Móng tay quyền lực to hay bé? (Ảnh minh họa trên: thanhnien.vn)
Biến Nhà nước thành công cụ trấn áp là hành động chống lại Nhà nước chứ không phải bảo vệ Nhà nước, hành động đó cần bị nghiêm trị.
Nhật thực là hiện tượng mặt trời bị mặt trăng che khuất, mặt trăng bé hơn mặt trời rất nhiều sao lại có thể che khuất mặt trời?
Điều này xảy ra khi mặt trời, mặt trăng và Trái Đất nằm trên cùng một đường thẳng và mặt trăng nằm giữa, nghĩa là gần mặt trời hơn Trái Đất. Suy ra rằng, muốn che kín mặt trời, chỉ có thể khi ở rất gần mặt trời.
Một nhóm cán bộ Kiểm sát, Công an cấp huyện ở Bình Chánh có thể ngang nhiên chà đạp công lý, thách thức pháp luật, cùng nhau tìm cách đẩy người dân vào vòng tù ngục chẳng qua cũng giống như nhật thực, vì họ ở gần “mặt trời” hơn dân thường.
Vụ án “nhỏ như cái móng tay” nhưng lại dẫn tới kết cục là một loạt cán bộ Kiểm sát, sĩ quan Công an huyện Bình Chánh bị tạm đình chỉ công tác và xem xét xử lý sai phạm.
Có người cho rằng đó là kết thúc có hậu và mừng cho chủ quán “Xin Chào” thoát vòng lao lý.
Nhưng người viết không nghĩ như vậy, kết thúc có hậu phải là không ai bị oan sai và không ai bị kỷ luật.
Khi một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả sĩ quan cao cấp ngành Công an bị xem xét kỷ luật thì đó không còn là “cái móng tay”, đó là sự thật buồn cho công tác tổ chức, cho hệ thống hành pháp, tư pháp nước nhà.
Có khá nhiều câu hỏi cần đặt ra qua sự kiện này, trước hết là vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, sự chỉ đạo của cấp ủy và lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh.
Vì sao chỉ khi truyền thông vào cuộc thì sự việc mới bị phát hiện,…?
Với những người liên quan, sẽ có hai khả năng có thể xảy ra:
Thứ nhất, do năng lực yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ nên số cán bộ này không có khả năng nhận biết các quy định trong Bộ Luật Hình sự và các luật liên quan về hành vi nào bị truy tố, hành vi nào thì xử lý hành chính. Sự không hiểu biết dẫn tới các quyết định theo cảm tính, trái pháp luật.
Thứ hai, tư cách, đạo đức của cán bộ Kiểm sát, của lãnh đạo và chiến sĩ công an huyện Bình Chánh có vấn đề, họ đã thực hiện hành vi bất chấp công lý, bất chấp pháp luật, vì lợi ích cá nhân, sẵn sàng chà đạp sinh mệnh chính trị công dân.
Nếu khả năng thứ nhất xảy ra, nghĩa là những người liên quan không đủ năng lực, thì phải đặt câu hỏi vì sao họ lại được tuyển dụng vào ngành và đã thăng tiến với cấp hàm khá cao (đại tá, viện phó kiểm sát cấp quận, huyện)?
Giả sử khả năng này là đúng thì biện pháp xử lý tốt nhất là buộc thôi việc, cho họ ra khỏi ngành.
Bài học với tội phạm Nguyễn Tường Duy bên Hải quan chắc vẫn còn tính thời sự, nếu để tiếp tục làm việc trong ngành, không có gì đảm bảo chắc chắn họ sẽ không tiếp tục mắc sai lầm.
Nếu khả năng thứ hai xảy ra thì nhiều vấn đề cần tiếp tục xem xét.
Nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định tham nhũng là giặc nội xâm, tham nhũng quyền lực nguy hiểm hơn rất nhiều so với tham nhũng kinh tế, tham nhũng vặt… bởi nó khiến người dân mất niềm tin vào sự công tâm của pháp luật, vào đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Câu chuyện quán phở “Xin Chào” và “chiếc lều vịt” ở Bình Chánh khiến những người dân bình thường nhất cũng phải đặt câu hỏi:
Vì sao sai phạm rất lớn tại 8B Lê Trực – Hà Nội, tại rừng quốc gia Ba Vì, tại rừng phòng hộ Hải Vân chưa (hoặc không) bị truy tố hình sự?
Vì sao cả dòng sông Ba cạn trơ đáy khiến hàng nghìn người dân thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp bị đe dọa nhưng không có ai chịu trách nhiệm?
Vì sao chỉ cần chê cán bộ “mặt kênh kiệu” là bị cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc phê bình, kiểm điểm, may nhờ công luận mà không bị xử phạt 5 triệu đồng?
Luật pháp chỉ có một nhưng vì sao lại được áp dụng khác nhau với mọi người? Chủ biệt phủ trên đèo Hải Vân, chủ tòa chung cư 8B Lê Trực, chủ các biệt thự tại rừng quốc gia Ba Vì… chắc chắn không phải người ít tiền, chắc chắn họ không phải dựng lều chăn vịt.
Có phải họ thuộc đẳng cấp khác nên luật pháp cũng phải đối xử khác với họ? Liệu có phải những người thực thi pháp luật ở Hà Nội, Đà Nẵng không am tường pháp luật bằng người ở Bình Chánh –thành phố Hồ Chí Minh?
Người dân vốn đã quá quen với hình thức xử lý “rút kinh nghiệm” khi quan chức phạm lỗi, vậy thì bao giờ câu khẩu hiệu treo ở hội trường Đại hội 12: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” mới trở thành hiện thực?
Những năm gần đây, học sinh phổ thông đua nhau vào ngành Công an, Kiểm sát vì nhận thấy những ưu thế của hai ngành này mà các ngành khác, đặc biệt là Giáo dục không thể có.
Cổ nhân có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, nếu bề trên chính trực, nghiêm khắc thì cấp dưới không dám lộng hành, còn nếu chỉ kỷ luật bằng hình thức “rút kinh nghiệm”, thậm chí nghỉ hưu ngồi chơi xơi nước rồi cũng rút kinh nghiệm thì chủ trương đổi mới đến bao giờ mới đi vào cuộc sống?
Đến bao giờ hai chữ “công bằng, văn minh” mới không phải là viễn tưởng?
“Tham bát bỏ mâm” là câu ngạn ngữ dạy người ta phải biết nhìn đại cục, đừng vì cái lợi nhỏ trước mắt mà quên cái lợi lớn lâu dài.
Nếu chúng ta xây dựng đội ngũ cán bộ bằng cách ưu tiên tuyển chọn theo lý lịch, ưu đãi về lương, phụ cấp… kèm theo đó là hình thức xử lý kỷ luật nội bộ, nương nhẹ với người phạm lỗi thì hệ quả sẽ là một đội ngũ đông về số lượng nhưng yếu về chất lượng.
Một vài triệu công chức, viên chức không thể có sức mạnh của 90 triệu người dân nước Việt trong việc bảo vệ thể chế. Ưu ái cho đội ngũ công bộc bằng quyền lợi vật chất không bao giờ là đủ, nó chỉ tạo cho người ta tâm lý là làm mọi cách để thu hoạch nhiều hơn.
Đây chính là tham bát bỏ mâm, chính nó là nguyên nhân đánh mất niềm tin của quần chúng bởi người dân tiếp xúc hàng ngày với đội ngũ cán bộ chứ không phải với chủ trương, đường lối.
Dường như đang có sự ngộ nhận của một bộ phận công chức, viên chức trong bộ máy về quyền mà pháp luật trao cho họ.
Những “đường cong mềm mại”, những câu chuyện “gãi từ vai trở xuống” khiến cho người ta nghĩ rằng mình ở đẳng cấp khác, dù có “gãi” cũng chưa chắc đã gãi đúng chỗ ngứa.
Người viết cho rằng cần có sự cân nhắc nặng nhẹ giữa việc ưu ái đội ngũ cán bộ và khôi phục niềm tin của người dân.
Một quốc gia văn minh, một nhà nước pháp quyền không thể để tồn tại tình trạng cả hệ thống chính trị một tỉnh vào cuộc chỉ vì một nhận xét “kênh kiệu” của dân với cán bộ, còn người dân có thể bị truy tố không phải vì phạm pháp mà vì người được dân ủy quyền muốn thế.
Không nên xem việc làm trái chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước chỉ là “lỗi nghề nghiệp”.
Lạm dụng quyền mà pháp luật trao cho để làm lợi cho cá nhân, phe nhóm, xâm phạm quyền hiến định của công dân là hành động biến Nhà nước thành công cụ trấn áp, đó là hành động chống lại Nhà nước chứ không phải bảo vệ Nhà nước, hành động đó cần bị nghiêm trị.
Bhutan là một quốc gia nhỏ bé, không phải là nước công nghiệp phát triển nhưng quốc gia này từng khiến cả thế giới ngưỡng mộ khi công bố chỉ số GNH (Gross National Happiness - tổng hạnh phúc quốc dân).
Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới tính toán mức độ thịnh vượng của đất nước dựa trên mức độ hạnh phúc của người dân, chứ không phải dựa trên chỉ số GDP (tổng sản phẩm quốc nội).
So với người dân các nước tư bản phát triển, người Việt có cuộc sống nghèo hơn, sống nghèo trong an bình có thể là hạnh phúc nhưng sống nghèo lại luôn sợ quan tham thì có nghĩa là hạnh phúc bị đánh cắp, vậy người nghèo còn lại gì cho mình?
Đã đến lúc sửa câu khẩu hiệu “phòng chống tham nhũng” thành “tiêu diệt tận gốc tham nhũng”. Muốn thế cần phải tìm được “cái gốc” tham nhũng, việc đó không một cá nhân, tập thể nào có thể làm được trừ Nhân Dân.
Xuân Dương/GDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét