Trang tin Bloomberg ngày 29/04/2015 đã có bài viết về sự phát triển đáng kinh ngạc của thành phố Đà Nẵng. Bài viết là góc nhìn của một người Mỹ, từng đến du lịch tại Việt Nam trong thời gian chiến tranh, sau 45 năm ông có dịp quay lại nơi này, dưới một vai trò khác – doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ cao.
Nhiều thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, Đà Nẵng đang thay đổi và dần trở thành“Singapore của Việt Nam”.
Chuyến đi đầu tiên ra khỏi thành phố NewYork là năm 18 tuổi, Chuck Palazzo đã chọn du lịch Đà Nẵng, Việt Nam, dưới sự cho phép của một người lính Thủy quân lục chiến Mỹ.
45 năm sau đó, Palazzo lại có dịp quay lại Đà Nẵng nhưng lần này với vai trò là một doanh nhân công nghệ cao đóng góp vào việc xây dựng kế hoạch phát triển tại một trong những thành phố hiện đại nhất Đông Nam Á. Những tiếng gầm rú của máy bay phản lực F-4 Phantom đã được thay thế bằng ầm ầm của xe ủi đất, tiếng lạch cạch của chiếc máy bay trực thăng Huey trong chiến tranh được thay thế bằng các máy đánh bạc; tiếng rít xé của viên đạn bay nhường chỗ cho tiếng bóng lao vút rít xuống đường lăn bóng đẳng cấp thế giới.
“Đà Nẵng thật tuyệt vời”, Palazzo nói. “Người dân ở đây rất cởi mở với người nước ngoài. Thủ tục nhanh gọn, Đà Nẵng thậm chí còn có môi trường kinh doanh thân thiện hơn so với thành phố Hồ Chí Minh, trước đây còn gọi là Sài Gòn..
Đà Nẵng – Singapore của Việt Nam (Ảnh: Trung tâm hành chính thành phố Đã Nẵng)
“Tại Đà Nẵng, bạn có thể tạm quên đi quá khứ đau buồn của chiến tranh. Khách du lịch có thể nằm dài phơi mình trên bờ cát trắng phía trước khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency, Câu lạc bộ Golf Đà Nẵng đẳng cấp thế giới được thiết kế bởi huyền thoại Greg Norman. Hệ thống giao thông được điều khiển bởi phần mềm hiện đại của Tập đoàn Công nghệ IBM”.
Singapore của Việt Nam
Nhiều thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, Đà Nẵng đang thay đổi và dần trở thành “Singapore của Việt Nam”, thu hút đầu tư bởi một chính phủ minh bạch và hoạt động hiệu quả. Sự bùng nổ xây dựng đã thay đổi diện mạo, cảnh quan của Đà Nẵng. Liên tiếp từ năm 2007, thành phố này luôn xếp hạng cao về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại Việt Nam nhờ chính quyền minh bạch và môi trường kinh doanh thân thiện.
Theo cơ quan thống kê của Đà Nẵng, chính quyền thành phố đã dành 4,5 tỷ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong 5 năm qua, tăng 1,7 tỷ USD so với năm trước đó theo dữ liệu của Sở Thống kê Đà Nẵng.
Cụ thể, đã có khoảng 60 triệu USD dành để xây dựng một nhà ga sân bay mới, 88 triệu USD để xây dựng trung tâm hành chính và 93 triệu USD để xây dựng một cầu vượt 3 tầng.
Một hệ thống điều khiển giao thông của IBM đã được lắp đặt để cập nhập giờ đến và đi của các chuyến xe bus và kiểm soát chất lượng nước. Trong khi đó, 300 km đường dây cáp đã được lắp đặt bởi Cisco System với mục đích kết nối các văn phòng làm việc của thành phố.
Ông Tan Jee Toon – Tổng giám đốc IBM Việt Nam cho biết: “Không giống với Hà Nội và TP HCM, lợi thế của Đà Nẵng là toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng đều còn rất mới. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng rất cầu thị và hướng tới tương lai. Họ không chỉ tiếp nhận phản hồi của công dân thành phố mà còn của cả cộng đồng doanh nghiệp”.
Đã Nẵng về đêm
Sông Hàn – nơi chia cách 2 bên thành phố Đà Nẵng hiện có 10 cây cầu bắc qua, bao gồm cả Cầu Rồng với 6 làn xe phục vụ việc đi lại. “Những con đường rộng rãi và sân bay mới khiến giao thông tại thành phố trở nên vô cùng thuận tiện”, ông Hung Nguyen – đồng sáng lập LogiGear, một công ty thử – kiểm nghiệm phần mềm đến từ thung lũng Silicon nói về lý do chọn Đà Nẵng và Hồ Chí Minh là 2 thành phố mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Còn theo ông Huỳnh Liên Phương – phó giám đốc trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng thì: “Kế hoạch lớn của thành phố là tăng dân số lên 2 triệu người vào năm 2020”. Tuy nhiên, chính quyền Đà Nẵng cũng nhấn mạnh, họ sẽ không cố gắng phát triển bằng mọi giá.
“Đà Nẵng không mù quáng để thu hút mọi thứ. Vì vậy những nhà máy có khí thải độc hại là điều không thể.” – Edmund Malesky, một giáo sư về kinh tế chính trị tại Đại học Duke ở Durham, North Carolina và các nhà nghiên cứu chính về chỉ số năng lực cạnh tranh cho biết.
Phi đội Gà bay “Chicken Run”
“Thành phố này đã loại bỏ rất nhiều dự án như nhà máy vải nhuộm và đóng tàu thuyền”. Ông Huỳnh Văn Thành – phó giám đốc phòng kế hoạch đầu tư Đà Nẵng nói: “Chúng tôi cân nhắc rất nhiều trước khi chấp thuận cho 1 dự án mới”.
Thay vào đó, tương lai của Đà Nẵng đang được chờ đợi ở khu công nghệ cao rộng 1.130 hecta đang được xây dựng gần đèo Hải Vân. Các kế hoạch bao gồm xây dựng nhà ở cho 10.000 công nhân công nghệ, trung tâm mua sắm và trường học quốc tế đang được triển khai. Tập đoàn Tokyo Keiki Inc., Niwa Foundry Co. và một công ty Việt Nam sẽ là khách thuê đầu tiên.
“Thử thách duy nhất mà Đà Nẵng cần làm đó là tạo ra những lao động đủ trình độ kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy mới”, ông Lam Nguyễn – giám đốc công ty International Data Corp nhận xét. “Một điểm thu hút các nhân viên nước ngoài là các bãi biển ở đây”
Một góc resort Intercontinental Sun Peninsula tại Đà Nẵng
Du lịch phát triển
Với lợi thế bờ biển dài khoảng 100km với bờ cát trắng chạy dọc Biển Đông, ngành công nghiệp du lịch Đà Nẵng đang cực kỳ phát triển. Ở phía Bắc, trong vịnh Đà Nẵng là các ngư dân đang đánh bắt hải sản trên các con tàu đánh cá bằng gỗ màu đỏ và màu xanh, thuyền thúng trong vùng nước màu ngọc lam. Dọc theo bãi biển phía Đông của thành phố là một loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp, nơi du khách có thể nhâm nhi bia và soda dưới ô dù tranh khổng lồ.
Tuy nhiên, “rủi ro mà chính quyền thành phố phải đối mặt là tốc độ phát triển nhanh chóng có thể gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng mới của thành phố”, theo ông Malesky đến từ Đại học Duke. “Câu hỏi đặt ra là, Đà Nẵng có thể xử lý được dòng người ồ ạt đổ về đây hay không? Có thể xử lý được tốc độ phát triển kinh tế đáng kinh ngạc và cấu trúc kinh tế phức tạp của họ hay không?”.
Để đưa ra giải pháp cân bằng giữa việc phát triển du lịch và kinh tế song song với việc đáp ứng đủ nhu cầu về nguồn điện và xử lý nước thải, Đà Nẵng đã chính thức ra mắt Trung tâm hành chính mới vào 6 tháng trước. Đây là một toà nhà 34 tầng với thiết kế hình cánh buồm như một biểu tượng cho khát vọng được kết nối với kinh tế toàn cầu của Đà Nẵng.
Toà nhà này là nơi đặt trụ sở, văn phòng làm việc của chính quyền địa phương để người dân và các nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận. “Mọi người có thể gửi thư điện tử trực tiếp và có cả trung tâm tiếp nhận phàn nàn từ những việc nhỏ như vỡ đường ống nước hay các khách sạn tăng giá bất thường…”, theo lời ông Nguyễn Quang Thanh – phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng.
“Trung tâm hành chính công nghệ cao là một thứ gì đó bạn chưa thể tìm thấy ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh”, ông Hung Nguyen nói. “Họ cần nhiều thời gian để làm những việc tương tự như ở đây”
Người có công lớn nhất trong việc xây dựng nên “thương hiệu Đà Nẵng” là ông Nguyễn Bá Thanh – Cựu Chủ tịch thành phố. Ông được mọi người ngợi khen có nhiều điểm tương đồng với Lý Quang Diệu – cựu thủ tướng Singapore, cha đẻ của Singapore hiện đại.
Cảnh đẹp ở Đà Nẵng là một trong những lý do thu hút nhà đầu tư và khách du lịch đến nơi đây
“Ông đã biến Đà Nẵng thành đô thị hiện đại. Ông luôn luôn đưa ra những giải pháp tốt nhất cho thành phố, phong cách lãnh đạo của ông giống như một nhà độc tài”. Những nỗ lực của ông đã giúp thu hút đầu tư từ các khách sạn nước ngoài như Furama hay các công ty sản xuất như Coca Cola và Mabuchi Motor, một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về động cơ điện nhỏ.
Kể từ năm 1987, thành phố Đà Nẵng đã cấp phép cho 324 dự án đầu tư nước ngoài từ 37 quốc gia với tổng vốn đăng ký là 3,38 tỷ USD. Những thương vụ gần đây bao gồm sự tham gia của cả Apple và Tập đoàn Airbus.
Ông David Blackhall – giám đốc VinaCapital Real Estate nói: “Đà Nẵng là đơn vị đi đầu trong số những thành phố khuyến khích đầu tư nước ngoài. Nếu bạn cần thay đổi một kế hoạch, có thể phải mất nhiều năm tại hầu hết các nơi khác ở VIệt Nam. Nhưng tại Đà Nẵng, bạn sẽ chỉ mất khoảng 1 vài tuần”.
Trở lại với câu chuyện của Palazzo. Tất cả những thay đổi và phát triển như hiện nay của Đà Nẵng vẫn không thể xoá đi cảm xúc khi lần đầu tiên anh đặt chân tới đây. Vẫn còn đâu đó dấu tích của những chiếc trực thăng sử dụng trong chiến tranh, một căn cứ của Thủy quân lục chiến Mỹ hay tàn tích của chất độc dioxin nhưng nỗi buồn trong quá khứ.
Sáng 6/4, hai tàu hải quân Mỹ cùng hơn 400 sĩ quan và thủy thủ đoàn cập cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng), bắt đầu chuyến thăm và giao lưu giữa hải quân 2 nước
Thế nhưng, không có tình trạng thù địch chính trị. Các sĩ quan hải quân và biên phòng Việt Nam đã chào đón các tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald và tàu chiến duyên hải USS Fort Worth tại Đà Nẵng vào ngày 06/04 đến hoạt động trong năm ngày.
Các phóng viên và quan chức địa phương đã chụp ảnh kỷ niệm trên các tàu chiến và đứng cạnh các sĩ quan hải quân Mỹ trong bộ quân phục màu trắng.
Rõ ràng, Đà Nẵng đang thay đổi để trở thành một trong những thành phố hiện đại nhất châu Á.
Lan Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét