17 tháng 4, 2016

Quy luật phủ định và sự đảo chiều cần thiết

* XUÂN DƯƠNG 
Vấn đề hôm nay chúng ta cần làm là hãy trả lời câu hỏi “vấn nạn tham nhũng trong giáo dục” đang ở đâu trong “biểu đồ tham nhũng quốc gia”? 
Trong tự nhiên, các thiên hà hay các cơn bão đều có dạng xoắn ốc. Chiều xoắn nhìn từ tâm ra trong phần lớn trường hợp là thuận chiều kim đồng hồ. 
Tuy thế, bao giờ cũng có ngoại lệ, trong hàng tỷ con ốc nhặt ở bãi biển, thế nào cũng có một hai con mà vòng xoắn ngoài vỏ (nhìn từ phía trôn ốc) lại ngược chiều kim đồng hồ.
Nền văn minh nhân loại cũng phát triển theo quy luật xoắn ốc, sau một chu kỳ lại trở về điểm xuất phát nhưng ở mức cao hơn. 
Quá trình chuyển động theo đường “xoắn ốc”, các điểm đối xứng qua tâm luôn có xu hướng trái ngược nhau, nghĩa là khi đi được nửa vòng xoắn sẽ thấy phương hướng đảo chiều, nếu bên này chạy về hướng Đông thì phía bên kia chạy về hướng Tây. 
Có thể kiểm chứng qua thực tế các cơn bão, khi địa phương nằm trên đường tâm bão đi qua, chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng gió bão đổi chiều, nếu lúc đầu gió hướng Nam thì sau đó sẽ là gió hướng Bắc, còn nếu địa phương nằm ở rìa bão thì chỉ có gió một chiều. 
Một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác - Lênin là Quy luật phủ định, quy luật này chỉ ra khuynh hướng của sự phát triển, theo đó sự phát triển luôn có xu hướng lặp lại giai đoạn đầu nhưng ở trình độ cao hơn tức là phát triển theo hình xoắn trôn ốc. 
Chỉ khi nào sự kiện sau phủ định sự kiện trước thì xã hội mới phát triển, còn nếu không có sự phủ định thì xã hội mãi mãi dậm chân tại chỗ. Chính vì thế quy luật trên còn được gọi là “Quy luật phủ định của phủ định”. 
Sự đảo chiều trên vòng xoắn cho thấy quá trình vận động của vạn vật, tiến lên hay lùi lại, giống như cái vặn nút chai, thuận theo chiều kim đồng hồ là tiến về phía trước, ngược lại là về điểm xuất phát, là vẫn như cũ. 
Rõ ràng tự nhiên và xã hội cùng vận hành theo đường “xoắn trôn ốc”, xã hội muốn phát triển cần phải có “phủ định”. Tuy nhiên nếu đó là “phủ định ngược” tức là những hiện tượng, sự việc phát sinh trước phủ định cái sinh sau thì đó sẽ là xã hội trên đường diệt vong. 
Điều đáng mừng trong những ngày đầu năm 2016 là quy trình “phủ định” đang xảy ra và đó đều không phải là “phủ định ngược”. 
Trao đổi với báo chí sau khi được Quốc hội tín nhiệm giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ phát biểu: “Tôi không quan niệm giáo dục là trận đánh, giáo dục là con người, đó là công trình lớn, xây dựng nhiều năm”. 
Quan điểm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phủ định quan điểm của người tiền nhiệm, rằng “giáo dục là trận đánh lớn”. 
Tại hội nghị giao ban hôm 6/4/2016 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với các sở ngành, quận huyện, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng: 
“Chúng ta phải thấy xấu hổ khi để Thủ đô hay một xã, phường bẩn, không văn minh… nếu chỉ nghĩ làm phong trào cho xong, đối phó thì chỉ vài ba hôm lại xuống. Chúng ta tặc lưỡi: "Hà Nội ấy mà, Hà Nội không vội được đâu” thế là chết!”. 
“Hà Nội không vội được đâu” vốn cũng là phát ngôn của một vị tiền nhiệm, sự phủ định trong câu nói của Bí thư Hoàng Trung Hải không khác nhiều so với ý kiến của giới truyền thông nhưng nó hàm chứa một động lực mạnh mẽ gấp nhiều lần so với các bài báo. 
Xuất phát từ quan điểm “Hà Nội không vội” nên chuyện phá bỏ sai phạm tại các công trình xây dựng sai phép ở nội thành, biệt thự trái phép ở rừng Quốc gia Ba Vì hay chuyện xe “hổ vồ” chở vật liệu quá tải chạy trong giờ cấm cho đến nay vẫn chưa có hồi kết? 
Có phải vì là đất văn hiến nên “Hà Nội không vội” mà phải luôn tôn trọng lời dạy thánh hiền “Dục tốc bất đạt”, nóng vội là hỏng, là không đạt được nguyện vọng, bình tĩnh là mẹ thành công? 
Người Hà Nội thấy vui vì Tân Bí thư Thành ủy không nghĩ như vậy, “Hà Nội không vội là chết”, ấy là rút ngắn lời ông Bí thư với báo giới. 
Nếu “không vội” tương lai đường phố Hà Nội sẽ thành bãi rác, “không vội” thì bao nhiêu cây xanh nữa sẽ biến thành củi đun, bao nhiêu rau xanh trồng ở bãi tha ma sẽ hiện diện trên mâm cơm, bao nhiêu và … bao nhiêu nữa? 
“Không vội” sẽ là động lực phát triển công nghiệp vì nhiều hãng đang làm ăn thua lỗ sẽ có cơ hội khi chuyển sang sản xuất mặt nạ phòng độc mini bán cho dân đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm? 
Trong quá khứ, chuyện “phủ định ngược” đã từng xảy ra ở Hà Nội, một ông lúc là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nói “chạy công chức ở Hà Nội phải mất trên trăm triệu”, ngay lập tức ông Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng tuyên bố: “Chạy công chức không dưới 100 triệu đồng chỉ là tin đồn”. [1] 
Lại còn chuyện “phủ định ngược” khác, ông lãnh đạo Bộ “các phương tiện chạy” bảo chạy “lốt xe” Mỹ Đình mất mấy trăm triệu, Giám đốc Sở Giao thông của Hà Nội lập tức yêu cầu dẫn chứng cụ thể để còn kiểm tra? 
Ít nhất thì có mấy cơ quan Hà Nội như Ban Tuyên giáo, Sở Nội Vụ, Sở Giao thông đã “phủ định” chuyện “chạy”. Nhờ thế cho đến nay Hà Nội “hình như” chưa phát hiện ai “chạy”, nhờ thế Hà Nội được sống trong an bình? 
Người dân mong sao sự sốt ruột của Bí thư Hoàng Trung Hải về “Hà Nội bẩn” không bị hạn chế trong lĩnh vực rác đường phố, bởi có những sự “bẩn” khác lại hiện diện ở những chỗ vốn chẳng bao giờ có rác, chẳng hạn mấy chuyện “chạy” nêu trên hay là chuyện cấp dưới “lén” đi thi hộ cấp trên để rồi “chúng mình” cùng nhau thăng chức. 
Chuyện này hàng chục bài báo đã nêu đích danh, nhưng có lẽ chuyện Phó bí thư Đoàn xã “lén thi hộ” Chủ tịch xã ở Uy Nỗ (Đông Anh - Hà Nội) thì quả vô tiền khoáng hậu. 
Theo thông tin Antt.vn đăng tải ngày 7/10/2015 [2] thì Phó Bí thư Đoàn xã này thi hộ Chủ tịch xã 18 môn, những người khác thi hộ 7 môn, tổng cộng là 25 môn trong chương trình học cử nhân Viện Mở. 
Câu chuyện học hành của một số công chức, viên chức Hà Nội cho thấy không phải là “Hà Nội không vội” mà là hơi…vội, các vị tiền nhiệm Hà Nội từng đưa ra quyết định, rằng công chức phải có bằng tiến sĩ, chí ít cũng phải là cử nhân? 
Cứ có bằng là hợp thức hóa chức danh, còn chuyện công khai thi tuyển thì Hà Nội lại “chưa thể vội” vì cần rút kinh nghiệm từ Bộ Tư pháp trong cuộc thi tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội
Nghe nói Hà Nội đối xử với công chức rất “nhân văn”, có người sau khi được “xóa án kỷ luật” thì lên chức cao hơn, vậy Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có nên học tập? 
Cô giáo vùng cao vì trót đánh học sinh mà bị đuổi việc, bị đuổi rồi cô giáo trẻ ấy có hy vọng gì vào chuyện “xóa án kỷ luật” nữa không? 
Chuyện “phủ định” ở Bộ GD&ĐT hay ở Thủ đô Hà Nội cũng không xa lạ gì với thành phố Hồ Chí Minh. Khi mà lãnh đạo cũ của thành phố khẳng định năm 2015 không phát hiện tham nhũng thì gần đây một vị tướng công an thành phố này lại cho rằng: “Những giải pháp hiện nay chưa đủ ngăn ngừa tham nhũng. Một số biện pháp là ảo, ví dụ như việc kê khai tài sản”. 
Ông dẫn chứng cơ quan mình có hơn 1/3 cán bộ, công chức phải kê khai tài sản "nhưng làm xong là đút vào ngăn tủ cất, có đúng không, hợp lý không thì không ai biết”. 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi đề cập chuyện thực phẩm bẩn từng nói: “Bà con trồng hai luống khác nhau, một luống để bán và một luống để ăn”. 
Thế nhưng sau đó lại có ý kiến của cấp dưới rằng “đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết”, thế là “phủ định ngược” hay “phủ định xuôi”? 
Theo quy luật “xoắn ốc”, vòng vo rồi thì cũng phải về điểm xuất phát cho nên lại phải quay về với Giáo dục. 
Dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, phong trào “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” được phát động. Kết quả là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2007 đạt tỷ lệ 67%, năm 2008 là 76% (làm tròn). [2] 
Khi quy luật phủ định phát huy tác dụng thì ngay lập tức tỷ lệ này lại trở về vạch xuất phát, nghĩa là gần 100%. 
Vậy Bộ trưởng Nhạ sẽ “phát huy thành tích” hay tuân thủ quy luật? Liệu ngành Giáo dục có sợ bị “ném đá” khi tỷ lệ tốt nghiệp trở về thời kỳ Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân? 
Thực ra tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao hay thấp không phải là vấn đề nguy cấp của Giáo dục, vấn đề hôm nay là hãy trả lời câu hỏi “vấn nạn tham nhũng trong giáo dục” đang ở đâu trong “biểu đồ tham nhũng quốc gia”, có “tham nhũng chính sách” trong Giáo dục không? 
Năm 2010, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý đánh giá: “Công tác phòng chống tham nhũng đã được thực hiện có hiệu quả ngay từ cơ sở trong ngành”, nhưng ông Konishi, giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng: 
“Tham nhũng trong y tế và giáo dục ở Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có những hình thức được coi là tham nhũng “vặt”. Nếu so sánh dựa trên tiêu chuẩn quốc tế thì tham nhũng trong giáo dục ở Việt Nam là rất nghiêm trọng”. [3] 
Đến đây thì cái sự “phủ định” không còn nằm trong phạm vị quốc gia nữa, không biết rồi đây ngành Giáo dục sẽ “phủ định” cái sự “phủ định” của ngài Konishi như thế nào? 
Cổ nhân dạy “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với Ma mặc áo giấy”, có lẽ ngay bây giờ mặc áo cà sa là hơi sớm nhưng liệu người dân đã có thể yên tâm vứt bỏ “áo giấy” khi mà quy luật phủ định của phủ định bắt đầu có tác dụng? 
-------------- 
Tài liệu tham khảo: 

Không có nhận xét nào:

Trang