BVB – Tôi ít có thời gian để đọc trang web của các tỉnh, thành phố, bộ, ngành. Chiều nay (15-12-2015), tôi nhận được E.Mail của bạn đọc, nói rằng anh đã đọc bài này chưa. Ngày 30-6-2015, trên trang mạng của Tỉnh ủy Lâm Đồng, tại mục ‘Các đơn vị trực thuộc tỉnh ủy – Ban Tuyên giáo > Diễn đàn tư tưởng’ có đăng bài “Đối thoại với Bùi Văn Bồng” . Thưa bạn đọc và Ban Tuyên giáo tỉnh Lâm Đồng, tôi không ‘đối thoại’ từng chi tiết nội dung trong bài này, vì bài viết ký tên chung là ‘Ban Tuyên giáo’, hơn nữa bài báo này đăng đã lâu (6 tháng rồi), tôi xin đăng nguyên văn bài viết này để rộng 'đường dư luận', kính mong bạn đọc với ý thức trung thực, thẳng thắn trong động cơ và xu thế dân chủ, (nhất là phê bình, phản biện chỉ thẳng) cùng tham gia ‘đối thoại’ với Ban Tuyên giáo tỉnh Lâm Đồng …Dưới đây là bài “Đối thoại với Bùi Văn Bồng” của Ban Tuyên giáo tỉnh Lâm Đồng:
Chuyện thứ nhất: Tự do báo chí
Trang Blog http://bongbvt.blogspot.com có bài “Cần đổi mới tư duy về “Tự do báo chí và Nhân quyền” của Bùi Văn Bồng (đăng ngày 3-5-2015 – BVB). Nội dung bài viết xuyên tạc chính sách nhân quyền của Đảng và Nhà nước ta. Bùi Văn Bồng cho rằng “Chúng ta thấy một xu hướng nhân quyền tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng tại Việt Nam. Thật hết sức quan ngại khi nhìn thấy Hà Nội tiếp tục bỏ tù các blogger, đàn áp các cuộc tụ tập ôn hòa, và sách nhiễu các sinh hoạt tôn giáo. Điểm đáng chú ý trong năm qua là ngày càng có nhiều nhà hoạt động bị kết án, càng có nhiều phiên xử hàng loạt, và các bản án nặng nề cũng gia tăng nhằm đàn áp mạnh tay quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân".
Trước hết, phải khẳng định với Bùi Văn Bồng rằng: Báo chí không phải là thứ quyền lực bất khả xâm phạm. Người Việt Nam có câu: Nước có quốc pháp; nhà có gia quy; nền nếp gia đình và trật tự xã hội đều phải được quy định bởi đạo lý và pháp luật. Báo chí là một hoạt động xã hội, nên dù ở đâu, thể chế chính trị nào, phục vụ cho ai cũng đều phải bị ràng buộc bởi pháp luật. Không một đất nước nào trên thế giới này mà báo chí nằm ngoài luật pháp. Không có một đất nước nào trên thế giới này mà không có những quy định ràng buộc đối với hoạt động báo chí. Vậy nên, nếu nói Việt Nam vi phạm quyền tự do báo chí thì đó là một sự võ đoán, không trung thực.
Hãy nghe Tổng Biên tập trang mạng Viethaingoai.net tại Mỹ, ông John Lee, bút danh Amari nói: Đối với báo chí phương Tây, luật pháp của các quốc gia đều có những quy định nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của báo chí. Các chính phủ đều phân biệt những thông tin nào được phép phổ biến và những thông tin nào thuộc loại phổ biến hạn chế hay tuyệt mật với mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia. Các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ cũng ban hành nhiều luật lệ nhằm ngăn ngừa sự vi phạm của người làm báo trong lúc hành nghề. Ông John Lee còn cho hay: Bất chấp tự do tư tưởng, báo chí phương Tây đã bị các chính phủ phương Tây biến thành công cụ để bành trướng, áp đặt quan điểm phương Tây trên quy mô toàn cầu. Nhiều triệu đô-la đã và đang được đổ ra để phát triển một hệ thống báo chí hùng hậu nhằm quấy nhiễu tư tưởng ở tất cả các nước không cùng quan điểm. Diễn biến thế giới gần đây đã phản ánh khá sinh động điều ấy. Bằng cái gọi là “tự do báo chí”, một số cơ quan báo chí phương Tây đã thổi phồng lên các chiêu bài “chống khủng bố”, “săn lùng vũ khí hủy diệt", kiếm cớ “hợp pháp” để can thiệp quân sự một cách thô bạo vào những quốc gia có chủ quyền... Nhiều hãng thông tấn, nhiều tờ báo đưa tin không hợp “khẩu vị” của họ thì bị cấm đưa tin, bị kiểm duyệt. Chính quyền Mỹ đã kiểm soát rất chặt chẽ các báo, đài đưa tin chiến sự, họ chỉ đồng ý cho những hãng thông tấn, báo chí nào tuân theo những “Luật” do họ đặt ra. Những nhà báo đưa tin về sự thật tàn bạo của quân đội Mỹ gây ra đối với dân thường đã bị đe dọa.
Từ những dẫn chứng trên, ông John Lee khẳng định: Làm gì có cái gọi là “tự do báo chí” nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ như một số nước phương Tây vẫn tuyên bố và thúc đẩy... Đó chính là thứ tự do giả dối, lừa gạt dư luận, thủ tiêu vai trò của báo chí chứ đâu phải vì tự do báo chí.
Còn đối với hoạt động báo chí ở Việt Nam, ông John Lee cho rằng Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định rõ quyền tự do báo chí. Mọi hoạt động báo chí đều phải phục vụ sự tiến bộ, công bằng xã hội, vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc của nhân dân. Luật Báo chí chỉ cấm các hoạt động báo chí đi ngược lại lợi ích tối cao của đất nước là độc lập, tự do của dân tộc, thành quả kết tinh từ sự hy sinh của biết bao thế hệ người Việt Nam mới giành được; cấm các hành động tuyên truyền chống lại con người, làm tổn hại đến quốc phòng – an ninh; tuyên truyền chống phá nhà nước. Báo chí Việt Nam có quyền đề cập tất cả các vấn đề mà pháp luật không cấm. Pháp luật chỉ cấm báo chí tuyên truyền kích động bạo lực, kích dục, tuyên truyền cho chiến tranh, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc. Đây là điều cần thiết với tất cả các nước tiến bộ trên thế giới, mong muốn xây dựng một xã hội hòa bình, ổn định, vì hạnh phúc. Báo chí Việt Nam đã tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, phát hiện những việc làm trái với pháp luật, những việc làm đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Báo chí tham gia xây dựng đời sống mới, đấu tranh với những hủ tục, những tệ nạn xã hội.
Rõ ràng, ở Việt Nam, vai trò của báo chí ngày càng được khẳng định trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, nên không thể có cái gọi là “báo chí mất tự do” ở Việt Nam. Đó chỉ là luận điệu của các vị chuyên hành nghề “vu khống” dựa trên một mớ những cái gọi là “bằng chứng” của một số người có tư tưởng xuất phát từ mưu đồ cá nhân, mưu toan quyền lực, với não trạng luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích dân tộc.
Sự đánh giá trên của ông John Lee là đã quá rõ ràng về tự do báo chí ở Việt Nam mà không cần phải bàn luận gì thêm. Có lẽ Bùi Văn Bồng nên bớt chút thời giờ để nghiên cứu, suy ngẫm, nhìn nhận trung thực hơn.
Chuyện thứ hai: Đã làm vì dân thì đâu có việc gì là nhỏ.
Trang Blog http://bongbvt.blogspot.com có bài “Phó Thủ tướng hết việc làm”. Bùi Văn Bồng mượn cớ sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giải quyết việc báo chí thông tin “gà đi lạc” vào nhà Bí thư một xã tại tỉnh Quảng Nam. Bùi Văn Bồng viết: “Gà đi lạc” mà cũng phải đến Phó Thủ tướng can thiệp, chỉ đạo thì quái lạ và buồn cười! Cả Bộ máy công quyền rất cồng kềnh; các cơ quan chuyên môn - chủ quản - chuyên trách - chức năng không thiếu (mà quá thừa), coi như tê liệt hết hay sao? Ông Vũ Văn Ninh ít nhất phải hiểu việc nào đáng làm, cần làm, việc nào giao cho xã, huyện, tỉnh? Có đâu mà “ôm đồm, thích ra oai” vậy? Người ta cứ tưởng như thế là tác phong lãnh đạo "sâu sát, bám sát cơ sở"! Bộ máy công quyền từ đảng đến chính quyền (nhà nước) hưởng lương đến mức “bội chi ngân sách” mà chỉ mỗi cái việc gà qué, dê lợn, chó mèo cũng phải đến…cấp Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ? Rõ là cơ chế lãnh đạo và giao chức trách nhiệm vụ từ trên xuống dưới cứ chồng chéo, nhịt nhằng, lộn nhèo. Thế mà Bộ trưởng Nội vụ, ông Nguyễn Thanh Bình, lại công khai nói là : "Chỉ có 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ" (!?). Đã rất nhiều thực tế, vụ việc, vấn đề cho thấy: Từ Trung ương đến cơ sở vẫn lãnh đạo, chỉ đạo theo cái kiểu “Buông những cái cần phải nắm, nhưng lại nắm quá chặt những cái cần phải buông”.
Thật nực cười cho cái kiểu nói và suy diễn của Bùi Văn Bồng. Xin tóm lược vụ việc này như sau: Ngày 10/10/2013, UBND xã Quế An, Huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam lập phương án xây dựng mô hình trình diễn chăn nuôi gà thả vườn với tổng kinh phí 50 triệu đồng để hỗ trợ cho 6 gia đình theo chương trình phát triển sản xuất (do UBND huyện Quế Sơn phê duyệt). Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, đến tháng 11/ 2014, chính quyền xã Quế An mới tổ chức thực hiện và mua 1.200 con gà giống để cấp phát. Khi triển khai, xã Quế An lại phân chia số gà này cho 24 hộ dân, trong đó có 23 cán bộ xã và một hộ là người thân của cán bộ xã (mỗi người nhận 50 con gà). Sau khi nuôi gà lớn, các cán bộ xã đã làm thịt hoặc xuất bán. Sự việc bị người dân phát giác, báo chí phản ánh và chính quyền tỉnh Quảng Nam báo cáo Thủ tướng. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có công văn hỏa tốc yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra việc báo chí phản ánh liên quan đến chuyện mua gà hỗ trợ cho người nghèo trong chương trình hỗ trợ nông thôn mới không đúng đối tượng, có biện pháp xử lý đối với sai phạm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-3-2015.
Như vậy, chuyện không phải ở chỗ một hay hai con “gà đi lạc” như kiểu nói lập lờ của Bùi Văn Bồng mà là chuyện ăn chặn nguồn kinh phí hỗ trợ phương án nuôi gà cho người nghèo. Chuyện không phải là giá trị về vật chất như kiểu mỉa mai của Bùi Văn Bồng mà cái chính là giá trị về phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ xã Quế An. Trong câu chuyện trên, việc Phó Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra cụ thể và xử lý nghiêm những người ăn chặn của dân đâu phải chỉ vì họ tham nhũng 1.200 con gà, trị giá 50 triệu đồng mà cái chính là vì tính chất nghiêm trọng của câu chuyện về mặt đạo đức, tinh thần. Vậy nên, Bùi Văn Bồng đừng cạn nghĩ mà vội cho rằng tầm cỡ Phó Thủ tướng sao lại làm những việc vụn vặt, thích ôm đồm, ra oai. Nên nhớ một điều rằng, với Đảng này, Nhà nước này hễ bất cứ ai động đến lợi ích chính đáng của dân, đặc biệt là những hộ nghèo thì dù giá trị bị xâm hại đó có nhỏ đến mấy thì Đảng, Nhà nước này cũng phải có trách nhiệm giám sát, chỉ đạo ngành chức năng và các cấp dưới quyền nghiêm trị. Bùi Văn Bồng cũng nên nhớ rằng: Đã làm vì dân thì không có việc nào là nhỏ.
Chuyện thứ ba: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”
Cũng trang Blog trên, Bùi Văn Bồng cho đăng bài “Tại sao Tổng Bí thư nói những điều đã quá tất nhiên?”. Dựa vào những phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Bùi Văn Bồng viết: “Ông nói: “Toàn dân bàn nhân sự”. Hóa ra “dân chủ” đến thế kia đấy! Có không? Toàn dân có được "bàn nhân sự không"? Đảng viên và cả cấp ủy viên còn không được bàn, nói gì đến dân! Mà nếu đảng viên, nhân dân được bàn, có nghe theo không - hay bỏ ngoài tai?! Nhưng thực chất, dân nào được bàn nhân sự? Ai cho bàn? Vì lần này ai thuộc “diện cơ cấu” thì từ Bộ Chính trị đến các cấp ủy đã “chấm” hết rồi. Danh sách đó là một hằng số, là không đổi, bất di bất dịch, như dân ta thường nói: “Bỏ cối không trật”! Ngoài danh sách mà “trên” đã chốt, không ai được quyền đề cử, ứng cử thêm. Trong đảng đã mất dân chủ, thì lấy đâu mà dân được “quyền dân chủ”?
Đúng là “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, cách đây không lâu, những người có cái nhìn giống như Bồng rêu rao rằng công tác nhân sự của Đảng chắp vá, thiếu khoa học thì nay lại nói rằng nhân sự cho BCHTW đã thuộc diện “cơ cấu” và đã “chấm” hết rồi. Xin nhắc lại rằng, tại kỳ họp thứ 11 vừa qua, BCHTW Đảng đã thống nhất như sau: “Việc giới thiệu nhân sự, nói chung, phải trên cơ sở quy hoạch...; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định; phát huy dân chủ, trách nhiệm trong giới thiệu, đánh giá, lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới; chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, "chạy chọt", cục bộ, phe cánh…;
Ở đây, nói rõ với Bùi Văn Bồng rằng:
1- Việc quy hoạch và đặt ra các quy chuẩn nhân sự cho nhiệm kỳ kế tiếp là việc cần thiết phải làm của bất kỳ một đảng phái chính trị nào;
2- Việc làm này được công khai trong đảng và trong dân (có lẽ Bùi Văn Bồng đã nghe câu nói của dân “Toàn dân làm công tác tổ chức nhân sự”);
3- Danh sách quy hoạch không phải là bí mật, bất biến mà thường xuyên được giám sát, loại khỏi danh sách và bổ sung quy hoạch khi cần thiết;
4- Tại Đại hội đại biểu toàn quốc, các đại biểu có quyền được đề cử, ứng cử;
5- Người trúng cử vào BCHTW; Bộ Chính trị; Ban Bí thư phải thông qua bầu cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.
Sơ lược vài điểm nhấn trên để thấy rằng luận điệu trên của Bùi Văn Bồng là quá hồ đồ.
Lời kết
Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các thế lực thù địch thường xuyên viết bài xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây chia rẽ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Chúng bám vào các sự kiện thời sự và những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt rồi dựng chuyện, vu khống, lấy hiện tượng để quy chụp thành bản chất; dùng chữ nghĩa để mỉa mai, xuyên tạc về năng lực và uy lực lãnh đạo của Đảng. Tuy chiêu bài này không mới, nhưng nguy hiểm ở chỗ là chúng thực hiện theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” làm lung lay tư tưởng của cán bộ, đảng viên theo cấp “tăng dần đều”. Vì vậy, Ban Tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở cũng như đội ngũ báo cáo viên các cơ quan, ban ngành đoàn thể và các tổ chức cơ sở đảng, các chi bộ nhỏ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm rõ âm mưu, thủ đoạn và những thông tin sai, lệch của các thế lực thù địch để nâng cao ý thức cảnh giác của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở, bảo vệ thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét