Mạc Văn Trang
Trước câu nói của một cử tri ở làng quê: Anh đi học xa quê 10 năm nay chả đóng góp gì cho quê hương…, LS Lê Luân trả lời “TÔI SINH RA TỪ LÀNG NHƯNG QUÊ HƯƠNG LÀ TỔ QUỐC”. Câu nói của Lê Luân, một LS 31 tuổi, tự ứng cử vào Quốc hội khóa 14, cứ ám ảnh tôi suốt mấy ngày nay. Đã lâu lắm rồi, những lý luận cũ rích, những khẩu hiệu sáo mòn, những phát ngôn nhàm chán, nhiều khi ngớ ngẩn lú lẫn, làm mụ mị cả tư duy lẫn cảm xúc của xã hội. Người ta không ngủ gật trong những cuộc họp triền miên nhàm chán, mới là lạ! Cho nên nghe được câu của thanh niên thốt ra một cách tự nhiên mà khái quát bao hàm ý thật sâu xa, đẹp đẽ khiến rung động tâm can… “TÔI SINH RA TỪ LÀNG NHƯNG QUÊ HƯƠNG LÀ TỔ QUỐC” xứng đáng là một khẩu hiệu, một Triết lý nhân sinh quan trọng trong giai đoạn hiện nay của mỗi người Việt Nam. Các học sinh, sinh viên, đoàn viên Thanh niên hãy thấm nhuần Triết lý đó để thoát khỏi những tình cảm hẹp hòi làng xã, dòng họ, địa phương, để có tâm hồn rộng mở, tâm nguyện hiến dâng tuổi trẻ cho Tổ quốc Việt Nam – Quê hương của mọi quê hương. Đặc biệt các quan chức từ nhỏ đến to, hãy thoát khỏi ích kỷ hẹp hòi, tranh giành phần hơn cho tỉnh mình, vùng mình, lợi ích nhóm mình, lo xây Từ đường, mả Tổ nhà mình thật hoành tráng… Hãy biết tâm niệm “TÔI SINH RA TỪ LÀNG NHƯNG QUÊ HƯƠNG LÀ TỔ QUỐC”! Được như thế chắc người mình sẽ đẹp hơn lên, tự nhiên lớn lên hơn, cao thượng hơn…Thực ra đối với “người học” chỉ vì Tổ quốc mình cũng vẫn là hẹp hòi! Nhưng như nhà văn hóa Phạm Quỳnh nói: “Người ta học là vị chân lí, vị nhân loại, ta học nên vị nước trước nhất, sự học của ta phải là cái học cứu quốc vậy”. (Nam Phong, số 36, tháng 6 - 1920).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét