Đào Ngọc Tân
Ai cũng có quyền tự hào, vui sướng khi mình được giao trọng trách nào đó, nhưng điều quan trọng hơn là làm được những việc ích nước, lợi dân.
Ảnh minh họa.
Vũ Đại: Thế là mình trúng cử rồi!. Thấy người lâng lâng bay bổng. Bây giờ mình thuộc loại “có hạng” ở quê rồi, “nói có người nghe, đe có người sợ”. Oách lắm! Sao mình vĩ đại thế!? Bây giờ phải thông báo tin vui này cho thằng Hai Lúa, bạn cố tri để nó mừng cái đã!
A lô! Hai Lúa đấy à? Tớ vừa trúng cử rồi!
Hai Lúa: Chúc mừng Vũ Đại nhé! Hôm nào phải khao thật to bạn bè đấy!.
Trả lời điện thoại của Vũ Đại, Hai Lúa thầm nghĩ: Vừa trúng cử, chức vụ không to lắm mà giọng nói của Vũ Đại đã khang khác, “trầm bổng” hơn. Thế nào mà chẳng có mấy bài báo “lăng xê”!... Không biết dáng đi của nó có gì thay đổi không nhỉ? Chẳng lẽ con người ta thay đổi về “chất” nhanh thế? Sau khi công bố trúng cử mà thành con người “vĩ đại”?
Hai Lúa "chẹp mép", “phép màu” nào mà "linh nghiệm" thế!?
Thế rồi, Hai Lúa miên man suy nghĩ: Để trở thành một nhà khoa học, ngoài yếu tố “bẩm sinh” trời phú, còn phải dày công học tập, “lao tâm, khổ tứ mới thành tài”; phải có công trình, tác phẩm mới thành “ông nọ, bà kia”.
Còn ông bạn Vũ Đại của mình, học hành thì cũng... “làng nhàng”, cũng chưa làm được việc gì nhiều để “ích nước, lợi dân”, thậm chí còn “điều nọ, tiếng kia”. Thế mà “quan lộ” cứ như “diều gặp gió”.
Lạ nhỉ(!?)... Thế mới là chuyện đời!
Suy nghĩ một lát, chợt Hai Lúa vỗ đùi đánh đét:
- Đúng rồi! Thằng Vũ Đại có “quý nhân phù trợ”.
- Ờ,... nhưng đấy là nghe người ta nói vậy, còn “quý nhân” là gì thì thấy vẫn mơ hồ lắm(!?). Hay là có "lợi ích nhóm" ở đây nhỉ?
Nhưng Hai Lúa vẫn quả quyết: Chuyện tuyển dụng, đề bạt cán bộ theo một quy trình kỹ lưỡng lắm cơ mà. Đại bộ phận cán bộ được đề bạt có phẩm chất tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Phải rồi! Tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đã phát biểu công khai về tệ nạn “chạy chức, chạy quyền” vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều người “tài, đức” chưa được trọng dụng. Vẫn còn để lọt vào bộ máy của Đảng và Nhà nước những kẻ “cơ hội”, năng lực, phẩm chất yếu kém.
Thế là, Hai Lúa đã rõ!
Hôm nào gặp Vũ Đại, mình sẽ bảo nó: Cán bộ muốn được dân trọng, dân yêu thì phải có tài, có đức. Người đó phải hết lòng vì sự nghiệp chung, làm được nhiều việc có ích cho dân, cho nước. Nhân dân luôn khách quan đánh giá về “công bộc” của mình!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét