Quốc hội Iraq – nơi xây dựng cơ chế thực thi quyền lực
cần người tài năng chứ không chỉ là ngồi đủ ghế theo cơ cấu. Ảnh: AP.
Phải tránh việc cơ cấu cụ thể bằng con người mà có thể khiến cho nhiều người tài năng của đất nước bị gạt do cơ chế, còn nhiều người dốt nát, kém cỏi vẫn có...
VOA ngày 15/4 đưa tin, cuộc khủng hoảng chính trị tại Iraq đã lên đến đỉnh điểm khi những nhà lập pháp Iraq hôm Thứ Năm 14/4 đã đánh nhau trong lúc Baghdad chìm sâu vào một cuộc khủng hoảng chính trị về việc làm thế nào để cai quản một đất nước bị chia rẽ.
Không minh bạch, không tôn trọng ý nguyện của người dân
Nạn nhân đầu tiên của vụ ẩu đả dường như là Chủ tịch Quốc hội người Sunni Salim al Jabouri hay phát biểu thẳng thắn. Nhưng một số nhà lập pháp cũng đang kêu gọi truất quyền Thủ tướng Haider al Abadi và thậm chí cả Tổng thống Mohammed Fuad Masum.
Cả ba người vẫn đang bám trụ vị trí của mình, nhưng theo nhà lập pháp và là cựu Cố vấn An ninh quốc gia Muwaffak al Rubaie, vị trí của họ sẽ không thể giữ vững được.
"Hoặc là chúng tôi tổ chức tổng tuyển cử, hoặc là chúng tôi quay trở lại Quốc hội và chọn một Tổng thống mới, một Chủ tịch Hạ viện mới và một Thủ tướng mới", ông al Rubaie nêu quan điểm.
Như vậy là đã 13 năm trôi qua khi nhà độc tài Saddam Hussein bị lật đổ, chính trường Iraq vẫn chưa có một ngày yên ổn, dù dưới thời quản lý của Toàn quyền Paul Bremer, dưới chính phủ lâm thơi của cựu Thủ tướng Ayad Allawi và ngay cả 10 năm dưới chính phủ của cựu Thủ tướng Al-Maliki.
Dư luận quốc tế nghi ngại về sự bất ổn trên chính trường Iraq khiến cho lò lửa Trung Đông không có cơ hội giảm nhiệt, mà bằng chứng là sự ra đời và lớn mạnh của IS ngay trên đất nước Iraq.
Còn người dân Iraq thì cảm thấy mệt mỏi và thất vọng với chính quyền nước này khi quyền lợi của họ, thậm chí ngay cả tính mạng của họ cũng bị đặt dưới lợi ích đảng phái.
Cho dù có tổng tuyển cử hay thực hiện bất cứ những hoạt động nào để nắm giữ quyền lực đi chăng nữa, chính trường Iraq cũng sẽ không thể ổn định nếu những lực lượng cầm quyền không xem người dân Iraq là nhân tố duy nhất quyết định sức mạnh quyền lực của họ.
Người ta có xây dựng bất cứ cơ chế thực thi quyền lực nào mà không minh bạch trong việc tôn trọng ý nguyện của người dân Iraq thì họ cũng không bao giờ nắm giữ được quyền lực.
Hàng loạt những chính phủ Iraq trước đây thời hậu Saddam Hussein tồn tại là nhờ vũ khí của Mỹ, tiền của Mỹ và tiền từ bán dầu thô – lợi ích của nhân dân, chứ họ không tồn tại bằng sức mạnh của quyền lực nhân dân. Nay những thứ đó hoặc là không còn, hoặc là giảm sút thì sức mạnh của chính quyền trung ương tại Iraq của giảm sút theo.
Những nhà lãnh đạo Iraq đang tìm cách giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa họ với nhau để có thể tồn tại. Cùng với đó là tìm sự ảnh hưởng của nước ngoài mà trực tiếp là Mỹ, Iran, nay thêm cả Trung Quốc để có chỗ dựa vững vàng hơn. Tuy nhiên, theo cá nhân người viết thì những điều ấy không mang lại quyền lực cho lực lượng cầm quyền, nếu họ vẫn làm người dân thất vọng.
Lợi ích nhân dân không thể phân chia theo cơ cấu mà phải thực thi theo cơ chế đảm bảo được sự minh bạch và bình đẳng
Có thể thấy rằng chính trường Iraq thời hậu Saddam Hussein là sự phân chia quyền lực cũng như quyền lợi, giữa lực lượng theo Hồi giáo dòng Shiite, lực lượng Hồi giáo theo dòng Sunni và lực lượng người Kurd ở Bắc Iraq. Cơ chế của sự phân chia chủ yếu dựa trên lợi ích đảng phái và sự tự sắp đặt với nhau giữa các phe phái trong lực lượng cầm quyền tại Iraq.
Với cơ chế phân chia quyền lực như vậy khiến cho tình hình chính trị tại nước này luôn chứa đựng mâu thuẫn. Thứ nhất là mẫu thuẫn giữa các phe phái với nhau, vì họ không hoàn toàn được thoả mãn với lợi ích của đảng phái họ và cá nhân họ có được bởi cơ chế phân chia lợi ích theo sự tự thoả thuận đó.
Thứ hai là mâu thuẫn giữa nhân dân Iraq với lực lượng cầm quyền nước này, mà nguyên nhân là sự thất vọng của người dân đối với cơ chế phân chia lợi ích giữa các đảng phái.
Quyền lực nhân dân tại Iraq bị tước bỏ dưới chế độ độc tài Saddam Hussein bởi sức mạnh chuyên chế, nhưng quyền lực nhân dân cũng không có được dưới thời hậu Saddam Hussein.
Bởi lẽ, hiện nay quyền lực nhân dân tại Iraq bị chi phối bởi cơ cấu phân chia lợi ích của lực lượng cầm quyền chứ không phải theo cơ chế thực thi quyền lực nhân dân dân chủ và minh bạch. Lực lượng cầm quyền tại Iraq đang mẫu thuẫn về lợi ích và đang tìm cách giải quyết mẫu thuẫn theo lợi ích của họ chứ không phải dựa trên lợi ích nhân dân.
Ông Toby Dodge, tư vấn viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, đã nhận định: "Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong chính trường Iraq kể từ năm 2003. Tuy nhiên, cuối cùng người dân Iraq phải nói với những chính trị gia của họ rằng, các người đã hoàn toàn phản bội chúng tôi, các người đã khiến chúng tôi thất vọng".
Với những động thái hiện nay trên chính trường Iraq thì hình như lực lượng cầm quyền nước này đã xem nhẹ sự thất vọng của người dân. Họ đã đặt mâu thuẫn nhân dân với lực lượng cầm quyền đứng sau mâu thuẫn đảng phái. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc, lực lượng cầm quyền tại Iraq đặt đặt lợi ích nhân dân, lợi ích dân tộc đứng sau lợi ích cá nhân, đảng phái.
“Thủ tướng Abadi đang đi lòng vòng mà không trình bày những cải cách phù hợp. Chìa khóa cho lộ trình này là cơ quan lập pháp hoạt động mà không chịu bất kỳ áp lực nào và trao quyền cho Hội đồng Đại biểu. Một khi Quốc hội được trao quyền làm điều mà họ phải làm là soạn luật, thì khi đó tất cả những người tham gia chính trị sẽ hài lòng." Cựu Thủ tướng Ayad Allawi bình luận.
Tuy nhiên ông Dodge đã nhận định rằng, cơn bão chính trị xảy ra sau mấy tháng người dân Iraq biểu tình trên đường phố kêu gọi Thủ tướng Abadi làm đúng như lời hứa của ông ta là cải cách:
"Họ đã thách đấu với tầng lớp chóp bu chính trị và đó là một thách thức mà tầng lớp chóp bu chính trị không thể đương đầu nếu không tự mình từ chức cùng với đó là mất đi quyền lực và tiền bạc của họ".
Cá nhân người viết rất đồng ý với kết luận của ông Toby Dodge: "Những chính trị gia cấp cao trong Vùng Xanh - nơi chính phủ Iraq đặt đại bản doanh - nói về một cái gì đó ngớ ngẩn và vô nghĩa. Một lộ trình hướng đến việc trao quyền cho Quốc hội sẽ không đem lại những cải cách có ý nghĩa", theo trích dẫn của VOA ngày 15/4.
Có thể thấy rằng, vấn đề nguy hiểm nhất hiện nay tại Iraq là mâu thuẫn giữa nhân dân Iraq với chính quyền nước này và đó cũng là điều quan trọng nhất mà lực lượng cầm quyền tại Iraq hiện nay cần phải giải quyết. Khi mâu thuẫn nhân dân – nhà nước được giải quyết, xã hội sẽ ổn định chế độ sẽ bền vững, chính quyền sẽ có sức sống trong lòng dân.
Khi lực lượng cầm quyền giải quyết mâu thuẫn với nhau theo những cơ chế được xây dựng trong quá trình giải quyết mâu thuẫn nhà nước – nhân dân, lúc đó quyền lực của họ không thể suy giảm, niềm tin nhân dân không mất đi. Bởi lẽ lúc đó giải quyết mâu thuẫn phe phái có thể được xem là đấu tranh với những lực cản, rào cản ảnh hưởng đến quá trình phát triển đất nước.
Nếu lực lượng cầm quyền Iraq không nhận diện đúng mâu thuẫn – nghĩa là không xem người dân là nhân tố duy nhất và quan trọng nhất quyết định sức mạnh của họ, cũng như quyết định trong việc giải quyết mâu thuẫn đảng phái thì nguy cơ chính quyền nước này sẽ tê liệt, thậm chí bị lật đổ bởi sức mạnh nhân dân là hoàn toàn hiện hữu.
Khi mâu thuẫn giữa nhân dân với chế độ phát triển thì cùng với đó là sức mạnh của lòng dân hướng về việc tước bỏ quyền lực nhân dân ngày mạnh mẽ. Việc xoa dịu bằng những hình thức mị dân đều gây ra hậu quả nghiêm trọng, mà cụ thể nhất là việc người dân xem thường chính sách của nhà nước, xem hành động của chính phủ như những trò hề trên sân khấu chính trị.
Khi người dân thất vọng thì họ sẽ nung nấu khát vọng, khi người dân thất vọng thì đoàn kết xã hội sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều bởi sự “đồng tâm hợp lực”, nó sẽ tạo ra sực bật cực lớn có thể gạt bỏ bất cứ rào cản nào được tạo ra bởi những cơ chế thực thi quyền lực của nhà nước mà xem nhẹ lợi ích nhân dân. Đó là sự cảnh báo nghiêm khắc cho sự suy vong của chế độ.
Tình hình khủng hoảng trên chính trường Iraq hiện nay sẽ kết thúc trong yên ả, hay kết thúc bằng bạo loạn lật đổ bởi sức mạnh nhân dân là phụ thuộc vào lực lượng cầm quyền tại nước này, họ đặt lợi ích của nhân dân Iraq nằm ở đâu trong việc giải quyết khủng hoảng, bởi lẽ chỉ người dân Iraq mới là nhân tố quyết định quyền lực của họ thuộc về ai.
Thực hiện cơ cấu theo cơ chế chính sách chứ không phải bằng con người
Với ba lực lượng chính ảnh hưởng đến việc phân chia quyền lực trên chính trường Iraq, chắc chắn những cơ chế đã, đang và sẽ được xây dựng và vận hành tại Iraq sẽ liên quan đến phân chia lợi ích giữa các phe phái và lực lượng mà các phe phái đó đại diện.
Nghĩa là cơ chế được xây dựng sẽ liên quan đến cơ cấu quyền lợi giữa các bộ phận, thành phần trong xã hội để đảm bảo công bằng.
Việc Hiến pháo Iraq trước đây quy định Tổng thống Iraq phải thuộc lực lượng người Kurd, trong hai phó Tổng thống phải có một người thuộc lực lượng Hồi giáo dòng Sunni, Thủ tướng phải thuộc lực lượng Hồi giáo dòng Shiite được xem là một cách phân chia quyền lực đảm bảo sừ cân bằng và ngang bằng về quyền lực giữa các lực lượng chính trị tại quốc gia này.
Nếu nhìn qua thì có vẻ đây là một cơ cấu hợp lý, đảm bảo cho nhà nước Iraq là đại diện cho toàn xã hội Iraq nên sẽ ổn định và có quyền lực. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì đây là nguyên nhân chính gây ra mâu thuẫn trong đời sống chính trị, thậm chí tạo nên khủng hoảng trên chính trường Iraq, khiến cho xã hội bất ổn, đất nước Iraq không thể phát triển.
Những nhà luật học và xã hội học dựa trên cơ cấu giữa các thành phần trong cộng đồng dân tộc, dựa trên cơ cấu giữa các thành phần trong xã hội và dựa trên cơ cấu giữa các lực lượng trong hệ thống chính trị của một quốc gia để xây dựng cơ chế thực thi quyền lực, cơ chế phân chia lợi ích phù hợp.
Nghĩa là có ưu tiên khác nhau trong chính sách của nhà nước với các thành phần, bộ phận khác nhau.
Tuy nhiên, với người hoạch định và xây dựng chính sách thì những nhà xã hội học và những nhà luật học không xây dựng cơ cấu.
Người viết cho rằng điều này rất khoa học và thực tế. Ai cũng có thể hưởng lợi nhờ chính sách được xây dựng phù hợp với cơ cấu giữa các thành phần trong xã hội. Nhưng không phải ai trong xã hội cũng có thể xây dựng cơ chế phù hợp với cơ cấu xã hội.
Nghĩa là tài năng phải là tiêu chí cho những con người tham gia lực lượng xây dựng cơ chế, chứ không phải cơ cấu thành phần. Một người tài năng có thể xây dựng cơ chế phù hợp cho quyền lợi của toàn dân tộc. Ngược lại có thể cả một dân tộc bị ảnh hưởng bởi một người không có tài năng xứng tầm tham gia vào việc xây dựng cơ chế chính sách.
Phải tránh việc cơ cấu cụ thể bằng con người mà có thể khiến cho nhiều người tài năng của đất nước bị gạt do cơ chế, còn nhiều người dốt nát, kém cỏi vẫn có thể ngồi ở vị trí đòi hỏi phải có tài năng.
Không thể để xảy ra trường hợp vai trò của một người kém cỏi, dốt nát cũng giống như vai trò của một người tài năng trong việc xây dựng cơ chế, chính sách của nhà nước.
Không thể để cho một người kém kiến thức về luật pháp, thậm chí không hiểu gì về luật pháp cũng được tham gia xây dựng luật pháp. Đây là một sự nguy hiểm cho xã hội, khiến cho chế độ lâm nguy, đất nước mất đi những cơ hội, đặc biệt là nhân dân có thể bị ảnh hưởng bởi hiện tượng “người mù luật làm luật” do ưu tiên đủ thành phần cơ cấu mà ra.
Tóm lại, việc giải quyết mâu thuẫn chính trị, xã hội tại Iraq phải dựa trên lợi ích của nhân dân Iraq. Phải xây dựng được cơ chế thực thi quyền lực hợp lý, từ đó đảm bảo việc phân chia lợi ích giữa các thành phần trong xã hội công bằng.
Đây là yêu cầu sử dụng người tài cho việc quản lý và xây dựng đất nước, chứ không chỉ là những người “quyền to, tiền nhiều” nhưng kém tri thức.
Tình hình tại Iraq hiện nay là tiêu biểu cho hậu quả một chế độ không được xây dựng trên niềm tin nhân, khi lãnh đạo là sự thất vọng của nhân dân. Mặc dù, mỗi chế độ có những biểu hiện khác nhau nhưng khi mâu thuẫn nhà nước – nhân dân không được giải quyết nhanh chóng và phù hợp, thì điểm chung của các lực lượng cầm quyền đều là phải sớm từ bỏ quyền lực, nếu không muốn bị tước bỏ bởi sức mạnh nhân dân.
Ngọc Việt/GDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét