4 tháng 5, 2015

Chẳng biết vui hay buồn

Tác giả: Nguyễn Quang Lập
KD: Vui chứ Bọ. Vì Hot Boy Bọ vẫn là nhà văn nổi tiếng nhất hiện nay “sánh vai” với em Nguyễn Ngọc Tư, nên nhà văn Phạm Toàn khen là đúng rùi. Nhà văn khen nhà văn là khó lắm đó :D
Đến lượt mình- nhà báo- khen cả hai ông nhà văn. Hot Boy Bọ thì khỏi nói. Còn ông nhà văn Phạm Toàn- chửa thấy ông già nào… say mê trẻ con như cái ông già Phạm Toàn này. Lúc nào gọi cho ổng đặt bài cũng chỉ thấy cười như nghé, rồi trịnh trọng lắm: “Anh đang gấp rút làm cho nhóm Cánh Buồm”, còn mình chỉ gọi là nhóm Cánh Bướm :
Quen bác Phạm Toàn đã lâu, chưa khi nào nghe bác nhắc đến văn mình chứ đừng nói khen. Sáng chủ nhật đẹp trời bỗng đâu thấy bác khen bọ Lập trên trang Bauxite nhân giới thiệu truyện ngắnĐường đời không lối rẽ của minh. Đọc thấy sướng, vội vàng đăng lên khoe với bà con.
Câu chuyện bắt đầu như mọi câu chuyện theo kiểu Nguyễn Quang Lập, nghĩa là như không có văn, không định làm văn, càng không thấy dấu vết nào của sự cố ý “làm văn”.
“Tôi làm ở báo Cửa Việt … tôi túng bài cho số Tết … tôi mò ra Hà Nội … tôi không định đặt bài cái “thằng Phương” bạn tôi ấy, nhưng rồi lại có bài của nó đem về dùng, chỉ bỏ đi chừng năm trăm chữ …” 
Thế rồi câu chuyện cứ nở ra, và nở ra một cách thật có duyên – có thể nói thật văn chương nữa – vì văn chương là cái duyên, mà phải là cái duyên của người viết ngay đúng lúc người cầm bút đó không định “làm duyên bằng văn chương”, càng không cố ý “sáng tạo”, “phá phách”, tưởng đâu như định “mở ra một chân trời văn chương hoàn toàn mới mẻ”… 
Trong chừng mức nào đó, Nguyễn Quang Lập rất giống với Nguyễn Ngọc Tư. Hai anh ả này viết văn như người ta đi ra đồng lùa vịt rồi kể dăm ba điều chất chưởng, viết văn mà ngây ngô như chính mình đang tròn xoe mắt trước những hiện tượng văn chương cao sang hơn mình… chất chưởng đấy, ngây ngô ngơ ngác đấy, nhưng phải là người gan lì lắm mới ngăn nổi cho mắt mình không nhòe đang khi đọc văn chương của hai anh ả này.
Riêng với Nguyễn Quang Lập, ngày Chủ nhật này Bauxite Việt Nam tự động gắp từ trang Quê Choa ngày 18 tháng 12 năm 2013 của anh một câu chuyện để mang về làm đẹp cho trang BVN khô khan của mình. Một câu chuyện hoặc một tác phẩm, nếu thích nói quá lên, đó là một kiệt tác. 
Có hai nhân vật. “Thằng” Phương, tên đại bịp, tên lừa đảo, có điều là anh ta lừa đảo và bịp bợm một cách quá ư hồn nhiên, như là một “thiên tính”. Anh ta thích làm rung động những trái tim thôn nữ – xin nhấn mạnh, “trái tim thôn nữ”. Cái lực lượng làm quân chủ lực của cách mạng. Cô gái quê quá tự ti và quá nhút nhát chẳng thấy chàng trai đó có gì là hấp dẫn hết. Và chính sự ngờ nghệch gái quê ấy đã khiến “thằng” Phương tìm cách “giết” cho bằng được. Và rồi, nhà văn tên thật là Phương bút danh là Quì ấy đã thành công. Anh ta “giết” được cô gái quê ấy – và giết với nghĩa đen hoàn toàn trần trụi của khái niệm giết. 
Nguyễn Quang Lập kể chuyện trong kiệt tác của mình rất kiệm lời nhưng hoàn toàn đủ: thằng-nhà-văn-Phương-Quì đã “nâng tầm” cô gái quê bị lừa thành “o du kích nhoẻn cười dưới ánh trăng”. O du kích bịa tạc ấy đã tôn thờ nhà văn Phương-Quì cùng với đứa con trai của hai người, cái đứa bé chết mà chưa được chụp ảnh để đến nỗi trên bàn thờ chỉ có ảnh nhà văn Phương-Quì chưa chết trong tư thế tự thu xếp hoàn hảo một vị trí trên bàn thờ cho mình!
Thư giãn Chủ nhật cùng BVN, xin mời bạn đọc Nhà văn Nguyễn Quang Lập. Thật bất công, và lại có phần ngốc nghếch nữa, nếu ta tin lời những nhà phê bình đã phán một cách nhẹ tênh, rằng “Nguyễn Quang Lập viết văn lối khẩu ngữ”. Và chớ tin nhảm vào những chê trách hơi nặng nề, rằng nhà văn Việt Nam đương thời quay lưng với thực tại. Nhà văn đương thời như “anh Nập” (và Nguyễn Ngọc Tư) hoàn toàn không quay lưng với thực tại. Ẩn dụ của họ quá đẹp và quá mong manh đến độ có thể bị bỏ qua, có khi còn bị hiểu nhầm. 
Vì thế mới cần dạy Văn cho trẻ em của cả dân tộc này ngay từ lớp Một theo một cung cách hoàn toàn khác! Nói thật đấy!
Phạm Toàn
……………………………………..
Chẳng biết vui hay buồn
Những ngày đầu mới vào lính mình đóng quân ở Mía, cách thị xã Sơn Tây chừng bảy, tám cây số. Đợt huấn luyện mình chẳng có gì nổi trội, trừ bắn súng ra, môn nào cũng trung bình. Kém nhất là môn ném lựu đạn, suốt cả kì huấn luyện chưa một lần mình ném trúng đích. Riêng bắn súng thì hết chê, ba phát 30 điểm thường xuyên, thi thoảng mới 28, 29 điểm.
Tóm lại thỉnh thoảng mới được C trưởng khen, còn lại đều bị chê ròng. Thế mà trong tiểu đội thằng nào cũng nể mình, nói gì chúng nó cũng nghe. Mình không phải tiểu đội trưởng nhưng mặc nhiên là tiểu đội trưởng, kể cả thằng tiểu đội trưởng nó cũng nghe mình răm rắp. Không hiểu sao, có lẽ vía mình át hết vía chúng nó.
Cả tiểu đội trú quân tại nhà mẹ Là. Mẹ cũng thương mình nhất, lúc nào mình tập về cũng kéo mình ra sau hồi dúi cho mình một cái gì đó để ăn.
Cạnh nhà có cô L. 22 tuổi, thích mình lắm. Hễ thấy mình là cô lấy hòn sỏi ném một cái rồi ngoảy đít chạy, vừa chạy vừa cười.
Nhưng mình không thích cô L. Một là cô không đẹp, hai là đã có chồng, ba là mình đã đánh đu với ba cô trường trung cấp thương nghiệp đủ mệt rồi, đang tính thảy đi một cô mà chưa biết làm thế nào.
Một tối mình đi chơi với em M. về, thấy cô L. đứng chờ đầu ngõ, gọi anh Nập! Mình quay lại, cô ta ôm chầm lấy nấc lên, nói em tội nắm anh Nập ơi!
Hóa ra hoàn cảnh cô này tội thật. Lấy chồng bốn năm không có con, gia đình chồng bảo điếc, chửi bới khinh rẻ, đuổi về nhà ba bốn lần, cô phải khóc lóc xin ở thêm hai năm nữa, nếu không có con thì cô sẽ ra đi.
Cô bảo không có con là tại chồng chứ cô vẫn bình thường. Cô đề nghị xin mình một đứa con. Mình hứa sẽ giúp đỡ, nhưng không ngủ với cô mặc dù cô rất muốn.
Tối về mình họp tiểu đội lại, nói tình hình như thế, thằng nào muốn giúp cô ta không? Cả tiểu đội nhìn nhau rồi nhìn mình. Mình tưởng chúng nó ngại, nói hoàn cảnh người ta thương tâm thế, chúng mày không muốn giúp à?
Thằng Tí nói tâu có (thằng Tí nói âm đ ra âm t). Mày cử ai thì cử chứ chúng tao thằng nào không muốn. Cả lũ lúc đó mới ồ lên đúng đúng, mình nhẹ cả người.
Mình cử thằng Th., không phải vì mình quí nó, thiên vị, mà vì thằng này bác sĩ, nó biết tính toán ngày tháng để chóng có con. Thắng Th. sướng quá nhảy cẩng, hú lên một tiếng như bò rống.
Từ đó tối nào cũng vậy, cứ đến 10h 30 là nó cắp nilon ra đi. Thằng Tí tức mình lắm nói tao ăn ở với mày có đến nỗi nào sao mày cho thằng Th. tịt một mình? Mình dỗ nó, nói: được rồi sau ba tháng nếu con L. không có con với thằng Th. thì tao cử mày.
Chẳng dè được hai tháng thì cô L. trúng thai, cũng là lúc đơn vị được lệnh chuyển quân, tiểu đội có chín thằng tản ra tám hướng, chỉ thằng Tí là cùng đơn vị với mình.
Suốt ba tháng ở Quảng Ninh – gái Quảng Ninh hết chê hi hi – mình kiếm được ối cô, thằng Tí vẫn không kiếm được cô nào, thỉnh thoảng lại túm áo mình năn nỉ: mày kiếm em nào cho tao tịt với. Nhưng mình không kiếm được cô nào hoàn cảnh như cô L., đành chịu.
Ba năm sau tình cờ quay lại Sơn Tây, gặp cô L. ở chợ, cô vứt rổ rau nói anh chờ em tí, rồi tất tả chạy về nhà bồng thằng cu chạy ra. Thằng cu thật kháu, giống thằng Th. y chang.
Cô L. nói đi nói lại ơn anh Nập nắm nắm. Đời mình chưa có ai cảm ơn mình rối rít như thế. Thằng Th., thì đã chết ở biên giới Tây Nam rồi. Cô L. biết tin, lén để tang Th. một năm.
Chiều nay uống bia Vân Hồ một mình bỗng gặp cô L. Lúc đầu mình không nhận ra, L. nói mãi mới nhớ. Cô bây giờ già quá, hom hem, tóc bạc. Mới hơn năm chục tuổi sao mà già thế.
L. nói sau đó thằng chồng em cũng biết, nó đuổi em ra khỏi nhà. Mình nói bây giờ em ở với thằng cu, hay lấy chồng mới? L. nói gái chửa hoang, chó nó thèm lấy em. Thằng cu cũng không ở với em.
Mình hỏi sao thì L. khóc nghẹn, nói con em hết vô tù lại ra tù anh ơi. Ba chục tuổi đầu vào tù 11 lần, toàn tội ăn cắp thôi. L. khóc một hồi rồi ngẩng lên quệt nước mắt, nói biết thế ngày xưa em không nhờ anh có phải hay hơn không. Mình nghẹn đắng.

Không có nhận xét nào:

Trang