25 tháng 4, 2016

Từ câu chuyện khởi tố quán phở đến câu chuyện cải cách thể chế

Tác giả: Nhàn Đàm 
Điều này cũng dẫn đến vấn đề chủ yếu thứ hai rút ra từ câu chuyện này, đồng thời cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đó là: cải cách thể chế và hành chính. Thoạt nghe có vẻ khó tin khi câu chuyện một quán Xin Chào nhỏ bé gặp rắc rối lại liên quan đến một vấn đề to tát như cải cách thể chế và hành chính. Nhưng đó là sự thực. Dễ dàng nhận ra những nguyên nhân hàng đầu trong vụ việc lần này cũng là những vấn đề thuộc về thể chế và hành chính, và để những vụ việc gây sốc toàn xã hội như thế này không tái diễn thì cần phải giải quyết tận gốc rễ thông qua cải cách thể chế và hành chính. 
Nếu như chọn ra một câu chuyện mang ý nghĩa và tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong tuần qua thì đó hẳn phải là câu chuyện quán Xin Chào bị khởi tố ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. 
Nó không đơn thuần là một sự việc nóng gây ra sự chú ý của toàn xã hội mà còn là một câu chuyện mang đầy đủ những ý nghĩa về những vấn đề và thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đó là môi trường đầu tư kinh doanh thiếu lành mạnh và yêu cầu cải cách hành chính – thể chế một cách gấp gáp. Những nguyên nhân chủ đạo gây ra vụ việc ầm ĩ này cũng chính là nguyên nhân chính tạo ra tình trạng yếu kém của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. 
Có quá nhiều thứ để nói khi nhắc đến câu chuyện quán Xin Chào ở TP.HCM đang gây ra bão dư luận trong xã hội những ngày qua, từ sự vô lý của lực lượng chức năng khi xử lý những nguyên nhân gây ra vụ việc cho đến cách thức xử lý vụ việc cứng rắn một cách quá mức cần thiết. Những tác động về mặt xã hội của vụ việc là quá lớn, khi một điều mà mọi người dân có thể rút ra qua câu chuyện lần này là: con đường dẫn đến nhà tù đang trở nên ngắn hơn bao giờ hết, khi chỉ cần thiếu một vài giấy phép cần thiết là đã đủ để có thể vào diện bóc lịch. Tuy nhiên, nếu như chỉ xét vấn đề dựa trên khía cạnh kinh tế, thì có thể thấy vụ việc quán Xin Chào đang mang đầy đủ những nguyên nhân đang gây ra tình trạng yếu kém của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Đó là một môi trường đầu tư kinh doanh thiếu an toàn, khi bất cứ một cơ sở kinh doanh hay doanh nghiệp nào cũng có thể đối mặt với nguy cơ đi tù vì thiếu một vài loại giấy phép. Thứ hai, để những vụ việc như thế này không tái diễn thì vấn đề căn bản cần giải quyết là cải cách thể chế, và đây cũng là điều mà nền kinh tế Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết. 
Trước hết, sở dĩ việc này trở thành câu chuyện điển hình minh chứng cho môi trường đầu tư kinh doanh kém an toàn của Việt Nam hiện nay, là vì hầu như mọi rào cản chủ đạo đang làm tình làm tội các doanh nghiệp trên cả nước đều xuất hiện ở đó. Trước hết, đó là vấn đề về các thủ tục kinh doanh rắc rối và phiền hà một cách không cần thiết. Có quá nhiều giấy phép và điều kiện kinh doanh cần thiết để có thể mở được một quán Xin Chào mà xã hội chợt nhận ra qua câu chuyện lần này, mà đây mới chỉ là một loại hình kinh doanh thuộc loại đơn giản nhất trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. 
Bình luận về vụ việc, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện tại có tới hơn 7.000 điều kiện kinh doanh trong nền kinh tế Việt Nam. Đó là một con số quá lớn, chưa kể có rất nhiều điều kiện vô lý và đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Nếu như một chủ quán Xin Chào đã vất vả đến thế để xin được những loại giấy phép cần thiết cho quán của mình, thậm chí suýt phải đối mặt với nguy cơ đi tù, thì không hiểu sự vất vả đó sẽ nhân lên bao nhiêu lần trong các lĩnh vực kinh doanh khác phức tạp và có quy mô lớn hơn. 
Sự kém an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, không chỉ ở các rào cản thủ tục pháp lý, mà còn ở cách thức tiếp cận và xử lý của các cơ quan chức năng. Trong bối cảnh Nhà nước và Chính phủ đang đưa ra những thông điệp và dấu hiệu cam kết sẽ cải cách môi trường đầu tư và tạo thuận lợi cho kinh doanh, thì việc một ông chủ quán phải đối mặt với nguy cơ bị khởi tố vì thiếu một vài giấy phép khiến cả xã hội phải hoang mang trước cách thức giải quyết của cơ quan chức năng cứng rắn một cách khó hiểu. Đã có những ví dụ về việc trong tình huống tương tự, cơ quan chức năng ở các nước khác sẽ xử lý ra sao. 
Chẳng hạn như ở Đức, khi một cơ sở kinh doanh thực phẩm mở cửa, cơ quan chức năng sẽ đến hướng dẫn các thủ tục cần thiết và thậm chí sẽ nhắc nhở đến 3 lần nếu như chủ cơ sở kinh doanh chậm trễ thực hiện. Còn ở Việt Nam, cơ quan chức năng không những không có hướng dẫn các thủ tục cần thiết, mà dường như chỉ chăm chăm tìm lỗi để bắt phạt, trong khi các quy định thủ tục thì nhiều như lá trong rừng. 
Bình luận về những tác động của môi trường đầu tư kinh doanh kém an toàn và thuận lợi của Việt Nam thông qua vụ việc quán Xin Chào lần này, có lẽ không gì thích hợp và chuẩn xác hơn nhận xét của Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà: “Nếu ông chủ quán Xin Chào thua thì sẽ đưa ra một thông điệp rất xấu, đó là mọi doanh nghiệp và mọi người kinh doanh đều có thể dễ dàng bị đi tù”. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu cũng là những nguyên nhân đang khiến cho nền kinh tế Việt Nam yếu kém, đó là những rào cản trong môi trường đầu tư kinh doanh về thủ tục pháp lý lẫn từ phía các cơ quan chức năng đang nhiều hơn bao giờ hết. 
Điều này cũng dẫn đến vấn đề chủ yếu thứ hai rút ra từ câu chuyện này, đồng thời cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đó là: cải cách thể chế và hành chính. Thoạt nghe có vẻ khó tin khi câu chuyện một quán Xin Chào nhỏ bé gặp rắc rối lại liên quan đến một vấn đề to tát như cải cách thể chế và hành chính. Nhưng đó là sự thực. Dễ dàng nhận ra những nguyên nhân hàng đầu trong vụ việc lần này cũng là những vấn đề thuộc về thể chế và hành chính, và để những vụ việc gây sốc toàn xã hội như thế này không tái diễn thì cần phải giải quyết tận gốc rễ thông qua cải cách thể chế và hành chính. 
Trước hết, đó là việc hủy bỏ những rào cản về thủ tục pháp lý trong đầu tư kinh doanh. Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến câu chuyện rắc rối lần này là việc có quá nhiều giấy phép đầu tư kinh doanh trong nền kinh tế. Chỉ một quán Xin Chào nhỏ bé đã có tới cả chục loại giấy phép lớn nhỏ, khiến cho ông chủ suýt nữa bị đi tù sau khi đã nộp phạt cả chục triệu đồng, thì không hiểu trong các lĩnh vực khác số giấy phép còn lớn đến đâu. Để dẹp bỏ tình trạng giấy phép chồng chất hiện nay, thì cách giải quyết chỉ có một: cải cách hành chính. 
Theo nhận xét của Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà thì vấn đề nằm còn sâu hơn thế, cụ thể là xuất phát từ cơ chế xin-cho: “Phải giảm tối thiểu giấy phép vì còn giấy phép là còn xin-cho; con chuột sa chĩnh gạo thì chắc chắn còn ăn. Không thể để chĩnh gạo hớ hênh như thế được”. Trên thực tế, không chỉ liên quan đến vấn đề giấy phép kinh doanh, mà cơ chế xin-cho còn đang là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng yếu kém của nền kinh tế hiện nay, thông qua phân bổ ngân sách kém hiệu quả. Chấm dứt được cơ chế xin-cho vì thế sẽ không chỉ có tác dụng ngăn chặn những vụ việc gây sốc toàn xã hội như quán Xin Chào ở TP.HCM không để lặp lại, mà còn có thể khiến nền kinh tế Việt Nam vững vàng hơn. 
Chưa hết, đó còn là câu chuyện về cải cách thể chế. Rõ ràng, để chấm dứt được chuyện giấy phép tràn lan thì điều cần làm là ngăn chặn các cơ quan hành chính được phép ban hành các giấy phép con, mà điều này thì thuộc về cải cách thể chế. Cùng với đó là cách thức xử lý của các cơ quan chức năng. Như một số chuyên gia đã chỉ ra, các cơ quan chức năng cấp cơ sở ở Việt Nam hiện nay đang có dấu hiệu đi ngược lại với các quy định trong luật pháp dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, mà việc khởi tố ông chủ quán Xin Chào vì thiếu giấy phép lần này là một ví dụ. 
Rõ ràng các quy định cần thiết để giảm thiểu rào cản và tiến tới một môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh là điều cần thiết, nhưng điều còn cần thiết hơn là phải có một bộ máy quản lý đủ khả năng để vận hành. Vì giả sử như các quy định cần thiết tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh và an toàn có được ban hành đi nữa, thì nó cũng vô dụng nếu như không có một bộ máy các cơ quan chức năng vận hành và xử lý nghiêm minh. Mà đó thì cũng thuộc vấn đề cải cách thể chế.

Không có nhận xét nào:

Trang