23 tháng 4, 2016

Ký ức tháng 4 năm 1975: Chuyến đi bí mật của cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hồi tháng 4 năm 1975. Nguồn: internet
Sau năm 1975, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh có in bản dịch cuốn hồi ký của chuyên gia phân tích tình báo Frank Snepp với nhan đề “Cuộc tháo chạy tán loạn” (tên nguyên tác: “Decent interval: An insider’s Account of Saigon’s Indecent End Told by The CIA’s Chief Strategy Analyst in Vietnam”), nhưng đó là một bản dịch rất sơ sài, dựa trên một bản dịch tiếng Pháp. Xin giới thiệu lại đoạn Frank Snepp viết về chuyến đi âm thầm của ông Thiệu vào một ngày cuối tháng 4 năm 1975:
“Khoảng 5 giờ chiều ngày 25 tháng 4, Polgar (trưởng nhóm CIA của Đại sứ quán Mỹ tại Sàigòn) gọi tôi, Joe Kingsley, tướng Timmes và một nhân viên nữa ở văn phòng tại Sàigòn tới văn phòng của anh. Anh hỏi một cách rụt rè: “Các anh có thể lái xe ở Sàigòn vào ban đêm không?” Tất cả chúng tôi đều gật đầu, dù rằng tôi không chắc chắn lắm về khả năng của chính mình vì thành phố có vô số lề đường và những vòng xoay (bùng binh) từ thời Pháp. Polgar nói tiếp: “Như vậy là tốt. Tôi muốn các anh giúp tôi đưa ông Thiệu và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm đến Đài Loan tối nay. Đây là một phần bánh nhỏ tôi trao cho các anh như một sự trả công cho công việc rất tốt đẹp các anh đã làm”.
Mới vài giờ trước, Polgar đã có hành động dại dột. Lúc đầu Đại sứ Martin muốn coi việc này là một việc thuần túy quân sự và chỉ muốn trông cậy vào DAO để có tất cả những sự chuẩn bị cần thiết, kể cả một chuyến bay tối mật của Hãng hàng không Air America ở phi trường Tân Sơn Nhất. Nhưng vào những giây phút cuối, vì đánh giá cao những nỗ lực của Polgar với những người Hungary, ông quyết định giao một vai trò cho phái bộ CIA ở Sàigòn. Sau này Đại sứ Martin nói với tôi, ông hối tiếc vì đã quyết định như vậy. Ông than phiền về Polgar: “Anh ta chẳng làm được việc gì nên chuyện!”. Tôi đã yêu cầu anh ta đánh máy những tài liệu của ông Thiệu và mang theo khi các anh đến phi trường, nhưng anh ta chẳng làm nổi việc đó. Anh ta bỏ quên những tài liệu. Anh ta nói rằng anh ta không tìm được một người đánh máy nào”. Hậu quả là ông Thiệu rời bỏ đất nước của mình trên một chiếc máy bay của Mỹ mà chẳng có một giấy phép nào. 
Tướng Timmes, tôi và hai nhân viên nữa lấy 3 chiếc limousine trong garage của phái bộ CIA vào khoảng 8g30 tối và lái tới Bộ Tổng tham mưu ngay bên ngoài phi trường Tân Sơn Nhứt, nơi ông Khiêm có tư thất. Joe và tôi giấu súng ngắn dưới ghế ngồi; chúng tôi tự đặt ra cho mình một tình huống đáng sợ khi nhớ lại vụ sát hại Tổng thống Ngô Đình Diệm. Chúng tôi còn tưởng tượng ra những chi tiết sống động của tình huống ấy: những sĩ quan quân đội trẻ tuổi dừng xe chúng tôi ở một trạm kiểm soát, ra lệnh cho tất cả chúng tôi phải ra khỏi xe và bắn hạ chúng tôi. …
Sau 9g tối, Polgar đến tư thất của ông Khiêm trong chiếc xe của anh do tài xế của anh lái. Trong khi anh và tướng Timmes uống rượu với ông Khiêm trong nhà, chúng tôi ngồi nghỉ ngoài sân. Kingsley và tôi tìm khuây khỏa bằng cách trò chuyện với những người lính gác cổng. Một vài người đang đánh bài. Hầu hết đều chẳng quan tâm tới việc đi lại của những “yếu nhân” ở xung quanh họ.
Có tiếng súng nổ ở ngoại vi phi trường Tân Sơn Nhứt gần đó. Bất chợt điện đài phát ra lời trao đổi giữa nhân viên trực ở Đại sứ quán với một chiếc xe tuần tiễu. Một cuộc đọ súng vừa diễn ra gần nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi phía sau Tòa đại sứ. Hai người lính Việt Nam Cộng hòa không tự kiềm chế được đã bắn nhau. “Nhưng không có thương vong”, một người báo qua điện đài, “giờ đây tình hình dường như đã yên tĩnh trở lại”.
Khi tiếng điện đài tắt dần, một chiếc xe Mercedes màu xám chạy vào lối đi. Một người đàn ông tầm vóc trung bình, mái tóc bạc chảy về phía sau, khuôn mặt bóng lưỡng, mặc áo vest bó chật, bước ra khỏi xe. Trong ánh sáng mờ mờ, ông Thiệu giống một người mẫu của ấn bản tại vùng Viễn Đông của tạp chí Gentleman’s Quarterly hơn là một cựu nguyên thủ quốc gia. Ông không thèm liếc nhìn chúng tôi khi bước vội lên những bậc tam cấp trước cửa ra vào. Vài phút sau, nhiều cận vệ lực lưỡng bước ra từ mảnh vườn nhỏ bên cạnh tư thất, mỗi người cầm trên tay một chiếc va li to tướng. Họ yêu cầu chúng tôi mở cốp xe rồi tự mình đặt những chiếc va li vào. Tiếng kim loại chạm vào nhau vang lên trong không khí tĩnh mịch giống như tiếng gió thoảng khi họ đặt những chiếc va li vào cốp xe (Đấy có lẽ là 16 tấn vàng mà người ta nói là ông Thiệu đã mang đi !).
Sau đó không lâu, ông Thiệu, Polgar, ông Khiêm và vài sĩ quan quân đội cao cấp bước ra từ cửa hông và nhanh chóng leo lên những chiếc limousine. Ông Thiệu ngồi ở băng ghế sau chiếc xe của tôi, thu mình giữa tướng Timmes và một cận vệ. Tướng Timmes khuyên ông Thiệu: “Ngài cúi người xuống đi, vì sự an toàn của ngài”. Tôi tự hỏi mình có cách nào để cúi người xuống như thế mà vẫn lái chiếc xe được. Chuyến đi kéo dài 10 phút, nhưng có cảm tưởng như nó kéo dài hàng giờ.
Tướng Timmes bắt đầu một cuộc trò chuyện ngắn với ông Thiệu phần lớn là về những ngày đã qua. Hai người đã gặp nhau lần đầu tiên trong một buổi cắm trại ở MR 1 vào năm 1961 và những năm sau đó, tướng Timmes đã thông báo cho ông Thiệu về tiến trình bình định (“một trong những thành công của ngài”, theo lời ông). Rồi tướng Timmes giới thiệu với ông Thiệu tôi là “một chuyên viên phân tích thượng thặng ở Tòa đại sứ, đồng thời là một tài xế ngoại hạng”. Có tiếng cười gượng gạo và ông Thiệu nói nhỏ bằng tiếng Anh giọng Pháp rằng “tất cả những tài xế ở Sàigòn đều là tài xế thượng thặng, nhưng có lẽ là tệ nhất trong khu vực, kể cả nếu so với các tài xế kỳ quái ở Bangkok”. Tướng Timmes hỏi: “Phu nhân và con gái ngài có khỏe không?” Ông Thiệu đáp: “Họ đang ở London để mua đồ cổ”.
Tôi có thể thấy trên kiếng chiếu hậu đôi mắt của vị cựu tổng thống long lanh khi đèn đường chiếu vào. Mùi rượu Scotch thoang thoảng trong xe đang mở máy điều hòa không khí. Khi chúng tôi đến gần cổng phi trường Tân Sơn Nhứt, đèn pha chiếc xe của tôi chiếu trong giây lát vào bức tượng vinh danh những người lính Mỹ tử trận với hàng chữ: “Người dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ Đồng minh”. Ông Thiệu buông ra một tiếng thở dài và quay mặt đi. Tướng Timmes lại khuyên ông Thiệu cúi người xuống. Thông thường, cảnh sát giữ an ninh chẳng thèm nhìn kỹ vào bên trong một chiếc xe hơi có bảng số ngoại giao của Mỹ, nhưng lúc bấy giờ đã là 9g30 đêm, một tiếng sau giờ giới nghiêm. Họ có thể phá lệ, nhưng may mắn thay lần này lại không.
Khi đoàn xe chạy đến khoảng sân tráng nhựa gần phòng vé của hãng hàng không Air America, chiếc xe phía trước xe của tôi tắt đèn pha. Tôi cũng tắt đèn pha và trong vài giây phút kinh hoàng, tôi chẳng còn thấy gì nữa, chiếc Chevrolet to tướng chìm hẳn trong bóng đêm. Bất chợt, khi mắt đã quen dần với bóng tối, tôi thấy Polgar đang bước tới trên khoảng sân tráng nhựa. Tôi đạp mạnh thắng để xe khỏi tông vào anh và chiếc xe dừng lại đột ngột, ông Thiệu và hai người ngồi băng ghế sau với ông ngã bật người về phía trước. Những chiếc xe phía sau chiếc xe của tôi cũng dừng lại giống như những toa tàu trong một bộ phim săn đuổi của cảnh sát Keystones.
Polgar chạy tới mở cửa xe cho ông Thiệu. Có thể thấy lờ mờ bóng dáng một chiếc máy bay C-118 4 động cơ của Không lực Hoa Kỳ đang đậu gần đó. Nhiều thủy quân lục chiến Mỹ mặc thường phục vốn là cận vệ của Đại sứ Martin đang đứng ở một bên chiếc máy bay. Ngài đại sứ cũng đang đứng chờ ở cầu thang lên máy bay. Khi cánh cửa phía sau vừa mở ra, ông Thiệu nhoài người về phía trước vỗ vai tôi. “Cám ơn anh”, ông nói với giọng khàn khàn và đưa tay cho tôi bắt. Ông nắm chặt tay tôi trong vài giây, mắt ngấn lệ, rồi bước ra khỏi xe và lên cầu thang máy bay. Ông Khiêm và các cận vệ của ông ôm va li dưới cánh tay và đeo ba lô trên lưng cũng vội vã bước theo.
Sau này, Đại sứ Martin nhớ lại những câu nói cuối cùng giữa hai người: “Chẳng có gì đặc biệt. Tôi chỉ nói tạm biệt ông ấy” (Decent interval, Frank Snepp, tr.434, 435, 436).
Frank Snepp, nhân viên C.I.A. đã lái xe chở ông Nguyễn Văn Thiệu ra phi trường Tân Sơn Nhất. Nguồn: internet

Không có nhận xét nào:

Trang