4 tháng 12, 2015

GIẢM AI ?

Bảo Dân
Thành phố HCM trở thành địa phương đầu tiên công bố lộ trình tinh giảm biên chế trong hệ thông chính trị. Theo lộ trình, trong 5 năm tới , thành phố HCM sẽ giảm gần 14000 người. Điều được coi là mạnh tay nhất ở đây như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy khẳng định dù là tiến sĩ, thạc sĩ hay giám đốc sở cũng là công dân, họ được hưởng đầy đủ các quyền lợi và trách nhiệm của một người công dân. Do đó, dù ở cương vị nào, chức vụ nào nếu không làm được việc cũng có khả năng bị tinh giản như những công chức bình thường khác. Chính sách sẽ không loại trừ bất kỳ ai.
Theo đó, tiêu chí “làm được việc” theo Bộ Nội vụ chính là “hoàn thành nhiệm vụ” là tiêu chí hàng đầu để đánh giá cán bộ khi tinh giảm biên chế.
Tuy nhiên, lâu nay trong công tác cán bộ chúng ta chưa hề có tiêu chí căn cơ để đánh giá con người. Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt và hoàn thành nhiêm vụ vẫn là khái niệm trừu tượng, cảm tinh.
Trong các nghị quyết, văn bản của Đảng đều ghi nhận có “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ mà không định lượng cụ thể là mấy phân trăm. Trong khi đó, Bộ Nội vụ công bố chỉ có 0,46% cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ nghĩa là 1000 người mới có dăm người thuộc diện phải tinh giảm biên chế.
Đợt này, TP HCM mới quy định khá cụ thể hơn đối với cán bộ lãnh đạo cấp sở. Theo đó, người đứng đầu mà 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ cũng bị tinh giản biên chế; không chỉ trưởng, phó phòng mà giám đốc sở, chủ tịch quận, huyện không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng là đối tượng tinh giản. Tuy nhiên, đúng như băn khoăn của Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm vẫn là làm thế nào để tìm cho ra ai là người không làm được việc? Đây mới là vấn đề khó hiện nay.
Ai không làm được việc để bị giảm biên chế. Nếu cứ quan triệt khái niệm “không hoàn thành nhiệm vụ” thì “mèo vẫn hoàn mèo” dù ông giám đốc Sở Nội vụ TP đánh giá đây là quy định công bằng hơn, không rào cản và không phân biệt có chức vụ hay không chức vụ. Các chuyên gia lưu ý khái niệm không hoàn thành nhiệm vụ vẫn mâp mờ lắm. Nhiệm vụ của giám sở nhiều lắm nnen khó đánh giá thế nào là hoàn thành? Xem ra vẫn là cảm tính bởi trong mấy chục sở ban ngành không phải nơi nào cũng có chỉ tiêu kế hoạch bằng số liệu cụ thể như thu thuế, xây nhà,tỷ lệ thi đỗ, khám chữa bệnh…
Thành phố đã có tính toán và lộ trình cụ thể, không làm xáo trộn bởi cứ giảm 2 người sẽ lấy vào 1 người, suy cho cung cũng chỉ giảm 7000 cán bộ viên chức. Song song với tinh giản biên chế, thành phố sẽ phải rà soát lại chức năng nhiệm vụ các cơ quan trong bộ máy để tránh trùng lặp chức trách nhằm gom thành một cơ quan mới.
Trong bối cảnh tiến hành tinh giảm biên chế quyết liệt, việc tuyển dụng mới ở thành phố được tiến hành như thế nào? Có thông tin sở nọ cần tuyển một nhân viên văn thư mà có tới 2 ứng viên là thạc sĩ ghi tên thi tuyển nhưng vẫn trượt . Nhưng nếu thạc sĩ được tuyển làm văn thư liệu có lãng phí chất xám hay không.
Có lẽ TP HCM và các tỉnh thành trong cả nước nên tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của Quảng Ninh. Trong thời gian qua, Quảng Ninh đã thực hiện mô hình hợp nhất chức danh lãnh đạo giữa cơ quan Đảng và Chính quyền ngay từ khu phố. Sau khi hợp nhất, tỉnh đã giảm được hơn 17.000 người, trong đó có hàng nghìn tổ trưởng dân phố, xóm trưởng. Bước đầu thực hiện đề án, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất giảm được khoảng 202 đầu mối trực thuộc cấp huyện, tiết kiệm kinh phí tính đến hết năm 2015 trên 221 tỷ đồng. Cùng với đó, hai lĩnh vực y tế và giáo dục được tinh giản biên chế mạnh nhất, tiết kiệm được gần 11% tổng quỹ lương của toàn tỉnh Quảng Ninh và bằng tổng số thu ngân sách nội địa của 6 huyện.
Hãy mạnh dạn áp dụng kinh nghiệm Quảng Ninh để thiết thực tin giản biên chế!

Không có nhận xét nào:

Trang