Ngày 8/12/2015, tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, khi nói về việc chuẩn bị nhân sự của đảng CSVN cho những năm tới thông qua Đại hội đảng lần thứ XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã nêu quan điểm về việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo Đảng: “Nguyên tắc cần đeo bám khi chọn cán bộ là phải có đức, có tài, nhưng chữ đức phải là gốc. Phải trung thành tuyệt đối, với dân, với chế độ, với Đảng, giữ cho được chế độ này, Đảng này, giữ cho được hòa bình ổn định để phát triển đất nước".
Rồi để minh họa, ông tiện thể lẩy bốn câu Kiều: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài/ Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Ở đây ông Trọng khẳng định “đức phải là gốc” và giải thích đức là “Phải trung thành tuyệt đối, với dân, với chế độ, với Đảng, giữ cho được chế độ này, Đảng này, giữ cho được hòa bình ổn định để phát triển đất nước”.
Nói hiếu với dân thì còn hiếu được. Hiếu với dân là phải lo đền đáp máu xương nước mắt của nhân dân đã đổ ra mà tìm được đường đi cho đất nước thoát khỏi tụt hậu, khổ nghèo chứ không vì lợi ích Đảng mà ngoan cố khư khư ôm lấy cái thứ chủ nghĩa đã thành tội nợ để làm bùa giữ ghế.
Không hiểu trung thành tuyệt đối với dân nghĩa là gì, chỉ thấy ông Trọng rất cặn kẽ “Phải trung thành tuyệt đối với chế độ, với Đảng, giữ cho được chế độ này, Đảng này”.
Không chỉ trung thành mà tuyệt đối trung thành với chế độ đầy rẫy áp bức, bất công, đầy rẫy tệ nạn xấu xa là bất hiếu với dân…
Tuyệt đối trung thành với một Đảng chuyên quyền, độc đoán, phi dân chủ, luôn đặt mình trên dân tộc, trên đất nước là bất trung với nước.
Hãy nhớ ngày nào Hồ chủ tịch đã dặn dò quân đội/cán bộ phải “Trung với nước, hiếu với dân”.
Trong khi nhấn mạnh “đức phải là gốc” ông Trọng lại phỉ báng chữ Tài: “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chứ tai một vần”. Thực ra, Nguyễn Du than thân trách phận cho nàng Kiều dưới chế độ phong kiến, cuộc đời nàng Kiều băng bật, cơ khổ, bị chà đạp, lưu lạc đây đó suốt 15 năm cùng vì những kẻ lắm tiền và sống chỉ vì tiền (chữ TÀI mà Nguyễn Du dùng trong văn cảnh này là TIỀN, chứ không phải TÀI NĂNG, NĂNG LỰC). Còn ở đây, Tổng Trọng hiểu rằng đó là “tài năng, người tài”. Nếu như ‘ngừoi tài’ thì họ có quyền ‘cậy’ một chút, đâu có sao! Ở đây Nguyễn Phú Trọng muốn lên án cái gì?, Muốn cảnh cáo nhắc nhở ai?
Xem nhẹ chữ Tài, làm lu mờ tiêu chuẩn Tài năng đặt ra khi lựa chọn người lãnh đạo là rất không đúng.
Không đúng với cha ông ta xưa khi lời vàng còn khắc trong bia đá ở Quốc tử giảm Văn Miếu: “Hiền tài (mới) là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.
Hoàng đế Quang Trung cũng đã nói:“Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”.
Không tôn vinh chữ Tài được như cha ông nhưng chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng cảnh giác với cái gọi là “đức làm gốc”: “Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.
Kiểm nghiệm thực tại, ông Võ Viết Thanh, nguyên ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, nguyên chủ tịch UBND TP.HCM, cũng bày tỏ: “Không cần nói nữa về những tiêu chuẩn “tài, tâm, đức” mà đã có hàng vạn, hàng triệu người dân đòi hỏi. Tôi muốn thêm vào một tiêu chuẩn: nên lựa chọn người có dũng khí, quyết đoán để trong lúc cần sự quyết liệt họ sẽ có được quyết định có lợi cho quốc gia, dân tộc. Và không nên chọn những người bảo thủ, giáo điều, nói nhiều làm ít, không dám đột phá. Những cán bộ như vậy không nên bầu, chức quyền của họ càng cao thì tác hại cho dân, cho nước sẽ càng nhiều”.
Có Đức mà không có Tài thì “chức quyền của họ càng cao thì tác hại cho dân, cho nước sẽ càng nhiều” như đang thấy đấy.
Đối với người lành đạo, Tài năng vô cùng quan trọng. Chúa Trịnh Sâm cũng nói “kiên, cương, trung, chính, tài là đức”.
Trước quốc nạn tham nhũng hoành hành nhức nhói, nhiều người cho rằng không tham nhũng là người có đức. Lãnh đạo mà chỉ như thế, không có tài thì cùng lắm họ chỉ giữ được liêm khiết cá nhân, họ không đưa ra được những phương sách chống tham nhũng cho toàn xã hội. Vì bảo thủ, giáo điều họ khư khư ôm lấy những giáo lệnh đã thành quả báo tệ hại: “kinh tế quốc doanh là chủ đạo”, “đất đai là tài sản của toàn dân”. Những giáo lệnh này chính là những buống trứng ruồi nhặng đẻ ra nhung nhúc tham nhũng.
Không có tài, trên bàn cờ chính trị họ luôn thấp cơ để kè thù dấn tới cướp biển, cướp đảo và dụ dỗ ngày càng chui sâu vào ách đô hộ của họ.
Cứu đất nước đang cơn nguy nàn cấp thiết phải tìm được nhân tài. Đừng lấy chữ tâm ra mà tung hỏa mù. Chữ tâm cũng có mặt trái của nó. ‘Tâm’, nhưng mà ‘Tâm’ nào, kiểu gì, hay chỉ tung hô chữ TÂM khi động cơ sống, tác phong, lối sống, cách sống bị suy thoái, tha hóa, tham nhũng, biến chất? Như thế mà nói đến chữ TÂM thì chính là thứ đạo đức giả. Hãy đọc mấy câu thơ của De Musset: “Trái tim của một người thuần khiết là cái lọ sâu đáy/ Khi nước ban đầu dơ bẩn đã rót vào đó/Thì cả biển nước dội qua cũng không rửa được vết ô uế/ Vì cái sâu thì vô hạn và cái vết lại ở tận đáy”. (Le coeur d’un home vierge est un vase profound/ Lorsque la premiere eau qu’on y verse est impure/ La mer y passerait sans laver la souillure/ Car l’abime est immense et la tache est au fond).
Vì chữ Tâm mà ta thấm nhiễm tư tưởng xóa áp bức bất công của Mác-Lê, để sau đó cứ trượt dài theo Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông cướp chinh quyền, làm chuyên chính vô sản, đội bọn bất tài lên đầu. Không biết đến bao giờ có được người Tài giúp ta rửa được thứ “nước ban đầu dơ bẩn” kia.
Đấy mới là vấn đề cốt tử của dân tộc hiện nay. Vả chăng, họ làm gì có đức. Họ chỉ tung hỏa mù để chen cạnh, sát phạt nhau và đánh lừa chúng ta
Xin hãy cảnh giác
Hà Nội ngày đang diễn ra Hội nghị TƯ 13 ĐCSVN
Nguyễn Thanh Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét