đã xuống đến tận đáy rồi, đời sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn.
Các nước xã hội chủ nghĩa ở thời điểm đó cũng suy thoái, mà nước ta thì lại bị cấm vận. Những bài học cách đây gần 30 năm sẽ mang lại những bài học gì cho Đại hội XII?
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới quý độc giả những chia sẻ của ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII, IX.
Bài học lớn nhất: Khiêm tốn, nhìn thẳng vào sự thật 
Từ những khó khăn ấy mà có những câu hỏi đặt ra cần phải giải quyết, đó là: Nhân dân còn niềm tin với Đảng không? Đảng có đủ sức lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn ấy không?
Chúng ta nhớ lại ở những thời điểm khó khăn nhất, khi các thế lực thực dân, đế quốc áp đặt chế độ thống trị, tàn sát dân lành, biến dân ta thành nô lệ cho chúng thì đã có nhiều tổ chức nổi dậy, thế nhưng chỉ duy nhất có Đảng cộng sản tập hợp được sức mạnh của nhân dân. Vì Đảng ta chỉ có một mục đích duy nhất là giành lại độc lập, đem lại đời sống ấm no cho nhân dân.
Những năm 30, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ra đời nhưng bị tàn sát rất dã man, nhiều chiến sĩ cộng sản đã anh dũng hy sinh. Rồi Đảng ta cũng phải mất rất nhiều thời gian, vượt qua nhiều gian khổ mới tập hợp lại được lực lượng, tiếp tục lãnh đạo nhân dân chờ thời cơ giành lại chính quyền.
Ở cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, hàng nghìn người đã bị bắt, bị giết, nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung đã ngã xuống như Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai…
Rồi đến thời kỳ cách mạng tháng 8 năm 1945, chúng ta phải đối mặt với thù trong giặc ngoài, tình thế vô cùng khó khăn, nhưng Bác Hồ và Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành độc lập.
Có lẽ, cứ mỗi khi rơi những thời khắc khó khăn nhất thì Đảng ta lại tìm ra những cách ứng biến phù hợp.
Ở Đại hội VI năm 1986, Đảng ta cũng đã quyết tâm giữ vững vai trò lãnh đạo, quyết tâm vượt qua hàng núi khó khăn bằng một không khí vô cùng sục sôi, bầu không khí ấy không chỉ đến với các đảng viên một cách sâu sắc, mà còn thuyết phục được các thành phần khác trong xã hội.
Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang.
Cách tốt nhất để giải quyết được khó khăn là đầu tiên Đảng ta đã dám nhìn thẳng vào sự thật, phân tích để nhận thấy rõ khuyết điểm trong chỉ đạo điều hành từ trung ương tới địa phương.
Tôi còn nhớ rằng, không khí thảo luận trong Đảng ở Đại hội VI rất sôi nổi, khẩn trương, quyết liệt, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật. Mọi người đều nghĩ và nói với nhau rằng: Đổi mới hay là chết?
Đại hội VI đã thể hiện rõ tầm nhìn trí tuệ và bản lĩnh cách mạng của Đảng ta – một Đảng chân chính dày dặn kinh nghiệm – nên đã dũng cảm nhận ra những sai lầm thiếu sót.
Có ba nguyên nhân lớn đã được chỉ ra: Chủ quan, nóng vội trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; Xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội bao cấp; Tập trung quá nhiều vào công nghiệp nặng, tiến lên công nghiệp hóa theo lối đơn giản.
Văn kiện chỉ rõ, sau khi thống nhất đất nước, do chưa nhận thức đầy đủ về thời kỳ quá độ và do tư tưởng chủ quan, nóng vội, muốn bỏ qua những bước đi cần thiết, Đai hội IV chưa xác định những mục tiêu của chặng đường đầu tiên: “Trước hết cơ cấu đầu tư thường chỉ xuất phát từ lòng mong muốn đi nhanh, không tính tới điều kiện và khả năng thực tế, không kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu công nghiệp với nông nghiệp thành một cơ cấu hợp lý, chưa sử dụng có hiệu quả những khả năng mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài”.
Báo cáo chính trị Đại hội VI đã nêu ra 4 bài học kinh nghiệm, được xác định là những vấn đề cấp thiết phải thực hiện trong nhiệm kỳ tiếp theo, đó là:
Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc; Đảng phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan; Phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới; Chăm lo xây dựng Đảng ngang tầm với một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Với việc nhìn thẳng vào những khó khăn, chỉ rõ khuyết điểm mà Đảng đã từng bước vượt qua khó khăn trong công tác chỉ đạo và điều hành.
Minh chứng rõ nhất là kinh tế từng bước phục hồi và vượt qua những trở ngại đầu tiên, sản xuất đủ cho tiêu dùng trong nước và bắt đầu có tích lũy; cơ cấu kinh tế phù hợp hơn cùng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất;
An ninh quốc phòng được củng cố ổn định, từ đó tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội. Kinh tế bao cấp dần bị xóa bỏ và mở ra kinh tế nhiều thành phần.
Đại hội XII cần học tập tinh thần của Đại hội VI
Phất cao ngọn cờ đổi mới của Đại hội VI, đất nước giành được nhiều thành tựu quan trọng, tới Đại hội VII (năm 1991) Đảng ta tiếp tục tiến thêm một bước dài trong nhận thức, trước hết là đổi mới tư duy.
Cùng với đổi mới kinh tế, đã từng bước tiến hành cải cách bộ máy nhà nước, cải cách nền hành chính quốc gia.
Tuy nhiên, dù đã đặt ra được mệnh đề cần giải quyết, nhưng thực tế kết quả thu được lại không như kỳ vọng – vấn đề lớn nhất là cần chuyển được cơ chế quản lý kiểu bao cấp cũ kỹ sang cơ chế phục vụ người dân thì chưa mấy thành công. Vẫn còn tình trạng, bề ngoài thì nhiều cán bộ mồm nói vì dân, song bên trong họ tìm cách bòn rút, đục khoét của dân.
Tham nhũng vặt lan tràn và từ đó đến giờ càng tinh vi hơn, ngay ở kỳ họp Quốc hội thứ 8 Quốc hội khóa XIII cuối năm 2014, báo cáo của Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh công tác chống tham nhũng gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh những vụ tham nhũng vặt mà có Đại biểu nói là đã “đến từng ngõ ngách” khiến cho nhân dân luôn bức xúc, thì có cả những vụ tham nhũng lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế đất nước, đấy là Vinashin, Vinaline và hàng loạt dự án tại các địa phương.
Dự báo năm 2015 kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn năm trước. ảnh: VOV.
Ngay như công tác làm luật tại Quốc hội cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải tổng kết và làm tốt hơn: Tại sao luật do Quốc hội thông qua lại có nhiều vấn đề không đi vào cuộc sống được?
Vì sao “luật khung” nhiều như vậy, để rồi chờ Nghị định, Thông tư? Cứ như vậy cơ quan này chờ cơ quan khác còn người dân thì bị rơi vào thế kẹt!
40 năm trước, chúng ta không thua kém Hàn Quốc, Nhật Bản là bao nhiêu; thậm chí chúng ta còn có lợi thế rất lớn về tài nguyên, nhưng tới giờ thì thu nhập bình quân đầu người của họ đang gấp ta hàng chục lần. Nếu tính trong Đông Nam Á thì chúng ta đang kém hơn Malaysia, Thái Lan và chẳng biết bao giờ mới đuổi kịp Singapore!
Tôi muốn nêu ra những so sánh như vậy để thấy rằng, chúng ta phải biết trân trọng những giá trị đã đạt được từ sự lãnh đạo của Đảng, nhưng đồng thời cũng mong muốn Đảng có những cải cách mạnh mẽ hơn, nhất là khi Đại hội XII sắp đến gần, chỉ còn hơn nửa năm nữa.
Tôi rất tâm huyết với vai trò lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới hiện nay, vấn đề đặt ra là phải làm gì để tiếp tục giữ vững ngọn cờ tiên phong ấy?
Chúng ta biết rằng, Hiến pháp đã ghi rõ ở Điều 4 “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Mặc dù tại điều 4 cũng ghi rằng mọi đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, nhưng đấy vẫn là chung chung, vì thế tôi vẫn mong rằng trong tương lai gần nên xây dựng một luật về Đảng, để cụ thể hóa những điều mà Đảng lãnh đạo nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước. Làm được như thế, chúng ta mới tiến gần tới Nhà nước pháp quyền.
Tôi tin rằng Đảng ta đã cố gắng và vẫn đang cố gắng để đổi mới vai trò lãnh đạo, nhưng nếu không đổi mới từ Điều lệ Đảng thì chưa phải là đổi mới cơ bản, có lẽ sẽ nảy sinh nhiều khó khăn trong thực tế giai đoạn tới.
Thí dụ, ngay ở Điều 16 và Điều 17 của Điều lệ Đảng hiện nay còn quy định khá chung chung, và dẫn tới tình trạng Trung ương rất khó hoàn thành trách nhiệm. Tình trạng ấy mà cứ kéo dài thì sẽ không tốt cho Đảng.
Tôi rất mong rằng, Đại hội XII tới đây, Đảng ta sẽ có được không khí sôi nổi, khiêm tốn và dám nhìn thẳng vào sự thật như Đại hội VI.
Khi đã nhìn thẳng vào sự thật thì phải quyết liệt đổi mới. Có vậy mới mong giữ lại được niềm tin của nhân dân. Quyết tâm đổi mới của Đảng ở Đại hội XII sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới vận mệnh dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Trang