18 tháng 12, 2015

Cơ hội của VN là rất mong manh nếu không tiếp tục cải cách

Tác giả: Tư Giang
KD: Vấn đề là các nhóm lợi ích sẽ đi đâu/ Ăn gì? Nếu như đẩy nhanh tái cơ cấu?
————
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh chương trình tái cơ cấu kinh tế trong giai đoạn 5 năm tới nếu không muốn tụt hậu.
Lo người dân ra rìa khi hội nhập
Phát biểu tại hội thảo về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 17-12, chuyên gia Phạm Chi Lan nói: “Hội nhập hiện nay đặt Việt Nam trước thách thức rất lớn, nếu không tái cơ cấu được thì chúng ta tụt hậu xa hơn”.
Bà nói tiếp: “Giai đoạn mới có những đòi hỏi gay gắt hơn nhiều. Năm năm tới nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới thể chế, cải cách kinh tế thì cơ hội của Việt Nam là rất mong manh”.
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung bổ sung thêm: “Thể chế nào, doanh nghiệp đó. Thể chế [hiện nay] không cho người ta làm lớn được, vì làm lớn thì họ sợ là bảo vệ tài sản như thế nào?”
Ông Cung nói thêm: “Khi mà luật pháp chưa bảo vệ được tài sản của họ, thì họ không làm hoặc phải tìm cách bảo vệ tài sản. Luật chơi của chúng ta khác với quốc tế. Chúng ta không thể hội nhập được bằng lực lượng doanh nghiệp tư nhân như vậy”.
Ông nói: “Nếu chúng ta không cải cách đủ mạnh, thì Việt Nam tiếp tục có tăng trưởng, nhưng… các cơ hội chủ yếu rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và người lao động không được hội nhập mà còn bị vùi dập bởi hội nhập, bị ra rìa”.
Theo ông Cung, Việt Nam còn thiếu chính sách toàn diện về cạnh tranh, và tư duy chung là còn sợ thị trường. Bên cạnh đó, còn quá nhấn mạnh đến sự can thiệp của nhà nước, nhà nước đang thực hiện quá nhiều chức năng.
“Hội nhập tạo cơ hội đang dạng hóa phương thức sản xuất, song thể chế phải đủ linh hoạt để du nhập và thực hiện các sáng kiến và ý tưởng kinh doanh”, ông nói.
Thể chế mâu thuẫn
Hội thảo này được CIEM tổ chức để công bố một báo cáo đánh giá về chương trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế mà Chính phủ triển khai trong giai đoạn mấy năm vừa qua. Theo báo cáo này, hiệu quả của các cải cách trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), và ngân hàng thương mại vẫn còn rất hạn chế, và chưa như mong muốn.
Ông Cung cho rằng, vấn đề chính hiện nay nằm ở chỗ, Việt Nam chưa chuyển đổi được mô hình sở hữu hiện nay sang sở hữu kinh tế thị trường. Việc chuyển từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân chưa được hoàn thành, nhiều loại tài sản chưa được ghi nhận là tài sản nên chưa có sở hữu. Sở hữu toàn dân còn chiếm tỷ trọng lớn, và nhiều loại tài sản không có chủ sở hữu rõ ràng.
“Phần lớn tài sản không thương mại được hoặc khó thương mại, không thể chuyển thành vốn đầu tư kinh doanh. Chính vì vậy mà nhiều nguồn lực không sử dụng được hoặc sử dụng kém hiệu quả”, ông nói và nhận xét thêm, thị trường tài sản như đất đai, vốn không vận hành được.
“Ví dụ, chúng ta không có thị trường sơ cấp về đất đai, quan hệ giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước là quan hệ phân phối, xin cho theo phương thức hành chính, không phải giao dịch thị trường. Đó như một món quà mà nhà nước giao anh, thì lúc nào cũng lấy lại được”, ông nói thêm.
Ông nhận xét, với doanh nghiệp tư nhân trong nước, sau khi mua và tích tụ được đất, thì doanh nghiệp đó chưa phải là chủ sở hữu mà là chỉ là người đi thuê mảnh đất mà chính họ đã bỏ tiền ra mua.
Bà Chi Lan nhận xét, tái cơ cấu kinh tế là không thể thực hiện được nếu vẫn còn tư duy không sẵn sàng cho một bộ phận chết. “Vì ổn định vĩ mô chúng ta đã nương tay với một bộ phận, nên không thể tái cơ cấu được”.
“Chúng ta không chỉ phân bổ vốn đầu tư không hợp lý mà tất cả các nguồn lực khác cũng như vậy”, bà nhận xét.
Bà Lan bổ sung thêm, hiệu quả thấp của bộ máy hành chính cũng khiến cho chi phí kinh doanh và cuộc sống thêm đắt đỏ.
Về lĩnh vực ngân hàng, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành từ chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright có một nhận xét rất đáng chú ý là trước thời điểm tái cấu trúc, tài sản nhà nước chiếm dưới 50% tổng tài sản ngân hàng, nhưng qua tái cơ cấu thì đã tăng lên cao hơn.
Ông Thành nhận xét thêm trong giai đoạn 2016 – 2020, lĩnh vực ngân hàng tiếp tục phải đảm bảo thanh khoản và tránh đổ vỡ của các tổ chức tín dụng, trước khi nói đến việc có hệ thống ngân hàng hiện đại.

Không có nhận xét nào:

Trang