8 tháng 5, 2015

PGS. Đặng Ngọc Dinh nói về “tập quán” tham nhũng ở Việt Nam

Tác giả: Quốc Toản (ghi)
KD: “Văn hóa” tham nhũng, rồi giờ là “tập quán” tham nhũng. Thật quí hóa. Không biết bao giờ tiến lên truyền thống” tham nhũng :
———— 
Báo cáo chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam chỉ rõ, có khoảng 50% người được hỏi cho biết phải “lót tay” để vào công chức….
LTS: Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (gọi tắt là PAPI) vừa được công bố hôm 14/4/2015.
Kết quả nghiên cứu phản ánh thực trạng đáng lo ngại về tình hình tham nhũng trong lĩnh vực công tại Việt Nam.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng.
“Tập quán” tham nhũng
PV: Thưa ông, Báo cáo chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) dựa trên cơ sở khoa học nào?
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Chỉ số PAPI năm 2014 là kết quả nghiên cứu và khảo sát xã hội học về quản trị hành chính công cấp tỉnh, được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, dựa trên sự trải nghiệm của 13.552 người dân được chọn ngẫu nhiên.
(ảnh minh họa)
Số người được hỏi đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng từ tất cả 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Họ đã chia sẻ trải nghiệm và đánh giá mức mức độ hài lòng của mình về hiệu quả quản trị và hành chính công của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh/thành phố đến cấp thôn/tổ dân phố. 
Phương pháp thu thập thông tin thông qua phỏng vấn trực tiếp, nhập dữ liệu bằng phiếu kết quả, khẳng định độ tin cậy và chính xác của nghiên cứu. Đây là phương pháp khoa học và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.
Tính từ năm 2009 đến nay, đã có gần 61.000 lượt người dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam tham gia trả lời phỏng vấn trực tiếp PAPI.
PV: Báo cáo chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam cũng chỉ rõ, có khoảng 50% phải “lót tay” để vào công chức… Vậy con số trên nói lên điều gì, thưa ông?
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Kiểm soát tham nhũng tại khu vực công là một trong những vấn đề quan trọng nhất của nghiên cứu PAPI. Số liệu trên phản ánh mức độ nghiêm trọng, phổ biến về tình hình tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
Báo cáo chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) chỉ rõ, có khoảng 50% người được hỏi cho biết phải “lót tay” để vào công chức.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện tượng người dân phải đưa “lót tay” để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước dường như nổi cộm nhất. Theo đó, có tới gần 50% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng, có hiện tượng đó ở địa phương nơi họ sinh sống.
Phần lớn người dân đều cho rằng, tham nhũng và nhận hối lộ là vấn đề đáng lo ngại, có xu hướng tăng lên ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong việc cung ứng dịch vụ công cấp tỉnh.
Việc “bôi trơn”, hoặc dựa vào các mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền để xin việc tại khu vực công vẫn khá phổ biến.
Mặt khác, hiệu quả kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền ít có chuyển biến tích cực. Trong một số lĩnh vực, mức độ nhũng nhiễu, “lo lót” cũng có xu hướng tăng.
Thực tế trên cho thấy sự “méo mó’ trong công tác tuyển dụng nhân lực tại khu vực hành chính công của Việt Nam trong những năm qua.
Có những vị trí tuyển dụng, lương thấp, khó đảm bảo nhu cầu cuộc sống nhưng người ta vẫn chấp nhận “chạy” để có một một môi trường làm việc ổn định và có thể thuận lợi để thăng quan tiến chức…
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, công bằng mà nói, khoảng 50% số người hỏi cho biết họ phải đưa “lót tay” để vào công chức, không phải họ đều kém cả. Có những người có năng lực thực sự nhưng họ vẫn sợ mình trượt.
Ngoài ra, khảo sát cũng đưa ra số liệu tương đối về trải nghiệm của người dân về việc phải hối lộ khi sử dụng dịch vụ công ở bệnh viện, trường tiểu học. 
Kết quả cho thấy khoảng 43% cho biết họ phải hối lộ để được phục vụ ở các bệnh viện công tuyến huyện. 30% số người có con đang học tiểu học cho biết họ phải hối lộ…
Biến quản lý Nhà nước thành quản trị đất nước
PV: Hiện tượng chạy chọt, nhận “lót tay” là biểu hiện của tội tham nhũng, mang tính hệ thống, phổ cập. Vậy hệ lụy của nó đối với xã hội như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Từ kết quả nghiên cứu, có thể thấy, tham nhũng tại Việt Nam đã trở thành một thói quen, một “tập quán” xấu.
Người đưa, nhận hối lộ đều là “nạn nhân” của hệ thống quản lý nhà nước không lành mạnh. Hay nói cách khác, hệ thống quản lý xã hội đang sinh ra nhiều “rác” tham nhũng.
Điều đáng nói là, hiện tượng tham nhũng đã mang tính
khảo sát cho thấy, chỉ có khoảng 40% số người được hỏi cho biết chính quyền địa phương nghiêm túc xử lý các vụ việc tham nhũng xảy ra tại địa phương.
phổ cập, nhưng nó không làm cho người ta sửng sốt, bất ngờ hay tạo ra sự căm phẫn trong xã hội.
Nguyên nhân được giải thích rằng, tố cáo không mang lại lợi ích gì. Thủ tục tố cáo rườm rà hoặc họ không biết tố cáo như thế nào. Số khác thì lo sợ bị trù úm, trả thù.
Thay vào đó, người dân thể hiện thái độ trơ lì hoặc coi đó là tình trạng bất khả kháng đối với công tác chống tham nhũng ở Việt Nam.
Trên thực tế, tham nhũng ở Việt Nam tuy chưa gây ra đổ vỡ về mặt kinh tế, nhưng nó làm cho xã hội Việt Nam trì trệ, kém phát triển. Sâu xa hơn, về lâu dài, nó sẽ là nguy cơ kéo theo hàng loạt các sự đổ vỡ về văn hóa, xã hội…tạo ra một xã hội mất công bằng.
PV: Theo ông, đâu là những giải pháp nhằm hạn chế những tiêu cực mang tính hệ thống nói trên?
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Cải cách thể chế là vấn đề quan trọng nhất trong công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. 
Theo đó, cần chú trọng việc cải cách thể chế kinh tế, xã hội kết hợp sự công khai, minh bạch về tổ chức quản lý, thực hiện chính sách (tiền lương, việc làm, công tác cán bộ…).
Mặt khác, trong công tác quản lý nhà nước phải đặc biệt chú trọng đến việc tham gia quản trị đất nước của người dân, đặc biệt là vấn đề phản biện chính sách.
Sự tham gia của người dân phải được coi như một yếu tố quan trọng trong việc quản trị đất nước chứ không thể coi như là một “phong trào”, một sự “chiếu cố” của chính quyền.
Có như vậy mới hạn chế được “rác” tham nhũng.

Không có nhận xét nào:

Trang