9 tháng 12, 2015

Vì sao quan chức Mỹ khó có cơ hội tham nhũng?

Đường Dũng (Trung Quốc)
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: internet
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: internet
Cơ quan Đạo đức Chính phủ Mỹ (US Office Of Government Ethics, OGE) chỉ là một cơ quan nhỏ trong bộ máy chính phủ Mỹ nhưng lại lập thành tích nổi bật trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước này. Có người gọi nó là “Thanh gươm Damocles ngăn chặn tham nhũng”. Vừa qua tôi đã đến thăm OGE。
Thuê phòng làm việc, mỗi năm 1,3 triệu USD
OGE tọa lạc tại số nhà 1201 đại lộ New York vùng tây bắc thủ đô Washington. Đây là một tòa nhà văn phòng cho thuê. Lên đến tầng 5, ra khỏi thang máy tôi đã thấy tấm biển logo của OGE đập vào mắt: đầu một chú chim ưng trắng mắt sắc như dao nằm giữa hàng chữ “Cơ quan Đạo đức Chính phủ Mỹ” ôm vòng xung quanh, khiến người ta có cảm giác con mắt ấy đang săm soi từng vị công chức, ngăn chặn họ có những hành vi phi đạo đức.
Đúng giờ hẹn, một phụ nữ ở phòng đối ngoại ra đón tôi. Trong câu chuyện xã giao, bà nói, dịch tên gọi OGE thành “Cơ quan Đạo đức” không thích hợp lắm, vì trong tiếng Anh, “đạo đức” (morals) và “luân lý” (ethics) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đạo đức chủ yếu nói giá trị quan và tín ngưỡng của một người, mà OGE lại không quản lý chuyện ấy. Nhưng trước đó tôi đã tìm hiểu thấy là trong tiếng Trung Quốc hai từ này thường dùng lẫn lộn, vì thế tuy dịch OGE là “Cơ quan Đạo đức” thì không chính xác song từ này lại được dùng rất phổ biến, hãy tạm thời công nhận trước khi tìm được từ khác chính xác hơn.
Sau vài câu xã giao, tôi được dẫn tới phòng làm việc của Giám đốc OGE – ông Robert I. Cusick.[1] Chủ nhân nhiệt tình dẫn khách đi xem các phòng làm việc thuộc OGE. Trên tường phòng của ông Cusick treo nhiều chứng chỉ và các huy chương. Tôi để ý tới tấm biển có viết câu “Hãy để cuộc đời của bạn nói thay bạn” (Let Your Life Speak) – có lẽ đây là câu châm ngôn tự răn mình của chủ nhân. Trên tường còn treo ảnh Sir Thomas More tác giả cuốn “Utopia”, nhà không tưởng chủ nghĩa nổi tiếng người Anh thời Văn nghệ phục hưng. Vì sao ngài Giám đốc OGE lại quan tâm đến More?
Cusick giải thích: Thomas More từng làm luật sư, nghị sĩ, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hạ viện và Chánh Tòa Tối cao Anh Quốc, có thời là nhân vật số hai chỉ sau vua Anh. Nhưng do trong công việc ông luôn kiên trì quan điểm của mình, không chịu nhẫn nhịn nên vua Henry VIII rất bực mình. Năm 1532, khi xử lý việc hôn nhân của vua Anh với cung nữ Anna Paulin, ông không chịu đi ngược niềm tin của mình mà từ chức Chánh Tòa Tối cao, điều đó đã chọc tức Henry VIII. Hậu quả là năm 1535 ông bị xử tử với tội “phản quốc’. Trên đoạn đầu đài, ông tỏ ra vô cùng dũng cảm, trước khi lưỡi dao đao phủ hạ xuống đầu, ông còn cẩn thận vuốt bộ râu đồ sộ của mình ra khỏi cái thớt chặt đầu. Có người nghe thấy châm biếm nói: “Bộ râu này mà cũng bị chặt thì tiếc quá nhỉ, nó chưa bao giờ phạm tội phản quốc mà!” Cusick nói, trước cường quyền, More không tiếc hy sinh tính mạng mình để giữ được lương tâm và tiết tháo, “Trên thế giới hiện nay có rất nhiều người, nhất là các luật sư, đều coi More là tấm gương của đạo đức và lương tâm”.
Nói rồi Cusick đi vào câu chuyện chính, giới thiệu về Cơ quan OGE của mình. Ông cho biết tất cả các phòng làm việc đều thuê, toàn bộ tầng 5 rộng thênh thang này là của OGE, tiền thuê hàng năm khoảng 1,3 triệu USD. Cusick dẫn tôi đi thăm các phòng mất mấy tiếng đồng hồ. Tại một phòng, có thấy các tủ đựng hồ sơ mở toang cửa. Ông bảo, đây là những bảng khai báo tài sản của các quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ nộp lên, trong đó dĩ nhiên có “của Tổng thống Bush và phó Tổng thống Cheney”. Khi ấy vì đã hết giờ làm việc nên không có cán bộ để lấy cho tôi xem hai bản khai thú vị đó. Tại phòng họp tôi thấy dán đầy biếm họa. Cusick nói, đây là một dự án giáo dục đạo đức cho cán bộ chính quyền; để tăng sức thu hút, các nhân viên OGE làm một loạt tranh cartoon (hoạt hình), dùng hình thức chuyện cartoon để giải thích quy phạm đạo đức một cách hình ảnh.
OGE có cấp bậc tương đương FBI nhưng chỉ có 70 cán bộ
Trở lại phòng làm việc, ông Cusick giới thiệu sơ qua lịch sử của OGE. Được thành lập theo “Luật Đạo đức chính quyền Mỹ năm 1978”, mới đầu OGE thuộc Tổng cục Quản lý Nhân sự Chính phủ Liên bang, năm 1989 tách ra thành cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ Liên bang. OGE có chức trách chính là:
Soạn thảo Quy phạm hành vi đạo đức của nhân viên làm thuê trong các cơ quan hành chính;
Xét duyệt các quy tắc phụ về hành vi đạo đức do các ban ngành hành chính đặt ra;
Giám sát tình hình thi hành khai báo tài sản công khai và bí mật của các quan chức chính quyền;
Thẩm xét lý lịch những quan chức được Tổng thống bổ nhiệm (cuối cùng phải được Quốc hội phê duyệt) xem họ có va chạm lợi ích kinh tế (với chính quyền) hay không.
Cusick cho biết Giám đốc OGE do Tổng thống bổ nhiệm, nhiệm kỳ 5 năm, phải được Quốc hội phê chuẩn. Giám đốc OGE chịu trách nhiệm trước Tổng thống; nếu không được Quốc hội đồng ý thì Tổng thống không có quyền bãi miễn. Cho tới nay chưa một Giám đốc nào của OGE bị Tổng thống miễn chức. “Tôi từng đi lính, đã làm ở văn phòng luật hơn 30 năm, được Tổng thống Bush đề cử, tháng 5/2006 được Thượng viện phê chuẩn. Về cấp bậc, OGE thấp hơn Bộ nhưng tôi ngang cấp với Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang FBI (thuộc Bộ Tư pháp) và Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang”, ông nói.
Cusick cho biết OGE có 5 cơ quan:
Văn phòng Giám đốc (Office of the Director, OD), chủ yếu bảo đảm OGE hoàn thành nhiệm vụ được Tổng thống và Quốc hội giao phó;
Vụ Viện trợ quốc tế và sáng kiến Chính phủ (The Office of International Assistance and Governance Initiatives, OIAGI), chủ yếu phụ trách các dự án hợp tác quốc tế của OGE, tấn công tham nhũng và nâng cao trình độ liêm khiết của chính quyền các nước trên phạm vi toàn cầu ;
Vụ Tư vấn luật pháp và chính sách pháp lý (The Office of General Counsel and Legal Policy, OGC & LP), chủ yếu biên soạn và giải thích các quy phạm đạo đức liên quan, xây dựng hệ thống quy chế đạo đức chính quyền thống nhất trong cơ quan hành chính Liên bang, …;
Vụ Chương trình cơ quan chính phủ (The Office of Agency Programs, OAP), chủ yếu giám sát tình hình vận hành chương trình đạo đức chính quyền của các cơ quan lớn thuộc Chính phủ Liên bang và cung cấp dịch vụ cho họ; dưới vụ này còn có Phòng Dịch vụ dự án, Phòng Giáo dục đào tạo và Phòng Thẩm duyệt dự án;
Vụ Quản lý hành chính và thông tin (The Office of Administration and Information Management, OAIM), chủ yếu cung cấp hậu cần và dịch vụ kỹ thuật giúp cho việc vận hành mọi dự án của OGE.
Giám đốc Cusick cho biết toàn bộ OGE chỉ có 70 nhân viên, trong đó có 15 luật sư; ngân sách hàng năm là 12 triệu USD. Chính phủ Mỹ có rất nhiều cơ quan lớn. Cơ quan lớn thứ hai trong Chính phủ Liên bang là Bộ Cựu chiến binh (Dept. of Veterans Affairs) có 250 nghìn nhân viên. So với họ “Chúng tôi đúng là bé quá!”, ông nói.
Cusick nhấn mạnh, các bộ ngành trong Chính phủ đều có đặt Văn phòng đạo đức công chức, Giám đốc Văn phòng đó do bộ trưởng bổ nhiệm. OGE dùng phương thức thẩm duyệt định kỳ để giám sát sự vận hành của các chương trình đạo đức của các bộ ngành. Theo cơ chế tam quyền phân lập, OGE chỉ có quyền quản lý các cơ quan hành chính. Quốc hội và Tòa Tối cao có riêng cơ quan quản lý đạo đức của họ. Các bang và phần nhiều các đô thị đều có cơ quan tương tự, họ không chịu sự quản lý của OGE.
Giám đốc OGE có quyền yêu cầu các quan chức cấp cao phải tiếp nhận đào tạo một thầy một trò
Tuy Cơ quan Đạo đức Chính phủ Mỹ OGE có cấp bậc không cao, số nhân viên không nhiều, cũng không quản lý Quốc hội, Tòa Tối cao, chính quyền các bang và chính quyền các cấp, nhưng OGE có quyền lực thực tế rất lớn. Theo thống kê, số công chức Chính phủ Liên bang do OGE quản lý là 3,6 triệu người, kể cả Tổng thống, phó Tổng thống, các bộ trưởng.
Cusick cho biết, cứ 4 năm một lần, OGE lại cử cán bộ thẩm tra đến các cơ quan Chính phủ tiến hành kiểm tra tình hình thi hành quy phạm đạo đức. OGE có nhiều cán bộ thẩm tra, mỗi người phụ trách 3-4 cơ quan chính phủ. Thẩm tra xong, họ gửi báo cáo thẩm tra tới Ủy ban đạo đức của đơn vị sở tại. Nếu phát hiện vấn đề gì trong thẩm tra thì Giám đốc OGE có quyền ra lệnh cho đơn vị đó sửa chữa khuyết điểm trong một thời hạn nhất định, và trong 60 ngày phải báo cáo tình hình sửa chữa. Trong vòng 6 tháng sau khi gửi báo cáo thẩm tra, OGE phải tiến hành tái thẩm tra tình hình chỉnh sửa của đơn vị đó. Nếu đơn vị nào có vấn đề gì nghiêm trọng về đạo đức thì OGE có thể tiến hành thẩm tra bất cứ lúc nào, không cần chờ 4 năm một lần.
Cusick cho biết, ngoài Văn phòng đạo đức ra, các bộ còn có Văn phòng Chánh Thanh tra, phụ trách xử lý các vụ vi phạm trong bộ. Nếu phát hiện quan chức nào phạm luật, OGE có quyền thông báo cho Chánh Thanh tra của đơn vị có quan chức đó và yêu cầu điều tra. Nếu yêu cầu này bị từ chối thì OGE có thể báo cáo thẳng lên Nhà Trắng. “Cho tới nay chưa Chánh Thanh tra nào từ chối yêu cầu của chúng tôi”, Cusick nói.
Trường hợp vấn đề nghiêm trọng liên quan tới phạm tội hình sự thì OGE giải quyết ra sao? Cusick cho biết khi ấy OGE sẽ chuyển hồ sơ tới Vụ Liêm khiết công thuộc Cục Hình sự Bộ Tư pháp hoặc FBI để họ điều tra và khởi tố.
Là một cơ quan phòng chống tham nhũng, OGE còn có chức năng giáo dục và đào tạo. Thí dụ các viên chức mới tuyển dụng dù ở cấp bậc cao thấp thế nào đều phải tiếp thu đào tạo huấn luyện; cương vị khác nhau thì thời gian đào tạo khác nhau, nhưng ít nhất không được dưới một giờ. Những quan chức cần khai báo tài sản công khai hoặc bí mật hàng năm còn phải tiếp thu đào tạo thêm ngoài quy định. Bình thường OGE còn tiến hành đào tạo trên mạng cho các công chức phổ thông. Ngoài ra hơn 1.200 quan chức cấp cao của Chính phủ còn phải tiếp thu đào tạo đối diện trực tiếp một thầy một trò. Việc giáo dục đạo đức liêm chính trên mạng tiến hành mỗi năm ít nhất một lần, thông thường chủ yếu giáo dục về các chuẩn mực và quy tắc luật pháp hành vi đạo đức. Nói chung đều dùng cách trả lời trên mạng để kiểm tra kết quả học tập. Ai chưa tiếp thu sát hạch trên mạng thì sẽ tiếp thu phụ đạo một thầy một trò, đối diện trực tiếp, cho tới khi đạt yêu cầu sát hạch mới thôi. Để tăng cường hiệu quả đào tạo, sau mỗi điều quy phạm về đạo đức đều có thí dụ vụ án điển hình được lựa chọn công phu, như vậy học viên hiểu sâu hơn quy phạm đó. Cusick nói cứ cách 12 đến 18 tháng, OGE lại tổ chức một đại hội toàn quốc, hơn 600 cán bộ phụ trách công tác đạo đức trên cả nước về dự.
Qua phần trình bầy ở trên có thể thấy công việc chủ yếu của Cơ quan đạo đức chính quyền Mỹ OGE là giám sát hướng dẫn, đào tạo và thẩm tra. Nó không can thiệp quá nhiều vào vụ án cụ thể, song cũng hợp tác với các ban ngành khác trong việc phạt các quan chức có vi phạm nặng. Thí dụ John Frederick là quan chức phụ trách các công trình xây dựng của Hải quân Mỹ, có nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành hợp đồng một dự án xây dựng của chính phủ do công ty DMI thầu. Vị quan chức này đã nhiều lần ngỏ ý với lãnh đạo công ty DMI là muốn kiếm một ít bổng lộc. Thế là DMI bèn chia một phần công trình mình thầu cho công ty do Frederick lập ra. Frederick không báo cáo việc này lên trên. Trong vòng chưa đầy một năm, công ty ông này kiếm được thu nhập 26 nghìn USD, Frederick trích một phần thu nhập này “lại quả” cho lãnh đạo DMI. Như vậy John Fredrick đã vị phạm quy định đạo đức cấm nhân viên nhà nước lợi dụng chức quyền để giúp cho cá nhân hoặc tổ chức khác giành được lợi ích kinh tế. Kết quả John Frederick bị kỷ luật 6 năm theo dõi, 6 tháng giam lỏng quản chế, lao động phục vụ cộng đồng 100 giờ và nộp phạt 12.000 USD.
Ca ngợi Vụ Liêm chính HongKong có quyền điều tra
Trong quá trình phỏng vấn, tôi có nhắc tới Vụ Liêm chính Hong Kong.[2] Ông Cusick vui vẻ nói: “Tôi biết cơ quan ấy. Họ làm việc rất cừ! Theo tôi Vụ Liêm chính Hong Kong là cơ quan có uy lực lớn nhất trong số nhiều cơ quan đạo đức chính quyền của các nước trên thế giới. Họ có 1.300 nhân viên, có quyền điều tra, có đội ngũ chấp pháp của riêng họ. So với họ, chúng tôi chủ yếu chỉ làm công việc có tính phòng ngừa; cũng có chút quyền điều tra nhưng rất hữu hạn.”
Như vậy sau này liệu OGE cũng có quyền điều tra như Vụ Liêm chính Hong Kong không? Cusick trả lời: “Có thể sẽ như vậy! OGE được thành lập theo Luật đạo đức chính quyền liên bang. Hiện nay quyền điều tra của chúng tôi rất hữu hạn. Nếu Quốc hội thông qua luật mới thì có thể thay đổi tình trạng này.” Nhưng ông nói hiện nay cơ chế của OGE vận hành rất tốt, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và Chánh Thanh tra của các Bộ, vì thế chúng tôi chưa muốn thay đổi hiện trạng.
Hầu hết các vấn đề luân lý đạo đức “đều nằm trong dự đoán”
Cơ quan đạo đức chính quyền Mỹ OGE có mối liên hệ khăng khít với cơ quan tương đương của các nước khác tới mức tôi rất ngạc nhiên. Ông Cusick cho biết hầu như tuần nào cũng có phái đoàn nước ngoài tới thăm OGE. Các đồng nghiệp Israel và Vụ Liêm chính Hong Kong từng tới đây. Riêng trong năm tài chính 2006, OGE đã tiếp 134 người Trung Quốc đến tham quan. Nửa đầu năm 2007 có 46 khách Trung Quốc đến thăm OGE, trong đó có quan chức Bộ Giám sát Trung Quốc. Cusick cho biết mấy năm trước OGE đã giúp Argentina lập Cơ quan đạo đức của chính phủ nước họ. OGE còn giữ liên lạc mật thiết với các nước thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng và Cơ quan Liêm chính của EU.
Cusick nói, tuy các nước khác nhau về văn hóa và tình hình nội bộ nhưng vấn đề luân lý đạo đức của quan chức thì lại “giống nhau kinh khủng”, có thể nói hầu hết các vấn đề đó đều “nằm trong dự đoán”.
Giám đốc Cusick cho biết, tuy thỉnh thoảng có các quan chức tham nhũng sa lưới luật pháp, nhưng may sao nước Mỹ chưa xảy ra nạn tham nhũng có hệ thống, quy mô lớn. Số lượng vụ án quan chức phạm luật phải chuyển sang Bộ Tư pháp khởi tố mấy năm qua giữ ở mức độ ổn định, không tăng. Nhiều cuộc điều tra theo thư nặc danh cho thấy phần lớn quan chức đều tự giác tuân theo quy phạm đạo đức. “Điều đó khiến chúng tôi rất tự hào”, ông nói.
Dĩ nhiên nói thế không có nghĩa là OGE có thể yên tâm. “Làm thế nào để các quan chức cấp cao có thể ghi lòng tạc dạ các chuẩn tắc đạo đức – đây là thách thức lớn nhất của chúng tôi!” Cusick giải thích: đó là do các quan chức cấp cao bận nhiều việc nên sự quan tâm đến chuẩn mực đạo đức rất dễ bị các công việc khác can nhiễu. Khi tôi nhắc tới một số vụ bê bối gần đây bị báo chí làm ầm ỹ, Cusick nói: “Thế là tốt! Báo đài càng vạch trần đầy đủ sự việc thì mọi người càng thận trọng suy nghĩ, các quan chức càng nhạy cảm hơn đối với vấn đề đạo đức!”
Nguyễn Hải Hoành biên dịch và chú thích từ nguồn world.people.com.cn.
____
[1] Từ 9/1/2013 là ông Walter M. Shaub, Jr. Xem: http://www.oge.gov
[2] Independent Commission Against Corruption (ICAC 廉政公署). Ngân sách ICAC tài khóa 2008–2009 là 756, 9 triệu HK$. Xem:http://www.icac.org.hk/en/home/

Không có nhận xét nào:

Trang