15 tháng 4, 2016

Về cái bánh chưng hai tấn rưỡi

Trương Nhân Tuấn
Chuẩn bị nguyên liệu gói chiếc bánh chưng 2,5 tấn ảnh: Ban tổ chức cung cấp cho báo Đất Việt.
Nghe nói dân Sài Gòn vừa làm cái bánh chưng nặng 2,5 tấn để cúng quốc tổ Hùng Vương. Không biết mục đích làm cái bánh “khủng” này là nhằm “phá kỷ lục” hay để cúng các vua Hùng ?
Nếu để “phá kỷ lục”, theo lối “tô hủ tiếu lớn nhứt”, “đòn bánh tét dài nhứt”… thì kệ. Ai ở không, có tiền, muốn nối tiếng… thì cứ việc làm. Bởi vì cái “danh” cũng có đôi ba đường, “danh thực” và “danh hảo”.
Ai làm chuyện gì thì kệ người ta.
Nghĩ tới nghĩ lui, lại bái phục má tôi. Nếu tính ra của cải và công sức, mỗi năm má tôi có thể mướn nhân công làm cả chục cái bánh chưng đại loại như vậy. Nhưng bả không làm. Hàng năm má tôi mướn xe chở gạo về quê bố thí, nhân các dịp tết, thanh minh… Những lúc lụt lội, hán hán (như những ngày hôm nay) thì cũng có những chuyến xe “đột xuất” chở gạo đi cho. Tiền phong bì (cho nhà nghèo), tiền xe chuyên chở, tiền mướn nhân công, tiền gạo… đều xuất ra từ túi của má tôi. Mà hầu hết người nhận, không ai biết mặt mũi má tôi là ai, tên gì, ở đâu… Mọi người chỉ biết ông tài xế, những người đi phát gạo.
Nói tới má tôi mà không nói tới bà dì, chị ruột của má tôi, là bất công.
Bà dì tôi, con cái đều đi Mỹ, mỗi tháng tụi nó gởi về cho bà “tiền trầu cau” xài khoảng 1.500 đô một tháng. Mấy đứa nó cũng cất cho bà dì một cái nhà (to đùng) và một cái chùa nho nhỏ để bả làm bố thí. Vụ này trước kia có “lên báo nhà nước”. Vấn đề là, bây giờ thì bà dì tôi phải bỏ nhà, bỏ luôn chùa để đi nơi khác. Nhờ “lên báo nhà nước”, “lưu manh” lưu lạc đâu từ miền Bắc, ngày đêm tụ tập trước chùa đòi tiền.
Nhưng mà gia đình tôi có lối hành sử rất lạ. Những thằng “lưu manh” đòi tiền, theo lối “bôi trơn”, là nhứt định một cắc cũng không cho. Nhà cửa, chùa chiềng cất lên, chẳng thà bán rẻ. Dì tôi và má tôi hiện vẫn còn làm từ thiện, nhưng từ thiện nặc danh, để khỏi bị bọn “chó” hạch sách.
Trở lại cái bánh chưng hai tấn rưởi. Tôi e rằng không có “quốc tổ” nào chứng giám hết cả. Mà nếu có, cả họ nhà “quốc tổ”, 18 đời vua Hùng cùng tất cả con cháu sống lại, “ăn” cũng không hết.
Trong khi dân miền Nam bị hạn hán, cuối năm nay không biết có bao nhiêu nhà sẽ đi làm ăn mày? có bao nhiêu nhà trai phải bán thận, gái phải bán trinh để kiếm lấy cái ăn ?
Hai năm trước tôi có bàn ngắn viết về “quốc tổ”.
Trở lại “vấn đề” quốc tổ.
Quốc tổ không phải là người “đẻ” ra dân tộc mà là người “dựng” lên đất nước. Quốc tổ chớ đâu phải tiên tổ. Quốc ở đây là nước.
Người dân tộc gốc Hmong, gốc Nùng, Dao, Thái… ở thượng du Bắc Việt; người dân tộc gốc Ba Na, Hrê, Mnong… ở Tây nguyên; người Khmer ở miền Nam, người Chăm ở Phan Rang… có phải là người Việt hay không ?
Những người thuộc các dân tộc nói trên đều là công dân Việt (có quốc tịch Việt Nam). Những dân tộc này (một số)… đã sinh sống, an cư lạc nghiệp ở địa phương đó trước cả vua Hùng lập quốc.
Mới đây, báo chí đăng tải tin mới khai quật được di tích người “Việt cổ” ở An Khê (Bình định), nghe nói niên đại là 80.000 năm.
Nếu cho đây là di tích “Việt cổ”, thì “nước” của vua Hùng chỉ thuộc hàng cháu chắt, ít ra 100 đời.
Nước Văn Lang (của vua Hùng) chỉ mới lập sau này. Trước đó tổ tiên người Việt cũng đã có “nước” (văn hóa Phùng Nguyên, Đông sơn v.v… ; nhà Hồng Bàng, nước Xích Quỹ…)
Cúng quốc tổ Hùng vương mà không cúng những quốc tổ khác, là bất công.
Khi nói “quốc tổ” VN là vua Hùng, thì “nước” của vua Hùng này chỉ ở châu thổ sông Hồng mà thôi ! Vấn đề “nước” của vua Hùng đã mất vào tay người Tàu cả ngàn năm. Sau 1 ngàn năm, đất nước đó còn lại cái gì ?
Cũng vậy, đất nước từ đèo Ngang trở vô Nam đâu phải nước của vua Hùng ?
Mà nếu ta xét lại trên phương diện lịch sử và địa lý, đến thế kỷ 15 đất Bình định vẫn còn là đất Chiêm.
Chúng ta (người Việt gốc) vui chơi, mừng ngày giỗ vua Hùng. Trong khi một bộ phận lớn công dân Việt, người gốc Chàm, gốc Miên, gốc Hoa, gốc Tày, gốc Nùng, gốc Thái…. đứng ngoài cuộc. 
Ngay cả những người miền Trung, miền Nam… ông tổ của họ nhứt định không phải vua Hùng. Ông Tổ của họ là các chúa Nguyễn, các vua triều Nguyễn v.v…
Vùng đất cao nguyên chỉ mới được Pháp sáp nhập vào VN vào đầu thế kỷ 20.
Người trong cuộc càng vui chơi, người ngoài cuộc càng xa cách.
Vì vậy cần tương đối hóa ý nghĩa của ngày “giỗ tổ”. Không phải khi ông Hồ nói “các vua Hùng có công mở nước, bác cháu ta cùng nhau giữ nước” thì chuyện “mở nước” của vua Hùng là đúng.
Suy nghĩ như ông Hồ, cũng như ông Trọng ngày nay: “TBT phải là Bắc kỳ, biết lý luận”, mọi chức vụ đảng, nhà nước đều giao cho dân Bắc kỳ, thì chất keo liên kết giữa những người dân sống trong một nước sẽ không còn.
Muốn giữ được chất keo đoàn kết các dân tộc Việt thì cần phải tương đối hóa quan niệm “quốc tổ” cũng như phải xét lại chính sách “tập quyền” của dân Bắc kỳ.
Có ngày giỗ “quốc tổ” là đúng. Mà người việt Nam có nhiều “quốc tổ” chứ không phải chỉ có vua Hùng.
Ngô Quyền cũng là một vị “quốc tổ”, vì đã dành lại độc lập cho dân Việt sau 1 ngàn năm đô hộ.
Gia Long, Minh Mạng… cũng là những vị “quốc tổ”. Nếu không có những vị vua này thì đất nước VN chỉ ngừng ở Đèo Ngang.
Nếu tôn vinh, thờ phụng vua Hùng mà không tôn vinh những người có công mở nước và dựng nước, như Ngô Quyền, Gia Long, Minh Mạng… ta thấy có công bằng hay không ?
Và nếu tất cả quyền lực quốc gia đều tập trung vào dân gốc Bắc kỳ, liệu nhà nước này có chính đáng hay không ?

Không có nhận xét nào:

Trang