* David Brown
Một cuộc tranh chức cay cú và công khai chưa từng có cho vị thế lãnh đạo đảng Cộng sản đầy quyền lực đã kết thúc vào cuối tháng Giêng với sự về hưu bắt buộc của Thủ tướng hai nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng. Đại hội 12 của đảng đã thưởng cho người mà ông Dũng nhắm lật đổ, ông Nguyễn Phú Trọng, một nhiệm kỳ 5 năm nữa làm tổng bí thư đảng. Khi Đại hội kết thúc, ông Trọng được một phóng viên hỏi, phải chăng Việt Nam sẽ trở nên dân chủ hơn.
Ông Trọng trả lời: “Cái hay của chúng ta là ‘tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.’ Ở một số nước, nói dân chủ nhưng người đứng đầu quyết định hết, thế thì ai dân chủ hơn ai? Đứng đầu mà độc đoán, chuyên quyền thì hỏi liệu có dân chủ được không?
Mặc dù ông Trọng nói tới những “người đứng đầu” ở những nước khác, rất có thể ông đang nghĩ tới đối thủ bị đánh bại của ông. Trong suốt thập niên ông Dũng làm thủ tướng (2006-2016), phía chính phủ của chế độ đã tăng tiến về quyền lực và vị thế tương đối bởi vì chính phủ, và không phải là tổ chức đảng, đã có kinh nghiệm và chuyên môn mà tiến trình toàn cầu hóa đòi hỏi. Đối với đa số người Việt có đầu óc cải cách ở ngoài cũng như ở trong đảng, thủ tướng được xem như hy vọng tốt nhất để đưa Việt Nam lên hàng các quốc gia hưởng thu nhập trên hạng trung bình. Tuy nhiên, đối với giới bảo thủ trong đảng, ông Dũng có vẻ quá thân thiện với kẻ cơ hội, quá xa lìa với quan điểm của Bộ Chính trị, và quá sẵn sàng để làm giảm giá quyền lãnh đạo của đảng.
Phản công là điều chắc chắn không thể tránh khỏi. Phong trào “bất cứ ai ngoại trừ Dũng” đã quy tụ sau lưng ông Trọng, và đã thắng thế. Khẳng định sự hồi sinh của “người của đảng”, Đại hội 12 cũng đã thông qua 19 ủy viên Bộ Chính trị, gồm toàn các đồng minh ý thức hệ với ông Trọng, những người xây dựng sự nghiệp trong hệ thống Đảng hoặc cơ quan an ninh nội bộ. Điều này cũng báo hiệu quan hệ Đảng – Nhà nước sẽ chặt chẽ hơn so với những năm gần đây.
Chính phủ mới của Việt Nam sẽ được đưa vào hoạt động trong tháng này, theo sau cuộc bỏ phiếu lấy lệ của Quốc hội để xác nhận các ứng cử viên của đảng đối với bốn vị trí hàng đầu của nhà nước. Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ là Thủ tướng. Dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Dũng, ông Phúc có phối hợp công việc nội các và sau đó là một trong 5 phó thủ tướng. Ông được coi như là một nhà điều hành có khả năng, và rõ ràng, như một người không có vẻ chống lại đường lối của đảng. Cựu Bộ trưởng Bộ Công an, tướng công an Trần Đại Quang, sẽ trám chỗ Chủ tịch nước. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch mới của Quốc hội, thường xuyên đứng đầu trong các cuộc thăm dò chính trị phổ quát. Bà là một bộ trưởng được việc về vấn đề an sinh xã hội.
Gần như suốt năm 2015, giới tài chánh thạo tin đã đánh cược ông Dũng sẽ thành công trong nỗ lực táo bạo để lật đổ đối thủ của ông, và một số người cho biết, các cải cách đã quá hạn, có thể sẽ đưa Việt Nam thẳng tiến trên con đường dẫn tới sự thịnh vượng lâu dài. Tuy nhiên, ông Trọng đã thực hiện một chiến dịch âm thầm có hiệu quả. Nhận diện sự liên minh của Thủ tướng với những “kẻ cơ hội”, ông Trọng lập luận rằng tính toàn vẹn của đảng đã bị thoái hóa dưới thời của ông Dũng.
Trong việc theo đuổi chức vụ hàng đầu của đảng, ông Dũng đã ve vãn những người ủng hộ cải cách bên trong và ngoài đảng. Các nhà bình luận trên không gian mạng sống động ở Việt Nam vẫn còn tranh luận, phải chăng ông là nhà cải cách thật, hay chỉ đơn giản là một kẻ cơ hội dưới lớp áo cải cách. Bây giờ ông Dũng đã ra đi, thành phần trung kiên của đảng không còn phải lo lắng rằng ông ta có thể là một Gorbachev ở Việt Nam.
Khi năm 2015 kết thúc, ông Trọng đã gieo những nghi ngờ thực sự về những người bạn và đạo đức của ông Dũng, đặc biệt là sự dễ dãi của ông đối với các giao dịch kinh doanh không lành mạnh của bạn bè. Vào năm 2012 và 2013, 200 Ủy viên Trung ương đảng đã hỗ trợ ông Dũng khi ông Trọng cố gắng hạ bệ ông. Bây giờ, vào tháng 12 năm 2015 và một lần nữa vào vài ngày trước Đại hội, Ủy ban Trung ương nghiêng về ông Trọng. Trong thực tế, các ủy viên cao cấp của đảng liên tưởng đến một tương lai không đoán được chắc chắn dưới tay ông Dũng và, từ chối ước muốn lãnh đạo của ông, không chỉ bình chọn ông Trọng thêm một nhiệm kỳ Tổng Bí thư nữa mà còn khôi phục lại tính ưu việt của đảng.
Đức hạnh cầm lái
Tổng bí thư mạnh bạo hơn so với dáng bộ khiêm tốn trước công chúng, như vẻ ông cụ cho thấy. Đối với ông Trọng, chủ nghĩa Mác-Lênin là một tín ngưỡng sống và kim chỉ nam cho hành động. Cũng giống như người hàng xóm phương Bắc Tập Cận Bình, ông có ý định tẩy rửa Đảng Cộng sản Việt Nam sạch các “phần tử xấu,” với niềm tin chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo đúng đắn, đảng là tổ chức duy nhất có thể lèo lái Việt Nam theo đúng hướng.
Đối với ông Trọng và nhiều nhà lý tưởng chủ nghĩa trong và ngoài đảng, vấn đề trên hết là tham nhũng. “Nhóm lợi ích đặc quyền không phải chỉ có ở Việt Nam”, theo các tác giả của Việt Nam năm 2035, một nghiên cứu gần đây được Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đồng thực hiện, “song quan hệ của nhóm này với nhà nước gắn với kết quả hoạt động kinh doanh lại cao bất thường”.
Sự thông đồng bên ngoài luật pháp giữa các đảng viên và giới lợi ích kinh doanh thì tràn lan. Với việc ông Dũng không còn có thể bảo vệ họ, ngày tàn của những người bạn ông đã được đánh số. Đến cuối năm nay, một loạt các viên chức ngân hàng và nhà quảng bá bất động sản có thể sẽ phải đối mặt với các cáo buộc hình sự. Tuy nhiên, vẫn còn là một câu hỏi liệu Đảng và Nhà nước dưới tay ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có nhiều khả năng hơn trong việc ảnh hưởng cải tổ hệ thống hay không.
Cùng với quyền lực rất đáng kể để định hình Việt Nam theo như ông thấy phù hợp trong những năm tới, ông Trọng đã, một cách nghịch lý, thừa hưởng chương trình cải cách của ông Dũng. Đó là con đường dẫn đến tình trạng thu nhập trên trung bình cho Việt Nam vào thời điểm “dân số vàng” (một lực lượng lớn những lao động trẻ) sẽ già đi vào khoảng năm 2035.
Chiếc bóng của Tập Cận Bình nhưng nghiêng về phương Tây
Được trang bị với sự trong sáng tư tưởng và lộ trình cải cách của Ngân hàng Thế giới, có thể nào đức hạnh có thể điều hành những vấn đề lớn đang mà Việt Nam đang đối diện hiện nay?
Để tạo nên một vết mẻ trên thực trạng tham nhũng, đảng phải từ bỏ chủ thuyết “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, quan điểm cho rằng sở hữu nhà nước đối với các “đỉnh cao chỉ huy” – có nghĩa là, về ngành công nghiệp nặng, cơ sở hạ tầng và năng lượng – là tốt hơn đối với chủ nghĩa tư bản thuần khiết.
Theo lý thuyết, chủ nghĩa xã hội thị trường cho phép nhà nước bảo đảm công bằng xã hội. Trên thực tế, khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn là một gánh nặng cho nền kinh tế, cồng kềnh, kém hiệu quả và đầy dẫy những cơ hội cho công chức và nhà điều hành doanh nghiệp thu lợi từ sự thông đồng.
Theo báo cáo Việt Nam 2035 một lần nữa, “Doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại quốc doanh đã lấy đi quá nhiều dưỡng khí từ môi trường kinh doanh, làm cho hiệu suất toàn nền kinh tế bị suy giảm, đồng thời lấn át các hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân. Nhà nước cũng tác động quá nhiều lên quá trình phân bổ đất đai và vốn. Điều đó không chỉ tạo cơ hội tham nhũng do đội ngũ cán bộ được phép hành xử quá tùy tiện, mà còn làm giảm hiệu suất của toàn bộ nền kinh tế”.
Từ lúc đầu của thời kỳ đổi mới hơn một phần tư thế kỷ trước, các nhà kinh tế có đầu óc cởi mở đã thúc giục chính quyền để cho các doanh nghiệp nhà nước không có năng lực cạnh tranh chết đi. Giống như các chính phủ tiền nhiệm, chính phủ của ông Dũng cam kết “cổ phần hóa” các công ty nhà nước, nhưng đã hoàn thành rất ít trước sự kháng cự thụ động của cả doanh nghiệp nhà nước và các bộ ngành giám sát chúng.
Liệu chế độ với ông Trọng dẫn đầu có nhiều khả năng hơn để chấm dứt các khoản trợ cấp và chế độ ưu đãi đã chống đỡ cho nhiều – một số người nói hầu hết – doanh nghiệp nhà nước? Có lẽ là có, và không chỉ vì doanh nghiệp nhà nước là tâm điểm của tham nhũng quy mô lớn. Có chương của Hiệp ước Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) buộc Việt Nam và các bên ký kết khác, phải thực thi pháp luật chống lại các hoạt động kinh doanh chống cạnh tranh và kiềm chế việc cung cấp các ưu đãi đặc biệt, sự bảo vệ và ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước.
Các nhà bình luận Việt Nam hy vọng rằng các quy định đó sẽ buộc phải cải cách cơ cấu, cho phép các công ty Việt Nam cạnh tranh trong thị trường toàn cầu. TPP vô cùng được ưa chuộng ở Việt Nam. Ngay cả trước khi cuộc tranh đua Dũng – Trọng được quyết định, một cuộc bỏ phiếu của Ủy ban Trung ương đảng tuyên bố thỏa thuận thương mại “đồng hành với quan điểm của đảng”.
Nhiều người xem điều đó chủ yếu như là một bước đi chiến lược để thoát khỏi sự thống trị kinh tế của một Trung Quốc đang lên. Cũng được hiểu rất rõ rằng nếu hiệp ước đi vào hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 3 phần trăm và GDP tăng thêm 1 phần trăm mỗi năm.
Tuy nhiên, TPP giống như một chiếc xà beng hơn là một viên đạn thần thánh (để giải quyết mọi việc). Nó có thể được viện dẫn để biện minh cho các biện pháp mạnh mẽ đối với sự kém hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam, nhưng trước hết Đảng – Nhà nước phải chọn chính sách đúng đắn và sau đó phải thực hiện chúng. Đó là một thách thức lớn đối với chế độ mà, trong thập niên của ông Dũng, đã gặp kháng cự của doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương đến mức tự cảm thấy rất khó khăn để thực hiện thay đổi một cách đồng bộ.
Mặc dù thỉnh thoảng có nghe dư luận than phiền về các công ty nước ngoài nhận được quá nhiều ưu đãi thuế, sự điều chỉnh toàn bộ vị thế của Việt Nam về đầu tư nước ngoài không có vẻ nằm trong chương trình nghị sự của chế độ mới. Trong các ủy viên mới của Bộ Chính trị, có ba người đã giúp lèo lái Việt Nam trở lại sự ổn định kinh tế vĩ mô sau nhiều năm thăng trầm giữa thập niên của ông Dũng. Đó là ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng kế tiếp, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, người đã dẫn đầu các nỗ lực để giải cứu lĩnh vực ngân hàng chồng chất những nợ xấu và ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính một thời gian ngắn nhưng được biết như một chuyên gia hàng đầu của đảng về các vấn đề kinh tế.
Quan hệ đối ngoại của Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào các vấn đề được đặt ra bởi một Trung Quốc đang trỗi dậy. Bắc Kinh đã rõ ràng tỏ ý định từ năm 2009 về việc thiết lập quyền bá chủ trên Biển Đông trước sự mất mác cho Việt Nam và các bên tranh chấp khác. Nhiều năm trong các phiên họp của đảng, ông Trọng và những người bảo thủ khác khẳng định rằng, người hàng xóm khổng lồ ở phía bắc là một vấn đề nên được giải quyết thông qua đối thoại giữa đồng chí với đồng chí. Đây không phải là một tư thế được ưa chuộng; các nhà yêu nước tức giận trước điều họ gọi là sự khấu đầu trước Trung Quốc.
Đến giữa năm 2014 – mùa hè mà Bắc Kinh gửi một tàu khoan dầu khổng lồ vào vùng đặc quyền kính tế (EEZ) của Việt Nam – chiến lược tôn trọng và đối thoại không còn đứng vững. Bộ Chính trị đã bình chọn để tìm kiếm một sự hiểu biết chiến lược với Hoa Kỳ, một tiến trình dẫn tới chuyến viếng thăm của ông Trọng với Tổng thống Mỹ Barack Obama một năm sau. Buổi họp 90 phút tại phòng Bầu dục đưa ra thông báo rằng, Việt Nam – trong khi tránh bị lệ thuộc vào một trong hai siêu cường – sẽ định vị mình xa khỏi Bắc Kinh và gần gũi hơn với Washington.
Những dự đoán cho rằng dưới quyền ông Trọng, chế độ có thể trở lại tư thế tôn trọng hơn đối với Trung Quốc đã được làm yên lòng bằng việc nâng cấp Ngoại trưởng được Mỹ đào tạo, ông Phạm Bình Minh, kiến trúc sư của việc tái định vị địa chính trị của Việt Nam, vào Bộ Chính trị mới.
Ngoài biển, chế độ Hà Nội phải có thêm những lựa chọn khó khăn. Trung Quốc tạo ra “sự đã rồi” làm cho tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với các nhóm đảo Trường Sa và Hoàng Sa trở nên bấp bênh, cho dù có căn cứ theo luật pháp quốc tế. Trong những năm tới, Việt Nam có thể bị áp lực mạnh để bảo vệ ngay cả dầu, khí đốt và cá trong thềm lục địa của mình.
Một thập niên của những nỗ lực bền bỉ để xây dựng khả năng răn đe trên biển đã tăng cường tư thế ngoại giao của Hà Nội, và được Hoa Kỳ xem như yếu tố quan trọng trong những nỗ lực bảo vệ tự do hàng hải và “pháp quyền” ở Biển Đông. Hà Nội nhắm tìm sự hỗ trợ của Mỹ, không phải sự che chở của họ, và tiếp tục cảnh giác rằng Washington đừng có ý định thỏa hiệp chia cắt vùng ảnh hưởng với Bắc Kinh bằng sự tổn thất của Việt Nam.
Những giới hạn chặt chẽ hơn ở phía trước?
Mỹ có những lo lắng riêng về chế độ mới của Việt Nam. Bất cứ khi nào Hà Nội bắt giữ và truy tố những người dường như chỉ đơn giản là thực hiện các quyền hiến định của họ, giới quan tâm của công chúng Mỹ lập luận chống lại việc dỡ bỏ lệnh hạn chế bán vũ khí cho Việt Nam, hỗ trợ các dự án điện hạt nhân hay cho phép Việt Nam quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường Mỹ.
Ở Quốc hội Mỹ, sự phê chuẩn TPP có thể được quyết định bởi chỉ một vài phiếu, thuận hoặc bác bỏ. Quá trình đó rất có thể bị trật đường rầy bởi những cuộc đụng độ giữa nhà nước Việt Nam và người dân đồi hỏi quyền dân sự thực tế.
Trong thập niên ông Dũng, người dân Việt Nam đã trở nên khá tự do hơn trong việc chăm lo đời sống của riêng họ. Việc mở rộng các quyền tự do dân sự không phải là một vấn đề do nhà nước chủ động mà là hậu quả tất yếu của chính sách toàn cầu hóa của đất nước, sự phức tạp ngày càng tăng của đời sống dân sự và, trên tất cả, của sự bùng nổ thông tin do internet đem lại.
Tuy nhiên, một thái độ cứng rắn đối với giới bất đồng chính kiến vẫn còn trong tính di truyền [DNA] của đảng. Cơ quan an ninh nội bộ của Việt Nam bị ám ảnh bởi ý tưởng cho rằng xã hội dân sự là vỏ bọc cho sự lật đổ. Mặc dù ngày càng khó hơn trong thời đại internet, nhà nước vẫn cố gắng hướng dẫn dư luận bằng cách kiểm soát nội dung báo chí và truyền hình.
Những người cổ súy cho một hệ thống đa đảng có khả năng bị ở tù. Đơn giản chỉ cần than phiền nhiều về các hành vi của nhà nước hoặc lãnh đạo hoặc đại diện địa phương, người dân có thể phải chịu một cuộc làm việc dài tại đồn công an địa phương. Làm điều đó một lần nữa có thể kích hoạt một chuyến thăm của côn đồ địa phương, những kẻ làm việc như một loại công an phụ trợ.
Trong nội bộ đảng, ông Dũng dễ bị chỉ trích, cho rằng ông đã quá dễ dãi với các quan điểm trái ngược và quá chú tâm xây dựng liên minh với giới tinh hoa thiên tự do bên ngoài đảng. Cả Nguyễn Phú Trọng lẫn Đinh Thế Huỳnh, người mà ông Trọng huấn luyện để kế vị ông, cũng có thể bị lên án vì sự lạc lối đó.
Bởi vì như thế, ông Trọng và ông Huynh (trước đây là ủy viên, trưởng ban tuyên giáo trung ương và bây giờ đứng đầu Ban Bí thư) có thể là một nghịch lý, có khả năng tốt hơn để kiềm chế cơ quan an ninh nội bộ. Mặc dù không có vẻ như thế, hy vọng lớn nhất của đảng để duy trì quyền lực vĩnh viễn là trở nên một cái gì khác – một tổ chức chính trị ít tham nhũng hơn, minh bạch hơn và mang lại tự do ngày càng nhiều hơn.
David Brown là một nhà ngoại giao Mỹ đã về hưu và thường viết bài cho tờ báo mạng Asia Sentinel. Bài này được viết cho công ty tư vấn tài chính Asianomics, có trụ sở ở Hồng Kông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét