Ông Trường Chinh và cháu
nội Đặng Xuân Phương ngày bé
Đến căn nhà số
3, phố Nguyễn Cảnh Chân, Ba Đình, Hà Nội nhân dịp Quốc khánh 2/9 và kỷ niệm 25
năm ngày mất cố Tổng Bí thư Trường Chinh (30/9/1988-30/9/2013), gặp thế hệ thứ
ba từng sống và gắn bó với ông lúc sinh thời ở chính nơi đã ghi dấu cả cuộc đời
và sự nghiệp cách mạng của ông, nhiều câu chuyện “bây giờ mới kể” của họ khiến
tôi thực sự xúc động. Vì thế, tôi muốn không tiếp cận chân dung cố
Tổng Bí thư như một lãnh tụ cách mạng, nhà chính trị lỗi lạc hay một nhà văn
hóa lớn của đất nước như thường thấy. Tôi sẽ mang đến cho độc giả một góc nhìn
khác về những sự thật được cất giấu bấy lâu nay trong ngóc ngách ký ức những
người cháu gần gũi nhất của ông. Với góc nhìn này, tôi muốn gọi cố
Tổng Bí thư Trường Chinh đơn giản chỉ bằng danh xưng “ông” gần gũi.
Tư cách
Người Cộng sản…
Cánh cổng sắt bạc màu mở ra cả không gian im ắng và lặng lẽ. Ngôi nhà hầu như
không thay đổi gì trong hơn nửa thế kỷ gia đình ông chuyển về đây. Vẫn chiếc
ghế đá, sân gạch rêu mốc, cái chuồng gà xây áp tường gần lối cổng ra vào, giàn
sắt trước sân - nơi sinh thời ông dùng để treo các giò hoa phong lan và sau
nhà, căn nhà hầm tránh bom vẫn còn đó như một chứng tích về một thời kháng
chiến hào hùng của dân tộc.
Hầu hết các kỷ vật trong phòng làm việc của ông đều còn nguyên vẹn, từ chiếc
bút mực, sổ ghi chép từ những năm 1960, ba tủ chứa đầy sách luật-Nhà nước, văn
học nghệ thuật, sách nước ngoài... cho đến những tấm danh thiếp in bốn chữ giản
dị “Trường Chinh, Hà Nội.” Cũng chính tại căn phòng này, nhiều nghị quyết, văn
kiện Đảng và các quyết định trọng đại của lịch sử dân tộc đã ra đời.
Trong ký ức của người thân, ông Trường Chinh là người có lối sống giản dị. Hàng
ngày, ông đều dậy lúc 6 giờ sáng, trong lúc làm vệ sinh cá nhân ông hay ngâm
nga một hai câu đồng dao về con trẻ, rồi tranh thủ vừa tập thể dục vừa nghe bản
tin nhanh thế giới, tin tham khảo đặc biệt, tin bình luận, tin trong nước đọc
qua băng catsette do phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chuyển đến.
Tiến sỹ Đặng Xuân Phương - người cháu nội được coi là khá gần gũi, vẫn nhớ bữa
sáng của ông thường là chiếc bánh mỳ nhỏ với sữa hoặc trứng gà ốp lết từ đàn gà
nhà nuôi. Món ăn chính ưa thích của ông là thịt rim hay thịt băm và rau muống
luộc với cà... Hồi đó, nhiều bà con, cơ sở cách mạng những dịp đến thăm và được
ông mời dùng cơm tại nhà đều rất ngạc nhiên vì đời sống quá đỗi giản dị của gia
đình một trong những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Mỗi buổi tối, ông thường dành khoảng 30 phút sau bữa ăn để lắng nghe và trò
chuyện với các con (con trai Việt Bích, Việt Bắc, con gái nuôi Bích Ngọc) và
các cháu nội. Điều đặc biệt là trong phòng ngủ của ông luôn có một chiếc giường
nhỏ đặt cạnh giường hai ông bà dành cho một cháu nhỏ nhất nhà nằm cùng, bi bô
mỗi tối và sáng khi ông thức dậy.“Tôi và em gái Thu Thủy, mỗi người đều được nằm ngủ cạnh giường ông bà nội vài
ba năm. Lâu lâu, khi có anh, chị em họ sống ở xa về Hà Nội đến chơi thăm ông
bà, chiếc giường lại được nhường lại cho những người cháu khác vài hôm,” tiến
sỹ Phương kể.Ông cũng thường nói với con cháu phải biết quan tâm tới những người giúp việc
xung quanh. Lệ nhà, cứ chiều 30 Tết, ông đều mời các cán bộ giúp việc của mình
(trợ lý, thư ký, bác sĩ, cần vụ, bảo vệ, lái xe…) đến nhà ăn bữa cơm Tất niên
cùng toàn thể gia đình. Không những thế, biết có anh cảnh vệ đứng gác đêm giữa
giá rét mà không có áo ấm, ông liền bảo người nhà tìm chiếc áo khoác cũ còn tốt
của ông để họ dùng.
Đặc biệt, ông rất tâm lý và tình cảm với vợ (bà Nguyễn Thị Minh), người đã hy
sinh cả cuộc đời để chăm lo cho ông và gia đình, giúp ông hoàn thành trọng
trách trước Đảng, trước dân. Với các con dâu, rể, ông luôn quan tâm, không bao
giờ xét nét và luôn dặn dò các con công tác tốt và giữ gìn sức khỏe.
Cố TBT Trường Chinh nghiên cứu dự thảo văn kiện Đại hội VI của Đảng tại nhà
“Mẹ tôi kể rằng,
lần có thai đầu tiên, bà được ông bà nội đích thân đưa xuống tận Hải Phòng cắt
thuốc Bắc,” tiến sỹ Phương nói.
Khi các cháu đến tuổi đi học, những câu chuyện của ông thường là về truyền
thống văn hóa lịch sử, kể về các nhân vật “ghi danh sử sách” như Trần Hưng Đạo,
Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Vua Quang Trung,...; hay đơn giản chỉ là dẫn các cháu
đến những khu di tích, đi xem triển lãm tranh và giáo dục chúng bằng những câu
chuyện thực. Ông còn kể rất nhiều chuyện về Bác Hồ với tất cả niềm kính yêu.Có một lời dạy của ông trong chuyến thăm Liên Xô vào năm 1982 với vợ chồng con
trai thứ Đặng Việt Bích (bố mẹ của Đặng Xuân Phương và Đặng Thuy Thủy) mà đến
giờ các thế hệ trong gia đình vẫn nhắc nhở nhau, đại ý rằng: “Ba chẳng có gì để
lại cho các con ngoài tư cách người Cộng sản. Ba chỉ có cuộc đời cách mạng và
một lý lịch trong sáng để lại cho các con.”
Giản dị trong nếp sống bao nhiêu thì trong công việc, ông lại là người vô cùng
nguyên tắc và giữ đúng kỷ cương bấy nhiêu, nên vào thời điểm nhà nước tiến hành
đổi tiền năm 1985, dù chính ông là người phải ký phê duyệt nhưng hoàn toàn bí
mật với người nhà đến tận lúc Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam công bố tin
này.
Sau sự việc, được hỏi vì sao người trong nhà không được hay biết gì thì ông nói
với các con: “Đấy là bí mật quốc gia không thể nói. Ba mà nói là có tội với
nhân dân.”
Cũng vì sống quá nguyên tắc như vậy nên mặc dù rất tôn kính ông nhưng tiến sỹ
Xuân Phương cũng phải thú thật, không phải người con, cháu nào cũng đủ sức bền
để nối bước nghiệp ông.
Và những “áp lực” từ “bóng cả”
Trở lại quãng thời gian ba mươi, bốn mươi năm trước, thời điểm mỗi cá nhân đều
phải gạt bỏ đi cái tôi cá nhân để sống vì lý tưởng chung, vì sự nghiệp đấu
tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thì chính tại căn nhà cũng là nơi làm việc
của nhà
lãnh đạo Trường Chinh, những người thân có may mắn được sống cùng ông đã
phải chất chứa nhiều tâm tư mà đến giờ họ mới cởi mở phần nào.
Lớn lên, muốn tìm hiểu những ngày đầu về làm dâu của mẹ mình, Đặng Xuân Phương
cho biết, anh đã từng hỏi mẹ (tiến sỹ Hồ Thị Mỹ Duệ, nguyên con dâu thứ cố Tổng
Bí thư Trường Chinh): “Mẹ hẳn là đã rất hạnh phúc, mãn nguyện khi bước chân về
làm dâu ‘nhà quan,’ được sống sung túc nơi nhà cao cửa rộng?”
Câu trả lời của mẹ khiến Xuân Phương xúc động: “Ngoài tình cảm quan tâm, yêu
thương ấm áp của ông bà nội, có một sự thật rằng hồi ấy mẹ đã luôn cảm thấy ‘áp
lực’ và nhiều lúc còn là sự ‘khổ sở.”
Bởi, căn nhà nhưng cũng là nơi làm việc đó luôn được bảo vệ nghiêm ngặt với
hàng chục cảnh vệ đứng gác quanh và thậm chí cả ở trong nhà để bảo vệ an ninh,
an toàn cả ngày cho Tổng Bí thư Trường Chinh lúc bấy giờ.
Vậy mới có cảnh, “mỗi sáng thức dậy, cả bố mẹ con cái bước ra cửa phòng đã phải
khoác lên mình một diện mạo chỉn chu, quần áo, tác phong chỉnh tề, hoàn hảo,”
chị Đặng Thu Thủy nhớ lại. Để giữ gìn hình ảnh, an ninh, nền nếp gia đình các
con cháu đều phải tự kiềm chế tiếp xúc rộng rãi ngoài xã hội, nên không có cái
gọi là tự do cá nhân hay bạn bè riêng...
Chính vì vậy, những phụ nữ trẻ trong nhà như con dâu hay con gái nuôi ông
Trường Chinh - những cô gái hồn nhiên mới tốt nghiệp đại học và bước vào đời,
cũng luôn canh cánh nỗi lo mình làm có đúng không, nói có đúng không...
Chị Thủy chia sẻ: “Ngày ấy, mọi người trong nhà tôi đã sống mà không dám bước
qua ranh giới bản thân, với những ước muốn, thèm khát cá nhân. Tất cả phải xếp
sau những chuẩn mực của gia đình một nhà lãnh đạo đất nước.”
Bởi vậy, là “con ông cháu cha” nhưng người nhà ông Trường Chinh luôn phải chịu
áp lực “tròn vai,” cố gắng sống “không tỳ vết,” mọi lời ăn tiếng nói, quan điểm
cũng phải thật tròn trịa để không bị đánh giá, quy chụp.
Không chỉ những người con mà đến cả thế hệ sau, như người cháu nội Đặng Xuân
Phương ngay từ nhỏ đã tự ý thức được rằng: “Sống ở đây, mọi người con, người
cháu đều phải thực hiện nhiệm vụ chính trị.”
Xuân Phương tự nhận mình có tuổi thơ giống “con chim nhỏ trong chiếc lồng.” Anh
còn nhớ lắm, ngày bé, sống trong căn nhà lớn nhưng tách biệt với thế giới bên
ngoài, những món quà vặt quen với chúng bạn như bánh rán, ômai... lại là thứ
anh chỉ dám đứng nhìn từ xa, thèm thuồng.
“Ông tôi giống như cây cổ thụ của dòng họ Đặng. Cây cổ thụ tỏa bóng mát che chở
những ‘cây con’ nhưng đôi khi cũng làm chúng bị ‘cớm nắng’,” tiến sỹ
Phương nói.
Cũng vì thế, trong số những con cháu của gia đình ấy nhiều người đã cố “bung”
khỏi “bóng cây” để ra với khoảng không tự do, đón nhiều nắng và gió. Chỉ còn
lại Đặng Xuân Phương ở lại, trông coi hương hỏa nơi mà ông nội anh đã từng gắn
bó cả cuộc đời, cả sự nghiệp cách mạng...
Và bao năm qua, anh luôn ấp ủ tâm nguyện căn nhà số 3 ở phố Nguyễn Cảnh Chân có
thể trở thành nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, để lưu giữ những hiện
vật lịch sử về một lãnh tụ cách mạng, một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà văn
hóa lớn của dân tộc cho thế hệ mai sau.
Chi Lê
Căn phòng làm việc của ông
Trường Chinh lúc sinh thời
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét