4 tháng 8, 2013

'Nhân tâm' thời kim tiền

Bài học "nhân tâm" trong thời kim tiền, ở các vụ việc ấn tượng trong tuần, chắc chắn không của riêng ngành nào...
Cách đây nhiều tháng, người viết bài này đã có một bài viết nhan đề Vừa buồn cười... lại muốn khóc  Cái bi hài đó bỗng nhiên lặp lại trong tuần này.
Tụt hậu "nhân tâm"?
Không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gọi bệnh viện là "nhà thương" (khi Bác về thăm Bệnh viện Vân Đình- 1963). Cái khái niệm "nhà thương" đã gói trọn toàn bộ ý nghĩa của nghề cứu người, thương người.
Thật trân trọng tâm sự say nghề và  cũng đầy day dứt của bác sĩ Ngô Đức Hùng đăng trên báo Giadinh.net.vn (ngày 29/7), nếu biết rằng công việc của các BS nói chung, của BS hồi sức cấp cứu nói riêng đang rất quá tải. Mỗi ngày họ phải xử lý khoảng 90-100 bệnh nhân cấp cứu. Mỗi tháng khoảng 3.000 lượt bệnh nhân vào cấp cứu, với 16 BS vừa làm hồi sức bệnh nặng, vừa làm chẩn đoán, tối về, hùng hục cày sách để bổ sung kiến thức mà vẫn thấy mình dốt.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, và nhiều BS có lương tâm, vẫn lặng lẽ âm thầm với bổn phận cứu người của mình. Bệnh nhân, và xã hội phải cảm ơn họ, vì họ thực sự là những người thầy thuốc có trách nhiệm, có nhân cách.
Sự quá tải của bệnh viện đang là bài toán hóc búa nhất của ngành y chưa có lời giải. Sự quá tải bệnh nhân so với số giường bệnh, số lượng thầy thuốc, điều kiện kỹ thuật, thuốc men, môi trường thiếu vệ sinh, cộng với thói quen sống tùy tiện của người Việt, đã khiến cho bệnh viện có khi thành nơi dễ lây bệnh nhất.
Nhiều BS có lương tâm, vẫn lặng lẽ âm thầm với bổn phận cứu người của mình. 
Đã thế, trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, xung quanh cái chết của một phụ nữ 43 tuổi (ở Bệnh viện đa khoa Thanh Oai- Hà Nội) do nạo thai "chui" trước đó, bị thủng dạ con không có hướng điều trị kịp thời, lại bị chẩn đoán sai là "ngộ độc thức ăn", ông Đỗ Ngọc Vấn, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thanh Oai có một phát ngôn ấn tượng vừa tự nhiên chủ nghĩa, vừa có phần vô cảm giá băng:
Trong cuộc đời làm BS của tôi, số bệnh nhân chết trong khi tôi điều trị cũng phải đến... vài chục người. Chẳng qua đây là người nhà bệnh nhân không hiểu nên mới nghi ngờ... 
Có thể, đó là sự thật không phải của riêng ông Đỗ Ngọc Vấn. Vì đã là bệnh nhân, phải vào bệnh viện, có người may mắn được cứu sống, cũng có người không may rơi vào lưỡi hái tử thần. Nhưng cũng rất có thể, trước đó, họ đã rơi vào lưỡi hái của sự vô cảm, mà phát ngôn ấn tượng trên liệu có là "chuyện thường ngày" của... cái lưỡi một vị quan chức bệnh viện?
Không BS nào giỏi giang đến mấy tự cho mình có thể chẩn đoán đúng bệnh, chữa khỏi tất cả những bệnh nhân đến với mình. Người Việt chúng ta chưa thể quên, sự nhạy cảm và dấn thân của người thầy thuốc tài giỏi về bệnh truyền nhiễm Carlo Ubarni (người Italia), tại Bệnh viện Việt- Pháp Hà Nội, những năm Hà Nội đương đầu với căn bệnh Sars bí hiểm. Và ông cũng đã nằm xuống bởi chính căn bệnh này. Đến thầy thuốc cũng có thể sinh nghề tử nghiệp là vậy.
Nhưng thái độ người thầy thuốc trước sinh- tử của bệnh nhân, có khi là thuốc chữa bệnh, có khi là... độc dược, thưa ông Đỗ Ngọc Vấn.

Rất đông người Việt cũng chưa thể quên câu chuyện bức ảnh gây sốc cả thế giới "Kền kền chờ đợi" của Kevin Carter, phóng viên ảnh người Nam Phi, mới hơn 30 tuổi, đã đoạt giải thưởng danh giá Pulitzer. Bức ảnh ghi lại một cảnh tượng kinh hoàng- con kền kền đang rình mò, chờ đợi một bé gái da đen gần như chết khô, đang cố lê mình phía trước.

Bức ảnh Kền kền chờ đợi
Tấm ảnh đem lại vinh quang cho Kevin Carter, nhưng mặt sau của giải thưởng danh giá, là sự ám ảnh kinh khủng bởi dư luận xã hội chỉ trích, phẫn nộ lên án anh đã không làm gì để cứu bé gái khỏi con chim kền kền rình mò ăn thịt. Không chịu nổi áp lực, và cả sự dày vò đau đớn, người phóng viên ảnh tài năng đã tự tử.
Đó là cái chết của Lương tâm!
Chợt nhớ tâm sự của BS Ngô Đức Hùng: Tối về, hùng hục cày sách để bổ sung kiến thức mà vẫn thấy mình dốt. Không biết các BS Bệnh viện huyện Thanh Oai, buổi tối... cày gì nhỉ?
Nhưng trách nhiệm người thầy thuốc, giờ đây còn được...đổ lên đầu phía người dân.
Đó là câu chuyện của Bệnh viện Phụ sản Mê Kông (Q Phú Nhuận, t/p HCM). Trước hiện tượng trẻ sơ sinh liên tiếp bị tử vong, bệnh viện này đã có "sáng kiến" yêu cầu cha mẹ các bé phải ký giấy cam kết tiêm phòng văc xin viêm gan B cho con, xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định này. Có nghĩa là nếu có mệnh hệ rủi ro gì cho các bé, thì bệnh viện vẫn vô can?
Cái yêu cầu, nói theo cách nói dân dã của người Việt, là "khôn ranh" ấy, đang bị cả xã hội bất bình.
Xin hỏi, Chương trình TCMR quốc gia là chương trình, chủ trương của ngành y tế, hay của các ông bố bà mẹ đa phần thiếu kiến thức về y học? Nếu sinh- tử đứa trẻ thuộc hoàn toàn trách nhiệm cha mẹ các bé, thì ngành y tế được đầu tư, các bệnh viện từ phụ sản, bệnh viện nhi..., đến các BS được đào tạo ra để làm gì?
Mặt khác, sự quá tải của các bệnh viện, vừa làm giảm chất lượng chữa trị bệnh, vừa là... cây cầu nối tệ hại cho bệnh hối lộ, tham nhũng giữa bệnh nhân với các thầy thuốc. Chính báo Anh mới đây cũng phải có bài bình luận về "bệnh phong bì" trong bệnh viện Việt Nam (VnExpress, ngày 28/7), khi đôn lên thành "văn hóa phong bì". Các BS chữa trị bệnh tật cho bệnh nhân, thế còn phương thuốc nào sẽ chữa trị "bệnh phong bì", không chỉ cho bệnh viện, mà cho cả xã hội chúng ta?
Những vụ việc dồn dập xảy ra, như những tín hiệu S.O.S cho thấy, dứt khoát đã đến lúc, ngành y tế phải nhanh chóng thực sự có một cuộc cải tổ- theo cách gọi thời thượng- là "tái cơ cấu" lại ngành, gắn với sự thay đổi mạnh mẽ cơ chế quản lý kinh tế- chính trị- xã hội. Để VN không chỉ tránh tụt hậu về kinh tế- xã hội, mà còn tránh cả tụt hậu về... "nhân tâm"?
Tầm cao hay thấp?
Chuyện của ngành y chưa lắng xuống, chuyện của giáo dục, của người Việt trẻ lại nổi lên, cho thấy tư duy quản lý ngành GD, của Đoàn TN đều đang có vấn đề.
Sau chủ trương tức cười "cộng 02 điểm cho Bà mẹ VN anh hùng thi đại học", mới đây, lo ngại trước tỷ lệ tốt nghiệp THPT của các tỉnh cao chót vót, ngành GD& ĐT quyết định sẽ cắt thi đua nếu các tỉnh tăng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp (?), khiến cả xã hội lại tiếp tục nửa cười nửa mếu.
Về hình thức, có vẻ như chủ trương này cho thấy Bộ GD&ĐT quyết liệt chống lại "bệnh thành tích" trong thi cử.
Nhưng về bản chất, đó cũng là thứ tư duy hình thức.
Ngược dòng lịch sử thi cử, có thể thấy: Sau năm 2007, năm đầu tiên triển khai "Hai không", tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp chỉ 67%, một tỷ lệ khá thực chất nhất từ trước tới nay. Thì tiếp những năm sau đó, các tỉnh cùng "lội ngược dòng" ngoạn mục- phút 89. Trong khi những điều kiện giáo viên, trường sở, phương pháp..., hầu như không thay đổi bao nhiêu. Hiện tượng "lội ngược dòng" đó, sở hiểu, những người am tường GD hiểu. Chỉ ngành GD ngoảnh mặt đứng...làm ngơ. Vì sao?
Vì "màu cờ sắc áo" của các trường, của sở, của chính quyền địa phương, và của chính ngành nữa.
Trước áp lực dư luận xã hội về căn bệnh dối trá trầm kha trong GD, khi chính ngành thú nhận việc chấm ngẫu nhiên 17.000 bài thi của 16 tỉnh cho thấy có sai phạm rất lớn, thì việc cắt thi đua nếutăng tỷ lệ tốt nghiệp, cũng vẫn chỉ là chữa bệnh đằng ngọn, mang tính đối phó dư luận, bất chấp số phận của hàng vạn học sinh.
Bởi điểm trong tay các thầy. Chấm nới rộng hay hẹp, tăng hay giảm tỷ lệ tốt nghiệp là việc có thể và nhãn tiền.
Nhưng "nhãn tiền" hơn là cái gốc của một nền GD- "học để thi" hoàn toàn không thay đổi: Chương trình, SGK nặng nề, phương pháp khô cứng, lạc hậu..., thì tỷ lệ tốt nghiệp cao hay thấp, hoàn toàn không phản ánh giá trị thực, hay sự cố gắng của ngành.
Từ tỷ lệ đỗ cao chót vót, đến cắt thi đua nếu cao chót vót- vẫn là hai thái cực của thứ tư duy hình thức, nặng bệnh thành tích mà thôi!
Không chịu thua ngành GD, mới đây, Thành Đoàn Hà Nội huy động tới 1.000 thanh niên tình nguyện chỉ để thi công một đoạn đường giao thông nông thôn 700 m, có tổng giá trị 1,5 tỷ đồng, tại xã Phùng Xá, Thạch Thất- Hà Nội. Trong đó, 1,3 tỷ đồng dành cho nguyên vật liệu, 200 triệu đồng là tiền ăn, ở, đi lại cho các thành viên tham gia làm đường.
Nhìn tấm ảnh mật độ người thi công dày đặc, cứ ngỡ đó là một cuộc mít tinh phong trào thời bao cấp.
Trước phản ứng của dư luận xã hội cho rằng cách làm đó nặng tính phô trương, lãng phí, ông Trần Anh Tuấn,  Phó Bí thư thành Đoàn HN lại cho rằng:
Giá trị của con đường không nằm ở các con số đó... Chúng tôi muốn có tiếng vang để hiệu triệu đoàn viên thanh niên hướng tới những hoạt động như vậy.
Đúng là việc làm này của Thành đoàn HN cuối cùng cũng đã gây được tiếng vang, nhưng là tiếng vang sâu sắc... xấu.
Bởi nếu con đường biết nói, nó sẽ nói gì nhỉ: Giá trị của tôi (con đường- KD)... quá đắt so với giá trị thực tế, thưa đồng chí Phó Bí thư thân mến!
Thời cuộc đã thay đổi. Những thang bậc giá trị cũng đã thay đổi rất nhiều. Thế nhưng, nếu Thành Đoàn Hà Nội vẫn giữ tư duy cũ kỹ, cách lãnh đạo ồn ào, hình thức không hiệu quả, thì hoặc các vị đó quá tự tin về năng lực quản lý của mình, hoặc đánh giá quá thấp tư duy và sự đổi thay các thang bậc giá trị xã hội!
Vàng và... bạc
Đã qua rồi, cái thời người viết bài này, khi đến thăm một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia vừa mới xây xong ở một tỉnh đất học cho hàng nghìn học sinh, đã sững sờ khi thấy trường không hề có nhà vệ sinh (do cách phân cấp đầu tư lúc đó). Các cô giáo hoàn toàn phải "nhịn" suốt một ngày dài dạy học. Tận mắt thấy mà rùng mình.
Giờ đây, một số trường học ở ngay những huyện khó khăn như Minh Long, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Sơn Hà (Quảng Ngãi), ở Hương Thọ (thị xã Hương Trà- Thừa Thiên- Huế), có thể ngẩng cao đầu sánh vai với nhà vệ sinh của các trường học các quốc gia giầu có, bởi được đầu tư đến mức, được người dân gọi- nhà vệ sinh "dát vàng".
Bởi giá thành của các nhà vệ sinh quá khủng, khi diện tích chỉ trên dưới 30 m 2, nhưng đầu tư tới 500- 600 triệu đồng/ nhà. Còn khi nhìn hình ảnh các thiết bị bên trong được dát bằng loại... rẻ tiền, xộc xệch, cửa nhà vệ sinh nữ cũng không có, người ta có quyền đặt câu hỏi, vàng được dát cho nhà vệ sinh, hay dát vào túi ai?
Được biết, mới đây, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT cho biết sẽ yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra các nhà vệ sinh "dát vàng". Nghe mà nể cho "sức ăn" của một số người Việt, từ các Vinakhủng trở đi...
Nhưng có lúc, vàng cũng thành rất... bạc.
Đó là câu chuyện ồn ào của thành phố Đà Nẵng mới đây, xung quanh việc t/p này có khả năng sẽ kiện vài ba "nhân tài" trong số 300 người được nhận học bổng của Đề án 922 của t/p tài trợ (600- 800 triệu đồng/ người), đã và đang du học ở nước ngoài, với điều kiện học xong sẽ trở về t/p phục vụ lâu dài. Nửa đường, một số "nhân tài" này lại tự ý rẽ ngang, bất chấp hợp đồng đã ký.
Đà Nẵng là một t/p có nhiều chính sách mới, táo bạo cho sự phát triển. Thế nên vụ việc một số "nhân tài" chạy làng, khiến cho các t/p đang muốn học tập Đà Nẵng trải thảm đỏ, bỗng trở nên thận trọng, cảnh giác.
Dù muốn biện bạch khôn khéo kiểu gì, phải nói, đó vẫn là hành động thiếu sòng phẳng và không đẹp của vài ba "nhân tài" nào đó. Vì tiền hỗ trợ họ chính là tiền thuế của dân đóng góp để họ có điều kiện thành tài. Tài năng đâu chưa thấy, đã thấy hiện lên cái tài "lách" khôn vặt, mà người Việt vốn hay mắc phải, nhưng đôi khi lại ngụy biện là sự thông minh.
Cũng tiếc thay cho một vài vị GS lên tiếng bênh vực và biện hộ vụ việc này, cho rằng: Đa phần trí thức không thích bị ràng buộc, nếu đối xử thô bạo sẽ ảnh hưởng rất lớn tinh thần của họ. Đặc biệt, các tổ chức tài trợ học bổng nước ngoài sẽ có cái nhìn thiếu thiện cảm.
Thật ngạc nhiên vì sự nhầm lẫn khái niệm và lo xa không đúng chỗ. Đúng là đa phần trí thức không thích bị ràng buộc, vậy vì sao vài ba trí thức tương lai này lại... thích ràng buộc với Đề án 922? Hơn nữa, cái nhìn thiếu thiện cảm của ai đó, nếu có, không phải dành cho t/p Đà Nẵng, mà nên dành cho sự tính toán... bạc bẽo, trước thiện chí của cả cộng đồng t/p, mới là lẽ phải, là đạo lý thông thường.
Chưa biết t/p Đà Nẵng sẽ xử lý vụ này ra sao. Nhưng bài học  "nhân tâm" trong thời kim tiền, ở các vụ việc ấn tượng trong tuần, chắc chắn không của riêng ngành nào...
Kỳ Duyên

Không có nhận xét nào:

Trang