Tác giả: GS Nguyễn Ngọc Lanh.
KD: Lại một bài viết với một góc nhìn riêng “thần tình, táo bạo”- chữ của một người bạn của Blog KD/KD về bài viết này của GS Nguyễn Ngọc Lanh..Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ, với quan điểm tôn trọng sự khác biệt trong thế giới thông tin đa chiều———
Ngàn năm thân phận
– Thân phận dân ta thời “ngàn năm Bắc Thuộc” được mô tả là “thê thảm”. Không sai, nhưng điều “hú vía” lớn nhất – nay nghĩ lại – là… suýt bị đồng hóa. Nếu giao thông thuận lợi như thời nay, liệu dân này có còn biết Hùng Vương là ai?. Thời xưa, việc đi lại muôn trùng cách trở khiến bộ máy cai trị do “thiên triều” cử sang chỉ đủ phủ tới cấp châu, huyện, mà rồi vẫn phải dùng cả người bản xứ mới đủ.
Thế là, nước tuy đã mất nhưng làng vẫn còn; tiếng nói và văn hóa vẫn không mất. Lại nữa, vì không dễ thay mới nhân sự, lệ “cha chết, con thay chức” sẽ dẫn tới hệ quả là, chỉ sau ít thế hệ, chính người Hán lại bị đồng hóa và tự gắn số phận mình với xứ sở này. Nhiều người còn trở thành lãnh tụ khởi nghĩa chống ách đô hộ. Nhiều trường hợp chỉ sau một đời đã tự ý Việt-hóa.
– Đến thế kỷ X, bên Tàu đại loạn, nhà Đường mất ngôi, Tĩnh Hải Quân (tên nước ta thuở ấy) trở thành vô chủ. Đây là cơ hội để họ Khúc liên tiếp 3 đời (905-930) nắm được chức Tiết Độ Sứ – chức cao nhất trong bộ máy cai trị, xưa nay chỉ dành cho người Hán.
Từ đây, mở ra thời kỳ tự chủ: báo hiệu việc lấy lại giang sơn không còn xa nữa.
Kỷ nguyên độc lập: Vẫn phải đổ máu để giữ gìn lãnh thổ
– Sau chiến thắng Bạch Đằng (938) là kỷ nguyên độc lập. Dẫu vậy, dân ta vẫn nhiều lần tốn máu xương trước họa xâm lăng. Nền độc lập vẫn có lần “ngàn cân treo sợi tóc”. Ví dụ, cuộc chống Nguyên ở thế kỷ XIII. Khi ấy, cương vực nước ta chỉ từ Hoan, Ái (Thanh-Nghệ) trở ra, số dân chỉ 5 triệu, mà 3 lần phải đương đầu với quân Nguyên, có lần tới 30 vạn hùng binh thiện chiến (từng chinh phục châu Âu). Thật khó hình dung tình cảnh khốn nguy của tổ tiên (1285) khi 2 đạo quân phía bắc tiến xuống như “chẻ tre” (sau 20 ngày đã chiếm Thăng Long); còn đạo quân từ Chiêm Thành như ngọn lao thọc vào sau lưng (chỉ 1 tháng đã phá vỡ mặt trận Thanh-Nghệ, chiếm Ninh Bình).
Nhưng nội chiến mới thật là “núi xương, sông máu”
– Ba lần chống giặc Nguyên tuy ác liệt, nhưng chưa lần nào lâu tới 4-5 tháng. Chiến tranh vệ quốc không có mục tiêu tận diệt quân thù, mà chỉ cần đuổi chúng ra khỏi cõi. Do vậy, ngoại xâm chưa gây thảm cảnh bằng nội chiến, khi hai phe đẩy muôn triệu dân vào nạn “nồi da nấu thịt”, “huynh đệ tương tàn”, kéo dài hàng chục năm. Thế là, những con người vốn không thù oán nhau, lại cùng “máu đỏ, da vàng”, cùng ngôn ngữ, phong tục… đã tàn sát nhau “một mất, một còn”. Tàn cuộc, phe thắng lên ngôi, dù đã giành được quyền viết Sử (gọi phe thua là “giặc”, ‘ngụy”) nhưng vẫn tiếp tục truy lùng phe thua, để tận diệt – đưa tới những lần đổi họ lớn mà lịch sử còn ghi lại.
– Sinh lực và của cải phung phí do nội chiến khó ai tính xuể. Cuộc nội chiến Mạc và Lê-Trịnh liên miên 60 năm, tàn phá, chết chóc vượt cả họa ngoại xâm. Có lần, chỉ một trận, phe này đã giết phe kia cả vạn người. Do vậy, gây nội chiến quả là tội to. Tội càng to nếu phe nào cầu cứu ngoại bang, để chúng nhân tiện cướp nước ta.
Một ví dụ về phung phí sinh mạng.
Sách Chính Biên, quyển XXIX viết về trận tấn công của phe Lê-Trịnh ra Thăng Long (1591):
Giặc Mạc đóng quân ở yên một chỗ không nhúc nhích. Tùng bèn chính mình đốc chiến, tướng sĩ phấn khởi đều thề quyết tâm diệt giặc để báo thù; ai nấy hăng hái đánh giặc, cả phá được địch. Quan quân thừa thắng ruổi dài, đuổi giặc đến Giang Cao chém được hơn vạn quắc….
Nhận xét: 1) Trong nội chiến, các bên gọi nhau là “giặc”, cần “diệt” để “báo thù”. Hết nội chiến, phe thua còn bị trả thù nhiều thế hệ. Ví dụ, họ Mạc phải đổi thành các họ khác để khỏi bị tận diệt.
2) “Quắc”: là cái tai bên trái của “giặc Mạc” bị giết, được quân của “vua Lê” cắt ra, nộp, để “báo công”. Thời ấy, dân số khoảng 10 triệu; chỉ một trận đã thu được vạn “quắc”, tính ra tương đương với giết 90.000 thanh niên thời nay. Chưa kể số quân phe Lê-Trịnh chết trận (hẳn cũng không ít). Chưa tính số dân tử nạn. Số thương tích, tàn phế còn nhiều gấp bội. Không ai thèm biết số phận biết bao phụ nữ góa bụa và biết bao con gái không còn cơ hội lấy chồng.
Không chỉ 4 lần nội chiến. Mà hơn thế
– Nhỏ như nước ta, mà trải tới 4 cuộc nội chiến, quả là bất hạnh. Nhưng đó mới là những lần nội chiến lớn, hàng triệu người dân bị lôi cuốn vào cuộc tàn sát nhau, kéo dài hàng chục năm. Còn phải kể vài chục cuộc nội chiến nhỏ, hoặc “không nhỏ” nữa. Có cuộc chỉ vài tháng, có cuộc tới 5 năm. Ví dụ, cuộc “làm loạn” của Trần Cảo. Trong 5 năm, nhiều đại tướng của triều đình bị thua, bị giết. Nhiều lần kinh thành bị uy hiếp, có lần đành chịu mất Thăng Long. Trần Cảo lập triều đình, xưng vua… cuối đời còn “truyền ngôi”… Như vậy, đây là cuộc nội chiến “không nhỏ”. Sự kiện xảy ra đã 500 năm, trong đó suốt 450 năm (tức 9/10 thời gian), sách thời xưa viết Trần Cảo là “giặc”; còn 1/10 thời gian (gần đây), sách thời nay lại viết: Ông là tướng “khởi nghĩa”. Chính nghĩa-phi nghĩa đã hoán đổi theo thời gian?
Chính nghĩa và phi nghĩa trong nội chiến
– Trong chiến tranh giữ nước, dễ thấy đâu là cướp nước, bán nước, yêu nước; đâu là chính nghĩa, phi nghĩa. Còn trong nội chiến, sự phân định không dễ – không những do quan điểm thay đổi (ví dụ, trường hợp Trần Cảo khời nghĩa), mà ngay cả khi nhìn sự kiện dưới cùng một quan điểm. Ví dụ, cuộc nổi dậy của các vị Đinh Điền, Nguyễn Bặc vàPhạm Hạp chống sự tư thông và lộng quyền của quan Thập đạo Lê Hoàn lăm le cướp ngôi ấu chúa. Hậu thế còn thảo luận Lê Hoàn có “cướp ngôi” hay không, chứ 3 vị trên có lẽ đã nhìn quá rõ, với con mắt của người trực tiếp quan sát.
– Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, mỗi phe trong nội chiến chỉ vì quyền lợi riêng. Nhưng để lôi kéo giới tinh hoa và đông đảo quần chúng – nhất là để thanh minh với Lịch Sử – phe nào cũng tự nhận mình chính nghĩa và gọi phe kia là “giặc” và “ngụy”, nhất là sau khi giành chiến thắng (và giành cả quyền viết Sử). Không lạ, sử sách triều Lê gọi triều Mạc là “ngụy”, triều Nguyễn cũng gọi Tây Sơn như vậy. Nếu Tây Sơn thắng (và giành quyền viết Sử). Triều Nguyễn chẳng muốn ai cướp ngôi, nên cũng tán thành với quan điểm sử thời Lê (coi Mạc là giặc).
Khái niệm “yêu nước” trong nội chiến
Gây nội chiến, khiến “huynh đệ tương tàn” là tội lớn với dân tộc. Bởi vậy, cả 2 phe đều tìm mọi cách chứng minh phe kia gây chiến, phe mình tự vệ. Nếu không chối được (ví dụ họ Trịnh từ Đàng Ngoài chủ động đem đại quân vượt ngàn dặm đánh Đàng Trong), thì phải chống chế là làm theo “lệnh vua”. Có lần, chúa Trịnh đích thân cầm quân, nhưng đem cả vua Lê (bù nhìn) theo, để có chiêu bài chính nghĩa.
Khi Đàng Trong đủ mạnh, có lần tấn công lớn ra Nghệ An, thì danh nghĩa là “cứu vua” khỏi sự áp chế của họ Trịnh. Điều lạ, là mỗi bên đều nói đúng sự thật; nhưng phe nào “yêu nước” thì thật khó nói. Nho giáo coi “trung với vua” đồng nghĩa với “yêu nước” (trung quân = yêu nước”. Nhưng “trung” với vua bù nhìn, thậm chí “vua bán nước” (Lê Chiêu Thống) có là yêu nước?
Phải dựng vua để được tiếng “chính thống”
Nho giáo vào nước ta từ thời Lý, cực thịnh ở thời Lê. Đạo Nho coi vua và Trời cùng huyết thống (vua là con Trời, thay Trời trị dân). Do vậy, chỉ con vua, họ vua mới đủ tư cách nối ngôi (cha truyền, con nối). Vua cũng là biểu tượng của Nước. Do vậy, trung với vua chính là yêu nước (!). Khi giặc vào cõi, việc đầu tiên là không để giặc bắt mất vua. Cướp ngôi là chống Trời, cũng chính là phản quốc.
– Khi nhà Trần đã “thối nát” cùng cực, nhà Hồ thay thế (1400), tưởng là phù hợp quy luật – như sử sách thời nay nhận định. Nhưng quan niệm nay chỉ xuất hiện rất muộn, đem áp đặt cho thời xưa. Cách nay 600 năm mọi người không nghĩ thế. Hồ Quý Ly vẫn bị coi là cướp ngôi. Do vậy, nhà Minh chỉ cần nêu chiêu bài “phục Trần, diệt Hồ”, là đủ để Hồ Quý Ly bị cô lập. Giặc Minh chiếm nước ta dễ dàng.
– Lê Lợi khởi nghĩa chống Minh, dù rất chính nghĩa; nhưng khi cần vẫn phải kiếm một vị tôn thất nhà Trần, dựng thành “vua”, để có nhãn hiệu chính thống. Quả nhiên, khi “vua” hết vai trò thì lập tức bị “phế” – kể cả giết bỏ.
– Mạc Đăng Dung muốn chiếm ngôi nhà Lê, trước hết cũng dựng vua (bù nhìn); rồi ép vị vua này viết “chiếu nhường ngôi” – để bố cáo khắp thiên hạ (1527), sau đó giết vua. Phe đối lập (chống Mạc) cũng làm y hệt; kể cả đoạn kết (giết bỏ vua).
Tóm lại, trong nội chiến “chính thống” là chiêu bài; mục đích riêng mới là số một.
Ý thức hệ trong nội chiến
Phong kiến châu Á lấy Nho Giáo (đạo Nho) làm ý thức hệ. Dù cùng ý thức hệ, hai phe trong nội chiến vẫn tận diệt nhau. Bên ngoài, hai phe đều vận dụng lý thuyết đạo này để tự bênh vực hoặc lên án phe kia. Bên trong, mỗi phe đều coi lợi ích riêng là tối thượng. Đó là trong phạm vi một nước. Nhưng giữa vua ta với vua Tàu cũng không khác..
– Hoàng đế Trung Hoa dựa vào sức mạnh coi thiên hạ (gồm An Nam) là riêng của “trẫm”. Như vậy, An Nam quốc vương – cùng ý thức hệ – phải tự coi là bề tôi của Hoàng Đế, được Hoàng Đế cho làm An Nam Quốc Vương bằng một đạo sắc phong. Tất nhiên, vua ta phải thể hiện lòng trung thành (ví dụ, nạp cống đúng kỳ). Nếu vua An Nam giữ đúng thân phận, sẽ có hai cái lợi: 1) Yên ổn làm vua nước nhỏ; không bị thiên triều can thiệp; 2) Được coi là chính danh, chính thống, vì có sắc phong. Nếu có ai cướp ngôi, hoàng đế sẽ cứu… Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy: Vua Lê Chiêu Thống dù quá đủ phận sự bề tôi, nhưng khi hoàng đế nhà Thanh đã công nhận vua mới (Quang Trung) thì vua cũ sẽ thành cỏ rác, lại còn mang tiếng xấu muôn đời. Bài học ngàn xưa: Chớ đặt ý thức hệ trên quyền lợi dân tộc.
– Tấm gương Mạc Ngọc Liễn. Sau 45 năm phục vụ triều Mạc, ông làm đến đại tướng, quận công – nghĩa là tuyệt đỉnh. Năm 1594, khi ông sắp mất, cũng là lúc nhà Mạc phải bỏ Thăng Long, lên Cao Bằng cố thủ (nhưng vẫn được nhà Minh ngầm ủng hộ); ông trối trăng lại, trong đó có một ý: “chớ nên mời người Minh vào nước ta… đó là tội không gì nặng bằng“. Con cháu ông đã làm đúng như vậy. Té ra, phe “ngụy” cũng có những con người trung nghĩa. Điều này sẽ được bàn khi nói về nội chiến Lê-Mạc.
Cướp ngôi khéo léo, tránh được nội chiến, còn được đời sau khen
– Có những cơ sở để nhận định rằng Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn đã cướp ngôi nhà Đinh với sự thông đồng của vợ vua (980). Lực lượng trung thành đã chống lại ông, nhưng nhanh chóng bị đàn áp tàn khốc. Ngay năm sau, giặc Tống xâm lược (981) bị ông đánh tan. Nhờ chiến công này, hậu thế vẫn ca ngợi ông.
Dẫu sao, vẫn có ý kiến: a) Sử sách đã nói rõ: giặc Tống xâm lược nhân cơ hội vua Đinh bị giết hại.; b) Nếu vua Đinh vẫn ở ngôi, gặp giặc Tống sang, vua vẫn thắng giặc bằng tài thao lược và sự lão luyện của các tướng (từng dẹp loạn 12 sứ quân), trong đó gồm cả Lê Hoàn, Đinh Liễn…
– Có cơ sở nghi ngờ Lý Công Uẩn đã cướp ngôi nhà Hậu Lê. Chiếu Dời Đô ra đời vì họ Lý tự thấy không thể yên ổn ở Hoa Lư – nơi hậu duệ Lê còn nhiều, còn mạnh.
Tuy nhiên, lịch sử vẫn công nhận sự nghiệp triều Lý lớn hơn cái tội cướp ngôi (nếu có).
Nội chiến do khác nhau ý thức hệ
Chỉ xảy ra ở thời hiện đại, khi có nhiều chủ thuyết (kể cả chống nhau) cùng xuất hiện, mà hai phe trong một nước lại theo đuổi những chủ thuyết đối kháng nhau.
Điều này thấy rõ trong nội chiến Nga (1917-1922) hoặc nội chiến Trung Quốc (1946-1949). Nội chiến do khác biệt ý thức hệ bao giờ cũng có sự dính dáng của ngoại bang (tìm kiếm sự giúp đỡ của các cường quốc); bởi vì, thực chất ý thức hệ đối kháng ở nước nông nghiệp (Nga, Trung, Triều) đều được du nhập từ bên ngoài. Nội chiến Triều Tiên lại càng rõ vai trò ngoại bang. Quân ngoại bang (Mỹ, Trung) “xía vào” cuộc chiến này còn đông đúc hơn cả quân bản xứ. Có người bảo chiến tranh ý thức hệ mới thật là tàn bạo. Nhưng đó không phải nội dung của bài này.
Chung và riêng
Ở trên, trình bày một số tính chất chung của các cuộc nội chiến ở nước ta. Tuy nhiên, mỗi cuộc lại có những tính chất riêng. Bài học lịch sử sẽ càng cụ thể, thiết thực, nếu làm rõ những khác biệt của chúng:
– Nội chiến thời 12 sứ quân – 20 năm;
– Nội chiến Nam-Bắc triều – 59 năm
– Nội chiến Trịnh-Nguyễn – 160 năm
– Nội chiến Nguyễn Ánh-Tây Sơn – 15 năm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét