10 tháng 12, 2015

Người dân Mỹ giàu có là nhờ tiết kiệm ?

Phố Wall, New York là trung tâm tài chính lớn nhất thế giới
“A penny saved is a penny earned”
(một đồng tiết kiệm được là một đồng thu được) 
Người Mỹ tiết kiệm như thế nào?
Theo các nhà chuyên môn, nền kinh tế quốc dân của Hoa Kỳ luôn đứng đầu thế giới trong hơn một thế kỷ qua. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Hoa Kỳ ước tính trong năm 2011 là trên 14,6 ngàn tỉ đô la Mỹ. Chiếm 23% tổng sản lượng GDP danh nghĩa của cả thế giới và 21% sức mua tương đương toàn cầu.
Với thu nhập bình quân đầu người khoảng 47.000 USD (năm 2011), người Mỹ có nhiều điều kiện trong việc tiếp cận với các loại hàng hóa tiêu dùng và kỹ thuật hàng đầu trên thế giới. Năm hãng hàng không lớn nhất trên thế giới tính theo số khách hàng được vận chuyển đều là của Mỹ. Và trong số 30 phi trường lớn nhất trên thế giới thì có 16 là ở Mỹ.
Đến năm 2005, trung bình ở Mỹ có khoảng 800 xe hơi cho 1.000 dân Mỹ so với 500 xe hơi cho mỗi 1.000 cư dân của Liên Minh châu Âu. Sản xuất nông nghiệp của Mỹ tuy chỉ chiếm khoảng 1% GDP trong nước nhưng lại vượt trên 50% sản lượng nông nghiệp trên toàn cầu.
Hoa Kỳ cũng có nhiều cơ sở giáo dục đại học tư thục và công lập nhiều nhất trên thế giới. Trong tổng số gần 310 triệu dân của Mỹ thì có đến 27,2% dân số có bằng đại học và 9,6% dân số có bằng sau đại học. Hiện nay Hoa Kỳ cũng là nước dẫn đầu thế giới trong các chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học trong đó có các nghiên cứu về tác động môi trường và biến đổi khí hậu.
Với các con số thống kê như trên, rất ít người hình dung được cách nay hơn 140 năm, Mỹ vẫn còn là một nước khá lạc hậu, nông nghiệp và chăn nuôi còn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, nhiều người dân bị kỳ thị và không có điều kiện đi học tử tế.
1. Nước Mỹ từ thời nội chiến khó khăn…
Trước khi cuộc nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc của Mỹ kết thúc vào năm 1865, Mỹ vẫn còn là một đất nước rất khó khăn về kinh tế. Mặc dù nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ khá dồi giàu, thế nhưng người Mỹ vẫn chưa có điều kiện khai thác một cách hiệu quả. Do cơ sở hạ tầng và giao thông chưa phát triển. Lúc bấy giờ chế độ nô lệ khắc nghiệt vẫn còn áp dụng ở một số tiểu bang miền nam nước Mỹ, nơi đa số người dân sống bằng nông nghiệp trang trại và chăn nuôi gia súc.
Đến khi nội chiến kết thúc vào năm 1865, người Mỹ đã dốc hết sức hoàn thành tuyến đường sắt xuyên quốc gia từ bờ biển Đại Tây Dương sang bờ đến bờ biển Thái Bình Dương, lúc đó kinh tế Mỹ mới bắt đầu có cơ hội giao thương và phát triển mạnh mẽ.
Công trình lịch sử tuyến xe lửa xuyên quốc gia hoàn thành vào tháng 6 năm 1869, 4 năm sau khi nội chiến kết thúc, đã góp phần quan trọng hàng đầu vào việc phát triển kinh tế và xã hội của nước Mỹ. Cộng thêm ít năm sau đó, Alexander Graham Bell phát minh ra đường dây điện thoại và được cấp bản quyền chế tạo đầu tiên. Người Mỹ đã biết không lãng phí cơ hội này để phát triển hệ thống đường dây điện thoại bao phủ khắp nước Mỹ một cách nhanh chóng và tiết kiệm nhất, nhờ “ăn theo” tuyến đường sắt xuyên quốc gia vừa mới được hoàn thành trước đó.
Có được hệ thống giao thông hoàn chỉnh và hệ thống thông tin liên lạc hoàn chỉnh, người dân bắt đầu đi khắp nước Mỹ làm ăn buôn bán trao đổi hàng hóa và liên lạc với nhau một cách nhanh chóng. Các công ty Mỹ cũng gặp thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng lao động ở khắp nơi và từ đó đẩy mạnh khai thác các nguồn khoáng sản tự nhiên khổng lồ như sắt thép, dầu hỏa, than đá…Các ngành công nghiệp hiện đại mới trên thế giới lúc bấy giờ cũng có điều kiện phát triển ở Mỹ như công nghiệp xây dựng, ô-tô, hàng hải.
Do được tích lũy vốn và biết cách tiết kiệm để tái đầu tư một cách hiệu quả, người Mỹ đã phát triển kinh tế đất nước một cách rất nhanh chóng. Hơn 30 năm sau ngày hoàn thành tuyến đường sắt và đường điện thoại xuyên quốc gia tốn rất nhiều công sức và trí tuệ quốc dân, nước Mỹ đã trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới từ khoảng năm 1990 cho đến tận ngày hôm nay.
Trong thời kỳ đầu lập quốc gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn, người Mỹ đã biết thực hành tiết kiệm một cách rất cơ bản và kiên trì. Benjamin Franklin là một trong những người Mỹ tham gia thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Mỹ. Ông là người đã góp công vào việc soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập được tuyên bố lần đầu vào ngày 4 tháng 7 năm 1776, sau này trở thành ngày Quốc khánh Mỹ. Ông cũng là người nổi tiếng gương mẫu về ý thức thực hành tiết kiệm để xây dựng nước Mỹ phát triển từ những ngày đầu con nhiều khó khăn, gian khổ.
Câu nói nổi tiếng của ông “A penny saved is a penny earned” (một đồng tiết kiệm được là một đồng thu được) cho đến nay đã trở thành kinh điển trong việc thực hành tiết kiệm của người Mỹ. Chính vì vậy, hình ảnh chân dung của ông thường được trang trọng in trên những tờ bạc Mỹ có mệnh giá 100 USD.
Chỉ có tiết kiệm thôi thì không thể làm giàu. Nhưng chắc chắn không có người giàu có nào mà không từng tiết kiệm. Nếu có người giàu lên nhanh chóng bằng một cách nào đó mà không tiết kiệm thì sớm muộn họ cũng sẽ không còn giàu có được nữa. Người ta không thể nào giàu mãi nếu họ luôn tiêu pha nhiều hơn số tiền họ kiếm được. Và muốn trở nên giàu có phải có được tấm bản đồ dẫn đường đến các kho báu phú quý, và cánh cửa của những kho báu này luôn rộng mở cho những ai chịu khó cất công đi tìm.
Đó là triết lý tích lũy để làm giàu của Benjamin Franklin và những người Mỹ đầu tiên trong giai đoạn quốc gia này mới được thành lập gần 240 năm về trước.
Mặc dù hôm nay Mỹ đã là quốc gia giàu có nhất trên thế giới nhưng không phải vì thế mà người dân lại chi tiêu xả láng, ăn chơi phung phí hay vung tay quá trán. Thực tế đa số người Mỹ rất căn cơ trong việc chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Họ rất chi ly trong việc phân bổ các khoản thu nhập cho chi tiêu cá nhân, nhà ở, đầu tư và tiết kiệm…
Người Mỹ thường không để phí thức ăn khi đi ăn tiệm và đặc biệt rất thích tranh thủ cơ hội đi mua sắm trong những dịp giảm giá hàng hóa đặc biệt (sale off) trên thị trường. Phải chăng đó cũng là một trong những lý do nước Mỹ có số lượng người dân giàu có nhiều nhất trên thế giới?
2. Trở thành quốc gia có nhiều tỷ phú và triệu phú đô-la nhất thế giới
Trong nhiều thập niên trước và cho đến ngày hôm nay, Mỹ luôn là nước có nhiều triệu phú nhất trên thế giới (Nhật Bản xếp thứ hai). Kết quả nghiên cứu mới công bố của hãng tư vấn Boston Consulting Group cho thấy số lượng gia đình triệu phú Mỹ có tài sản trên một triệu USD là 5,134 triệu hộ trong năm 2011. Tổng tài sản của các gia đình này tương đương 38.000 tỷ USD. Nếu tính theo cá nhân thì tổng số người có tài sản trên 1 triệu USD tại Mỹ hiện nay xấp xỉ trên 10 triệu người, tức trên 10 triệu người là triệu phú USD.
Nước Mỹ trở nên giàu có nhất thế giới và có nguồn ngân sách dồi dào do có được nhiều nguồn thu khác nhau, nhưng phần lớn nguồn thu là số tiền thuế khổng lồ từ các doanh nghiệp và từ người dân người Mỹ hàng năm. Chỉ tính riêng thuế thu nhập cá nhân ở Mỹ trong năm 2011 đã chiếm tới 47% tổng nguồn thu thuế của toàn Liên bang Mỹ (tương đương 2.300 tỷ USD). Vì vậy chính sách mở rộng cơ hội cho tất cả công dân làm giàu ở Mỹ để có thể thu được tiền đóng thuế nhiều hơn cho ngân sách quốc gia là chính sách rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường tự do của Mỹ.
Xã hội Mỹ luôn mở rộng cơ hội khuyến khích người dân làm giàu. Luôn có nhiều chuyên gia kinh tế tài chính và những người đã trở thành tỷ phú hàng đầu Hoa Kỳ như Donald Trump, Warren Buffett… tư vấn và hướng dẫn cho người dân thực hành tiết kiệm và đầu tư tiết kiệm sinh lời. Rất nhiều tài liệu, sách vở và trang mạng website hướng dẫn người dân thực hành tiết kiệm cho cuộc sống tốt hơn. Các kênh truyền hình tư vấn về tiết kiệm và chi tiêu tài chính hiệu quả ở Mỹ cũng rất đa dạng và phong phú. Điển hình là chương trình tư vấn tiết kiệm tài chính cá nhân của Suze Orman trên kênh tài chính hàng đầu thế giới CNBC rất được người dân Mỹ quan tâm theo dõi và thực hành.
Theo khảo sát của kênh truyền hình CNBC, nhiều người Mỹ mong muốn trở thành triệu phú đô-la và họ cũng ý thức được bản thân mình hoàn toàn có thể trở thành triệu phú đô-la bằng con đường tiết kiệm “khôn ngoan”. Những người tham gia trả lời khảo sát của CNBC cho biết họ sẽ đặt mục tiêu tiết kiệm và đầu tư tiết kiệm sinh lợi lên hàng đầu để trở thành triệu phú trong tương lai. Theo các chuyên gia về tài chính cá nhân, thời gian để một công dân Mỹ bình thường trở thành triệu phú USD khi bước vào giai đoạn nghĩ hưu hoàn toàn có thể hiện thực được trong các điều kiện cơ bản sau đây:
1. Cần khởi đầu bằng việc đầu tư tài chính an toàn với số vốn tương đương 10 nghìn USD và danh mục đầu tư tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm.
2. Thực hành tiết kiệm theo từng giai đoạn và độ tuổi khác nhau như sau: Khoảng 25 tuổi, cần tiết kiệm khoảng 450USD/tháng, tương đương khoảng 15USD mỗi ngày trong suốt quãng thời gian đi làm. Đến 35 tuổi, cần tiết kiệm trung bình 850USD/tháng. Khoảng 45 tuổi, cần tiết kiệm trung bình 1.700USD/tháng. Khoảng 55 tuổi trở đi, cần tiết kiệm trung bình 4.000USD/tháng.
Theo các chuyên gia tư vấn này, nếu kiên trì thực hành theo những mục tiêu tiêu tiết kiệm nêu trên trong suốt thời gian từ 25 tuổi đến 65 tuổi, và không gặp phải những khoảng chi tiêu lớn hay bất thường nào ngoài kế hoạch, thì khả năng trở thành triệu phú USD ở Mỹ của một công dân bình thường khi bước vào tuổi hưu trí từ 65 đến 70 tuổi là rất cao.
(Thegioibantin.com)

Không có nhận xét nào:

Trang