8 tháng 5, 2015

Việt gian trong lịch sử -phần 5

TÁC GIẢ: NGUYỄN NGỌC LANH.
Việt gian Nguyễn Ánh – Gia Long
Cứ tưởng sau 70 năm, tội trạng đã định hình…
Đến nay, kể thêm công cho anh hùng Nguyễn Huệ (Quang Trung) hoặc kết thêm tội cho Việt gian Nguyễn Ánh (Gia Long) đều khó như nhau. Hai nhân vật cùng thời này đã nằm ở hai cực của sự khen và chê; không thể thêm công hay bớt tội. Cuộc thi luận tội Nguyễn Ánh – Gia Long ầm ỹ một thời, coi như đã kết thúc vì không ai vượt được kỷ lục cũ của các bậc lãnh tụ.
Các bản án sớm nhất, nghiêm khắc nhất về Nguyễn Ánh và nhà Nguyễn do cụ Hồ đưa ra (1942), khiến mọi người dễ nản chí khi định “nói lại” trước một uy tín tuyệt đối. Rồi, sau 67 năm, chúng lại được kê ra khá đầy đủ trong một bài đăng ở một tạp chí (2009), mà suốt một thời chỉ nhìn cái tên đã thấy e dè khi muốn “nói khác”. Lý do? Có lẽ do xuất hiện ý kiến muốn “xét lại” công-tội triều Nguyễn.
Cứ tưởng tội trạng Nguyễn Ánh đã định hình trong Lịch Sử – quá đủ để đưa vào sách giáo khoa. Nhưng mà không! Năm 2014 vẫn có một hội nghị khoa học về nhà Nguyễn, với đa số ý kiến “đề nghị xét lại” hoặc dám “nói khác”. Dù các lãnh tụ đã khuất bóng, vả lại phát biểu về Nguyễn Ánh – Gia Long hoặc triều Nguyễn dưới quan điểm chính trị là không phù hợp với môi trường học thuật, nhưng vẫn có tiếng nói phản bác của một cựu GS, nguyên viện trưởng Sử Học, lại được tiếng là “công minh lịch sử”. Với uy tín “đầy mình” về khoa học, ông nhấn mạnh hai điều, tuy không mới (trước đây đã khẳng định): 1- Gia Long đã cắt đất dâng cho thực dân Pháp; và 2- Gia Long gây mầm chia rẽ khi thống nhất đất nước (so sánh với Tây Sơn). Có lẽ 2 ý này sẽ được đóng khung trong Lịch Sử, để đời sau không thể thêm, bớt, xuyên tạc.
Cái thống nhất (đất nước) của vua Gia Long nhờ cắt đất cho thực dân mà có được đã gây mầm chia cắt đất nước, không phải chia cắt nội bộ như Trịnh – Nguyễn…
Thống nhất đất nước của Tây Sơn là gắn với độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, còn thống nhất đất nước của vua Gia Long nhờ cắt đất dâng cho thực dân mà có được. Đây rõ ràng là có tội như ông cha ta đã từng phê phán là ”Rước voi về giày mả tổ”, ”Cõng rắn cắn gà nhà”. 
Vị GS hưu trí này rất nhiều học trò. Học trò ông phải giúp thầy chứng minh:
1) Vua Gia Long (lên ngôi 1802) đã “cắt đất” nào cho thực dân Pháp? Liệu có phải là Hoàng Sa?. Chả phải. Hỏi bằng hai cụm từ (trong ngoặc kép): “gia long” “hoàng sa”, Google cung cấp hàng chục ngàn kết quả nói lên công của Gia Long (và con cháu ông) về xác định chủ quyền bất di-dịch ở đảo này.
2) Sự nghiệp thống nhất đất nước của Gia Long đã ươm mầm “chia cắt đất nước”. Phải chăng là cuộc chia cắt 1954 là do… Gia Long? Câu hỏi tù mù quá!
Còn phải lên án cả triều đình, dòng họ… mới yên tâm
Để Nguyễn Ánh thụ án “bất nhúc nhích”, các vị quan tòa còn kết tội cả hậu thân Nguyễn Ánh (tức Gia Long), cả triều Nguyễn, cả dòng họ… Và, cho tới tận vua Bảo Đại). Bài tổng hợp trên tạp chí khủng (nói trên) đã thể hiện đầy đủ điều này.
Ông vua cuối triều bị lên án cùng với tổ tiên là có lý do, không ai thèm vu oan. Năm 1945, ông tuyên bố thoái vị – với câu nói “để đời”: thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ – do vậy, được cụ Hồ mời làm cố vấn tối cao của chính phủ. Nhưng hình như vị cựu hoàng vẫn u mê, không thấy được phe XHCN đã hình thành và đang lớn mạnh – thể hiện xu thế thời đại (nhân loại tiến lên CNCS). Do vậy, khi được tổng thống Pháp đích thân trao trả độc lập bằng một hiệp ước ký kết ở lâu đài Elysée, ông đã quay trở lại lập trường quốc gia: ông nhận vai “quốc trưởng”, chính phủ dưới quyền ông chỉ được 35 nước (toàn là nước tư bản) công nhận – không thể so với chính phủ kháng chiến được tất cả các nước trong phe XHCN công nhận. Chính dịp này, cụ Hồ trả lời phỏng vấn về vai trò “bán nước” của Bảo Đại, đã gọi ông bằng cái tên “cúng cơm”: “Vĩnh Thụy trở về nước với hơn 10.000 viện binh Pháp để giết hại thêm đồng bào Việt Nam. Vĩnh Thụy cam tâm bán nước. Vĩnh Thụy làm tay sai cho thực dân“.
– Một ý trong câu trên trở thành quan điểm nghiên cứu sử học dưới nhãn quan macxit. Từ đó, hễ quân đội ngoại quốc đóng ở một nước là (y như rằng) sẽ giết người nước đó. Ai mời (hoặc cho phép) quân ngoại quốc vào đóng ở nước mình là có tội. Ví dụ, chính quyền Nhật, Nam Hàn để cho Mỹ đóng quân 60 năm nay…
– Có ngoại lệ, nhưng hiếm: Ví dụ, chí nguyện quân Trung Quốc tham gia nội chiến Triều Tiên, quân Liên Xô đóng 50 năm ở 7 nước Đông Âu hoặc sang Afganistan… là để giúp bạn. Còn quân tình nguyện Việt Nam vào Campuchia không giết người Campuchia, mà chỉ giết quân Polpos là kẻ thù của nhân dân nước bạn (!)…
Có lẽ do cựu hoàng Bảo Đại u mê quá lâu, nên tới tận cuối đời – khi có dịp nhận định về cụ Hồ – ngài vẫn phát biểu với thái độ cứ y như cái hồi ngài còn làm cố vấn tối cao cho chính phủ VNDCCH vậy.
Kết tội đã khó; nhưng bênh vực mới càng khó…
Thực chất, nói “bênh vực” Gia Long chỉ là cách dùng học thuật giúp phạm nhân giảm án chứ chưa phải “trắng án”. Giống như luật sư dựa vào Luật hiện hành bênh vực bị cáo thôi mà. Dù mục tiêu là gì đi nữa, lập tức bị phản bác gay gắt trên một số tạp chí chính trị và các tờ báo. Chưa đáng ngại lắm. Mà là trên các diễn đàn “bình dân” liên quan Lịch Sử mới khiếp.
Được dạy dỗ từ nhỏ, thành ngữ “Gia Long bán nước” đã đóng đinh trong óc bất cứ ai thụ hưởng nền giáo dục nước nhà từ 1945 đến nay. Phải làm cho người học thấy rằng không cần phân biệt Nguyễn Ánh với Gia Long (2 thời kỳ của một đời người), cũng như Nguyễn Huệ với Quang Trung.
Ngay từ năm 1945, cụ Hồ 55 tuổi đã gọi thiếu niên 15 tuổi trở xuống là “cháu” và xưng bác (đám cháu thời đó nay đã có người 85 tuổi). Sau đó, có phong trào toàn quốc phấn đấu “trở thành” cháu ngoan bác Hồ. Chữ “ngoan” trong tiếng Việt có nghĩa chủ yếu là vâng lời. Trong bài Nên học sử ta, bác Hồ đã nói ‘Vì muốn giành làm vua mà Gia Long đem nước ta bán cho Tây. Thế là giang san gấm vóc tan tác tiêu điều, con Lạc cháu Hồng hoá làm trâu ngựa”. Nói theo bác là ngoan, bất cần biết Gia Long chết “tám hoánh” trước khi Pháp chiếm nước ta, làm sao ông có thể hồi sinh để “bán nước”? Đến nay, các cháu mẫu giáo vẫn gọi “bác Hồ”. Do vậy, dù Bác đã mất, nhưng số cháu bác Hồ (đang sống) chỉ có tăng (theo dân số). Vào các diễn đàn Lịch Sử, nhất là diễn đàn bàn về công, tội của Quang Trung, Gia Long, rất dễ nhận ra ai xứng đáng là cháu ngoan bác Hồ. Có “cháu” đã 80 tuổi. Ý đồ bênh vực Gia Long – với tư cách luật sư bênh vực bị cáo – phải bị dẹp. “Khó” là ở chỗ này.
Nhiệm vụ chính trị của Việt Gian
Chưa ai cho học sinh biết rằng trong danh sách Việt Gian trước năm 1942 chưa có tên Nguyễn Ánh – Gia Long. Ông này “trở nên” Việt Gian là để phục vụ một mục tiêu chính trị. Ông phải “trở thành” Việt Gian để nhận sự sỉ vả, khinh miệt, đặng cảnh cáo những người đang (hoặc đang lăm le) cộng tác với thực dân Pháp. Cách làm chính trị (nhất thời) này chưa đáng trách nhiều, nhưng có nên “miễn nhiệm” cho tội nhân khi “hắn” đã trọn nhiệm vụ?
Việt gian mới nhất là Ngô Đình Diệm. Vì “giặc Mỹ” quá mới mẻ, cho nên không thể kiếm được Việt Gian trong quá khứ, ta đành chỉ định Ngô Đình Diệm (đang sống sờ sờ) nhận vai Việt gian. Ông này làm phiền ta không ít. Ông kiên quyết không cho quân Mỹ vào Việt Nam (bị Mỹ trừ khử). Cụ Hồ cũng gây phiền, khi cụ gửi tặng cụ Việt gian này cành đào vào dịp tết, lại còn nói: Ông Diệm là người yêu nước theo cách của ông ấy (té ra có nhiều cách yêu nước?).

Không có nhận xét nào:

Trang