Tác giả: Bauxite Việt Nam
KD: Đọc bài này thấy rất xót xa cho số phận chìm nổi của một Nhà Sử học chân chính đúng nghĩa. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ. Và nay, kể cả khi ông đã trở về với tiên tổ, thì những di sản nghiên cứu của ông cũng ba chìm bảy nổi chín lênh đênh.
Tôn trọng thông tin đa chiều, và để rộng đường dư luận, Blog KD/KD xin đăng toàn văn bài này, với những tư liệu mang tính hệ thống để bạn đọc có thể theo dõi và nắm vững. Lời bình dẫn của Bauxite hoàn toàn là quan điểm của trang này.
Tuy nhiên, trong sự kêu cứu của gia đình các con của cố GS- VS Trần Huy Liệu, thực chất là có sự tranh giành về quyền lợi của một gia đình- người con cả. Thế nên việc giải quyết nên nhìn nhận vấn đề nội bộ gia đình và cần có sự xử lý của cơ quan có trách nhiệm một cách khôn ngoan, để có thể thực hiện được di nguyện của người đã khuất, mà không mang tiếng là… hẹp hòi hoặc định kiến với trí thức.
Bởi GS- VS Trần Huy Liệu là một trí thức lớn, một học giả đáng kính trọng. Cả cuộc đời ông đã cống hiến cho dân tộc, cho nhân dân, cho sử học nước Việt. Cho dù ông đã trở về với tiên tổ, thì tên tuổi ông vẫn sống mãi trong lịch sử đất nước như một chứng nhân, một nhân cách trí thức lớn, không ai có thể phủ nhận được.
————
Có lẽ ít ai không biết đến tên tuổi Trần Huy Liệu (1901 – 1969), một nhà cách mạng yêu nước nổi tiếng từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Sinh ra tại xứ Bắc nhưng ông sớm vào Nam Kỳ viết báo, ra sách, lập đảng, cốt để truyền bá tư tưởng yêu nước trong nhân dân. Và với những bài viết nẩy lửa chống thực dân Pháp trên các tờ báo ký tên ông hoặc do ông làm Chủ bút; với hàng loạt cuốn sách do ông viết hoặc được công bố tại Cường học thư xã của ông; với hoạt động ngoan cường, xông xáo của Đảng Thanh niên mà ông là người sáng lập, rồi Việt Nam Quốc dân đảng mà ông là Kỳ bộ trưởng Nam Kỳ, một thời người dân miền Nam hễ nghe đến mấy tiếng Trần Huy Liệu hay nhìn thấy đâu đó bút hiệu Nam Kiều, Đẩu Nam, Hải Khách… đều ngả mũ kính nể, còn Nhà nước thuộc địa thì sợ ông ra mặt, tìm mọi cách truy tố, nhốt ông vào tù.
Tiếng tăm Trần Huy Liệu còn “vang động” bởi sự kiện đổi thay chính kiến từ “Quốc dân” sang “Cộng sản” vào khoảng đầu những năm 1930 tại nhà ngục Côn Đảo, một cuộc đấu tranh gian nan với chính mình và Đảng của mình để cuối cùng xuất phát từ một “bầu máu nóng” thành tâm, và một ý thức về “con người tự do”, ông đã từ bỏ chính kiến cũ mà gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, đóng một vai trò hết sức quan trọng trên mặt trận báo chí công khai của Đảng Cộng sản trong phong trào Dân chủ phản đế 1936-1939, cũng giữ những chức vụ hệ trọng trong bộ máy cao cấp của chính quyền cách mạng kể từ Đại hội Tân Trào 1945 trở đi.
Đến năm 1953, với thiên hướng đam mê và với vốn kiến văn phong phú, bao quát nhiều lĩnh vực văn hóa, lịch sử từ cổ đến kim, Trần Huy Liệu được cử sang đảm trách công việc xây dựng các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành khoa học xã hội của nước Việt Nam trong thời kỳ mới. Ông đề xuất và sáng lập Ban nghiên cứu Sử Địa Văn thuộc Bộ Giáo dục, sau đổi tên thành Ban Văn Sử Địa trực thuộc Trung ương Đảng, mở ra các ngành nghiên cứu như văn học, sử học, địa lý… trên một nửa nước phía Bắc sau Hiệp định Genève (1954), làm dấy lên một chặng đường hoạt động sôi nổi cho các bộ môn này trong bước đầu đi vào nền nếp, đồng thời cũng triển giãn dần nội hàm của từng bộ môn. Đó là tiền thân của một Ủy ban Khoa học Nhà nước Việt Nam ra đời vào 1959 (mấy năm sau tách thành Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam) mà ông giữ cương vị Phó chủ nhiệm, thực chất đóng vai trò tổ chức, điều hành chủ chốt cho đến tận lúc mất vào mười năm sau.
Không chỉ có uy tín về học thuật và tổ chức học thuật, Trần Huy Liệu còn có tấm lòng bao dung, độ lượng, nhất là có bụng liên tài, nên đã quy tụ được rộng rãi nhiều tầng lớp trí thức khác nhau. Trong hoàn cảnh rất lắm thăng trầm của cuộc cách mạng mỉền Bắc, trải qua các phong trào Giảm tô, Cải cách ruộng đất và Chỉnh đốn tổ chức những năm 1953-1956, bằng uy tín và bản lĩnh hơn người, ông đã chủ động cứu giúp được không ít nhà trí thức chân chính, đưa họ qua cơn hoạn nạn, tạo mọi điều kiện để họ phát triển tài năng.
Chính vì thế, từ lâu, giới trí thức khoa học xã hội đã mặc nhiên thừa nhận Trần Huy Liệu như một người ANH CẢ của các ngành khoa học xã hội nước ta. Việc lấy tầng 1 ngôi nhà 16 Phan Huy Chú ở Hà Nội, nơi cư trú lâu năm của ông, làm một nhà lưu niệm và lưu giữ sách vở, tài liệu do ông để lại để các thế hệ khoa học xã hội kế tiếp đến đấy đọc sách, học tập, khai thác cảo bản, bổ sung kiến thức, theo di nguyện của ông, đã gần như là một việc nằm trong tâm tưởng nhiều người trong ngành, trong giới, không cần phải bàn cãi, kể cả mấy thế hệ lãnh đạo Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia trước đây, cũng như Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội ngày nay.
Vậy mà công việc tưởng không có gì trắc trở đó lại trở thành một việc rắc rối kéo dài, dằng dai trong suốt 45 năm, kể từ sau khi ông qua đời. Hình như số phận của Trần Huy Liệu, người đã dám “Thử xét lại hồ sơ của giai cấp địa chủ” chỉ ít lâu sau Cải cách ruộng đất, cũng như dám nhìn lại nhiều vấn đề khác trong đường lối của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là không hề suôn sẻ. Ngay lúc ông vừa nằm xuống đã có chỉ thị từ những cấp tối cao truyền lệnh niêm phong toàn bộ kho tư liệu riêng của ông để “cấp trên giám định” trong suốt ba năm. Rồi khi mọi việc tưởng đã đâu vào đấy, và thời gian cũng đủ một độ lùi cần thiết để nhìn lại công lao của Trần Huy Liệu, các vị lãnh đạo ngành khoa học xã hội bắt đầu hào hứng bàn đến một kế hoạch lập nhà lưu niệm và lưu trữ sách vở tài liệu mang tên ông, thì bỗng đâu lại vấp phải một “hòn đá tảng” ghê gớm phi thường. Ấy là bản Kết luận số 88-KL/TW, ngày 18/2/2014 của Bộ Chính trị về tổ chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh; xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm; xây dựng, công bố phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, trong đó có quy định đối tượng các “lãnh đạo chủ chốt” như sau: “Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước là các đồng chí đã giữ một trong các chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội (hoặc tương đương)” cụ thể “gồm 19 đồng chí: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Võ Nguyên Giáp (trường hợp đặc biệt), Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Lê Quang Đạo, Huỳnh Tấn Phát”. Còn “lãnh đạo tiền bối tiêu biểu” cũng được giới thuyết rất rõ: “Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu là các đồng chí đã giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước từ năm 1945 về trước, có công lao to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc… gồm các đồng chí: Tô Hiệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Thụ, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Phong Sắc, Lê Đức Thị, Lê Văn Lương, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Tố Hữu” (xem đây).
Trong hai danh sách kể trên không hề có tên Trần Huy Liệu. Thế mà xem ra, về thành tích cách mạng ông nào có kém cạnh gì các vị “tiền bối” vừa dẫn; lại còn là một nhà sử học vào hàng khai sáng cho nền sử học và khoa học xã hội của chế độ mới, kiêm một nhà thơ, nhà văn. Nói rành rẽ hơn, sự quy định của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2014 cho phép cơ quan nhà nước được xuất tiền công quỹ để tổ chức lễ kỷ niệm năm sinh, làm phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp, và xây nhà lưu niệm… cho 19 + 19 = 38 nhân vật cụ thể thuộc giai đoạn lịch sử cận hiện đại, là đứng trên tiêu chí Đảng mà nhìn; nếu có tính đến công lao đối với dân tộc của dăm ba nhân vật cá biệt nào đấy thì căn bản cũng soi chiếu từ tiêu chí Đảng. Vì thế, khi quy chiếu sang tiêu chí Quốc Gia – Dân Tộc có ý nghĩa bao trùm hơn và lớn lao hơn, hẳn ai cũng thấy còn không ít người có công nghiệp đáng được lưu danh, song lại không có mặt trong danh sách, chẳng qua chỉ vì đặt không vừa khuôn “Quy chế” của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản, mà Trần Huy Liệu là một trong số người này.
Phải nói, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đưa đến sự lúng túng khó xử cho các vị lãnh đạo ngành khoa học xã hội đương nhiệm trong việc thực hiện dự án “nhà lưu niệm và bảo quản tài liệu sách vở Trần Huy Liệu” vốn đã ấp ủ từ lâu. Mong mỏi cơ quan Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cứ tiếp tục theo đuổi ý tưởng góp phần tôn vinh cho một người không lọt vào “Đảng quy” rõ ràng là điều không tưởng – có một ai đang ngồi trên chiếc ghế nóng lại dám liều mình đâu. Tuy vậy, nếu gạt phắt đi ngay cũng chưa chắc đã là thanh thỏa. Dẫu sao thì giới trí thức và giới chức đầu ngành nhiều thế hệ đều đã đinh ninh với ý tưởng ấy, gạt phắt đi hẳn sẽ đối đầu với công luận, làm sao tránh được vô số lời ra tiếng vào. Vậy thì phải tính sao đây? Trì hoãn thêm một năm nữa, cuối cùng các vị đã nghĩ được một phương án: cứ chuyển giao tầng nhà đang thuộc diện quản lý công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội cho các con của bậc lãnh đạo đã khuất để họ chung tay dựng lấy gian phòng đèn nhang và bày biện sách vở tài liệu cho thân phụ họ. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo như đã nói mà tìm được một lối thoát êm đẹp cho cả ba bề bốn bên như vậy tưởng cũng không phải là tồi. Ở đây có vấn đề thủ tục cần vượt qua: phải trả nhà lại cho các cơ quan quản lý nhà đất (Sở Xây dựng Hà Nội và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội), và làm sao tìm mọi cách giải thích tường tận cả về tình về lý cho các cơ quan nọ hiểu được mục tiêu nhân văn của điều mình mong muốn, nhằm đạt kết quả tối hậu: chính những người con đang thực sự ấp ủ di nguyện của cha được trao lại quyền thuê nhà một cách thông đồng bén giọt. Chuyện tưởng cũng không phải lớn và sẽ nhanh chóng giải quyết được, chẳng khó khăn gì.
Thì nào có ai ngờ, đây lại chính là cơ hội vàng để những yếu tố “ngoài học thuật” nhúng tay vào nội vụ. Càng không ngờ “sự nhúng tay” đã tạo được một “tác động ngược” hết ý, làm lộ trình đang theo hướng vạch sẵn có cơ nguy đảo chiều. Bỗng dưng bộ phận thanh tra của Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra kết luận “không có cơ sở để xem xét” việc những người con Cố GS-VS Trần Huy Liệu được hay không được thuê nhà. Có nghĩa là ý nguyện của cả cơ quan và gia đình bị gạt ngay từ bước một. Một “cú đánh” knockout! Với những người trong cuộc và người gần gũi ở cơ quan Viện Sử học thì thực ra, mầm mống của “lực cản” đã lộ diện từ lâu, không ai ngạc nhiên cả. Chỉ đáng ngạc nhiên là không hiểu mọi chuyện vận hành theo một kiểu lắt léo nào – không có cách nào nắm được nguyên ủy – mà trước kia cái “lực cản” ấy ở vào thế yếu, nay chỉ sau một thời gian đã lật ngược tình thế; bao nhiêu ý tưởng tốt đẹp, trong sáng, phút chốc đều có khả năng bị lái trệch đi. Tính đến giờ phút này, những tờ giấy mang “lời đề nghị khẩn thiết” từ cấp này cấp khác có vẻ như đang trở thành mất nghĩa, những “động thái cương quyết” trước đây đang có cơ… chùn lại, còn tiếng nói của cả một giới trí thức chỉ một lòng chăm chắm vào việc nghĩa e sẽ trở thành chuyện khôi hài.
Nhận được lá thư ngỏ thực chất là thư kêu cứu của bà Trần Nguyệt Hồng, con gái lớn của Cố GS-VS Trần Huy Liệu, cùng với hàng chục giấy tờ kèm theo, sau khi cân nhắc, chúng tôi xin trân trọng đề nghị cả trang Văn Việtlẫn trang Bauxite Việt Nam cùng đăng lên, kính trình bạn đọc rộng rãi, với hy vọng soi qua những tranh chấp lục đục mang tính nội bộ gia đình như một tấn kịch bề nổi nói trong thư, bạn đọc sẽ tìm ra đúng những tảng băng chìm, ẩn chứa không chỉ một mà nhiều vấn đề nổi cộm, mang đặc trưng thời đại: vấn đề đối xử với trí thức lâu nay, phải chăng đang được định hướng khớp dần với lời “Bác Mao” từng nói? Vấn đề bảo quản, gìn giữ di sản tinh thần của nhà khoa học để lại, của những nhà khoa học hàng đầu – những kho tư liệu quý hiếm chắt chiu cả một đời người, rất ích lợi cho bất kỳ ai muốn tích lũy, bồi đắp kinh nghiệm và tri thức trên một chặng đường khoa học ít ra cũng đã là 60 năm, nhưng với “tiêu chí Đảng” thì phải chăng rất có thể cũng chỉ là “giấy lộn”? Qua đấy còn có vấn đề tiếp nối thế hệ, ở một ngành chuyên môn như khoa học lịch sử hiện đang là cả một vấn nạn đứt gãy, giữa tình trạng xô bồ, nhộn nhạo hôm nay mà mọi giá trị đích thực cơ hồ đang không được đoái hoài.
Nguyễn Huệ Chi
THƯ NGỎ CỦA CÁC CON NHÀ SỬ HỌC TRẦN HUY LIỆU
Kính thưa quý vị!
Cha chúng tôi là cố GS-VS Trần Huy Liệu, một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, một nhà báo, nhà văn hóa và nhà sử học lớn. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Ông tham gia hoạt động từ những năm đầu thế kỷ XX. Ông đã từng làm chủ bút nhiều tờ báo có xu hướng yêu nước chống Pháp như:Nông cổ mím đàm, Pháp Việt nhất gia, Đông Pháp thời báo,… sáng lập Cường học thư xã, thành lập Đảng Thanh niên rồi làm Kỳ Bộ trưởng Việt Nam Quốc dân đảng ở Nam Kỳ.
Cố Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, Nguyễn Hữu Thọ đã từng đánh giá “Ông là người có công thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ những năm đầu thế kỷ XX”. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi sinh thời cũng cho rằng “Ông là người góp phần tuyên truyền lòng yêu nước, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam [trong đó có chính ông]”. Trên con đường hoạt động cách mạng, Ông đã được giác ngộ lý tưởng cộng sản và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (1936) hoạt động tại nhiều tờ báo yêu nước chống Pháp ở Bắc Kỳ như Tiếng vang, Kiến văn, Hồn trẻ, Tiếng trẻ… và nhất là làm chủ bút những tờ báo công khai của Đảng nhưTin tức, Đời nay. Ông được bầu làm Chủ tịch Hội nghị Báo giới Bắc kỳ thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939). Trong quá trình hoạt động cách mạng Ông đã nhiều lần bị bắt, giam cầm ở các nhà tù đế quốc như: Khám lớn Sài Gòn, Côn Đảo, Hỏa Lò, Sơn La, Bá Vân, Nghĩa Lộ. Nhưng dù ở bất cứ đâu, Ông vẫn nêu cao khí tiết của người cách mạng trung thành với Tổ quốc và nhân dân, bất chấp mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ mua chuộc của kẻ thù. Trong Cách mạng tháng 8 năm 1945, Ông làm Bí thư Tổng bộ Việt Minh. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, Ông được bầu là Phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng mà người đứng đầu là Hồ Chủ tịch và vinh dự được giao viết bản Quân lệnh số 1;là người thay mặt chính quyền cách mạng vào Huế nhận lễ thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại, chứng kiến giờ phút cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ông là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, Cục trưởng Cục chính trị trong Quân sự ủy viên hội, Chủ bút báo Sao vàng, Chủ tịch Hội Văn hóa Cứu quốc. Trong sự nghiệp xây dựng XHCN ở miền bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, ông là đại biểu Quốc hội nhiều khóa (từ 1946 đến 1969 khi ông mất), Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Xây dựng đời sống mới, Trưởng ban Thống nhất của Quốc hội.
Trong sự nghiệp xây dựng nền khoa học mới ông là người đề xuất và sáng lập Ban nghiên cứu Văn Sử Địa (tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội ngày nay). Ông là Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học nhà nước, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, sáng lập và làm Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện trưởng Viện Sử học.
Không phải chỉ là một nhà tổ chức, quản lý lãnh đạo ngành khoa học xã hội, mà ông còn là một nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa lớn, nhà sử học có uy tín không những trong nước mà cả trên thế giới. Ông được Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa dân chủ Đức (nay là Cộng hòa liên bang Đức) bầu làm Viện sĩ thông tấn và được tặng huy chương Hum-bôn. Không những ông đã tổ chức, hay làm chủ nhiệm nhiều công trình khoa học bề thế mà còn để lại nhiều công trình nghiên cứu độc lập có giá trị như: Sử cương cách mạng cận đại Việt Nam, Lịch sử 80 năm chống Pháp, lịch sử Thủ đô Hà Nội,Phong trào cách mạng Việt Nam qua thơ văn,… và hàng trăm luận văn nghiên cứu khoa học. Khối lượng tài liệu, tác phẩm Ông để lại gồm hàng chục ngàn trang, trong đó có nhiều phần chưa được công bố như: Nhật ký, Bản thảo các luận văn nghiên cứu khoa học…
Cả cuộc đời Ông là cả cuộc đời cống hiến và sáng tạo. Năm 1969 trái tim đầy nhiệt huyết ấy đã ngừng đập khi đang nói về sự đau thương mất mát của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Khi qua đời Ông có để lại trong bản di chúc nguyện vọng muốn lập một thư viện hay tủ sách mang tên ông ngay tại chính ngôi nhà ông đã từng sống và làm việc: Số nhà 16 phố Phan Huy Chú – Hà Nội. Sau khi ông qua đời, nhất là từ hội nghị kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Ông (1901-1991) do Viện KHXH và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, Viện Sử học đã nhiều lần phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử dự định xây dựng nhà lưu niệm Trần Huy Liệu ở ngôi nhà 16 Phan Huy Chú Hà Nội là nơi ông sống và làm việc lâu năm kể từ sau khi tiếp quản thủ đô. Năm 1992 chị em chúng tôi đã làm đơn đề nghị Viện KHXH, Viện Sử học lấy tầng 1 ngôi nhà 16 Phan Huy Chú xây dựng phòng lưu niệm Trần Huy Liệu theo di nguyện của ông. Nhưng mọi sự nỗ lực cố gắng của gia đình, cơ quan đều không đạt được chỉ vì sự tham lam của người anh cả là ông Trần Huy Diễm (ông Diễm đã không trả nhà mà lại cho con chiếm dụng mặc dù đã được nhận nhà ở TP Hồ Chí Minh dưới danh nghĩa TP cấp cho gia đình để làm nhà lưu niệm Trần Huy Liệu).
Sau hội nghị khoa học kỷ niệm 110 ngày sinh của GS-VS Trần Huy Liệu năm 2011, nhận thấy Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học lại một lần nữa nhấn rất mạnh đến những công lao và cống hiến to lớn của ông trong sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp khoa học, nên toàn thể anh chị em chúng tôi đã hội ý với nhau, một lần nữa đồng thuận xin trả lại toàn bộ diện tích tầng 1, nhà chính 16 Phan Huy Chú Hà Nội để Viện Hàn lâm KHXH xây dựng phòng lưu niệm mang tên ông (thực ra Viện Hàn lâm KHXH đã là chủ hợp đồng từ năm 1992 nhưng hiện nay Trần Quyết Thắng, con trai người anh cả chúng tôi, đang chiếm dụng). Cuối năm 2011, một cuộc họp giữa đại diện Viện Hàn lâm, Viện Sử học với chị em chúng tôi bàn về việc xây dựng nhà lưu niệm Trần Huy Liệu được tổ chức tại Viện Sử học. Một lần nữa cuộc họp lại vấp phải sự phản ứng của cháu Trần Quyết Thắng. Mặc dù vậy lãnh đạo Viện Hàn lâm đã quyết tâm đề nghị UBND TP Hà Nội giúp đỡ giải tỏa tầng 1 nhà 16 Phan Huy Chú để có mặt bằng xây dựng nhà lưu niệm và còn dự định dựng tượng của GS-VS Trần Huy Liệu đặt ở trước trụ sở Viện Hàn lâm tại số 1A phố Liễu Giai, Hà Nội. UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Xây dựng cử một đoàn thanh tra về tìm hiểu quá trình sử dụng và quản lý ngôi nhà 16 Phan Huy Chú. Sau 4 năm trời đằng đẵng theo đuổi và cũng đã phải bỏ ra gần 200 triệu đồng để trả tiền thuê nhà 16 Phan Huy Chú cho nhà nước – trong đó có cả phần diện tích mà Trần Quyết Thắng đang ở và đang chiếm dụng – với mục đích là lấy lại phần diện tích tầng 1 để làm nhà Lưu niệm cho cố GS-VS Trần Huy Liệu, nhưng cho đến cuối năm 2014 công việc vẫn bế tắc. Trước tình hình đó, lãnh đạo Viện Hàn lâm đã quyết định xin trả lại mặt bằng trên cho Sở Xây dựng và đề nghị Sở Xây dựng cho phép gia đình Trần Huy Liệu mà đại diện là bà Trần Nguyệt Hồng (người con lớn tuổi nhất tính trong số những người đang sống của cố GS-VS Trần Huy Liệu – đã có nhà riêng tại TP Nha Trang tỉnh Khánh Hòa) được thay Viện Hàn lâm ký hợp đồng thuê toàn bộ diện tích tầng 1 ngôi nhà số 16 Phan Huy Chú để gia đình tự xây dựng nơi thờ cúng và phòng đọc mang tên Trần Huy Liệu bằng nguồn vốn gia đình và xã hội hóa. Trong công văn đề ngày 30/01/2015 của Viện Hàn lâm KHXH gửi Thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng viết: Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam xét thấy trong khi chưa triển khai xây dựng nhà lưu niệm Trần Huy Liệu, việc gia đình chủ động gìn giữ, bảo quản và trưng bày các tư liệu, hiện vật của GS-VS Trần Huy Liệu là phương án tốt nhất. Do vậy Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam xin trả lại diện tích hiện đang quản lý và trân trọng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp nhà Hoàn Kiếm cho phép đại diện gia đình GS-VS Trần Huy Liệu là bà Trần Nguyệt Hồng được trực tiếp ký hợp đồng thuê toàn bộ tầng 1 nhà chính tại 16 Phan Huy Chú, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội để làm nơi thờ cúng và trưng bày các kỷ vật của GS-VS Trần Huy Liệu. Trong công văn đề ngày 8/4/2015 gửi UBND Thành phố và các cơ quan của TP Hà Nội, lãnh đạo Viện Hàn lâm lại một lần nữa khẳng định các cơ sở pháp lý mà Viện Hàn lâm đã căn cứ để đưa ra đề nghị trên. Trên cơ sở chủ trương của Viện Hàn lâm KHXH, tháng 12/2014 gia đình chúng tôi cũng làm đơn gửi UBND TP, Thành ủy, Sở Xây dựng Hà Nội để đề đạt nguyện vọng là được ký hợp đồng thuê diện tích tầng 1 nhà chính 16 Phan Huy Chú để làm nơi thờ cúng cha mẹ và xây dựng phòng đọc Trần Huy Liệu.
Đáng tiếc là ngày 20/03/2015 chúng tôi nhận được công văn số 80 TTr-KNTC ngày 17/3/2015 của Thanh tra Sở Xây dựng trả lời đề nghị của chúng tôi là: “không có cơ sở xem xét”. Thử hỏi một người như cha chúng tôi với nguyện vọng lập một phòng đọc để phục vụ nghiên cứu khoa học, một người hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp khoa học không đáng làm như thế sao, và những người con như chúng tôi chỉ xin được thuê một phần diện tích nhỏ ngôi nhà mà chính cha mẹ chúng tôi ở để làm nơi thờ cúng và thực hiện ước nguyện chính đáng của ông, nguyện vọng của đông đảo các nhà khoa học, sự đồng tình của ban lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH lại không có cơ sở, mà một người cháu (tức Trần Quyết Thắng, mà cha mẹ đã trả nhà chuyển đi nơi khác) đã có diện tích ở của mình, và nhiều năm không hoàn thành nghĩa vụ người thuê nhà, lại “có cơ sở” để Thanh tra Sở Xây dựng đề xuất cho ký hợp đồng thuê hay sao? Liệu có gì khuất tất ở đây hay không? Thật khó hiểu.
Trong tình hình như vậy ngày 15/4/2015, chị em chúng tôi đã phải gửi lên Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đơn đề nghị khẩn cấp của gia đình chúng tôi. Nhưng hy vọng rất mong manh.
Để giữ trọn đạo hiếu và cũng là để thực hiện di nguyện của người cha kính yêu, gần một nửa thế kỷ qua tất cả anh chị em chúng tôi (trừ anh cả Trần Huy Diễm) đã kiên trì đấu tranh vận động, kết hợp với Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử, Viện Hàn lâm KHXH để xây dựng bằng được nơi thờ cúng, và phòng đọc Trần Huy Liệu, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tất cả chỉ vì lòng tham vô lương tâm của đứa cháu mang danh là cháu đích tôn (những uẩn khúc bên trong xin phép không nói ra ở đây), nhưng xét đến nguyên ủy, chúng tôi sợ rằng đây là do sự tác động ngược, rất không lành mạnh nhưng lại có hiệu lực hơn bất kỳ sức mạnh nào hết, của cái mà ta quen gọi là “cơ chế thị trường”. Nếu lần này không làm được như di nguyện của thân phụ chúng tôi thì cơ hội không còn nữa, vì tất cả chúng tôi đã cao tuổi. Và nếu chuyện đó xảy ra thì chắc chắn khi xuống dưới suối vàng chúng tôi không còn mặt mũi nào gặp cha mẹ nữa.
Trong lúc cùng quẫn không biết làm thế nào trước những tệ nạn xã hội chưa diệt trừ hết, chúng tôi chỉ còn biết kính mong các quý vị, những người có lương tâm, các nhà khoa học chân chính, các cơ quan, tổ chức khoa học hãy ủng hộ chúng tôi, cùng lên tiếng đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội cho phép chị em chúng tôi được thay Viện Hàn lâm ký hợp đồng thuê tầng 1 nhà chính số 16 Phan Huy Chú để làm nơi thờ cúng riêng và trưng bày các kỷ vật của người cha đáng kính như đề nghị của lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Chúng tôi xin cảm tạ và chân thành cảm ơn sự nhiệt tâm của các quý vị. Nếu có điều gì sơ suất mong quý vị lượng thứ!
Chúng tôi cũng xin kèm theo dưới đây các công văn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội qua các thời kỳ cùng nhiều bức thư tâm huyết của nhiều nhà khoa học viết từ năm 2013, bày tỏ sự tán đồng và mong muốn xây dựng nhà lưu niệm cho thân phụ chúng tôi.
Thay mặt các em tôi
Con gái lớn của GS-VS Trần Huy Liệu
Trần Nguyệt Hồng
1. Công văn của Chủ tịch Viện HLKHXHVN gửi lãnh đạo TP Hà Nội năm 2013:
VIỆN HÀN LÂMKHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAMSố:…1567../KHXH-VP CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAMĐộc lập – Tự do – Hạnh phúcHà Nội ngày 17 tháng 09 năm 2013
Kính gửi:
– Đồng chí Phạm Quang Nghị
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội
– Đồng chí Nguyễn Thế Thảo
Ủy viên Trung ương Đảng
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội
Cố GS.VS.Trần Huy Liệu (1901-1969) là một nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ngay từ thời kỳ đầu của công cuộc cách mạng nước ta cho đến cuối đời, ông đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng, soạn thảo Bản Quân lệnh số 1. Cách mạng tháng Tám thành công, ông thay mặt Chính phủ vào Huế tước ấn kiếm của Bảo Đại, chứng kiến giờ phút cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Trong thời kỳ Chính phủ lâm thời và kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I, giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền, Bí thư tổng bộ Việt Minh, Cục trưởng Cục Chính trị trong Quân sự Ủy viên Hội, chủ bút Báo Sao Vàng, Chủ tịch Ủy ban xây dựng đời sống mới, Hội trưởng Hội văn hóa cứu quốc. Trong thời kỳ xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước, ông là Trưởng ban Văn Sử Địa, phó Trưởng ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Trưởng Viện Sử học, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn Sử Địa, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Ông là đại biểu Quốc hội nhiều khóa và được phân công làm Trưởng ban Thống nhất, Trưởng ban sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội. Ông được Hồ Chủ tịch giao nhiệm vụ viết báo tuyên truyền lòng yêu nước, động viên phong trào đấu tranh của nhân dân Miền Nam, làm tan rã tinh thần của binh lính sĩ quan của chính quyền Sài Gòn. Suốt quá trình hoạt động cách mạng, trải qua 6 nhà tù đế quốc, dù ở hoàn cảnh nào ông cũng tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, bắt chấp mọi đe dọa, mua chuộc và tra tấn của kẻ thù, ở cương vị nào ông cũng đem hết lòng nhiệt huyết để phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Với những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp cách mạng ông đã được Đảng và nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Không chỉ là một nhà hoạt động cách mạng, Trần Huy Liệu còn là một nhà văn hóa lớn. Ông không những là một nhà báo lão thành đã từng làm chủ bút 11 tờ báo, biên tập mà còn làm cộng tác viên cho hàng chục tờ báo khác, đồng thời là tác giả của hàng trăm bài báo có giá trị mà ông còn là một nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình lớn. Tên tuổi của ông đã thực sự gắn chặt với lịch sử văn hóa Việt Nam
Về lĩnh vực khoa học xã hội và sử học, Trần Huy Liệu là người sớm nhận ra vai trò của khoa học xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông là người đàu tiên đề xuất, thành lập Ban nghiên cứu Văn Sử Địa (tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam) và cũng là người có công lớn trong việc tổ chức, lãnh đạo và xây dựng nền KHXH Việt Nam. Gần nửa cuộc đời ông đã dành cho sự nghiệp KHXH cách mạng. Với cương vị là Trưởng ban Văn Sử Địa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHXH Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản KHXH, Viện trưởng Viện Sử học, Tổng biên tập Tạp chí Văn Sử Địa, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, ông đã đóng góp phần to lớn vào việc quy tụ, đào tạo, xây dựng phát triển nền KHXH Việt Nam ngang tầm thế giới. Không chỉ là nhà tổ chức, lãnh đạo, mà ông còn là một nhà nghiên cứu xuất sắc với hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học có giá trị được giới nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá cao, trong đó có tác phẩm Lịch sử tám mươi năm kháng chiến chống Pháp được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về sáng tạo khoa học. Trần Huy Liệu được giới sử học tôn vinh là người anh cả và nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức tặng thưởng huân chương Hum-bôn và Viện Hàn lâm khoa học Đức mời làm Viện sĩ thông tấn.
Trần Huy Liệu xứng đáng là một nhà cách mạng kiệt xuất, nhà văn hóa lớn, nhà báo yêu nước và cách mạng, nhà sử học chân chính, đặc biệt là người đặt nền móng tổ chức và lãnh đạo của nền KHXH Việt Nam như các cuộc hội thảo khoa học về ông được tổ chức vào năm 1991 và năm 2011 đã khẳng định.
Riêng đối với Hà Nội, nơi ông đã từng sống và hoạt động từ những năm 30 của thế kỷ trước cho tới khi qua đời, ông đã dành rất nhiều tình cảm và tâm huyết, có nhiều đóng góp lớn. Cuốn Lịch sử Thủ đô Hà Nội do ông biên soạn là một trong những tác phẩm đầu tiên viết về lịch sử Thủ đô được giới nghiên cứu và nhân dân Thủ đô đánh giá cao.
GS.VS Trần Huy Liệu qua đời vào ngày 28/7/1969. Khi mất đi, ông có để lại một khối lượng tài liệu, trước tác đồ sộ với hàng chục ngàn trang sách (trong đó nhiều bản thảo viết tay chưa được công bố), nhiều thư từ trao đổi với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, hiện đang được lưu giữ tại Viện Sử học. Đồng thời, ông còn để lại một Bản di chúc thể hiện di nguyện muốn xây dựng một Nhà lưu niệm tại số nhà 16 Phan Huy Chú (Hà Nội) nơi ông đã từng sống, làm việc và cũng là cơ sở đầu tiên của Ban Văn Sử Địa khi mới về Hà Nội để làm nơi bảo quản giữ gìn và khai thác những tài liệu mà ông đã dày công sưu tầm, những trước tác của ông phục vụ cho việc giáo dục truyền thống và nghiên cứu khoa học.
Để ghi nhận công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp văn hóa, khoa học của đất nước và cũng là để thực hiện di nguyện của ông, sau cuộc hội thảo khoa học năm 1991, Viện KHXH Việt Nam đã phối hợp với Hội Sử học Việt Nam và Viện Sử học dự định xây dựng nhà lưu niệm Trần Huy Liệu tại số nhà 16 Phan Huy Chú nhưng vì ông Trần Huy Diễm (con trai) đã không trả lại ngôi nhà 16 Phan Huy Chú cho Viện KHXH Việt Nam sau khi đã nhận nhà tại TP Hồ Chí Minh nên chưa thể thực hiện được. Trong hai cuộc hội thảo khoa học về ông năm 2011 tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, nhiều nhà khoa học đã nhắc đến vấn đề này. Vừa qua, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã nhận được đơn đề nghị của gia đình Trần Huy Liệu, trong đó tất cả những người con còn sống đã đồng thuận đề nghị trả lại tầng 1 ngôi nhà 16 Phan Huy Chú để làm Nhà lưu niệm Trần Huy Liệu. Nhiều nhà trí thức cũng gửi đến lãnh đạo Viện Hàn lâm bày tỏ mong muốn xây dựng Nhà lưu niệm Trần Huy Liệu. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, theo đề nghị của đông đảo giới trí thức và nguyện vọng của gia đình Trần Huy Liệu, Đảng ủy, lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã thống nhất chủ trương xây dựng nhà lưu niệm Trần Huy Liệu tại số nhà 16 Phan Huy Chú và đã có những chỉ đạo sát sao, nhanh chóng và kịp thời. Nhưng tại cuộc họp ngày 05/8/2013 giữa lãnh đạo Viện Hàn lâm, lãnh đạo Viện Sử học và đại diện gia đình Trần Huy Liệu bàn về việc xây dựng nhà lưu niệm, Trần Quyết Thắng (con trai ông Diễm, người đang chiếm dụng phần diện tích tầng 1) đã đưa ra những đòi hỏi vô lý nhằm che đậy ý đồ chiếm dụng lâu dài phần diện tích này. Vì vậy, kế hoạch xây dựng nhà lưu niệm Trần Huy Liệu cho đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Chúng tôi nhận thấy, về mặt pháp lý, hiện ngôi nhà 16 Phan Huy Chú do Sở Xây dựng Hà Nội quản lý đã ký hợp đồng cho thuê tầng 2 với 2 hộ là Trần Thành Công (con trai) và Trần Quyết Thắng (cháu nội), còn toàn bộ diện tích tầng 1 vẫn do Viện Hàn lâm mà trực tiếp là Viện Sử học quản lý. Diện tích này trước đây bị Trần Huy Diễm (bố) và sau này là Trần Quyết Thắng (con ông Diễm) chiếm dụng. Vì lợi ích cá nhân mà quên đi cả truyền thống gia đình, sự tôn vinh của cha ông, lợi ích của dân tộc.
Với những lý do nêu trên, Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trân trọng đề nghị Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội căn cứ cơ sở pháp luật hiện hành tổ chức lấy lại toàn bộ diện tích tầng 1 ngôi nhà 16 Phan Huy Chú giao lại cho Viện KHXH Việt Nam xây dựng Nhà lưu niệm Trần Huy Liệu, đáp ứng di nguyện của ông, mong mỏi của gia đình, các cơ quan có liên quan cũng như đông đảo giới trí thức, đồng nghiệp và nhân dân nói chung, kịp thời hoàn thành trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam vào ngày 02 tháng 12 năm 2013 sắp tới đây.
Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm giải quyết của Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội.
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Thắng
Đã ký tên đóng dấu
2. Công văn của Phó CT Viện HLKHXHVN gửi Chủ tịch TP Hà Nội và Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội tháng Giêng năm 2015:
VIỆN HÀN LÂMKHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAMSố:…226…../KHXH-VPVề việc chuyển giao hợp đồng thuê nhà tại 16 Phan Huy Chú, Hoàn Kiếm, HN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAMĐộc lập – Tự do – Hạnh phúcHà Nội ngày30 tháng 01 năm 2015
Kính gửi:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội
– Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội
– Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội
– Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội
– Xí nghiệp Nhà Hoàn Kiếm
GS.VS Trần Huy Liệu – nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, nhà báo, nhà văn hóa, nhà sử học và là người đầu tiên đề xuất, thành lập Ban nghiên cứu Văn Sử Địa, tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.GS.VS Trần Huy Liệu là người có công lớn trong việc tổ chức, lãnh đạo và xây dựng nền khoa học xã hội Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Ông đã để lại kho tư liệu quý báu với nhiều công trình nghiên cứu, nhiều tư liệu, bản thảo có giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc. Sau khi GS.VSTrần Huy Liệu qua đời, đông đảo các nhà khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mong muốn dành ngôi nhà số 16 Phan Huy Chú, Hoàn Kiếm, Hà Nội (ngôi nhà do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ký hợp đồng thuê nhà số 651/HDNC, ngày 31/381986, với Xí nghiệp nhà Quận Hoàn Kiếm) để xây dựng Nhà lưu niệm GS.VS Trần Huy Liệu theo di nguyện của Ông. Vì vậy, ngày 17 tháng 9 năm 2013 Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có văn bản số 1567/KHXH-VP gửi Lãnh đạo Thành ủy và UBND Thành phố Hà Nội đề nghị hỗ trợ việc nêu trên. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, việc xây dựng Nhà lưu niệm GS.VS Trần Huy Liệu chưa thực hiện được.
Ngày 09 tháng 12 năm 2014, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận được Đơn đề nghị và Biên bản họp gia đình của các con trai, con gái, con dâu GS.VS Trần Huy Liệu (trong đó cử bà Trần Nguyệt Hồng – con gái GS.VS Trần Huy Liệu làm đại diện) đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền được ký hợp đồng thuê toàn bộ diện tích tầng 1 nhà chính tại số 16 Phan Huy Chú, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội – hiện do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam quản lý- để làm nơi thờ cúng và trưng bày các kỷ vật của GS.VS Trần Huy Liệu.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xét thấy, trong khi chưa triển khai xây dựng Nhà lưu niệm GS.VS Trần Huy Liệu, việc gia đình chủ động giữ gìn, bảo quản và trưng bày các tư liệu, hiện vật của GS.VS Trần Huy Liệu là phương án tốt nhất. Do vậy, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xin trả lại diện tích hiện đang quản lý và trân trọng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội, Xí nghiệp nhà Hoàn Kiếm cho phép đại diện gia đình GS.VS Trần Huy Liệu là bà Trần Nguyệt Hồng (con gái ruột của cố GS.VS Trần Huy Liệu) được trực tiếp ký hợp đồng thuê toàn bộ diện tích tầng 1 nhà chính tại số 16 Phan Huy Chú, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội để làm nơi thờ cúng và trưng bày các kỷ vật của GS.VS Trần Huy Liệu.
(Xin gửi kèm Đơn đề nghị và Biên bản họp gia đình của các con trai, con gái, con dâu GS.VS Trần Huy Liệu)
Trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận:– Như trên– Chủ tịch Viện Hàn lâm (để b/c)– Viện Sử học– Lưu: VT, CSVC-VP KT. CHỦ TỊCHPHÓ CHỦ TỊCHNguyễn Quang Thuấn Đã ký tên và đóng dấu
3. Công văn thứ hai của Phó CT Viện HLKHXHVN gửi UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội tháng Tư năm 2015:
VIỆN HÀN LÂM CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 688 /KHXH-VP Hà Nội ngày 08 tháng 04 năm 2015
Về việc phúc đáp công văn số 2314/SXD-QLN
số 16 Phan Huy Chú, Hoàn Kiếm, HN
Kính gửi:
– Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội
– Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội
– Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội
Phúc đáp công văn số 2314/SXD-QLN ngày 23 tháng 3 năm 2015 của Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội về việc yêu cầu làm rõ một số nội dung vụ việc nhà số 16 Phan Huy Chú, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có ý kiến trả lời chính thức như sau:
1.Công văn số 226/KHXH-VP ngày 30 tháng 01 năm 2015 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam gửi UBND Thành phố Hà Nội đề nghị trả lại diện tích đang quản lý tại tầng 1 nhà số 16 Phan Huy Chú, Hoàn Kiếm, Hà Nội và cho phép đại diện gia đình GS.VS Trần Huy Liệu là bà Trần Nguyệt Hồng (con ruột của cố GS.VS Trần Huy Liệu) được trực tiếp ký hợp đồng thuê toàn bộ diện tích tầng 1 nhà chính của số nhà 16 Phan Huy Chú, Hoàn Kiếm, Hà Nội dựa trên các cơ sở sau:
1.1.Theo Di chúc của cố GS.VS Trần Huy Liệu và Biên bản đồng thuận của gia đình (các con cố GS.VS Trần Huy Liệu) ngày 12 tháng 11 năm 2012 đều có nguyện vọng sử dụng diện tích tầng 1 nhà chính của nhà số 16 Phan Huy Chú, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào mục đích thờ cúng và lưu giữ các kỷ vật của cố GS.VS Trần Huy Liệu lúc sinh thời
1.2. GS.VS Trần Huy Liệu là một nhà hoạt động cách mạng lão thành, nhà khoa học xuất sắc, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp khoa học xã hội. Việc duy trì nơi thờ cúng, lưu giữ các kỷ vật, tài liệu khoa học lúc sinh thời cố GS.VS Trần Huy Liệu do đó, là nguyện vọng của đông đảo các nhà khoa học xã hội Việt Nam và được Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhất trí, ủng hộ
1.3. Bằng biên bản họp gia đình năm 2014, gia đình cố GS.VS Trần Huy Liệu đã thống nhất cử bà Trần Nguyệt Hồng (con ruột của cố GS.VS Trần Huy Liệu) là người đại diện của gia đình chịu trách nhiệm liên hệ với các cơ quan chức năng được trực tiếp ký hợp đồng thuê toàn bộ diện tích tầng 1 nhà chính của số nhà số 16 Phan Huy Chú, Hoàn Kiếm, Hà Nội; bà Trần Nguyệt Hồng là cán bộ đã nghỉ hưu, đã có nhà riêng và hộ khẩu tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
1.4.Trong trường hợp bà Trần Nguyệt Hồng được trực tiếp ký hợp đồng thuê toàn bộ diện tích tầng 1 nhà chính của nhà số 16 Phan Huy Chú, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào mục đích thờ cúng và lưu giữ các kỷ vật của cố GS.VS Trần Huy Liệu nói trên, gia đình cốGS.VS Trần Huy Liệu sẽ tự nguyện hỗ trợ các chi phí cải tạo, sửa chữa do ông Trần Quyết Thắng (cháu nội của cố GS.VS Trần Huy Liệu) đã thực hiện dù việc cải tạo, sửa chữa đó không được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép
2.Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xin trả lại Xí nghiệp Nhà Hoàn Kiếm (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội) toàn bộ diện tích tầng 1 của ngôi nhà số 16 Phan Huy Chú, Hoàn Kiếm, Hà Nội (theo hợp đồng thuê nhà số 651/HDNC, ngày 31/3/1986, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam với Xí nghiệp nhà Hoàn Kiếm). Việc lựa chọn bà Trần Nguyệt Hồng, đại diện cho gia đình cố GS.VS Trần Huy Liệu hoặc chủ thể khác được tiếp tục ký hợp đồng thuê nhà số 16 Phan Huy Chú, Hoàn Kiếm, Hà Nội thuộc thẩm quyền của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Chúng tôi không có ý kiến gì và thuân theo quyết định của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
Trên đây là ý kiến trả lời chính thức của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam về việc làm rõ một số nội dung của vụ việc nhà 16 Phan Huy Chú, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.
Nơi nhận:– Như trên– Chủ tịch Viện Hàn lâm (để b/c)– Viện Sử học– Lưu: VT, CSVC KT. CHỦ TỊCHPHÓ CHỦ TỊCHNguyễn Quang ThuấnĐã ký tên đóng dấu
4. Thư của GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học (2013):
Kính gửi GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Đồng chí Trần Huy Liệu từng là Phó Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng hồi Cách mạng tháng Tám. Sau đó đồng chí còn giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước như Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Ủy viên thường vụ Quốc hội trong nhiều khóa.
Về Khoa học xã hội, đồng chí là Trưởng ban Văn sử địa, tiền thân của Ủy ban khoa học xã hội Nhà nước nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Nay nơi ở và làm việc của đ/c cho đến khi qua đời ở 16 Phan Huy Chú Hà Nội xứng đáng được xây dựng thành nhà lưu niệm của đ/c và cũng là nhà lưu niệm của cơ quan Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, của Viện Sử học.
Vì vậy tôi rất hoan nghênh việc Đảng và Nhà nước đã quyết định lấy nơi đây làm nhà lưu niệm đ/c Liệu và đề nghị các cơ quan quyết tâm làm cho kỳ được, kịp thời trong dịp kỉ niệm 60 năm ra đời của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Hà Nội ngày 14 tháng 8 năm 2013
Nguyên Viện trưởng viện Sử học
GS Văn Tạo đã ký
5. Thư của GS Bùi Đình Thanh (2013):
Hà Nội ngày 13 tháng 8 năm 2013
Kính gửi: Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tôi là Bùi Đình Thanh, nguyên Tổng biên tập Tạp chí KHXH, nguyên cán bộ Viện Sử học đã nghỉ hưu. Tôi viết thư này gửi đến đồng chí để trình bày một việc như sau:
Được biết vừa qua tất cả 4 người con còn sống của đ/c Trần Huy Liệu đã đồng thuận làm đơn gửi đến lãnh đạo Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam để xin trả lại diện tích tầng 1 ngôi nhà 16 Phan Huy Chú (ngôi nhà mà Nhà nước đã cấp cho đ/c Trần Huy Liệu) để làm phòng lưu niệm theo di nguyện của đ/c. Tôi rất mừng và cũng vui hơn khi biết lãnh đạo Viện Hàn lâm, nhất là đ/c Chủ tịch rất quan tâm đến vấn đề này.
Việc dự định xây dựng nhà lưu niệm đ/c Trần Huy Liệu – nhà cách mạng, nhà sử học lớn, người đặt nền móng và là thủ trưởng đầu tiên của Ban Văn Sử Địa, tiền thân của Viện Hàn lâm ngày nay, đã kéo dài quá lâu, có lẽ đến mấy chục năm rồi. Sở dĩ ngày nay không tiến hành được là do anh Trần Huy Diễm con trai của đ/c Liệu không chịu trả lại nơi dự kiến làm phòng lưu niệm. Bản thân tôi từ trước tới nay với tình cảm và tấm lòng kính trọng đ/c Liệu luôn ủng hộ phương án cần có một phòng lưu niệm xứng đáng với nhà cách mạng, nhà trí thức lớn đã có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước như đ/c Liệu. Nhưng được tin cuộc họp giữa đại diện Viện Hàn lâm, lãnh đạo Viện Sử học và gia đình đã không đi đến kết quả mong muốn. Vì cháu Thắng con anh Diễm không ủng hộ, tôi rất buồn, nhưng ngoài tấm lòng và tình cảm, tôi không thể làm gì hơn cho người đ/c đáng kính của mình. Vì tuổi cao sức yếu không thể đến gặp nên tôi đành viết thư này gửi tới đ/c Chủ tịch để bày tỏ mấy lời và rất mong đ/c với trách nhiệm cao cả của mình, sớm tìm biện pháp giải quyết để kịp thời xây dựng nhà tưởng niệm Trần Huy Liệu trong dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Tôi thiết nghĩ đây cũng là dịp để tỏ lòng tri ân của các thế hệ nối tiếp sự nghiệp của đ/c Liệu hôm nay. Có thể nói đây là cơ hội duy nhất nếu không làm được thì chúng ta không những có lỗi với đ/c Liệu mà còn có lỗi với cả các thế hệ mai sau.
Vài lời bộc bạch tấm lòng và cũng là những đề nghị, mong mỏi cá nhân, tôi cũng tin rằng rất nhiều người khác cũng nghĩ như vậy. Kính mong đ/c Chủ tịch quan tâm, kính chúc đ/c dồi dào sức khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam ngày một lớn mạnh.
GS Bùi Đình Thanh đã ký
6. Thư của PGS Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (2013):
Hà Nội ngày 24 tháng 8 năm 2013
Kính gửi: – Chị Trần Nguyệt Hồng
– Anh Trần Thành Công
– Chị Trần Nguyệt Quang
– Anh Trần Trường Chiến
Nguyên là cán bộ Viện Sử học và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tôi xin bày tỏ sự hoan nghênh đối với ý kiến của gia đình Giáo sư – Viện sĩ Trần Huy Liệu về việc phối hợp với Viện Sử học và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xây dựng phòng lưu niệm Trần Huy Liệu tại 16 Phan Huy Chú Hà Nội, ngay tại căn phòng trước đây là nơi làm việc của ông.
Là người đã từng có nhiều năm làm việc tại Viện Sử học, trong đó có thời kỳ là Viện trưởng của Viện, tôi rất hiểu về những đóng góp to lớn của Giáo sư Trần Huy Liệu trong cương vị là Trưởng ban Nghiên cứu Văn Sử Địa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Sử học, đồng thời là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Chúng tôi, những người thuộc thế hệ hậu sinh biết ơn về sự đóng góp của Ông vào quá trình xây dựng và phát triển Viện Sử học và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Lòng yêu nước thiết tha, tinh thần cách mạng nồng nàn, tấm gương làm việc tận tụy vì sự nghiệp xây dựng nền sử học và nền khoa học xã hội nước nhà, sự nhân ái của Ông đã khiến cho biết bao thế hệ nghiên cứu và giảng dạy sử học, khoa học xã hội ở nước ta nể phục và yêu mến!
Từ lâu, Viện Sử học đã đề xuất và được Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đồng ý xây dựng Phòng Lưu niệm Trần Huy Liệu tại 16 Phan Huy Chú – Nơi trước đây là phòng làm việc của Ông với tư cách là Viện trưởng Viện Sử học và kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Song, vì một số lý do không mong muốn nên đề xuất ấy của Viện Sử học và cũng là nguyện vọng chung của giới nghiên cứu lịch sử chưa thực hiện được.
Nay, với sự thống nhất của gia đình, chúng tôi nghĩ rằng việc xây dựng Phòng Lưu niệm Trần Huy Liệu sẽ thuận lợi hơn và mong các cơ quan hữu quan sẽ ủng hộ, giúp đỡ để việc làm mang ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn” này thành hiện thực.
Trân trọng
Trần Đức Cường đã ký
7. Thư của GS Phan Huy Lê thay mặt Hội Sử học Việt Nam (2013):
Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Số 55/HSH Độc lập Tự do Hạnh phúc
Vv: Thành lập Nhà lưu niệm
GS.VS Trần Huy Liệu
Hà Nội ngày 20 tháng 8 năm 2013
Kính gửi: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
GS.VS Trần Huy Liệu là một nhà cách mạng có công lớn trong cách mạng tháng 8-1945 và trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, là một nhà báo, nhà sử học lớn, đã từng giữ chức Trưởng ban Văn Sử Địa, tiền thân của Ủy ban Khoa học Xã hội tức Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam ngày nay. Giáo sư cũng là người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Vì vậy, từ lâu chúng tôi đã cùng Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Sử học mong muốn xây dựng Nhà lưu niệm Trần Huy Liệu ngay tại chỗ ở và làm việc của giáo sư tại 16 Phan Huy Chú, nhưng do chưa có sự đồng thuận hoàn toàn của gia đình nên ý tưởng đó chưa thực hiện được. Lần này, nhận được thư của gia đình GS Trần Huy Liệu với chữ ký đồng thuận của các con của Giáo sư xin trả lại tầng dưới ngôi nhà 16 Phan Huy Chú để làm nhà lưu niệm của Giáo sư thì chúng tôi rất mừng. Nhân cơ hội thuận lợi này kết hợp với kỉ niệm 60 năm thành lập Ban Văn Sử Địa, chúng tôi trân trọng đề nghị Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam sớm quyết định thành lập Nhà lưu niệm Trần Huy Liệu. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hết sức hoan nghênh chủ trương đó và sTổng thư ký Hội Sử học Việt Namẵn sàng hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Sử học trong việc thu thập tư liệu, hiện vật và tổ chức trưng bày nhà lưu niệm này.
Xin trân trọng cảm ơn
TM. Ban thường vụ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
Chủ tịch
Nơi nhận
– Như kính gửi GS. NGND Phan Huy Lê đã ký
– Lưu VP
8. Thư của Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam (2013):
Dương Trung Quốc
Hội Sử học Việt Nam
Hà Nội ngày 25 tháng 8 năm 2013
Kính gửi Ông Nguyễn Xuân Thắng
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Tôi là Dương Trung Quốc, nguyên là cán bộ Viện Sử học Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam viết thư này bày tỏ quan điểm của mình và kiến nghị lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam liên quan đến việc bảo quản và phát huy nơi lưu niệm của Cố Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, cũng là Cố Chủ tịch sáng lập Hội Sử học Việt Nam (16 Phan Huy Chú, Hà Nội).
GS VS Trần Huy Liệu trước hết là nhà cách mạng lớn của sự nghiệp Giải phóng Dân tộc, là một nhà báo cách mạng và một nhà sử học lớn, người góp phần đặt nền móng cho sử học và các ngành khoa học xã hội của chế độ ta. Ông đã giữ nhiều cương vị trong các tổ chức chính trị của Đảng và trong thiết chế khoa học, là người góp phần xây dựng các ngành khoa học xã hội tiền thân của quý Viện Hàn lâm. Ông là một tấm gương cho giới khoa học. Một trong những nguyện vọng mà ông viết trong nhật ký là sau này nếu ông qua đời sẽ giữ nơi làm việc của mình thành một thư viện để sử dụng những sách vở, tài liệu mà ông đã tích lũy làm tài sản trí tuệ phục vụ cho các thế hệ sau. Đó là một nguyện vọng chính đáng và cao quý.
Trần Huy Liệu qua đời (1969) đến nay đã gần 45 năm, nguyện vọng ấy chưa thể thực hiện được vì những vấn đề liên quan đến diện tích vốn là nơi ông cùng gia đình sống, cũng là nơi làm việc của ông tại 16 Phan Huy Chú bị một người cháu chiếm dụng bất hợp pháp. Nay, toàn thể những người thừa kế hàng trực hệ (là các con của GS VS Trần Huy Liệu còn sống) đã nhất trí kiến nghị mong muốn các cơ quan có trách nhiệm, trực tiếp là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam là cơ quan tư cách pháp nhân thu hồi diện tích này để thực hiện ý nguyện của người đã quá cố.
Nhiều thế hệ lãnh đạo Viện Sử học, Hội Sử học Việt Nam cùng giới sử học đều đồng tình và mong muốn nguyện vọng của người quá cố được thực hiện. Cùng với sự đồng thuận của gia đình GS VS Trần Huy Liệu, lại vào dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, gắn với sự ra đời của Ban Nghiên cứu Văn – Sử – Địa, việc làm này sẽ vô cùng có ý nghĩa. Hơn thế đó cũng là trách nhiệm của quý Viện trong việc bảo vệ tài sản công của cơ quan bị xâm hại đã nhiều năm nay cần được thu hồi và sử dụng vào những mục đích phục vụ cho việc giữ gìn và phát huy truyền thống, ở đây là một tấm gương cách mạng, một nhà trí thức có nhiều công lao với đất nước và nền khoa học nước nhà.
Hội Sử học Việt Nam đã có văn bản chính thức gửi quý Viện do GS Chủ tịch Hội Phan Huy Lê kính. Còn văn bản này, tôi thể hiện sự đồng tình với nguyện vọng chung là Viện Hàn lâm KHXN Việt Nam sớm thu hồi diện tích này và giao cho Viện Sử học Việt Nam tổ chức thực hiện nguyện vọng của GSVS Trần Huy Liệu. Về phần mình, Hội Sử học Việt Nam cũng như cá nhân tôi sẽ hết sức cộng tác với Viện Sử học Việt Nam để tham gia vào công việc xây dựng Thư viện và không gian lưu niệm Trần Huy Liệu.
Kéo dài tình trạng để tài sản của nhà nước bị chiếm dụng, có phần trách nhiệm của lãnh đạo quý Viện, việc không sớm thực hiện được nguyện vọng của GSVS Trần Huy Liệu, chúng ta sẽ có lỗi với người quá cố. Vì thế, kính mong ông Chủ tịch sớm có những quyết định và chỉ đạo thực hiện kịp thời.
Kính gửi tới ông lời chào trân trọng.
Kính thư
Dương Trung Quốc đã ký
9. Thư của Ông Lê Vũ Hiển nguyên Thư ký của GS-VS Trần Huy Liệu (2013):
Hà Nội ngày 30 – 8 – 2013
Kính gửi Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng,
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tôi tên là Lê Vũ Hiển, nguyên là thư ký riêng cuối cùng của Giáo sư Viện sĩ Trần Huy Liệu (ngót 10 năm), là cán bộ lâu năm của Vụ Tổ chức Cán bộ Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam từ năm 1973 đến năm 1995 về hưu, có 2 nhiệm kỳ là Phó bí thư thường trực của Đảng ủy cơ quan Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nay xin có vài lời đề nghị kính gửi Chủ tịch như sau:
Giáo sư Viện sĩ Trần Huy Liệu mất ngày 28.7.1969 đến nay đã hơn 44 năm. Hồi đó, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Viện Sử học đã có chủ trương nhất trí lấy tầng 1 nhà 16 Phan Huy Chú làm Phòng lưu niệm Cố giáo sư Trần Huy Liệu. Đó là quyết định “thấu lý đạt tình” uống nước nhớ nguồn, hợp lòng mọi người. Tiếc rằng gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng phòng lưu niệm chưa chính thức ra mắt được. Tất nhiên là do nhiều nguyên nhân. Nhưng tôi thấy nguyên nhân cơ bản chủ yếu nhất là lòng tham, âm mưu chiếm đoạt bất chấp đạo lý nghĩa tình và lợi ích cộng đồng hiện nay và mai sau của gia đình cha con Trần Huy Diễm, Trần Thu Khánh và Trần Quyết Thắng kéo dài cho đến nay. Mặt khác cũng là do sự thiếu kiên quyết gần như bất lực của cơ quan quản lý diện tích này.
Sắp tới tháng 12 năm nay kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Ban Văn Sử Địa là tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Sử học Việt Nam, là cơ hội thuận lợi nhất để ra mắt chính thức Phòng lưu niệm này.
Tôi thiết nghĩ không lẽ nào chúng ta, một cơ quan nghiên cứu Khoa học xã hội tầm cỡ quốc gia, quốc tế, với đông đảo quần chúng làm khoa học hậu thuẫn đồng lòng, lại chịu thua mấy kẻ tham lam ngoan cố.
Chúng tôi rất biết Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác, bận trăm công nghìn việc nhưng không thể coi thường việc tài sản của Nhà nước do cơ quan mình quản lý lại bị chiếm dụng dai dẳng vô lý như vậy. Để gần nửa thế kỷ trôi qua, chưa có Phòng lưu niệm Cố Giáo sư Viện sĩ Trần Huy Liệu là chúng ta có lỗi với nhà khoa học tiền bối, nhà lão thành cách mạng có công đã mất, đồng thời chúng ta cũng có lỗi với các thế hệ mai sau.
Kính mong Chủ tịch và ban lãnh đạo Viện đặc biệt quan tâm giải quyết dứt điểm có hiệu quả nhân cơ hội này, đề nghị nếu cần thì phải cưỡng chế.
Kính chúc Chủ tịch Viện dồi dào sức khỏe và lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam lập nhiều kỳ tích mới.
Xin trân trọng cảm ơn.
Kính
Lê Vũ Hiển đã ký
10. Thư của PGS Ngô Văn Hòa (2013):
Kính gửi GS TS Nguyễn Xuân Thắng,
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Đồng chí Trần Huy Liệu là một nhà cách mạng nổi tiếng ở nước ta đồng thời đồng chí cũng là một nhà văn hóa, nhà sử học nổi tiếng ở trong và ngoài nước. Điều này được mọi người và nhà nước ghi nhận.
Nơi ở và làm việc của đ/c cho đến khi qua đời ở 16 Phan Huy Chú Hà Nội rất xứng đáng được xây dựng thành nhà lưu niệm của đ/c và cũng là nhà lưu niệm của cơ quan Viện Hàn lâm KHXH và của Viện Sử học. Đề nghị GS TS Nguyễn Xuân Thắng, chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH quyết tâm, dùng mọi biện pháp, kể cả cưỡng chế, để thu hồi tầng 1 nhà 16 Phan Huy Chú để làm lưu niệm cho giáo sư Trần Huy Liệu.
Hà Nội 23 tháng 8 năm 2013
GS Ngô Văn Hòa
Nguyên Thư ký khoa học và Bí thư chi bộ Viện Sử học
Đã ký
11. Thư của PGS Nguyễn Danh Phiệt (2013):
Hà Nội 23- 6-2013
Kính gửi GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng,
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tôi là Nguyễn Danh Phiệt, nguyên Phó tổng biên tập tạp chí NCLS, nguyên Trưởng ban Lịch sử Cổ Trung đại VN – Viện Sử học, đã nghỉ hưu. Tôi viết thư này gửi đến GS trình bày ý kiến về việc thành lập Nhà Lưu niệm của cố Giáo sư Viện sĩ Trần Huy Liệu như sau:
Đã nhiều năm nay Viện Sử học và gia đình cố viện sĩ có ý định dành ngôi nhà 16 số Phan Huy Chú – nơi ở và làm việc của Viện sĩ Trần Huy Liệu lúc sinh thời làm nhà lưu niệm, nhưng gặp khó khăn nên chưa thực hiện được. Nay 4 người con của cố Viện sĩ đã nhất trí làm đơn gửi Viện Sử học và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam can thiệp để thực hiện di nguyện của Cố Viện sĩ Trần Huy Liệu.
Được tin này tôi rất vui mừng. Cố Viện sĩ Trần Huy Liệu là nhà cách mạng, nhà sử học tiền bối đã có nhiều cống hiến rất lớn lao cho ngành sử nói riêng, ngành khoa học xã hội nói chung, được cả giới biết tiếng và hết lòng kính phục. Việc thành lập nhà lưu niệm của Viện sĩ Trần Huy Liệu không chỉ là nguyện vọng chính đáng của gia đình mà là mong đợi của mọi người từ lâu để tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ của các thế hệ kế tiếp.
Nhân dịp kỉ niệm 60 năm thành lập Viện Sử học tôi trân trọng đề nghị GS Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH VN quan tâm và có giải pháp giải quyết để nhà lưu niệm của Cố Viện sĩ Trần Huy Liệu sớm được thành lập.
Xin trân trọng cảm ơn
PGS TS Nguyễn Danh Phiệt đã ký
12. Thư của PGS Vũ Huy Phúc (2013):
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập Tự do Hạnh phúc
Hà Nội ngày 28 tháng 8 năm 2013
Kính gửi GS TS Nguyễn Xuân Thắng,
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Thưa Giáo sư
Tôi là Vũ Huy Phúc, Phó Giáo sư, làm việc tại Viện Sử học từ năm 1959 cho đến khi nghỉ hưu, nay vẫn tham gia một số việc nghiên cứu, đào tạo của Viện. Thủ trưởng đầu tiên của tôi là Giáo sư – Viện sĩ Trần Huy Liệu. Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Bác Liệu tại phòng làm việc của Bác ở tầng 1 ngôi nhà 16 phố Phan Huy Chú. Không chỉ cán bộ trong Viện mà nhiều học giả, nhân sĩ trí thức trong nước và thế giới đã tới đây làm việc với Bác về sự nghiệp phát triển nền khoa học lịch sử, khoa học xã hội của đất nước.
Mới đây tôi được biết các con Bác Liệu có đề nghị xin trả lại căn phòng nói trên (mà hiện nay cháu Thắng đang chiếm dụng) làm nơi tưởng niệm Giáo sư – Viện sĩ Trần Huy Liệu. Tôi nghĩ đây không chỉ là ước vọng của gia đình Bác Liệu mà còn là tâm nguyện của cả giới sử học, giới trí thức và giới cán bộ cách mạng cả nước. Bởi vì Trần Huy Liệu là một trong những nhà cách mạng dân tộc và xã hội chủ nghĩa hàng đầu, là nhà sử học lớn, có tên tuổi trong nước và quốc tế, là nhà hoạt động sôi nổi của Quốc hội nước ta. Tôi viết những dòng này đề nghị Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền hãy dùng mọi biện pháp có thể lấy lại toàn bộ diện tích tầng 1 ngôi nhà 16 Phan Huy Chú để xây dựng nhà lưu niệm cố GS VS Trần Huy Liệu kịp thời trong dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và cũng là nguyện vọng của đông đảo cán bộ Viện Hàn lâm KHXH chúng ta hôm nay.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư vô cùng.
Kính đề nghị
PGS Vũ Huy Phúc đã ký
13. Thư của PGS Lê Văn Lan (2013):
Hà Nội ngày 19- 8- 2013
Kính thưa Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng,
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Tầng 1 nhà số 16 Phan Huy Chú đang thuộc quyền quản lý của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, từ lâu lắm đã có quyết định xây dựng Nhà Lưu niệm cụ Trần Huy Liệu ở đấy.
Gặp nhiều khó khăn ngáng trở quá, mà lại không chính đáng chút nào, cho nên bây giờ, và chỉ bây giờ, cũng như chỉ còn trông cậy được vào tâm đức và quyền lực của Giáo sư, để công việc này được thực hiện, đúng dịp, và đúng nguyện vọng của mọi người.
Kính mong Giáo sư Chủ tịch ra tay.
Nay kính
Lê Văn Lan, nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Sử học, học trò, và là người chịu ơn cụ Trần Huy Liệu rất nhiều. Đã ký.
14. Thư của PGS Chương Thâu (2013):
Hà Nội ngày 25 tháng 8 năm 2013
Kính gửi GS TS Nguyễn Xuân Thắng,
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Tôi là PGS TS Chương Thâu, nguyên cán bộ nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam của Viện Sử học, vốn từ lâu đã hâm mộ đức độ, tài năng của Cố GS.VS Trần Huy Liệu và cũng từng được Cụ coi như người học trò thân tín và giao cho “sứ mênh lịch sử: nghiên cứu Phan Bội Châu” từ hơn nửa thế kỷ nay.
Tôi và các nhà nghiên cứu sử học thuộc thế hệ chúng tôi vô cùng biết ơn và kính mến cố GS. VS Trần Huy Liệu, người đã tác thành cho chúng tôi cả về nhân cách, lý tưởng sống lẫn sự nghiệp khoa học. Cho nên, sau khi Cụ từ trần (1969), chúng tôi mong muốn có một “Bảo tàng – lưu niệm Trần Huy Liệu” để tưởng niệm và tri ân bậc tiền bối sáng lập ra nền sử học cách mạng này. Nhưng đã nhiều năm rồi, nguyện vọng chính đáng này vẫn chưa có điều kiện thực hiện.
Nay vừa được tin: Viện Sử học và Viện Hàn lâm KHXH VN đã thu về ngôi nhà 16 phố Phan Huy Chú là nơi “cố cư” của gia đình cụ Trần Huy Liệu để lập “bảo tàng – lưu niệm về Cố GS. VS Trần Huy Liệu” – vị Trưởng ban Văn Sử Địa (tiền thân của Viện HL KHXH VN hiện nay), chúng tôi hết sức hân hoan phấn khởi và mong rằng “sự kiện” này sẽ sớm trở thành một “sự kiện lịch sử quan trọng” nhằm góp phần kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Hà lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (1953 – 2013).
Với nguyện vọng thiết tha đó, chúng tôi tin chắc rằng Chủ tịch Viện sẽ dành cho việc kiến tạo “sự kiện lịch sử” này một sự quan tâm nhiều hơn, có biện pháp hữu hiệu nhất đặng kịp với thời cơ hi hữu của năm kỉ niệm lịch sử đáng ghi nhớ của Viện Hàn lâm và Viện Sử học.
Xin trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe Chủ tịch Nguyễn Xuân Thắng quý mến.
Kính
Chương Thâu đã ký
15. Thư của GS Nguyễn Huệ Chi (2013):
Hà Nội ngày 16 tháng 8 năm 2013
Kính gửi Ông Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam,
Tôi là Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn học. Tôi đã công tác tại Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam từ năm 1961 đến hết năm 2004. Từ năm 1956, khi bắt đầu học năm thứ nhất ở Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi cư trú tại số nhà 16 Phan Huy Chú, Hà Nội cùng thân phụ là GS Nguyễn Đổng Chi bấy giờ là cán bộ Ban nghiên cứu Văn Sử Địa, trực thuộc Trung ương Đảng, dưới quyền Trưởng ban Trần Huy Liệu. Ở đây tôi được gặp hầu hết các thành viên của Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa lúc bấy giờ, đặc biệt được gặp và chuyện trò nhiều lần với GS Viện sĩ Trần Huy Liệu, bởi vì mặc dù còn là sinh viên, tôi đã được đăng hai bài trên tập san Văn Sử Địa nên được ông Trưởng ban rất quý, lúc nào có thì giờ rỗi là tranh thủ gặp gỡ tôi để chuyện trò. Ông tỏ ra rất tin tưởng vào lớp trẻ, coi họ là tương lai của khoa học nước nhà, nên những vấn đề liên quan đến các bộ môn khoa học văn, sử và địa lý của đất nước ông đều đem ra trao đổi cởi mở với tôi (và chắc còn có nhiều người như tôi).
Sống ở ngôi nhà 16 Phan Huy Chú trong hai năm 1956-1957, tôi nhận thấy nhà sử học Trần Huy Liệu là người Trưởng ban đầy uy tín, ông đã để lại một dấu ấn không thể phai trong toàn thể cán bộ của Ban cũng như trong hết thảy những cộng tác viên khắp miền Bắc tìm đến đây để bày tỏ ý kiến của mình về học thuật. Có thể nói Trần Huy Liệu là một học giả mà từ nhân cách độ lượng, khoan hòa, có cách ứng xử nhân văn và đầy bản lĩnh trong việc giúp đỡ nhiều trí thức gặp những chuyện truân chiên, cho đến sự uyên bác trong chuyên môn, như một người cha đầu tiên khai sinh ra các ngành khoa học xã hội sau này, đã đi vào lòng người chính là tại ngôi nhà 16 Phan Huy Chú này.
Từ lâu tôi vẫn ước ao Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, giờ đây đã đổi tên là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thành lập một phòng lưu niệm nhằm trưng bày sách vở, tài liệu cũng như có nhiều hình thức mô tả lại cuộc đời hoạt động sử học và hoạt động cách mạng của Trần Huy Liệu và của cả ngành khoa học xã hội Việt Nam nói chung. Tôi cũng rất mong Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho đắp tượng bán thân Trần Huy Liệu cùng với tượng Nguyễn Khánh Toàn dựng ngay trong tiền sảnh bước vào trụ sở của Viện hiện nay, để tưởng niệm công lao sáng lập của hai ông, giống như Trường Đại học Quốc gia Việt Nam đã làm với hai học giả Lê Văn Thiêm và Ngụy Như Kon Tum ở 19 Lê Thánh Tông mà tôi đã có vinh dự là sinh viên khóa đầu tiên.
Nay tôi được tin Viện Sử học có quyết định lấy toàn bộ ngôi nhà 16 Phan Huy Chú thuộc quyền quản lý của Viện để xây dựng nhà lưu niệm Trần Huy Liệu, lòng hết sức vui mừng. Việc làm ấy đáp ứng tâm nguyện của học giới trong cả nước và có thể nói là một việc đã có phần muộn màng, vì sự chờ đợi công việc hợp tình hợp lý đó của giới nghiên cứu khoa học xã hội khắp nước ta phải nói đã quá lâu, nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi rất mong mỏi việc này như thân phụ tôi – nay cũng đã qua đời. Một nhà lưu niệm như thế theo tôi bước đầu thuộc quyền quản lý của Viện Sử học là đúng đắn, nhưng không thể thuộc cấp quản lý của Viện Sử học lâu dài mà phải tiếp theo đó, nâng lên cấp một bảo tàng trong số nhiều bảo tàng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội để không những phục vụ nghiên cứu trong nước mà còn cả giao lưu với giới khoa học quốc tế nữa.
Tôi kính mong Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có biện pháp cấp bách thu hồi lại toàn bộ tầng một ngôi nhà 16 Phan Huy Chú, nơi hình ảnh Trần Huy Liệu chưa hề phai nhòa trong lòng bạn đọc nói chung, và lên kế hoạch tổng thể nhằm xây dựng thành một phòng lưu niệm xứng đáng với cái tênTRẦN HUY LIỆU, biểu tượng của ngành khoa học xã hội Việt Nam kể từ trước năm 1945, nhất là từ sau hòa bình lập lại 1954 đến nay.
Kính chào trân trọng.
Người đề nghị
Nguyễn Huệ Chi đã ký
——
Nguồn: TTXVH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét