Trần Khải
Việt Nam là đất nước có nhiều văn hóa nhất? Đó là theo định nghĩa của nhà nước.
Tại sao các nước khác không đặt vấn đề phong danh hiệu văn hóa cho nhau? Tại sao chỉ tại Việt Nam thôi? Nghĩa là, bạn đi xóm nào, cũng thấy có bảng hiệu “văn hóa”…
Báo Tuổi Trẻ cho biết người Việt được danh hiệu này nhiều tới mệt nghỉ.
Bản tin nói, có “hơn 85% gia đình VN hiện nay là gia đình văn hóa. Song Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đời sống văn hóa còn rất nhiều vấn đề, đạo đức xã hội, nếp sống văn minh còn nhiều chuyện nhức nhối… “
Ông Đam lấy quyền gì chỉ trích dân Việt Nam kém văn hóa? Và nếu đúng thế, có phải ông Đam nói rằng tiêu chuẩn văn hóa VN cấp ra thấp tới mức bi thảm, trong khi cả nước đang tiến lên thiên đường xã hội chủ nghĩa không cần kinh qua chủ nghĩa tư bản?
Bản tin báo TT ghi lời một tổ trưởng tổ dân phố ở TP.SG cho biết tổ dân phố của mình có 100% gia đình văn hóa. Tuy nhiên vị tổ trưởng này cũng công nhận có một vài gia đình không phù hợp nhưng vẫn được xét là gia đình văn hóa bởi các tiêu chí quá chung chung.
Bản tin khác của báo Tuổi Trẻ ngày 3-12-2015 ghi rằng “Gia đình văn hóa càng nhiều, văn hóa… càng xuống cấp?”
Bản tin Tuổi Trẻ viết:
“Năm 2015, cả nước có gần 19 triệu gia đình trong tổng số hơn 22 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa, trong khi đó, tình trạng bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, xuống cấp về đạo đức gia đình, xã hội và các giá trị văn hóa gia đình truyền thống có nguy cơ mai một…
…Bạn Toàn (Gò Vấp) cũng tán thành: “Tất cả chỉ là hình thức và giờ đọc lên nghe “quê” lắm. Gia đình tôi không có danh hiệu “gia đình văn hóa” nhưng là trí thức, trình độ thấp nhất là thạc sĩ, cao nhất là tiến sĩ; luôn chấp hành tốt pháp luật, không tệ nạn hay điều tiếng gì với hàng xóm.
Cách nhà tôi một căn là gia đình đạt chuẩn văn hóa. Chủ hộ học chưa hết cấp hai. Hai vợ chồng có tật xấu là hay trộm cắp vặt trong xóm ai cũng biết và họ hay chửi thề miết.
Bởi vậy nói thật, có xét duyệt danh hiệu gia đình văn hóa cho gia đình tôi thì tôi xin miễn, không dám nhận đâu. Có thực mới vực được đạo. Người ta chỉ cần nhìn vào năng lực, tư cách, đạo đức là đủ hiểu văn hóa hay không rồi”….”(ngưng trích)
Tại sao bỗng dưng cả nước bàn về văn hóa?
Có phải trước 1975 không có gia đình nào mang danh hiệu văn hóa thì phải…
Mây hôm trước, thắc mắc về văn hóa bùng khởi là khi các cánh đồng hoa bỗng dưng bị các thanh niên, thiếu nữ, “sản phẩm cháu ngoan Bác Hồ” nhào ra đồng hoa đê chụp hình, giẫm đạp tưng bừng.
Bản tin VnExpress ghi bản tin “Hoa tam giác mạch gẫy nát vì bị giẫm đạp” nguyên do:
“Nhiều bạn trẻ muốn tạo dáng chụp ảnh với hoa tam giác mạch đã giẫm đạp lên hoa, làm gẫy nát mất đi vẻ tự nhiên của luống hoa, ảnh hưởng đến mùa màng địa phương…
…Ngày 12/11 mới khai mạc lễ hội Hoa tam giác mạch lần đầu tiên ở Hà Giang, nhưng ngay từ cuối tháng 10, du khách đã đến đây rất đông. Rất nhiều luống hoa đã bị giẫm đạp, nhiều diện tích trồng hoa được trồng theo các hình khác nhau để phục vụ lễ hội cũng bị tàn phá dưới bàn chân của con người. Khách du lịch nhảy, giẫm nát, lăn lộn trên những ruộng hoa để tạo dáng chụp ảnh….”
Sao nỡ vùi hoa dập liễu như thế? Các chuyện này nghe như dường chỉ xảy ra ở miền Bắc thôi, và hình như chưa nghe chuyện tương tự ở Sài Gòn? Hay chỉ phần nào ở Sài Gòn thôi?
Bài viết của tác giả Nguyễn Quang Thân, tựa đề “Người Việt đang thể hiện cái văn hóa gì vậy?” đăng ở báo Một Thế Giới đặt vấn đề:
“…Nhưng chúng ta hãy nghiêm chỉnh nhìn lại mình ngày hôm nay. Thứ văn hóa phản văn hóa giẫm lên hoa chỉ giúp chúng ta dễ nhìn bản thân mình, dễ so sánh mình với các dân tộc khác trong gia đình nhân loại mà thôi.
Nam thanh nữ tú của chúng ta, ngay ở Hà Nội hay Sài Gòn đã cư xử như thế nào trong nhà, ngoài đường phố? Hàng ngàn người đã đổ dồn về một đường phố hẹp, chen chúc giẫm đạp nhau để mong nhận một cái bánh sushi miễn phí. Sau hàng chục năm sống trong cảnh bao cấp, thiếu thốn, mãi đến nay người ta vẫn chưa học được thói quen xếp hàng. Người ta chen lấn khắp nơi, thậm chí lúc chỉ có hai ba người. Hình như nỗi ám ảnh “mất phần” vẫn dai dẳng sống trong tâm trí nhiều người, hễ có chút danh lợi là nghĩ ngay đến “cướp”!”…
Cướp? Ai dạy cho dân mình văn hóa cướp như thế?
Có phải chính Đảng CSVN sử dụng chữ “cướp chính quyền” trong mục từ Cách mạng tháng Tám trên Wikipedia tiếng Việt:
“Sau khi Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội và nhiều nơi khác, Thủ tướng Đế quốc Việt Nam Trần Trọng Kim ở Huế nộp đơn xin từ chức…”
Không chỉ đơn giản thế đâu. Hãỹ nhớ xem chuyện mấy lần đổi tiến, mấy đợt đánh tư sản… có phải là cướp hay không?
Và nhiêu nữa… Đó cũng là văn hóa xã hội chủ nghĩa vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét