11 tháng 8, 2013

NGHE DÂN NÓI VÀ NÓI CHO DÂN NGHE


BÙI VĂN BỒNG
Gần đây, những phát biểu tùy tiện, lộng ngôn của một số vị lãnh đạo quan chức các cấp đã làm cho dư luận khó chịu. Từ đầu năm ngoái, dư luận đã phê phán gay gắt những câu nói vô trách nhiệm của lãnh đạo Hải Phòng quanh vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng; như là: “Nhà ông Vươn là do dân bức xúc với ông Vươn, dân phá… để ủng hộ chính quyền”, “Trận đánh đẹp, có thể viết sách, dụng phim”, “nhà ông Vươn như cái lều canh cá, phá hay không phá không thành vấn đề”...
Chủ tịch Tp Hà Nội thì nói “màu đỏ của dân khiếu kiện đất đai (áo, cờ) làm xấu bộ mặt Thủ đô”. Đến vụ Văn Giang thì lãnh đạo tỉnh cũng có những phát ngôn làm giãy nảy dư luận. Tiếp đến nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu tùy tiện, vô lối (như Nghị Hồng nghị Phước và nhiều vị khác). Gần đây nhất là phát biểu của Thứ trường ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, của bà Bộ trưởng Kim Tiến;  nghe trái tai như ông Nguyễn Xuân Anh nói rằng không có mại dâm thì ít du khách về Đà Nẵng...vv.
Giữa tháng 6 năm ngoái (2012), phát biểu tại kỳ họp thứ 3, QH khóa XIII, đại biểu Dương Trung Quốc nêu rõ: “Nhìn lại một chặng đường dài, thời gian dài hơn mỗi kỳ họp, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều vấn đề đã được cảnh báo đến từ phát biểu của các nhà khoa học hay hoạt động xã hội trong đó có những đại biểu Quốc hội từ rất nhiều cuộc hội thảo về đề tài nghiên cứu v.v… mà Chính phủ chậm tiếp thu để rồi thực tiễn chứng minh những lời cảnh báo đó đã trở thành hiện thực. Năng lực lắng nghe bị hạn chế, phải chăng do Chính phủ chưa tin vào dân, vào những người không nằm trong bộ máy tư vấn gần gũi của Chính phủ liệu có phải là lợi ích nhóm hay không?”.
Trong thực tế hiện nay, tố chất “năng lực lắng nghe” mà ông Dương Trung Quốc nêu ra là điểm yếu chí tử của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp ở nước ta. Quan chức biết nghe dân nói, chịu nghe dân nói, muốn nghe dân nói và nói để dân nghe là việc còn rất khó khăn. Ở cương vị lãnh đạo nhưng với những người bị thiểu năng về nghe và ghi nhận ý kiến người khác hầu như họ không làm gì cả, hoặc nếu có làm thì chỉ làm theo ý mình, chủ đích, chủ kiến của mình, không cần nghe ai. Như vậy đã là kìm hãm sự phát triển mọi mặt của nền kinh tế-xã hội. Nghe mà không làm càng nguy hơn. Đó là biểu hiện của óc bảo thủ, sự trì trệ, sống theo kiểu an phận thủ thường, Cái kiểu sống co lại chỉ biết có bản thân mình, “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”, “mũ ni che tai, đèn ai nấy rạng”. Chủ nghĩa cá nhân nằm ở ngay lối sống, tác phong ấy.
Trong xu thế cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, quyết liệt của nền kinh tế thị trường, người lãnh đạo thiếu năng lực lắng nghe, kém năng lực hành động là tai ương và hậu họa cho nền kinh tế-xã hội.  
Họ là những người quen lối sống và làm việc đầy chủ quan, cá nhân vị kỷ, nghe nhưng không làm. Hoặc cứ làm theo ý chủ quan, không cần nghe ai được biểu hiện từ những động cơ và nguyên nhân sau:
Đầu óc cố hữu, bảo thủ, trì trệ, không chịu đổi mới.
Chủ quan, tự mãn, tự cho mình là nhất không ai bằng, không cần nghe ai, mọi người đều “dưới tầm”.
Trình độ năng lực kém, nghe đấy, biết đấy, nhưng không làm.
Nghe và cũng nghĩ cách làm, nhưng do năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý kém, sinh ra làm trật, làm sai, không hiệu quả hoặc chỉ gặt được những kết quả ngược lại của ý muốn.
Không nghe, không làm theo lời khuyên can, bỏ qua lời góp ý vì những lời góp ý đó ngược lại với chủ đích lợi ích cá nhân và nhóm lợi ích. Loại cán bộ này không cần biết tốt để noi theo, không cần biết xấu để tránh, chỉ biết có tiền, mà cũng không phân biệt thế nào là đồng tiền lương thiện, đồng tiền do chính mình tạo ra hay đồng tiền lừa đảo, chụp giật, bất chính.
Nghe, nhưng đã không làm lại còn cho đó là sơ hở, dễ lộ, tìm mọi cách đối phó, thậm chí phản ứng ngầm, trả thù.
Biết rồi, nhưng do lối sống, tác phong quan liêu, trì trệ, thiếu năng động, biến nghiên cứu thành “ngâm cứu”, rồi cuối cùng phải bỏ qua, mất thời cơ và hết điều kiện thực hiện.
             Riêng trong năng lực lắng nghe đã thể hiện cả tư duy và hành động của người lãnh đạo. Tư duy thường đi kèm động cơ, suy nghĩ sao làm cách vậy. Hành động nào thì biểu hiện rõ ý đồ, mục đích ấy. Nếu hành động vì dân, vì nước, vì sự phát triển chung thì hành động cũng vì sự nghiệp chung. Còn nếu như động cơ chỉ chạy theo lợi nhuận, tiền, vàng, của cải cho cá nhân, ga đình, hùn hạp cho nhóm lợi ích, thì hành động theo chiều hướng tìm mọi thủ đoạn gian dối, báo cáo láo, giấu tiền giấu tài sản để dễ dàng đạt mục đích vụ lợi.
            Ý kiến cử tri, những bài, báo cáo, thư riêng góp ý, những đề xuất cách làm, tham mưu biện pháp của các nhà khoa học, các cơ quan tham mưu giúp việc, sự tác động của dự luận và báo chí – tất cả những điều kiện đó đều bị tước bỏ, trôi tuột, do người lãnh đạo không cần đến, hoặc thiếu hẳn năng lực lắng nghe. Dị ứng trước những ý kiến phản biện có cơ sở thực tế và khoa học, những ý kiến đúng có lý có tình chính là “tự lạc hậu hóa”, tự kìm chân, tự đánh mất uy tín chính mình. Nhiều hiện tượng đã báo trước về tham nhũng, về sự quản lý tài nguyên, tài chính, tài sản nhà nước không chặt chẽ, tiềm tàng nhiều nguy cơ mất an toàn.
Thế nhưng, những tín hiệu rung chuông cảnh báo đều không bằng tiếng dế kêu. Nhiều quy hoạch, dự án, công trình đều có biết bao ý kiến toàn Đảng, toàn dân đóng góp, với ý thức xây dựng vì lợi ích chung, vì sự bền vững lâu dài cho đất nước, nhưng đều bị gạt đi. Vấn đề chủ quyền biển-đảo, vấn đề cho người nước ngoài vào thuê biển, thuê đất rừng làm ăn, khai thác tài nguyên, vấn đề quản lý tài chính-tiền tệ, vấn nạn lạm phát và an sinh xã hội cũng đang đặt hiện trạng đất nước trong khốn khó và nhiều nguy cơ bất ổn. Rồi những cảnh báo về hậu họa của những biện pháp mất cảnh giác với kẻ thù mà đi “chuyên chính” với nhân dân, những “biện pháp cứng” trấn áp dân chủ, kể cả việc gây ra tội ác…Ngay như trước mắt còn đặt ra các dự án như Bô-xít Tây Nguyên, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, rồi cảng Lạch Huyện, cảng Kê Gà, đường sắt cao tốc Bắc –Nam, vv…đã nhiều báo cáo, lời góp ý, chứng minh, phân tích đủ cả, nhưng ai nghe? Và nghe rồi có nghiên cứu, chịu sửa hay không? Đó cũng là “năng lực lắng nghe”. Cán bộ lãnh đạo biết tôn trọng ý kiến dân chủ, có năng lực lắng nghe, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng tận tụy trước nhiệm vụ vì “quốc kế dân sinh”, vì dân chủ, công bằng, văn minh là niềm mong đợi và tin cậy của nhân dân.
            Khi cán bộ lãnh đạo còn muốn nghe dân nói là ‘lương tâm, tố chất đạo đức cách mạng, chí tiến thủ và tinh thần trách nhiệm’ còn có thể chấp nhận được. Khi đã bảo thủ, hoặc sai lầm và cố tình không muốn cho ai đụng đến mình, tránh né, là coi như đó là cái mầm tai họa khi ông (bà) ta còn nắm chức quyền. Điều đó thật là có hại cho dân cho nước. Nghe dân nói những điều trái với nghị quyết, dân phê bình thẳng thắn, chân thực, những góp ý xây dựng...thì lại cho là họ nói xấu mình, họ chống phá thậm chí còn gán ghép, chụp mũ là "thế lực thù địch" xúi giục, ...
            Nói phải đi đôi với làm. Dân gian có câu: “Nói như giời leo, làm như mèo mửa”, ám chỉ những cán bộ lãnh đạo nói rất hay, hô khẩu hiệu rất kêu, dạy đạo đức sang sảng mà làm chẳng ra gì, sống cũng không gương mẫu về đạo đức, lối sông. Người ta nói: "Làm lãnh đạo nhưng thiếu trí tuệ, phận nô lệ tri thức xếp xó" là thế. Có những vị lãnh đạo nói chỉ để vừa lòng quần chúng, nói kiểu ta cũng am hiểu tình hình, cũng thấu đáo lòng dân, nhưng mà nói vuốt đuôi rồi chẳng làm gì, chí thêm gây sốc. Quan trí như vậy thật dáng lo ngại. Cán bộ lãnh đạo nói để dân nghe, tâm phục khẩu phục, trước hết nâng cao uy tín của chính mình. Muốn vậy phải có tâm, có tầm. Nói với dân điều gì phải xuất phát từ cái tâm vì dân, vì việc chung, vì chân lý, lẽ phải, công bằng, thực sự tôn trọng dân chủ và rất cần cái tầm – trình độ - của lãnh đạo. Nâng cao năng lực lắng nghe, chịu nghe dân nói, và nói cho dân nghe lọt lỗ tai, quả là không dễ!


Không có nhận xét nào:

Trang