Tác giả: Ngọc Minh
KD: Đành rằng GD gia đình là khởi đầu, GD nhà trường mang ý nghĩa quyết định, nhưng môi trường XH- sản phẩm lành mạnh hay ngược lại- của một thể chế cực kỳ quan trọng. Ngày càng sáng tỏ, rõ ràng cho thấy, chính môi trường XH sẽ là nơi hoặc bồi đắp, hoặc phá hủy không thương tiếc nhân cách văn hóa của con người. Ở XH đó, nếu pháp luật không thượng tôn, luôn được “cầm tay chỉ việc”, và XH đó chứa đầy mầm bệnh tham nhũng, làm nhiễu loạn các giá trị sống tử tế
—————
Tuổi trẻ Cuối tuần: Thời gian gần đây, hàng loạt diễn đàn “bêu xấu” người Việt với các loại hành xử khó xử nơi công cộng, nào là chen lấn khi đi tàu xe, khạc nhổ, xả rác trên đường phố, ăn to nói lớn trong nhà hàng, rạp hát, giành giật ham hố lúc ăn tiệc đứng, ăn cắp vặt trong siêu thị, mất vệ sinh… ngay cả trong nhà vệ sinh. Những chân dung “người Việt xấu xí” xuất hiện với tần số dày đặc, xuất khẩu cả ra nước ngoài. Vì đâu chúng ta… xấu xí?
Minh họa: Bích Khoa
1 Trong đợt công tác về thăm chiến trường xưa, chúng tôi ghé qua hàng loạt điểm di tích lịch sử ở Quảng Trị, trong đó có nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, thành cổ Quảng Trị, để thắp hương và tưởng niệm các liệt sĩ.
Chủ trương đã có, nội dung đã rõ, vậy mà đến nơi trưởng đoàn không thể huy động hết tất cả một tập thể gần 40 người lập trật tự để tiến hành nghi thức tưởng niệm. Cuối cùng đành chấp nhận khoảng 2/3 trong số đó chịu mở nón cúi đầu khoảng năm phút dưới cái nắng mùa hè để nghe tóm tắt công ơn người hi sinh và mặc niệm.
Trong tiếng chuông vang rền giữa khung trời tĩnh mịch, trang nghiêm vọng lên tiếng cười ré của nhóm ngoài cuộc và nháo nhác gọi nhau chụp hình. Thắp hương xong, chúng tôi nghe họ bình luận “Mời các đồng chí tiếp tục qua điểm… phơi nắng mới ở nghĩa trang kế tiếp”.
Thấy vẻ ngại ngùng của chúng tôi, người quản trang già tỏ ra độ lượng: “Không phải ai cũng hiểu hết được giá trị của sự hi sinh, lớp trẻ càng không vì chưa trải qua chiến tranh mà”. Nhưng ít ra họ có thể tôn trọng người đã khuất ngay tại nơi an nghỉ cuối cùng không?
2 Thời gian gần đây, chân dung “người Việt xấu xí” xuất hiện với tần số dày đặc, xuất khẩu cả ra nước ngoài nhiều đến mức nghe mãi cũng thấy nhàm, kiểu như nửa bất lực nửa chấp nhận, thậm chí có người còn phản biện rằng đó là dân tộc tính (!?), rằng ở đâu mà chẳng có kẻ này người kia. Có người còn bảo đừng tự ti, người ta đẹp khoe xấu che, mình cứ bêu xấu mình thì làm sao ngẩng mặt với thiên hạ.
“Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu chỉ ra những sự bất bình trong cuộc sống cá nhân có thể dẫn đến sự giận dữ trong xã hội nếu cá nhân đó có nhiều sự bất bình giống nhau như thất nghiệp, lạc hậu, vô trách nhiệm, có thể kéo theo những ứng xử xấu lây lan cả cộng đồng”.
Nhẹ nhất là những hành vi ứng xử tự nhiên, mất trật tự, xem nơi công cộng vừa như nhà mình vừa là “của chùa” nên không cần giữ ý tứ, cứ phơi phóng thoải mái, đi bộ dàn hàng ba thong thả xuống cả lòng đường, tụ tập hào hứng xem tai nạn giao thông. Nặng nề hơn là hùa nhau đánh hội đồng một người, kéo nhau “dìm hàng” ai đó trên mạng, vô trách nhiệm tập thể như trong vụ tưởng niệm kể trên.
Đáng sợ nhất là ứng xử cộng đồng xấu dựa vào “đám đông” để tồn tại, dẫn đến những định kiến lệch lạc, vô lý, bất nhân. Ví dụ như xã hội Việt hiện nay đang ghi nhận sự xuất hiện ngày càng nhiều bà mẹ đơn thân hay ly hôn vì nhiều lý do khác nhau, sự vất vả của họ càng thêm gánh nặng khi không ít người (nhất là cánh phụ nữ với nhau) lại công khai miệt thị họ, có người rất sỗ sàng khi hỏi về cha đứa bé và không ngại ngần chòng ghẹo đứa bé về người cha không xuất hiện.
Đàn ông không ít người xem những bà mẹ này là đối tượng để gợi ý quan hệ tình dục, tình cảm ngoài luồng. Lối ứng xử cộng đồng này có khi công khai, có khi ngấm ngầm, nhưng họ luôn cho rằng vì phụ nữ như thế nên họ có quyền như vậy.
Hành vi đó là gì nếu không phải là sự dựa hơi gián tiếp về cái gọi là “bia miệng”, kéo dài dư âm sự bất bình đẳng về giới từ xa xưa đối với phụ nữ và khoác lên đó mỹ từ “điều chỉnh tự nhiên của xã hội”?
3 Thật sự thì không ai dựa trên vài hành vi để kết luận về một tập thể, nhưng khi nhìn vào ứng xử xã hội, người ta luôn tổng kết từ nhiều trường hợp cá biệt, sự lặp lại, sức chi phối ảnh hưởng lan tỏa, nguy cơ trở thành thói quen xấu, tình trạng khó cải thiện của nó, tư duy dựa vào tình trạng “ai sao tui vậy” để bảo lưu hành vi xấu và cự tuyệt làm điều tích cực.
Sự kéo dài một ứng xử cộng đồng xấu lâu dần trở nên phổ biến, chây ì đến mức người ta ít thấy hoặc không thấy bực bội, xấu hổ nữa.
Ứng xử cộng đồng xấu là một mệnh đề có tính xã hội hóa điển hình, có thể khởi nguồn từ một sự đổ vỡ các giá trị hoặc sự tự phát của một đám đông, có khi xuất phát từ một phản ứng chống lại một điều gì đó mà đám đông không chấp nhận.
Người ta đã phân tích các đám đông cuồng nộ và nhận ra mọi việc có thể mất kiểm soát chỉ trong thời gian ngắn. Ví dụ như một vụ xuống đường mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam trong tích tắc có thể trở thành những buổi “bão đêm” nguy hiểm, hay những vụ tấn công các công ty, cửa tiệm có bảng hiệu chữ Trung Quốc để phản đối vụ giàn khoan Trung Quốc vi phạm vùng biển gần Hoàng Sa của Việt Nam, gây thiệt hại về cả kinh tế lẫn hình ảnh người Việt trong dư luận thế giới.
Trong số những người đó, ai thật sự vì đội tuyển, vì quyền lợi quốc gia, ai vô công rỗi nghề, ai bị kích động? Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu chỉ ra những sự bất bình trong cuộc sống cá nhân có thể dẫn đến sự giận dữ trong xã hội nếu cá nhân đó có nhiều sự bất bình giống nhau như thất nghiệp, lạc hậu, vô trách nhiệm, có thể kéo theo những ứng xử xấu lây lan cả cộng đồng.
Truyền thông ngày nay cũng là một môi trường để thói xấu lây lan, một bài hát chế thô tục, làn sóng đưa tin “cướp, giết, hiếp” có khả năng gây chú ý khiến người đọc có thói quen háo hức với những tít tựa giật gân, trong khi chúng ta cần những bài viết nghiêm túc đưa ra cái nhìn sâu xa hơn về bản chất sự việc hòng cảnh tỉnh và nhắc nhở cộng đồng.
Thật đáng sợ khi thấy sự tương đồng nhau trong các vụ việc hình sự cướp của giết người, trả thù tình bằng dao hay xăng, mẹ sát hại con, người đánh chết kẻ trộm chó… Dù đó là hành vi xấu của một nhóm cá nhân, nhưng biểu hiện lặp lại của chúng có khác gì một lối ứng xử xấu có nguy cơ lây lan cao trong cộng đồng?
4 Chúng ta sẽ giải thích như thế nào về điều này: rằng đây chỉ là hai mặt tốt xấu mà bất cứ xã hội nào cũng gặp phải, hoặc dân tộc tính của ta có những thói hư tật xấu “truyền đời” như vậy mà không thể sửa chữa, hay đó là dư âm của “văn minh làng xã”, “phép vua thua lệ làng”, hoặc đó là hệ quả của sự thiếu vắng giáo dục và các giá trị cốt lõi, hay đó là điều tất yếu của xã hội trong tiến trình phát triển?…
Và liệu chúng ta sẽ cứ tiếp tục “đổ thừa” cho đám đông hay có thể làm gì để bồi đắp các ứng xử cộng đồng tích cực…?■
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét