30 tháng 4, 2016

Thảm họa môi trường: đằng sau là một sự thật không thể che giấu

Thảm họa đầu độc môi trường sống ở Miền Trung đã ngày càng tăng và chưa có thời điểm dừng lại. Các loại sinh vật biển đã chết và đang tiếp tục chết. Không chỉ ven bờ, mà cả những loài động vật biển ở tầng nước sâu như cá voi cũng đã từ giã cuộc đời với biển để phơi xác ở vùng biển các tỉnh Việt Nam.

Không chỉ có cá, mà các loài thủy sinh, ngao sò, ốc hến... chim chóc cho đến rừng ngập mặn đã được phát hiện đang chết. Đầu tháng 4/2016, báo chí đã lên tiếng về 26ha rừng ngập mặn được trồng 25 năm nay chắn sóng chỉ còn trơ gốc. Tại các đảo Quảng Bình, chim chóc không còn, những xác chim tan rữa trên đảo. Thậm chí, người ta không còn dám xuống kiểm tra xem những loại rong biển, san hô có còn tồn tại được không. 
Nhưng, người dân biết một điều: Nước biển đã và đang chứa một lượng hóa chất cực độc có thể giết người. Người dân lo tích trữ muối ăn, cả hệ thống du lịch biển mùa hè đang có nguy cơ tê liệt, các chợ hải sản biển vắng teo vì không ai dám mang sinh mệnh của mình để đùa với các "bí mật nhà nước". 
Không chỉ có thế, ngoài các sinh vật biển con người cũng đã mất mạng vì nhiễm độc từ biển, điều "xưa nay hiếm". Người ta có thể chết vì ngộ độc khí ở đồng bằng, bị nhiễm độc từ rừng, từ nhiều nơi khác, nhưng ở biển, bị nhiễm độc thì hầu như rất ít xảy ra ở Việt Nam. Nhưng điều đó đã xảy ra rất cụ thể và hết sức nguy hiểm. 
Những công nhân lặn biển ở Formosa đã chết và đang điều trị ở các bệnh viện đã cho biết họ nhiễm kim loại nặng từ biển. Ngay tại Formosa, ngày 15/4/2016 hàng chục công nhân đã bị nhiễm độc và ngộ độc khi ăn ở nhà bếp chung của Formosa. 29 người nhập viện, hàng chục người khác có dấu hiệu nhiễm độc. Điều lạ ở đây, là quá trình nhiễm độc, ngộ độc của họ đã diễn ra từ từ chứ không đồng loạt như những nơi bị ngộ độc thực phẩm khác. Điều đó cho người ta khả năng nghi ngờ là những chất độc từ sản vật biển đã nhiễm độc ở các mức độ nguy hiểm khác nhau và phát huy tác dụng từ từ. 
Với tình trang chất độc đưa vào cơ thể như không và dần dần phát huy tác dụng của nó, thì con người, sức khỏe giống nòi Việt Nam rồi sẽ ra sao? Chưa ai đặt vấn đề đó ra với những kẻ đang hủy hoại đầu độc môi trường sống của Việt Nam. 
Với một đất nước có 3.200 km bờ biển số lượng ngư dân và người dân phụ thuộc vào môi trường biển là quá lớn. Cách đây 3 năm ngày 7/6/2013, tại Diễn đàn Kinh tế Biển diễn ra tại Hà Tĩnh, ông Chu Phạm Ngọc Hiển -Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, mục tiêu của Việt Nam đến 2020, kinh tế biển sẽ đóng góp 53-55% GDP. 
Khi đó, Lê Đình Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh còn tự hào Hà Tĩnh có Formosa. Ông cho biết, tỉnh này có bờ biển dài 137km, gồm 3 đảo nhỏ với 4 cảng thương mại và cảng cá. Mặt khác, Hà Tĩnh có ngư trường rộng, diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, nhân dân có truyền thống đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, tiềm năng phát triển du lịch dồi dào trong đó có du lịch biển… Toàn những viễn cảnh như mơ. Nhưng những ngày qua, không thấy mặt ông ta và chẳng thấy ông ta nói gì nữa. 
Vậy thì nền kinh tế Việt Nam sẽ đi về đâu? Đất nước này rồi sẽ ra sao? Đời sống người dân bần cùng hóa đến mức nào? 
Ai chịu trách nhiêm? Họp kín? Thái độ của một nhà nước 
Một tháng, với cả một bộ máy nhà nước, đảng, đoàn, mặt trận, các Hội con nuôi của đảng như Mặt Trận, Hội Liên hiệp Thanh niên, phụ nữ... mà cả bộ máy dân phải nuôi phình to bằng ba, bằng bốn bộ máy của láng giềng với số dân tương đồng, họ đang ở đâu? Tất cả đều im lặng và lẩn tránh trách nhiệm của mình. 
Họ vẫn tiêu tiền dân đều đều vào xe công, vào nhà công vụ, vào đi nước ngoài học tập, vào những cuộc thăm viếng đón tiếp ngoại bang xâm lược. Trong tháng 4 này, bộ máy đó đã tiêu bao nhiêu tiền dân? chưa ai trả lời được, nhưng chắc chắn một điều" Tháng 4 này, họ đã tiêu tốn hơn 1.000 tỷ đồng cho riêng xe công để phục vụ họ.

Một quan chức Hà Tĩnh với chức danh Phó Chủ tịch Tỉnh là Đặng Ngọc Sơn đã xúi dân xuống tắm biển và ăn cá nhiễm độc. Điều này khiến dư luận bất bình dậy sóng và ông ta "tàng hình". Một tiến sĩ là nhà khoa học đã đánh giá tư cách của Phó chủ tịch Tỉnh này là "thiếu kỹ năng sống và không có kiến thức khoa học" - Nhưng lại là viên quan đầu tỉnh. Vậy thì hệ thống cán bộ sẽ ra sao? 
Một viên chức Quảng Bình, khi được hỏi về việc chim đồng loạt chết đã tỉnh bơ: Chim chết không liên quan gì đến chúng tôi. - Bó tay với quan chức nhà nước Cộng sản luôn tự hào là đầy tớ nhân dân. 
Không chỉ với những quan chức đông nhan nhản như chính quyền địa phương đã được coi là "tàng hình", cả bộ máy Bộ Chính trị cũng như 4 cái chân gọi là tứ trụ mà người ta vạch mặt chỉ tên hẳn hoi, chưa hé nửa lời về thảm họa này trừ Thủ tướng kêu "xử lý nghiêm". Người ta nhớ chưa lâu, mới đây thôi, họ đã giơ tay thề nguyền sẽ thế lọ, sẽ thế chai trước cả toàn dân và cả cái gọi là Quốc hội... cứ như thật. 
Trong số đó, Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp đến vùng thảm họa, gặp gỡ, cười giả lả cùng nghi can gây đại họa là Formosa, rồi ra về với sự im lặng chết chóc và để lại câu khen ngợi "Hà Tĩnh đi đúng hướng". Người dân quan sát và có quyền nghi ngờ rằng: Đó có phải là một cuộc "thông cung" trong tội ác với môi trường Việt Nam ở thảm họa này? 
Lúng túng che đậy sự thật 
Sau gần một tháng trời với cả bộ máy ôm 24.000 cái "bằng tiến sĩ" đã hoàn toàn bất lực trước một câu hỏi: Thảm họa này do đâu? trong nước biển miền Trung hiện nay có gì? Người dân nên ăn gì, dùng gì từ biển?" - Những câu hỏi đó đã không được trả lời. 
Người ta chờ cho đến tối 27/4/2016, 7 bộ gồm Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng các bộ khác sau khi họp kín đã có một buổi họp báo có một không hai. Buổi họp báo nổi tiếng này đã đưa ra được một thông điệp: Thông điệp đó là: "Xin thông báo, hiện chưa có gì để thông báo, chúng tôi sẽ thông báo sau khi có điều cần thông báo, vì thế xin thông báo để những người cần được thông báo biết". 
Ở Việt Nam, cái trò họp kín đã diễn ra thường xuyên và coi như đó là quyền của đám đầy tớ một cách ngang nhiên, dù đám đầy tớ này đang ăn tiền đi xe, ở nhà và mọi cái đều lấy từ túi ông chủ. 
Người ta thấy Quốc hội phải họp kín về Biển Đông, đảng họp kín ở Hội nghị trung ương...tất tần tật cứ như đi buôn bạc giả, buôn lậu ma túy với nhau vậy. 
Vì sao phải họp kín? Điều đơn giản để giải thích việc họp kín, là bất cứ sự gì không minh bạch đều cần che giấu trước ánh sáng. 
Sự thật lộ diện 
Buổi họp báo không đưa ra được thông tin gì từ người tổ chức, chỉ duy nhất đưa được một thông tin là không phải Formosa gây độc mà có thể là "thủy triều đỏ" là nguyên nhân. 
Khi nghe câu nói này, cả cộng đồng mạng đã mất một trận cười còn hơn cả ngộ độc nước biển. Trên các diễn đàn mạng, người dân không còn gì để có thể biểu thị sự coi thường, khinh bỉ và thiếu tôn trọng đến thế. Những status trên diễn đàn Facebook kêu gọi yêu cầu Bộ Trưởng Tài nguyên - Môi trường từ chức, chỉ một tiếng đồng hồ sau đã có hàng ngàn người like và hàng cả ngàn lượt người chia sẻ.

Người dân không có được thông tin chính thức từ miệng quan chức Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân. Nhưng đã biết điều gì đằng sau thái độ hoảng hốt khi một phóng viên hỏi về độc tố kim loại nặng gây cá chết ở Biển hiện nay: “Tắt máy. Tắt máy nghe. Xin lỗi. Không, không, để anh nói riêng với em. Đừng hỏi câu đó. Hỏi câu đó tổn hại cho đất nước”. 
Tổn hại cho đất nước? Với ông này đó là nói lên sự thật? Không. Hoàn toàn không. Khi nói ra sự thật chỉ có hại cho cái đảng của ông ta, - "người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam" (sic). Còn đất nước đã tan hoang, bị đầu độc thì nói lên sự thật chỉ có tốt hơn thôi thưa ông. 
Người dân không tin là ông ta và các quan chức không biết nguyên nhân. Bởi người dân có mù, thì họ cũng biết Biển không thể có chuyện tự nhiên bị đầu độc và họ đã biết có nơi, có chốn, có nguyên nhân và thủ phạm rõ ràng như vậy. Cái mà ông cho là "thủy triều đỏ" được cộng đồng mạng chỉ rõ, đó là làn sóng thủy triều cộng sản đang luôn tạo những con sóng đỏ hủy diệt trên đất nước này. 
Câu đổ lỗi của ông, chỉ nhằm che giấu những thủ phạm đã đầu độc không chỉ môi trường tự nhiên của đất nước này, mà là cả môi trường sống của xã hội, trong đó có đủ mọi mặt cuộc sống từ giáo dục, y tế, đạo đức, kinh tế xã hội. 
Đó là con sóng đỏ của tư duy vô thần Cộng sản lấy vật chất quyết địnhh ý thức con người và coi việc chiếm giữ quyền bính phục vụ lợi ích của phe nhóm mình là tối thượng, bỏ mặc đất nước, dân tộc và dân sinh. 
Hà Nội, ngày 29/4/2016. Những ngày người Cộng sản mừng "chiến thắng miền Nam" và thảm họa môi trường. 
J.B Nguyễn Hữu Vinh 

Nguy cơ bầy đàn từ cơ chế bầy đàn

Một thời đại bầy đàn sẽ sinh ra những thế hệ, thông qua cơ chế lãnh đạo, những lớp người mang tâm lý bầy đàn và bản năng, dục vọng sẽ lên tiếng thay thế tiếng nói của đạo đức, phẩm hạnh hay tình người. Đó là cái giá phải trả của bất kỳ cộng đồng, dân tộc nào sống dưới cơ chế bầy đàn. 
Hình ảnh người ta chen chúc nhau, hú hét và đạp rào chắn để tranh chỗ dâng lễ trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương vào Mồng Mười tháng Ba âm lịch năm nay tại Phú Thọ như một trái phá đánh thẳng vào những ai ngây ngô với niềm tin rằng người Việt Nam rồi đây sẽ tốt đẹp hơn trong chế độ xã hội chủ nghĩa đích thực. Bởi các đời Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ quan điểm: “Chúng ta đang trong giai đoạn quá độ lên xã hội chủ nghĩa, khi mà kinh tế chúng ta đủ mạnh, đủ bền thì chúng ta sẽ là một thiên đường xã hội chủ nghĩa…”. 
Đó là một loại lý lẽ mị tính, chẳng có gì để bàn. Vấn đề cần bàn ở đây chính ở chỗ ngay cả trong lòng miền Bắc, trước năm 1975, hầu như không có kiểu xô bồ như hiện tại. Và tại miền Nam Việt Nam, trước 1975 sạch sẽ, văn minh bao nhiêu thì sau 1975, mọi thứ trở nên xô bồ, hỗn độn bấy nhiêu. Điều này cho thấy vấn đề gì? Và đâu là nguyên nhân? 
Trước nhất, hình ảnh người ta chen lấn nhau để chờ ăn sushi miễn phí hay xô dẩy, giẫm đạp nhau để nhận quà, đạp nhau để tranh phết cầu may, chen chúc, hú hét, giẫm đạp lên nhau để đội lễ lên đền Hùng… Tất cả đều khái quát tính bầy đàn và man rợ mà những đám đông này có được. 
Điều này có phải do nguyên nhân từ chỗ xếp hàng chầu chực miếng thiếu ăn, sợ đói khổ và sợ cắt mất phần ăn ở thời kinh tế tập trung bao cấp để lại? Phải, nhưng đó chỉ là một phần của nguyên nhân. Thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa kéo qua đất nước này đã ngót nghét 30 năm, kể từ 1986 đến 2016. Ba mươi năm đủ để người ta thay đổi cho hợp thời đại và hợp với phông văn hóa chung. Hơn nữa suốt 30 năm không có xếp hàng chầu chực miếng ăn, không đến nỗi đói khổ, không đến nỗi quá lo lắng về miếng ăn, cái mặc nhưng tại sao người ta vẫn cứ hành xử mông muội, bầy đàn? 
Điều này bắt buộc phải coi lại chế độ cầm quyền, bởi đó là thứ qui luật đương nhiên, một chế độ cầm quyền tử tế sẽ cho ra những sách lược tử tế và có những chính sách xã hội tử tế để cuối cùng là một xã hội tử tế hình thành dưới chế độ cầm quyền đó. Ngược lại, một chế độ cầm quyền bầy đàn và mông muội sẽ sinh ra những sách lược bầy đàn, mông muội để cuối cùng là kéo theo cả một dân tộc bầy đàn, mông muội dưới bàn tay cai trị của chế độ đó. 
Điều này buộc phải coi lại cơ chế cầm quyền của đảng Cộng sản Việt Nam! Tuy rằng cơ chế kinh tế đã chuyển đổi theo hướng thị trường nhưng cách hành xử, sách lược và chủ trương của đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đậm đặc tính bầy đàn, mông muội. 
Tính bầy đàn, mông muội từ Hiến Pháp và trên cả Hiến Pháp, một chuyện chỉ có trong chế độ Cộng sản. Điều 4 Hiến Pháp đã qui định đảng Cộng sản là đảng lãnh đạo duy nhất, như vậy, tính độc tài đã được pháp chế hóa, bên cạnh đó, luận cương và điều lệ đảng luôn đặt cao hơn Hiến Pháp, điều này cho thấy tính bầy đàn của đảng Cộng sản cao hơn bao giờ hết. Bởi nếu không đặt nặng quyền lợi cũng như không coi trọng tính bảo thủ, tính bầy đàn thì người ta không thể đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích của dân tộc. 
Một khi đã đặt lợi ích dân tộc bên dưới để đặt lợi ích của đảng Cộng sản lên cao hơn thì cơ chế lãnh đạo và cai trị của nó sẽ đậm tính bầy đàn. Tính bầy đàn nhen nhóm từ chỗ lợi ích nhóm, từ chỗ muốn yên thân hay muốn vinh thân phì gia thì phải có tính đảng, phải theo đảng và phải là đảng viên, phải nằm trong hệ thống của đảng. Điều này vô hình trung đẩy xã hội vào tâm lý bầy đàn, muốn có sức mạnh thì phải có bầy đàn, muốn tiến thân thì phải có đảng. 
Cái tâm lý bầy đàn này nhen nhóm, hình thành và phát triển kể từ khi trẻ em bắt đầu tham gia Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh cho đến lúc tham gia Thanh Niên Đoàn để rồi cố gắng, nỗ lực học điều lệ đảng và để được nhắm đối tượng đảng, được kết nạp đảng. Vô hình trung, đảng trở thành bầy đàn ưu tú, bầy đàn mạnh nhất giữa những bầy đàn bị xô ra khỏi chuồng có nhiều thức ăn và (ngoại trừ những thành phần trí thức, hiểu biết và có phản biện xã hội, có tư duy độc lập, dân chủ) những thành phần không được vào đảng, không được kết nạp vào bầy đàn ưu tú, bầy đàn mạnh nhất thì sẽ tìm cách tồn tại giữa một rừng bất an vì không có chỗ chống lưng. 
Và một khi sống giữa rừng bất an, phải đối mặt với hàng trăm thứ bất công, trong đó chủ yếu là bất công do bầy đàn mạnh nhất mang lại, bản năng sinh tồn của người ta phải trỗi dậy như một cơ chế đề kháng tự nhiên. Trong khi đó, tiến trình phát triển tâm lý bầy đàn trong xã hội lại là thứ cần thiết nhất của bầy đàn mạnh nhất, cụ thể ở đây là đảng Cộng sản. Bởi tính bầy đàn nổi dậy càng mạnh thì tính tĩnh lặng, sự minh triết càng mất đi tỉ lệ. Khi cả đất nước thành một đám đông hò hét thì bầy đàn mạnh nhất, hung hăng nhất sẽ dễ dàng lãnh đạo cái đám đông hò hét, hầm hố và bầy đàn còn lại. 
Trong khi đó, ngược lại, với một đất nước mà giá trị suy tư, giá trị tư lự và chiêm nghiệm đã thấm nhuần trong mỗi cá thể công dân, người ta nghĩ đến phẩm hạnh và đạo đức thì chắc chắc người ta phải coi trọng giá trị con người, coi trọng tính sáng tạo và tính độc lập, coi trọng tự do… Và để có những điều đó, người ta buộc phải đấu tranh, phải tìm và phải hy sinh, thậm chí phải sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro trước sức mạnh bầy đàn thủ lĩnh. Và đây là điều mà nhà cầm quyền bầy đàn không bao giờ mong xảy ra, họ phải triệt tiêu bằng mọi giá. 
Những động thái triệt tiêu không phải ngày một ngày hai mà được. Ngay từ đầu thống nhất hai miền bằng màu cờ Cộng sản, người Cộng sản đã thực hiện chính sách Độc Thần của họ bằng cách tôn thờ Hồ Chí Minh, ướp xác của ông và thờ phụng trong lăng trang nghiêm, dành cơ hội đi thăm lăng ông cho những thành phần ưu tú trong xã hội. Tiếp đó là đập phá đền đài, miếu mạo, đạp đổ thần linh trong nhân dân. Một khi thần linh trở thành mối đe dọa trong nhân dân, sự tôn thờ và kính ngưỡng có thể trở thành mối nguy cho tính mạng thì người ta hoặc là bỏ trốn đi nơi khác hoặc là chấp nhận mình vô thần để được yên thân. 
Và trong cái sinh quyển vô thần của nhân dân, có một ông thần Hồ Chí Minh luôn ngự trị, ông trở thành thần hộ mệnh cho bất kì ai dưới triều đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Và đến khi ông thần Hồ Chí Minh đã chính thức được phong thần, đã được chính mồm mép của các ông sư bà ni hay cha đạo đội nón cối xác quyết là bố tát, là thánh… Thì việc còn lại của đảngđộc tài và độc thần là phải tạo ra những bộ đệm thần linh. Chính những bộ đệm thần linh này sẽ đảm bảo tính lâu dài của chủ nghĩa Độc Tài và Độc Thần. Vì sao? 
Bởi hiện tại, một khi chủ nghĩa vô thần đã trở nên nhảm nhí trong nhân dân và toan tính độc thần cũng bị lung lay bởi những nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền, bởi những tương tác trong thế giới phẵng thời đại internet và bởi những bí mật xấu của lãnh tụ bị bạch hóa thông qua thế giới mạng, thông qua những trang mạng xã hội, hình ảnh của ông thần Hồ Chí Minh trở nên méo mó và không còn đảm bảo tính linh thiêng của nó nữa. 
Lúc này, nhu cầu xây dựng một lớp đệm thần linh sẽ cao hơn bao giờ hết, tái xây dựng, phục chế và thậm chí xây mới đền đài miếu mạo, lăng tẩm, điện… Và tổ chức các hoạt động nhảy ốp đồng hay cầu cơ, các sinh hoạt tâm linh giả cầy được phép hoạt động hết công suất dưới sự bảo trợ của đảng cầm quyền. Và đương nhiên, một phần mê tín dị đoan và một phần tâm linh thuần nhiên trong nhân dân được đánh thức. Lúc đó, nhà cầm quyền nghiễm nhiên lồng ghép, đan xen hoạt động tâm linh với hoạt động chính trị. 
Không cần tinh ý người ta cũng dễ dàng nhận thấy bất kì ngôi chùa quốc doanh hay đền miếu quốc doanh nào cũng có tượng Hồ Chí Minh. Trong khi đó, chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ quốc doanh chiếm số lượng cao và hoạt động rất mạnh. 
Khi người ta qùi mọp lạy khấn thần linh là lúc mọi niềm tin ký thác vào hành vi vái lạy. Và khi người ta ngước lên thấy Hồ Chí Minh đứng trên cả thần linh cũng là lúc người ta buộc phải treo niềm tin trên sợi dây huyễn hoặc của tâm hồn mình. Một thế giới bầy đàn ra đời trong một nhà nước bầy đàn và những hoạt động xã hội ngày càng bầy đàn hơn để đảm bảo cho bầy đàn lãnh đạo được yên vị. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể nhìn thấy ngày hôm nay và đừng hỏi vì sao ngày càng đông người Việt Nam hành xử bầy đàn mà chỉ cần hỏi cơ chế lãnh đạo của đảng Cộng sản có phải là cơ chế bầy đàn hay không là đủ! 

Những suy nghĩ rời tháng Tư.

Song Chi. 
+Cứ vào những ngày tháng Tư là lòng lại trĩu nặng. Càng đọc những bài viết của mọi người về cái ngày 30.4.1975 và những gì xảy ra trước đó, cũng như những gì đã và đang xảy ra cho đất nước này, dân tộc này trong 41 năm qua là lại cảm thấy hết sức nặng nề. 
Lịch sử chỉ có thể được xếp lại khi tất cả phải được bạch hóa, sự thật được trả lại, đúng sai được gọi đúng tên. 
Quá khứ chỉ có thể ngủ yên khi hiện tại tốt đẹp hơn và tương lai rộng mở trước mắt dân tộc, còn nếu không, quá khứ sẽ mãi là nỗi đau, sự tiếc nuối, và chiến tranh dù đã lùi xa nhưng hòa bình, thống nhất thực sự chưa bao giờ có trong lòng người VN, cũng như độc lập- tự do- hạnh phúc thực sự chưa bao giờ có trên đất nước này, cho dân tộc này. 
Những thế hệ đi trước, dù thuộc phe này hay phe kia, đã có những sai lầm dẫn đến cái ngày 30.4, kể từ đó VN đi ngược chiều với nhân loại văn minh, tiến bộ, bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội phát triển, cả một xã hội bị tàn phá, hủy hoại về mọi mặt và người VN hoặc sống cuộc đời tha hương tứ xứ hoặc sống với tâm thế ở trọ ngay trên quê hương mình. 
Nếu thế hệ ngày hôm nay không làm gì để sửa chữa lại cái sai lầm, cái bi kịch khủng khiếp ấy thì khoảng cách giữa VN và thế giới sẽ càng lúc càng nới rộng, thậm chí, một số phận như Tây Tạng cũng là điều có thể thấy trước. 
.......... 
+ Chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản đều gây ra những tội ác kinh khủng cho nhân loại, nhưng những quốc gia theo chủ nghĩa phát xít thì bạo phát bạo tàn còn những quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản (dù đúng tính chất hay chỉ là “giả cầy”) thì tồn tại lâu hơn nên mức độ tác hại nhiều khi còn lớn hơn. 
Cũng như vậy, mọi chế độ độc tài đều gây ra những tai họa và hậu họa to lớn cho đất nước, cho dân tộc họ. Nhưng một chế độ độc tài do một đảng cộng sản cầm quyền sẽ để lại những di hại nặng nề hơn. 
Bởi vì không những ngồi xổm lên luật pháp, coi khinh nhân dân như cỏ rác, hành xử như thể đất nước là tài sản riêng muốn làm gì thì làm, muốn khai thác, mua bán, đổi chác, thế chấp, vay nợ gì tùy ý (đặc điểm chung của mọi chế độ độc tài) mà nó còn vô thần, không có tín ngưỡng, chà đạp tôn giáo, “ngu dân hóa” giáo dục, khinh rẻ văn hóa nghệ thuật…Nên con người và xã hội dưới một chế độ độc tài do một đảng cộng sản cầm quyền bị tha hóa đi, cái thiện, cái đẹp, lương tâm, sự tử tế, lòng tự trọng, tính nhân văn…tất cả đều bị xói mòn, tiêu diệt, và sẽ phải mất rất nhiều thời gian, nhiều thế hệ để sửa chữa, xây dựng lại sau khi chế độ ấy sụp đổ. 
.......... 
+ Có cần phải có thêm một ngày nói dối (Ngày 1 tháng Tư) khi bạn đang sống trong một xã hội như VN, với một đảng và nhà cầm quyền như đảng và nhà nước cộng sản VN? 
Song, sự dối trá không phải là “đặc sản” của riêng đảng và nhà nước cộng sản VN, mà là của mọi đảng, mọi nhà nước cộng sản trên thế giới và chủ nghĩa cộng sản nói chung. 
Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều nhận định của các chính khách, nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã nói về sự dối trá của cộng sản: 
Mikhail Gorbachev, Tổng Bí Thư đảng cộng sản Liên Xô: 
“I have devoted half of my life for communism. Today, I am sad to say that: The communist Party only spreads propaganda and deceives.” (“Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng, cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá.”) 
Boris Yeltsin, Tổng Thống Nga: 
“Communists are incurable, they must be eradicated.” (“Cộng Sản không thể nào sửa chữa, mà cần phải đào thải.”) 
14th Dalai Lama, lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng từ năm 1950: 
"Communist born from poverty and ignorance, raised by lies and violence, died in contempt and curses of mankind". (“Cộng Sản sinh ra từ đói nghèo và ngu dốt, lớn lên bằng dối trá và bạo lực, chết đi trong sự khinh bỉ và nguyền rủa của toàn thể nhân loại”) 
Angela Merkel, Thủ Tướng Đức: 
“The communists make the people deceitful”. (“Cộng Sản đã làm cho người dân trở thành gian dối”) 
Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thống VNCH: 
“Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm” 
v.v…. 
.......... 
+ Khi biến cố 30.4 xảy ra, đã có rất nhiều quân nhân của quân đội VNCH từ tướng, tá cho tới những cấp bậc thấp hơn, tuẫn tiết bằng cách này cách khác, tại nơi này nơi khác. Có thể tìm thấy khá nhiều trang web, blog ghi lại danh sách những vị đã tự sát trong những ngày cuối cùng, ví dụ: http://saigonecho.info/main/lichsuvn/37-chientranhvn/17190-danh-sach-qua... http://dienhanhvanhoaquocte.org/chao/node/767 http://namrom64.blogspot.no/2012/08/nhung-vi-tuong-vnch-tu-sat-30041975....
Lẩn thẩn tự hỏi không biết bây giờ nếu chế độ cộng sản ở VN sụp đổ, trong hàng trăm ông tướng (chưa nói đến cấp thấp hơn) của đảng, có ông nào có đủ dũng cảm tự sát không nhỉ. 
.......... 
+ Những từ ngữ, cụm từ gợi lên những ký ức cay đắng hoặc kinh hoàng về những chính sách sai lầm, những tội ác từ khi đảng cộng sản lên cầm quyền ở VN: “Cải cách ruộng đất”, “Vụ Nhân văn Giai phẩm”, “vụ án xét lại những năm 60-70 của thế kỷ XX”, “kiểm điểm, phê và tự phê, chỉnh huấn” đối với văn nghệ sĩ, trí thức, “hợp tác xã”, “đi học tập cải tạo”, “ đi kinh tế mới”, “cải tạo tư sản mại bản”, “cải tạo công thương nghiệp”, chiến dịch “Bài trừ văn hóa đồi trụy-phản động” (sau 30.4.1975), “thuyền nhân”, “đổi tiền”, “xuất khẩu lao động”, “giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất đai”, “dân oan”, “tự xử”, “tự tử trong đồn công an”, “đúng quy trình, “tàu lạ”, “bạn vàng”… 
Và chắc chắn là còn thiếu sót rất nhiều... 
Ghí chú: 
- “Tự xử” nói lên tình trạng người dân “tự làm luật” với nhau và với chính quyền. Ví dụ như những vụ người dân hè nhau đánh đập, có khi tới chết, một kẻ bắt trộm chó. Hoặc có những bệnh nhân, sản phụ bị tử vong do cung cách làm việc tắc trách, vô lương tâm của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế, khiến người nhà nạn nhân tức giận, xông vào bệnh viện đập phá đồ đạc, đuổi đánh y bác sĩ, hoặc mang xác nạn nhân tới bệnh viện để đòi làm ra lẽ. 
Có những vụ người dân khiếu nại mãi nhưng chính quyền địa phương vẫn không giải quyết, buộc họ phải cùng nhau “làm luật” như vụ hàng ngàn người xuống đường phản đối việc khai thác cát gây sạt lở nặng cửa biển Cửa Ðại của sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi năm 2013 (“Dân xuống đường, phản đối khai thác cát,” Người Lao Ðộng), “Dân vây nhà máy phân bón gây ô nhiễm” (Zing.vn) ở Thanh Hóa năm 2016… 
Có những khi, vì uất ức, tuyệt vọng quá mức, người ta chỉ còn cách đem chính sinh mạng của mình ra “tự xử.” Ðã có những vụ tự thiêu, tự sát mà nguyên nhân sâu xa do cách làm ăn quan liêu, coi thường tính mạng, danh dự nhân phẩm người dân của nhà cầm quyền, hay do luật pháp bất công, xét xử oan sai. Trong đó được dư luận biết đến nhiều là vụ tự thiêu ngay trước cửa UBND tỉnh Bạc Liêu của bà Ðặng Thị Kim Liêng, thân mẫu cựu tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần vào tháng 7.2012; hay vụ anh Đặng Ngọc Viết xả súng bắn vào 4 cán bộ nhà đất tại trụ sở UBND TP Thái Bình sau đó tự sát vào tháng 9.2013…. 
-“Đúng quy trình”: từ việc bổ nhiệm cán bộ sai quy định, cho phép xây nhà trái phép, tổ chức đấu thầu làm sao mà Trung Cộng thường xuyên thắng thầu các công trình ở VN, mặc dù từ chất lượng, hiệu quả, tiến độ thi công…các công ty Trung Quốc đều thua xa các công ty Nhật Bản và phương Tây khác cùng tham gia đấu thầu, nhưng khi bị chất vấn thì phía VN lại trả lời “mọi thứ đều đúng quy trình”, cho đến tiêm chết người, bỏ tù oan người dân đến cả 10, 18 năm, thực phẩm bẩn làm chết người từ từ…tất cả đều “đúng quy trình”... 
.......... 
+ Chỉ một thời gian ngắn sau ngày chiến tranh VN kết thúc, mà bên thắng cuộc gọi đó là chiến thắng vĩ đại, là công cuộc giải phóng vĩ đại, người VN-chủ yếu là từ miền Nam, bên thua cuộc, bắt đầu ồ ạt bỏ nước ra đi. 
Một trong những cuộc di dân/tỵ nạn lớn nhất thế kỷ XX. 
Trong đó có những thành phần ưu tú nhất của chính quyền VNCH cũ và của miền Nam. 
Nhưng rồi trong suốt 41 năm qua, những chuyến ra đi ấy chưa bao giờ ngừng lại. 
Cũng không hề có dấu hiệu khi nào sẽ chấm dứt. 
Dù không ồ ạt, đánh động thế giới như những năm 70-80 thế kỷ trước, nhưng đa dạng hơn về thành phần, bây giờ là người Việt cả nước, thuộc đủ mọi lứa tuổi, xuất thân, chính kiến, lý lịch, và đi bằng nhiều cách, nhiều con đường khác nhau…Đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm rồi tìm cách ở lại, đi du lịch rồi trốn ở lại, đi theo diện hôn nhân, đi học, đi theo diện kinh doanh mở cơ sở làm ăn… 
Trong đó có những thành phần ưu tú nhất, được học hành đàng hoàng, thậm chí đang thành đạt trong xã hội VN. Không chỉ là chuyện “chảy máu chất xám”, mà cả tiền bạc cũng theo họ tuôn sang nước khác… 
Một trong những thành quả lớn nhất của cái gọi là chiến thắng lẫy lừng tháng 4.1975. 
Và bây giờ nếu cá tôm, thú rừng đi được thì có lẽ chúng cũng bỏ đi nốt. 
.......... 
+41 năm, sau ngày VN thống nhất, 2 trong số những thành tựu lớn nhất của đảng và nhà nước cộng sản, đó là tạo ra một bộ máy quan lại, công an, viên chức từ trên xuống dưới chỉ biết có tiền, và vì chỉ biết có tiền, nên họ sẽ hết sức phò cái chế độ này để tiếp tục vơ vét và không bị thất thoát số tài sản khủng đã kiếm được; thứ hai, tạo ra một xã hội VN hoàn toàn bị tê liệt, chết lâm sàng, không biết mình đã bị đánh cắp những quyền gì và không còn có khả năng phản kháng. 
.......... 
+Ngẫm lại lời tiên đoán của Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm năm xưa: 
“Nếu bọn Việt Cộng thắng, thì quốc-gia Việt-Nam cũng sẽ bị tiêu-diệt và sẽ biến thành một tỉnh nhỏ của Trung-hoa Cộng-sản. Hơn nữa toàn-dân sẽ phải sống mãi mãi dưới ách độc tài của một bọn vong bản vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo." (nhân dịp khánh thành đập Đồng Cam, Tuy-Hòa 17.9.1955). 
Và tương tự, là câu nói của bào đệ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Cố vấn Ngô Đình Nhu: 
“Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian. 
Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng, thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô.” (Chính đề VN) 
Những lời nói như tiên tri ấy bây giờ đang trở thành sự thật! 
Nhìn lại ngoài khơi từ xa đến gần, trên đất liền từ Nam ra Bắc, tất tần tật những chỗ đắc địa nhất, ngon ăn nhất về kinh tế cho tới những vị trí nguy hiểm nhất về mặt an ninh quốc phòng, Trung Quốc đều có mặt. Trong mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội…đều có bàn tay, “bóng dáng” của Bắc Kinh. 
41 năm sau ngày đất nước thống nhất, VN bây giờ như con cá nằm trong cái lưới giăng sẵn của Trung Cộng. Con cá vẫn lờ đờ bơi, nhưng Bắc Kinh muốn cất lưới lúc nào cũng được, và suy cho cùng, cũng chẳng cần phải cất lưới làm gì.

Văn hóa ứng xử của người Việt hiện nay

* THẠCH ĐẠT LANG 
Trong bài viết Bàn Thêm Về Căn Bệnh Của Việt Nam, giáo sư Nguyễn Đình Cống ở Việt Nam có trích dẫn một đoạn từ bài viết của tôi: Sự Vô Cảm của Người Việt Nam.
Để làm sáng tỏ thêm những gì muốn nói trong bài viết trên, tôi viết thêm bài này. Tôi không có ý định tranh luận với ông Nguyễn Đình Cống vì xa quê hương đã 35 năm, sự nhận định về con người, xã hội, đất nước, dân tộc Việt Nam chắc chắn có nhiều sai lầm, thiếu sót, không được chính xác. 
Theo kiến thức nông cạn, sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, xã hội do con người tạo dựng nên, nhưng đồng thời con người cũng là sản phẩm của xã hội. Nói một cách vắn tắt: Xã hội nào, con người đó. 
Con người đa số sống theo cảm tính hơn là lý trí. Đòi hỏi một xã hội có công bằng tuyệt đối với mọi người là điều hoang tưởng. Tuy nhiên, trong một quốc gia có luật pháp nghiêm minh, rõ ràng với tam quyền phân lập và đệ tứ quyền bất khả xâm phạm, xã hội của đất nước đó sẽ bình yên, trật tự, không bị hỗn loạn. 
Xã hội đó sẽ tạo nên những thành viên (bắt buộc) tốt, nếu không muốn bị loại trừ. 
Những thành viên tốt này sẽ tác động ngược lại làm cho xã hội càng ngày càng phát triển một cách ổn định, trật tự, ôn hòa, tốt đẹp hơn nữa. 
Văn hóa của một đất nước, dân tộc bao gồm nhiều lãnh vực, từ nghệ thuật, ngôn ngữ, khoa học, ẩm thực, trang phục…hình thành qua chiều dài lịch sử, chế độ cai trị, chính sách giáo dục… dần dần tạo thành tập quán, nếp suy nghĩ, cách hành xử của dân tộc đó. 
Chính sách giáo dục và chế độ cai trị là hai yếu tố quyết định sự hình thành một nền văn hóa. Hai yếu tố này hổ tương cho nhau, cùng lúc ảnh hưởng, tác động đến cách hành xử của người dân. Giáo dục ở đây phải hiểu rằng không chỉ ở trong trường học mà còn ở gia đình, xã hội, môi trường sinh sống.
Nhìn cách ứng xử của người dân một nước, người ngoại quốc dễ dàng nhận ra văn hóa của dân tộc đó hiện nay như thế nào. 
Trước tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam đã có một nền giáo dục khác hẳn hiện nay, dù chưa hoàn chỉnh bởi nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, nhưng khả dĩ có thể làm nền tảng cho sự phát triển văn hóa đất nước một cách tốt đẹp. 
Thời gian 21 năm từ 1954 đến 1975, dù trong thời gian chiến tranh, chương trình giáo dục của 2 nền cộng hòa ở miền Nam, từ tiểu học lên hết trung học, bên cạnh các môn về khoa học, lịch sử, địa lý, sinh ngữ, âm nhạc, hội họa… học sinh còn được học công dân giáo dục, về đạo đức, cách hành xử trong gia đình, xã hội, về lòng yêu nước, tính nhân bản…, hoàn toàn không có một bài học nào dậy dỗ về lòng căm thù hay kích động sát nhân, hành hạ người khác… 
Lên đại học, các môn phụ, nhiệm ý như sinh ngữ, hội, họa, tâm lý, đạo đức học… không còn, dành chỗ cho các môn khoa học thực nghiệm, khoa học tự nhiên hoặc nhân văn, xã hội… 
Trong quân đội VNCH, đặc biệt ở không quân và hải quân, khi được đi Mỹ tu nghiệp hoặc huấn luyện chuyên môn, trước khi đi các khóa sinh được hướng dẫn, chỉ dạy về cách giao tế, hành xử trên xứ người, trong nhà riêng cũng như nơi công cộng, về phong tục, tập quán của người Mỹ… Tất nhiên không phải bất cứ ai cũng có thể hấp thụ hoàn toàn những điều này. 
Tuy nhiên, chính sách giáo dục trên đã tạo cho họ một sự tự tin khi đặt chân đến một nơi hoàn toàn xa lạ, từ ngôn ngữ đến ẩm thực, sinh hoạt… Mặc dù vẫn còn môt số bở ngỡ nhưng không đến nỗi như mán về thành, gây ra những chuyện phản cảm nơi công cộng hay khó chịu cho người chung quanh. 
Chính phủ của hai nền cộng hòa miền Nam cũng kêu gọi người dân xóa bỏ những hũ tục mê tín, dị đoan như đốt hàng mã, lên đồng… Kêu gọi mà không cấm đoán, tiểu trừ, xử phạt hành chánh. Những hũ tục này đến đầu thập niên 70 thì gần như đã biến mất. 
Cũng hoàn toàn không có những lễ hội có tính chất sắt máu, man rợ, điên cuồng như lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng, Bắc Ninh hay cướp ấn đền Trần, giật phết ở Hiền Quan, Phú Thọ. 
Sau 30-4-1975, chế độ cộng sản đã áp dụng một chính sách giáo dục ngu dân trên cả nước bằng tuyên truyền gian dối, nhồi sọ, song song với chủ trương kiểm soát bao tử bằng chính sách tem phiếu, hộ khẩu để dễ dàng sai khiến, kềm kẹp người dân, từ đó hình thành nền văn hóa cộng sản bóp nghẹt tư duy đôc lập, sáng tạo. 
Không cần phải là trí thức, học giả, chỉ cần biết suy nghĩ, nhận định, chắc chắn phải thấy điều vô lý là tại sao một đất nước rừng vàng, biển bạc đất phì nhiêu, nhân dân cần kiệm và anh dũng, các nước anh em giúp đỡ nhiều, được lãnh đạo bởi một đảng “quang vinh”, “sáng suốt” và ông thánh vĩ đại là Hồ Chí Minh mà sao vẫn cứ đói te tua, tơi tả, thê thảm, tê tái? 
Nhiều người biết, thấy, nhìn rõ được điều vô lý đó nhưng lại không dám nói ra, không dám tỏ lộ cùng ai, chỉ chửi thầm trong bụng hay trao đổi giữa bạn bè thân thiết, thân nhân tin cậy nhau. 
Trong xã hội, những kẻ có quyền thế, chức vụ, âm thầm cấu kết với nhau để tham nhũng, hối lộ, bòn rút của công. Từ công an khu vực, chủ tịch phường, quận lên cao hơn đến trung ương, thượng tầng lãnh đạo. Tất cả đều sống giả dối, gian manh, dò xét, theo dõi, báo cáo, nghi kỵ, hại ngầm nhau. 
Một xã hội như thế làm sao phát triển, nẩy sinh được những nhân tố tốt đẹp, có tài, có đức để có thể xây dựng, đóng góp, hòan thiện xã hội được? 
Khi Việt Nam còn theo đuổi nền kinh tế quốc doanh, xã hội chủ nghĩa, hầu hết mọi người dân đều nghèo như nhau, tệ nạn tham nhũng, hối lộ, ăn cắp của công vẫn xẩy ra nhưng trong một mức độ giới hạn, không lộ liễu, quá mức. 
Đến khi hệ thống chủ nghĩa xã hội hoang tưởng sụp đổ năm 1989, CSVN không còn đường nào khác hơn là phải mở cửa giao thương, làm kinh tế với phương tây nhưng vẫn giữ chế độ độc đảng, toàn trị. 
Cái rào cản chính để xã hội phát triển lành mạnh vẫn không được phá bỏ thì tệ nạn tham nhũng, hối lộ, móc ruột công trình có điều kiện sinh sôi, nẩy nở phát triển mạnh mẽ, công khai hơn trước nhiều lần. 
Cán bộ, đảng viên, quan chức chính quyền không còn cảm thấy áy náy, xấu hổ khi nhận hối lộ hay tham nhũng, rút ruột công trình. Người dân cũng không còn rụt rè, ngần ngại khi phải lót tay bao bì để chạy chọt giấy tờ, hợp đồng mua bán, kinh doanh… 
Khi tất cả những tệ nạn đó trở nên bình thường trong suy nghĩ, hành động, trước mắt mọi người, nó đã trở thành văn hóa ứng xử theo lối xin, cho. 
Không có hệ thống tam quyền phân lập và tự do báo chí, sự phát triển kinh tế theo chủ nghĩa tư bản trở nên bất cập, bệnh hoạn. Để tồn tại, người dân phải tìm đủ cách mánh mung, lừa gạt, hãm hại lẫn nhau trở thành môt nét văn hóa đặc thù là lừa đảo. 
Cán bộ, đảng viên, công an, quân đội lợi dụng quyền thế, cấu kết với tư bản nước ngoài buôn bán, tàn phá tài nguyên đất nước không thương tiếc, bởi không ai cảm thấy có trách nhiệm, bổn phận với ai, hoặc thấy lương tâm áy náy với những gì mình làm. 
Đa số trí thức, văn nhân, nghệ sĩ cùng với giới báo chí, phóng viên, ký giả a dua theo chế độ lừa dối, bịp bợm người dân. 
Bên cạnh đó, chế độ cộng sản VN khuyến khích người dân, nhất là giới trẻ tâm lý hưởng thụ, ăn chơi, tha hóa với trào lưu thi hoa hậu, nhạc kịch, ca múa… khắp nơi để họ dễ dàng quên đi thực tế của đất nước. 
Chế độ cộng sản trong thời kỳ chiến tranh Nam-Bắc, đã từng tuyên truyền, nhục mạ miền Nam VN trước năm 1975 có nền văn hóa đồi trụy, phồn vinh giả tạo với gần nửa triệu gái điếm, vậy thì nền văn hóa hiện nay ở Việt Nam nên gọi là văn hóa gì? 
Người phụ nữ VN dưới chế độ CS hiện nay chẳng những làm điếm trong nước mà còn ở khắp nơi trên thế giới kể cả Mỹ, con số thì không thể thống kê được. Nhưng chắc phải nhiều lần hơn nửa triệu. 
Diệt trừ thói hư, tật xấu trong xã hội là điều bất khả thi, bởi con người có quá nhiều dục vọng, tham lam, ham muốn. Chưa một quốc gia nào trên thế giới có thể dẹp bỏ hoàn toàn những tệ nạn xã hội, ngay cả ở các nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch… 
Tuy nhiên trong một nước có tự do, dân chủ với tam quyền phân lập rõ ràng, luật pháp nghiêm minh và tự do báo chí không bị ngăn cấm thì những tệ nạn xã hội có thể kiểm soát, chế ngự được. 
Mọi người dân sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm trong việc giữ gìn xã hội an ninh, trật tự. 
Hơn thế nữa, bên cạnh chính sách giáo dục, đòi hỏi chính quyền phải có những biện pháp hành chánh thích ứng với người vi phạm luật lệ. 
Một điểm khác cần phải nói là não trạng của trí thức trong nước hiện nay, những người có thể tác động, ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội, do tuyên truyền, nhồi sọ, nhiều người mất đi khả năng suy nghĩ, nhận định vấn đề.
Người viết có một đứa cháu là bác sĩ bệnh viện Sài Gòn, khi được hỏi về vấn đề thiếu nước dùng trong thành phố, đã nói rằng: Chính phủ đang khuyến khích người dân sử dụng nước sạch để nấu ăn, tắm giặt… 
Nếu câu nói này do một người bình dân, ít học thì có thể hiểu được, nhưng một bác sĩ nói như thế thì không thể chấp nhận được. 
Nhiệm vụ của chính phủ là cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng chứ không phải là đi khuyến khích. Thử hỏi trên thế giới có người nào muốn nấu ăn, tắm giặt bằng nước dơ bẩn? 
Ứng xử thiếu văn hóa cũng có thể bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhặt nhất như xả rác nơi công cộng, ngoài đường phố, nói chuyện, gọi điện thoại ồn ào trong phòng mạch, bệnh viện, rạp ci-nê, phóng uế, tiểu tiện bừa bãi vào những gốc cây… 
Từ những việc làm nhỏ nhặt, coi thường người chung quanh, coi thường trật tự xã hội, môi trường sống, sẽ dẫn đến những tình trạng cư xử mất văn hóa trầm trọng hơn khi không bị ngăn chận, lên án. 
Di chuyển bằng phi cơ trên những chuyến bay quốc tế (không may) có đông người Việt, người ngoại quốc sẽ nghĩ gì về dân Việt Nam khi trên sàn phi cơ, sau khi đáp giữa các hàng ghế ngồi đầy rác rưởi, thức ăn thừa…? 
Nói tóm lại, trong một quốc gia, khi các người lãnh đạo, điều hành đất nước, cán bộ trong chính quyền từ trung ương tới địa phương, không ai còn cảm thấy có trách nhiệm, bổn phận về vấn đề bảo vệ văn hóa, thì xã hội trở nên vô cảm, cách ứng xử của người dân trở nên lố bịch, thiếu văn hóa là chuyện đương nhiên, không thể tránh được. 
Mọi hành vi ứng xử của người dân, vô cảm hay nhân bản, lịch sự, lễ độ, có văn hóa hay không, tùy thuộc vào chính sách giáo dục, biện pháp hành chánh, chế độ cai trị, sự nghiêm minh, rõ ràng của luật pháp. 
Lịch sử đã chứng minh chủ nghĩa Mác-Lê hoàn toàn phá sản từ năm 1989. Những ai còn kiên định theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội với kinh tế thị trường chỉ là những người, nếu không mắc bệnh thần kinh thì cũng niểng niểng. 
Dân tộc Việt Nam chỉ có thể khôi phục lại nền văn hóa nhân bản, tốt đẹp trước đây khi đảng cộng sản VN không còn cai trị đất nước. 

29 tháng 4, 2016

Ai làm ‘bức tường’ cho Formosa Hà Tĩnh?

Phạm Chí Dũng
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu trong cuộc họp báo về việc cá chết hàng loạt ở bờ biển miền trung Việt Nam gần đây, tại Hà Nội, Việt Nam ngày 27 tháng 4 năm 2016. Ảnh chụp màn hình.
Một lần nữa sau cuộc biểu tình lên đến hàng chục ngàn người phản đối giàn khoan Hải Dương 981 vào giữa năm 2014, mạng xã hội đang dậy sóng những lời kêu gọi biểu tình phản đối Formosa vào ngày chủ nhật 1/5 tới đây.
sao “trung ương” chỉ đạo xử lý quá nhanh và quá nghiêm vụ án khởi tố oan chủ quán cà phê Xin Chào ở TP.HCM, trong khi một sự kiện nghiêm trọng liên quan đến môi trường – xã hội gây hậu quả ghê gớm và bị dân chúng phản kháng mạnh mẽ hơn nhiều là vụ “cá chết Formosa” ở Hà Tĩnh vào cùng thời gian thì lại được xử lý quá chậm và còn cho thấy có những dấu hiệu “bảo kê cao cấp”?
Tại sao liên quan đến vụ “cá chết Formosa”, Tổng Bí thư Trọng lại thực hiện một chuyến “kiểm tra tiến độ dự án Formosa” đầy bất thường, nếu không nói việc một tổng bí thư bận rộn trăm công nghìn việc lại đi kiểm tra tiến độ của một công trình là… rất vớ vẩn?
Câu hỏi cuối cùng là: Formosa đang thuộc về quốc tịch nào? Liệu có một lực lượng chính trị đủ mạnh và đủ hiểm ở Việt Nam “chống lưng” cho Formosa, hoặc nói cách khác là làm “bức tường” cho doanh nghiệp quá tai tiếng về ô nhiễm môi trường và còn có những dấu hiệu khuất tất về chính trị này? 
‘Xin Chào’: Lấy điểm với dân hay ‘làm nhân sự’? 
Gần cuối tháng 4/2016, chỉ một tuần sau khi báo chí nhà nước, đặc biệt các báo trung ương loan tải về vụ chủ quán cà phê Xin Chào bị Công an Huyện Bình Chánh khởi tố cực kỳ vô lý, chính trưởng công an huyện lỵ này là Đại tá Nguyễn Văn Quý đã bị tạm đình chỉ công tác. Quyết định này được đưa ra từ cuộc họp ngày 25/4 của Ban thường vụ Đảng ủy Ban giám đốc Công an TP.HCM. 
Phó đội cảnh sát điều tra Kinh tế và Chức vụ thuộc Công an Bình Chánh – Thiếu tá Nguyễn Hoàng Tuấn – cũng bị cho là có sai phạm nên cũng bị tạm đình chỉ.
Sự kiện trên là hiếm có tiền lệ ở Sài Gòn – địa phương mà từ rất nhiều năm qua bị dư luận xã hội xem là “đất” của Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải và đã xảy ra quá nhiều bất công công quyền cùng nạn công an trị.
Cũng trong nhiều năm qua, báo chí đã nhiều lần đăng tải về những trường hợp doanh nhân, doanh nghiệp và người làm ăn cá thể phải chịu oan ức từ bộ máy hành chính và ngành công an, nhưng hệ thống công quyền vẫn hầu như chìm vào bóng đêm trù mưu tính kế. Cũng không ít trường hợp doanh nhân công khai hoặc âm thầm phản ánh về việc bị công an khởi tố và bắt tạm giữ để điều tra, nhưng thực ra đó lại là cách để một số công an viên tìm cách tống tiền doanh nghiệp. Sau khi “chung chi” đủ, doanh nhân được thả ra với cam kết không khiếu nại hay tố cáo cơ quan hoặc cán bộ công an. 
Nhìn lại “hoàn cảnh lịch sử” như thế mới thấy, việc Trung tướng giám đốc công an TP.HCM Lê Đông Phong buộc phải ra lệnh tạm đình chỉ công tác cấp dưới trực tiếp của mình là Trưởng công an huyện Bình Chánh có thể cho thấy có một sức ép đủ lớn từ “trung ương” đối với công an thành phố này.
Một động thái cần chú ý từ cấp “trung ương” là ngay sau khi được điều động từ Ban Nội chính trung ương sang nhậm chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ông Lê Minh Trí đã rất mạnh tay yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM tạm đình chỉ một phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh. 
Trước khi ra Hà Nội đảm nhiệm chức Phó ban Nội chính trung ương, ông Lê Minh Trí là “người miền Nam”. Quá trình của ông xuất thân từ ngành công an, là thư ký cho ông Võ Viết Thanh vào thời ông Bảy Thanh là chủ tịch TP.HCM. Sau khi ông Bảy Thanh nghỉ, ông Trí “lên” dần đến chức phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM. Nhưng tương tự trường hợp ông Lê Mạnh Hà (con trai cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh), ông Trí đã không thể “trụ” được ở TP.HCM mà nghe nói do không được lòng “Anh Hai” (Bí thư Lê Thanh Hải), bởi thế đã “bắn” ra trung ương. Với quá trình này, hẳn ông Lê Minh Trí là người rất am tường về các ngóc ngách chính trường và tình hình “vây cánh” tại thành phố này.
Một chi tiết đáng chú ý khác là trong vụ Xin Chào, vai trò của tân bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khá mờ nhạt. Tựu trung, ông Thăng chỉ có một bút phê có vẻ nước đôi yêu cầu đối với Công an thành phố giải quyết vụ Xin Chào – khác hẳn lối chỉ đạo miệng quá sức ồn ào của chính ông trong khoảng thời gian hơn một tháng tính từ ngày nhậm chức bí thư thành ủy TP.HCM từ trước Tết nguyên đán 2016.
Nhưng tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại thình lình qua mặt ông Thăng. Thủ tướng Phúc đã khiến dư luận ngạc nhiên bằng một văn bản của Văn phòng chính phủ truyền đạt ý kiến ông, yêu cầu dừng ngay vụ khởi tố chủ nhân quán Xin Chào.
Hiển nhiên, “trung ương” đã bỏ qua vai trò “đầu tàu” của TP.HCM để ra lệnh thị uy. Toàn bộ giới lãnh đạo của TP.HCM, đặc biệt là Công an TP.HCM và kể cả Bí thư Thăng, đã bị “mất mặt”. 
Có dư luận đoan chắc rằng vào thời “hậu Lê Thanh Hải” tất phải diễn ra những cái hậu dành cho lớp đàn em của ông Hải – được cho là phủ rộng khắp các sở ngành và quân huyện TP.HCM. Vụ Xin Chào chỉ là một cái cớ để nhẹ nhất là “luân chuyển cán bộ”.
Cũng có dư luận cho rằng tân thủ tướng và có thể cả tổng bí thư muốn lấy điểm với dân.
Chỉ có điều, sự tréo ngoe là trong lúc “làm” quá mạnh trong vụ Xin Chào, “trung ương” lại để vụ “cá chết Formosa” kéo dài đến gần cả tháng trời mà vẫn không có động thái xử lý dứt khoát nào.
Đụng “tường” chăng?
‘Bức tường’ nào?
Còn lâu mới chấm hết, dư luận xã hội đang ồn ào và bức bối về việc Tổng Bí thư Trọng “bỗng dưng kiểm tra tiến độ Formosa”, mà về thực chất là một cách khiến các bộ ngành phải “vuốt mặt nể mũi” để không dám thẳng tay điều tra và xử lý doanh nghiệp Formosa xả nước thải kịch độc gây chết cá hàng loạt khiến điêu đứng dân sinh.
Không những không thăm hỏi ngư dân miền Trung như đã từng vào Nam vấn an nông dân ở miền Tây trong đợt hạn hán và nhiễm mặn vào tháng 3/2016, ông Nguyễn Phú Trọng còn không một lời hỏi thăm tình cảnh ngư dân Hà Tĩnh sống chết ra sao.
Cũng có dư luận cho rằng “trung ương” quyết định làm mạnh vụ Xin Chào là nhằm hướng công luận vào vụ việc này để cho thấy đảng cùng chính phủ luôn quan tâm và bảo vệ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, thay vì để công luận rúng động phẫn nộ bởi vụ “cá chết Formosa”.
Hồi năm 2011, Formosa đã là cái tên khiến nhiều giáo dân Hà Tĩnh phải nổi giận. Không những gây ảnh hưởng về môi trường làm ăn của ngư dân, Formosa còn “thuê” công an địa phương tìm cách trấn áp sự phản kháng của dân chúng. Kết quả sau nhiều ngày chịu đựng, giáo dân đã bắt 5 công an, nhốt lại cả ngày mà chính quyền không dám phản ứng mạnh. Chỉ nhờ có sự can thiệp của linh mục giáo xứ, 5 công an mới được các giáo dân thả ra.
Formosa cũng là một trong những cái tên chịu nhiều tai tiếng trên thế giới về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Năm 2014, Formosa Hà Tĩnh, dù chỉ là một doanh nghiệp, còn gửi một công văn cho Chính phủ Việt Nam đề xuất thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng.
Tại sao quá nhiều ưu đãi được dành cho Formosa Hà Tĩnh?
Người ta đang tự hỏi Formosa Hà Tĩnh là của ai?
Theo một số tin tức không chính thức, với khởi đầu đăng ký là doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, nhưng điều có vẻ quái lạ là cho đến nay Formosa Hà Tĩnh không còn như ban đầu. Trong quá trình hoạt động, Formosa Hà Tĩnh đã chuyển nhượng vốn, nhưng thông tin về đối tác được chuyển nhượng đã không hề được công bố trên trang web của doanh nghiệp này.
Cũng đã xuất hiện một lời đồn đoán khác: đối tác chuyển nhượng của Formosa Hà Tĩnh chính là một doanh nghiệp Trung Quốc.
Nếu thông tin trên là đúng, bản chất vấn đề sẽ hoàn toàn khác: Formosa Hà Tĩnh trở thành cái tên đặc biệt “nhạy cảm” không chỉ về vấn đề môi trường và xã hội, mà còn có thể liên quan đến cả những mầm mống đang gây ra xung đột giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong vùng lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông
Ông Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là một tổng bí thư làm thay hành pháp bằng việc “kiểm tra tiến độ Formosa”, sẽ giải thích ra sao trước công luận trong nước và quốc tế về mối liên hệ hết sức nhạy cảm trên, và cả về chuyến thị sát “không biết để làm gì” của bản thân ông tại Formosa ngay trong thời gian cá chết trắng biển?
Biểu hiện mới nhất là bất chấp chuyến thị sát Formosa của Tổng Bí thư Trọng nhằm mục đích hoặc mang ẩn ý gì, doanh nghiệp bị xem “có yếu tố Trung Quốc” này vẫn trắng trợn tuyên bố “không liên can” đến vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, khiến rất nhiều người dân và trí thức Việt đang hết sức phẫn nộ và phản ứng.
Một lần nữa sau cuộc biểu tình lên đến hàng chục ngàn người phản đối giàn khoan Hải Dương 981 vào giữa năm 2014, mạng xã hội đang vang lên những lời kêu gọi biểu tình phản đối Formosa vào ngày chủ nhật 1/5 tới đây.

Tráo trở! - như thế mà “Khách quan, khoa học” à?

Việt Nam ra thông báo chính thức về vụ cá chết 
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp báo công bố nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung. Ông Nhân kêu gọi mọi người bình tĩnh, khách quan và khoa học, đồng hành với các cơ quan nhà nước để tìm ra nguyên nhân và biện pháp xử lý. (ảnh chụp từ trang 24h).
Sau cuộc họp kín kéo dài nhiều giờ đồng hồ của các lãnh đạo ở 7 Bộ ngày hôm nay, giới hữu trách Hà Nội cuối cùng đã cho hàng trăm phóng viên của các báo đài Việt Nam vào hội trường cho buổi họp báo trực tiếp thông báo kết quả điều tra nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung trong những ngày qua. 
Khoảng hơn 8 giờ tối 27/4, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp báo. 
Theo thông báo của giới chức Việt Nam, có 2 nguyên nhân chính gây ra cá chết hàng loạt: một là do tác động của độc tố hóa học của con người trên đất liên và trên biển; hai là do hiện tượng dị thường của thiên nhiên, kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng ‘tảo nở hoa’ hay ‘thủy triều đỏ’. Nhưng giới chức này cho biết chưa có bằng chứng khẳng định có sự liên hệ giữa nhà máy Formosa ở Vũng Áng – Hà Tĩnh với tình trạng cá chết hàng loạt. 
Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân kêu gọi mọi người bình tĩnh, khách quan và khoa học, đồng hành với các cơ quan nhà nước để tìm ra nguyên nhân và biện pháp xử lý. Theo ông Nhân, việc điều tra có thể sẽ phải mất rất nhiều thời gian để có kết quả ‘bài bản’, ‘đúng luận cứ khoa học’. Giới chức này dẫn chứng có nhiều nước thậm chí phải mất ‘nhiều năm’ mới tìm ra nguyên nhân. 
Cá chết trắng ven biển miền Trung (ảnh chụp từ trang vietnamnet) 
Một số nhà báo cho biết họ khá hụt hẫng khi buổi họp báo kết thúc quá nhanh sau thông báo của ông Võ Tuấn Nhân, trong khi họ đã phải chờ đợi nhiều giờ đồng hồ theo thông báo lúc đầu về buổi họp báo sẽ diễn ra vào lúc 3 giờ chiều, theo tin của phóng viên báo Thanh Niên. 
Hiện tượng cá chết hàng loạt, liên tục trôi giạt vào bờ biển các tỉnh miền Trung bắt đầu xảy ra vào ngày 6/4 ở khu vực Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. 
Sau phát hiện của một ngư dân về đường ống nước xả thải ngầm chôn dưới đáy biển nối với nhà máy Formosa Hà Tĩnh, dư luận nghi ngờ đây chính là nguyên nhân gây ra thảm họa về môi trường chưa từng có trước đây tại Việt Nam.
Mối nghi ngờ càng tăng khi có một thợ lặn biển của công ty làm hợp đồng Formosa đã đột ngột tử vong sau khi lặn xuống biển, trong khi 5 thợ lặn khác cũng phải nhập viện vì xuất hiện các triệu chứng tức ngực, khó thở… 
Tin tức hôm nay (27/4) cũng cho biết hai tuyển thủ của Việt Nam là Công Vinh và Văn Hoàn vừa cho biết đã bị ngộ độc cá biển ở Đà Nẵng, với các triệu chứng nôn ói, choáng váng…sau bữa ăn của đội bóng, khiến thực đơn của đội phải được điều chỉnh lại và tuyệt đối không có cá biển. 
(VOA)

Tột cùng của sự đê tiện!

Họp báo vụ cá chết hàng loạt - Ông Võ Tuấn Nhân: "Không liên quan đến nhà máy Formosa" (?!) 
19h50 phút tối ngày 27/04/2016, sau nhiều lần trì hoãn kéo dài, cuối cùng thì ông Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường cũng tiến hành cuộc họp báo công bố kết quả điều tra nguyên nhân thảm họa cá chết đang hủy diệt môi trường miền Trung và đe dọa tính mạng con người. Nội dung cuộc họp báo của ông ta chỉ có nhõn một thông báo với vài trăm từ vô cảm: "Theo ông Nhân, cơ quan chuyên môn đã thống nhất nhận định có hai nhóm nguyên tố chính. Một là do tác động độc tố hoá học của con người và trên biển. Thứ hai là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ.
"Hiện chưa thấy mối liên hệ với hoạt động của Formosa và các công ty trong khu vực với tình trạng cá chết hàng loạt này" - ông Nhân cho biết. 
Các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục nghiên cứu theo 2 hướng kể trên. Nếu cần thiết sẽ mời chuyên gia quốc tế kiểm chứng." 
Một cuộc họp báo nực cười khi không ai được hỏi và cũng không ai thèm trả lời, kéo dài chỉ trong 10 phút để nói về một thảm họa đang đe dọa cả đất nước. 
Vậy là sau khi cá chết trên diện rộng gây những tổn thất to lớn về kinh tế xã hội, cuộc sống của hàng chục vạn người sống nhờ vào biển bị đe dọa trực tiếp, cá chết hàng loạt ở tầng đáy khiến môi sinh bị hủy hoại khủng khiếp, hàng chục triệu người khác thì đang hoang mang. Đã có xét nghiệm về thành phần kim loại nặng trong nước biển (1); Đã có một thợ lặn cho dự án Formosa tử vong không rõ nguyên nhân (2); Đã có một thợ lặn khác được xét nghiệm tìm ra độc tố chì và đồng là những kim loại nặng nguy hiểm trong cơ thể; Đã gần 30 ngày trôi qua và chính phủ với một bộ máy cực kỳ hùng hậu vẫn không thể có một kết luận rõ ràng. Họ không thể làm rõ cái gì đang tồn tại trong xác cá và trong nước biển, quả là một trò hề khi đã qua gần 30 ngày, trình độ xét nghiệm lý hoá của Việt Nam thấp đến thế hay sao? Họ thậm chí cũng không thèm đưa ra bất cứ khuyến cáo nào với người dân để đề phòng với tình hình, tránh nguy hiểm tính mạng, họ thậm chí cũng không có lấy một dòng đề cập đến những biện pháp cứu trợ cho những người đang chịu ảnh hưởng và đói khát vì biển chết. Thứ họ nhắc đến duy nhất là Formosa, nhưng nó giống như một lời bào chữa của luật sư cho bị can chứ không phải là một chính phủ đang hành động để bảo vệ người dân của nó. 
Sự đê tiện đã được đẩy đến tột cùng. Đã đến lúc người dân không thể ngồi im được nữa. Rõ ràng là họ không hề quan tâm đến nhân dân, họ cũng không hề quan tâm đến tương lai đất nước này. Tôi đề nghị tất cả những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp hãy hành động trong khuôn khổ hoà bình để gây áp lực với chính quyền, nhanh chóng tìm ra thủ phạm, đồng thời có những chính sách cứu trợ phù hợp với những người chịu ảnh hưởng trực tiếp. Công lý đã không tự đến thì chính chúng ta phải giành lấy chúng. 
Mỗi giờ, mỗi phút trôi qua, hậu quả càng nặng nề hơn với cả con người lẫn môi trường. Tôi buộc phải nói rằng việc chế độ này tồn tại đang tiếp tục là đại họa khủng khiếp cho người dân. Khi những kẻ cai trị bằng cách tiếm quyền và không được dân bầu thì dù không có Formosa cũng sẽ có một thứ quái vật tương tự khác. 
Giống như hàng lậu từ Tàu đang giết nền kinh tế và làm giàu cho kẻ xâm lăng; Giống như thực phẩm bẩn đang giết dần người dân; Giống như hạn mặn lan tràn miền Nam trong sự bất lực và bó gối của chính quyền vì đã chẳng làm gì trong quá khứ để ứng phó vì người dân; Giống như tình trạng tham nhũng và trơ tráo đến vô luân của hầu hết những kẻ nắm quyền; Giống như sự bất công lan tràn trong xã hội; Và giờ đây thêm cơn thảm họa biển miền Trung. 
Giọt nước đã tràn ly. Tôi thực sự kêu gọi tất cả những người Việt Nam có hiểu biết và có lương tri, hãy tiến hành những hoạt động bất tuân dân sự một cách rộng khắp để phản đối sự vô cảm của chính quyền. Chúng ta đóng thuế làm gì để nuôi một lũ vô luân? Xin hãy cất tiếng nói, xin hãy cùng ký các đơn từ tập thể, xin các luật sư và các nhà phản biện xã hội hãy vào cuộc, xin các nhà khoa học có hiểu biết và có lương tâm hãy tiến hành các phân tích độc lập, xin các đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hãy giúp đỡ những người trong nước để tìm ra sự thật, xin hãy nói giúp với thế giới điều gì đang diễn ra ở đây và xin toàn bộ người Việt Nam hãy ủng hộ những người dũng cảm dẫn đầu, đừng để họ lẻ loi và bị khủng bố trong đơn lẻ. 
Và trong cuộc bầu cử 22/05/2016 tới đây, hãy nắm chặt tay nhau đi bầu, nhưng là để làm thất bại cái mong muốn cai trị trong ngu dân của chế độ phản văn minh này. Phải làm điều gì đó để thay đổi số phận của đất nước và của chính chúng ta: 
----------- 
* Tham khảo: 
(1) Tìm ra kim loại nặng trong nước biển ở Huế:http://giaoduc.net.vn/…/Da-co-ket-luan-ca-bien-chet-o-Thua-…
(2) Một thợ lặn Formosa chết không rõ nguyên nhân:http://tuoitre.vn/…/mot-tho-lan-chet-sau-khi-l…/1090522.html
(3) Thợ lặn Formosa nhiễm độc đồng và chì, những kim loại nặng nguy hiểm:http://tuoitre.vn/…/mot-tho-lan-o-formosa-bi-n…/1091527.html
(Lang Anh's FB )/TTHN

27 tháng 4, 2016

VĂN TẾ THẬP LOẠI CÁ TÔM

Khuyết danh
Lời dẫn của Văn Giá: 25/4/2016-Nhà NCVH Nguyễn Hùng Vĩ vừa gửi cho tôi bài văn tế mà anh mới sưu tầm được. Trong bài này, tên các loài sinh vật biển được in nghiêng, phần lớn được sử dụng như một phép chơi chữ rất thú vị.
Nay xin đưa lên FB hầu chuyện các quý vị. Cảm ơn nhà NCVH Nguyễn Hùng Vĩ! (VG).
Thủa trời đất nổi cơn bán chác
Lũ ngoại bang bạc ác ranh ma
Đất dày biển thẳm bao la
Vì đâu nên nỗi hương hoa ngút trời.
Biển Vũng Áng chơi vơi bóng nguyệt
Mỏm Đèo Con tựa huyệt xanh om
Hải lưu phơi xác cá tôm
Ngang lưng chữ S như ôm đoạn trường.
Loài rạm cáy vẫn thường chui lủi
Cát phơi còng ,sóng dúi ghẹ cua
Dương đôi con mắt trơ trơ
Hai càng tám cẳng cũng thua đận này.
Loài đén nhệch xưa nay rúc cát
Cũng một ngày mục nát thân lươn
Cớ chi chẳng quấn chẳng trườn
Còng queo quằn quại nằm ườn phơi thây.
Xưa tôm tép đua bầy giỡn nước
To tôm hùm, tiểu nhược ruốc moi
Một ngày nhật nguyệt sáng soi
Đem thân bèo bọt mà chơi ngọn triều.
Như cá mú thì nhiều vô kể
Thu, song, hồng, nhụ, đé, trích, chim
Giăng đầy lợi bể nằm im
Dãi thây trăm họ suốt nghìn dặm xa.
Rắn như ốc, nuột nà như nuốt
Gai như sò, trơn mướt tựa nheo
Cá tôm như phận kẻ nghèo
Sa cơ một chuyến gieo neo vạn đời.
Kẻ ám sát biển khơi đâu tá
Diệt môi trường, tàn phá môi sinh
Ngán ngao mà hỏi cao xanh
Biển vàng mà chết cũng thành tha ma.
Ngó hết biển nhìn qua sơn cước
Giang sơn này độc dược tràn lan 
Bán buôn sông biển non ngàn
Hồn hề hồn hỡi hồn tan hay còn…
Nhớ quê nhớ biển–Đề Ngộ

Nghĩa vụ trả nợ công lên tới 418.000 tỉ đồng năm 2015

Tác giả: Tư Hoàng 
KD: Không biết, có người dân nào nghe tin này mà… thanh thản được không nhỉ? 
 
Thi công nhà ga ngầm của tuyến metro số 1 TPHCM. Ảnh TL 
Nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng trong vài năm gần đây, và lên đến hơn 418.000 tỉ đồng năm 2015, theo Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý 1 năm 2016 của của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. 
Báo cáo này sẽ được công bố cuối tuần này, và thuộc dự án tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh do Úc tài trợ. 
Nợ tăng quá nhanh 
Báo cáo cho biết, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng từ 185.800 tỉ đồng năm 2013 lên 296.200 tỉ đồng năm 2015. Nếu tính cả nợ bảo lãnh Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, con số nghĩa vụ nợ còn lớn hơn rất nhiều, dự kiến năm 2015 là 418.400 tỉ đồng. 
Do tốc độ tăng nghĩa vụ nợ rất nhanh, tỷ lệ nghĩa vụ nợ trên thu ngân sách nhà nước (NSNN) cũng tăng nhanh. Báo cáo ước tính, nếu chỉ tính riêng nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ, tỷ lệ này là 22,4% NSNN năm 2013, tăng lên mức 29,9% năm 2015. 
Nguyên nhân là do giai đoạn 2010-2012, Chính phủ vay nợ ngắn hạn nhiều, chủ yếu bằng trái phiếu kỳ hạn 1-2 năm. 
“Đây sẽ là áp lực rất lớn đối với chi NSNN, nếu phát hành trái phiếu chính phủ không đạt mục tiêu đề ra”, báo cáo khẳng định. 
Với một thị trường tài chính non trẻ, thiếu ổn định, phát hành trái phiếu kỳ hạn dài không phải là dễ dàng. Phần lớn nhà đầu tư mua trái phiếu chính phủ là ngân hàng thương mại và họ thường có vốn ngắn hạn là chủ yếu do kỳ hạn tiền người của người dân ngắn. 
Các tổ chức tài chính khác như bảo hiểm hay ngân hàng đầu tư ở Việt Nam vẫn chưa đủ lớn để đáp ứng nhu cầu phát hành trái phiếu dài hạn của Chính phủ. 
Từ thực tế đó, báo cáo cho rằng, rủi ro kỳ hạn và mất khả năng thanh toán tạm thời có thể xảy ra. Đó có thể là lý do khiến Bộ Tài chính phải vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỉ đồng và phát hành 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu riêng cho Vietcombank trong năm 2015. 
Mức vay nợ khổng lồ 
So sánh với một số nước trong khu vực, Việt Nam có mức thâm hụt NSNN (% so với GDP) lớn hơn khá nhiều. 
Cụ thể, theo số liệu của IMF – Triển vọng kinh tế thế giới (WEO), năm 2015, thâm hụt NSNN của Việt Nam là 6,9% GDP, của Thái Lan là 1,2% GDP, của Indonesia là 2,3% GDP, của Philippines là 0,12% GDP và của Campuchia là 2% GDP. 
Theo dự báo của WEO, mặc dù bội chi NSNN của Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm tới nhưng đến năm 2020, mức bội chi so với GDP của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước tương đồng trong ASEAN. 
Theo số liệu của WEO, so với một số nước ASEAN, Việt Nam có tỷ lệ nợ công so với GDP cao hơn hẳn. So với Indonesia, Philippines, Thái Lan, và Campuchia, Việt Nam có mức nợ công/GDP cao hơn hẳn, gấp đôi nhiều nước và gấp rưỡi Thái Lan, nước có mức nợ công/GDP đứng sau Việt Nam. 
Quan trọng hơn, theo dự báo của IMF, trong nhóm nước này Việt Nam là nước duy nhất có nợ công/GDP tiếp tục tăng đến gần 68% GDP năm 2020. 
Chi đầu tư ngày càng teo tóp 
Một điểm đáng lưu ý trong điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) của Chính phủ những năm gần đây là chi đầu tư ngày càng giảm, chi thường xuyên và chi khác tăng lên. 
Trong giai đoạn 2007-2013, chi đầu tư chiếm tỷ trọng trung bình trong tổng chi là 27,7%. Tuy nhiên, trong hai năm 2014-2015, chi đầu tư chỉ còn 16,3% và 15,6% tổng chi. 
Là một nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình thấp, đầu tư công là rất quan trọng để tạo nền tảng kinh tế – kỹ thuật cho nền kinh tế. Do đó, tỷ lệ chi đầu tư thấp như vậy là một điều đáng lo ngại mặc dù tổng đầu tư toàn xã hội năm 2015 vẫn đạt 32,6% GDP, tăng 12% so với năm 2014, do đầu tư FDI và đầu tư tư nhân trong nước tăng cao.

Không chỉ cá, giờ bắt đầu đến lượt con người!!!

Cá chết sau 2 phút bơi trong chậu nước lấy từ Vũng Áng. Ảnh chụp từ clip VTC 
Ngày 25/04/2016, một thợ lặn cho dự án Formosa tử vong không rõ nguyên nhân. Nếu chỉ là một cái chết đơn lẻ thì cũng khó có thể nói lên điều gì. Tuy nhiên chỉ sau đó một ngày, thêm 5 thợ lặn khác nhập viện cùng lúc thì không thể là tình cờ nữa. Thợ lặn vốn là những người rất khỏe và có sức chịu đựng rất tốt vì phải thường xuyên làm việc trong môi trường kháng áp. Rốt cục, chuyện gì đang diễn ra, thứ độc tố gì mà kinh khủng đến thế??? 
Trong lúc chính quyền còn đang bó gối với kết quả điều tra, thì đài truyền hình VTC đã làm một thí nghiệm nhỏ trong ngày hôm nay: Thả cá vào chậu nước lấy từ Vũng Áng, kết quả thật kinh hoàng, hai con cá đang bơi chết ngay chỉ trong vòng hai phút: 
Có lẽ mức độ nguy hiểm của thứ độc chất đang hủy diệt môi trường biển miền Trung đang vượt xa những hình dung ban đầu. Cần có những kết luận chính thức và những cảnh báo khẩn cấp với người dân để tránh thảm họa diễn ra trên diện rộng cho con người. Sự chậm chễ đến khó hiểu của chính quyền và những kẻ vô lương đang thu gom cá chết nhằm chế biến thương mại kiếm tiền đang đe dọa mạng sống của hàng loạt người dân. Sẽ là một bi kịch khủng khiếp nếu câu chuyện cứ mập mờ như một trò đùa với sinh mệnh con người như thế này.

2 con cá, 2 phút, 24.000 tiến sĩ và 21 ngày

Quang Huy
H1
Cá chết sau 2 phút bơi trong nước biển Vũng Áng. Ảnh: VTC
Chiều 26-4, trong Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tổ chức họp báo chủ yếu để xin lỗi về phát ngôn gây sốc trước đó thì kênh truyền hình VTC lại rẽ theo hướng khác, khá bất ngờ.
Trước sự chứng kiến của đại diện Trung tâm Quan trắc môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh và nhiều người dân, phóng viên VTC đổ nước vàng đục lấy từ vùng biển Vũng Áng – nơi Formosa xả thải khỏi nhà máy luyện thép, bị nghi là nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt gần 1 tháng qua – ra thau nhựa rồi cho 2 con cá đang sống khỏe vào. Sau 2 phút tung tăng, 2 con cá đuối dần rồi chết ngay đơ. 
Không cần nói nhiều, bấy nhiêu đã đủ khẳng định nước biển chỗ Formosa cực độc! 
Trở lại với cuộc họp báo của Formosa, trả lời phóng viên về việc nhập gần 300 tấn hóa chất về súc rửa đường ống, lãnh đạo công ty này nói Formosa có nhập “một ít axít” về rửa đường ống nhà máy nhưng không phải là dùng cho đường ống xả thải (!?). Vậy khi “rửa đường ống nhà máy” xong, nước thải ấy không xả ra biển thì xả đi đâu? 
Tất nhiên, thực nghiệm nói trên của VTC chưa có cơ sở khoa học đầy đủ để “buộc tội” nhưng lý do vì sao nước biển ở Vũng Áng chỗ nhà máy luyện thép độc hại đến như vậy, Formosa không thể né tránh trả lời. 
Để tìm ra sự thật, sự vào cuộc quyết liệt và trung thực, khách quan của các cơ quan hữu trách Việt Nam là rất cần thiết vào lúc này. 
Sự vào cuộc ấy phải xuất phát từ tinh thần dân tộc và lòng tự trọng. Sở dĩ nói như vậy là bởi hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung đã diễn ra 3 tuần rồi nhưng các cơ quan chức năng chỉ mới dừng lại ở công việc lấy mẫu và chờ kết quả xét nghiệm, thậm chí chờ mời chuyên gia nước ngoài. Giá như các nhà chức trách, nhà khoa học khoanh vùng nghi vấn là Formosa và xét nghiệm mẫu nước ngay nơi ấy thì câu trả lời có cơ may đã sáng tỏ sớm rồi, đâu phải chờ mấy tuần. 
Những người làm báo đã làm thay công việc của các nhà chuyên môn, dù chưa thật tròn vai nhưng đã nói lên được trách nhiệm cao độ của họ với cộng đồng, thể hiện nỗi bức xúc trước sự bê trễ, quan liêu của những người có trách nhiệm. 
Và bức xúc không kém nữa là trong lúc nghi vấn cá chết do độc tố được đặt lên hàng đầu thì một phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố rất thiếu trách nhiệm: “Người dân cứ yên tâm ăn cá và tắm biển Vũng Áng”. Xin mời, ông dám ăn cá và tắm biển Vũng Áng trước thì dân mới tin! 
Formosa chiều 26-4 khẳng định không đưa ra bất kỳ phát ngôn nào về nguyên nhân cá chết cho đến khi có kết luận từ phía Việt Nam. Chẳng biết bao giờ đội ngũ khoa học Việt Nam với 24.000 tiến sĩ và hàng ngàn giáo sư đang có mới đưa ra kết luận trong khi người dân thì hết sức nóng lòng vì sinh kế bị đe dọa từng ngày, từng giờ. 
Khoa học là để phục vụ cuộc sống. Khi cuộc sống rất cần mà khoa học không cất tiếng thì là ngụy khoa học, là khoa học hữu danh vô thực. Câu chuyện con cá ở miền Trung, vì thế, đã kể rất nhiều câu chuyện buồn về cái tâm và cái tầm của nhà quản lý ở nước ta.

Trang