Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nói các “sai phạm” lên tới 10 tỷ USD trong 5 năm và lợi ích nhóm ngày càng tinh vi.
Bình luận này được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” vào tối hôm 13/12.
“Trong thời gian qua, đặc biệt là nhiệm kỳ 2011-2015, ngành thanh tra đã cố gắng để chấn chỉnh các hoạt động kinh tế-xã hội, đề xuất cơ chế chính sách cho phù hợp tình hình thực tế nhằm hạn chế tham nhũng, tiêu cực.
“Toàn ngành đã thanh tra trên 40.000 cuộc thanh tra, trên 830.000 cuộc thanh kiểm tra chuyên ngành, phát hiện 212.000 tỷ đồng vi phạm và chuyển cơ quan điều tra,” ông Tranh được báo Thanh Tra dẫn lời.
Bình luận về câu hỏi về hành vi tham nhũng theo nhóm lợi ích, ông Tranh nói về điều ông gọi là “ba biểu hiện”.
“Thứ nhất, khi phát hiện vi phạm thì có một nhóm dù ở những cương vị khác nhau nhưng câu kết chặt chẽ để tạo thành nhóm, tiêu cực và tham nhũng lấy tiền và tài sản của nhà nước.
“Thứ hai, trong điều kiện của một đơn vị, cơ quan cũng có một nhóm người sử dụng tiền và tài sản của nhà nước không đúng mục đích, lấy phúc lợi của cơ quan chia nhau để vụ lợi cho mình.
“Thứ ba, trong hoạt động ngân hàng, trong báo cáo năm 2015, của thanh tra Ngân hàng Nhà nước thì trong hoạt động ngân hàng cũng có biểu hiện lợi ích nhóm, câu kết nhau để làm thất thoát tiền, tài sản của nhà nước.
"Có thể nói rằng, lợi ích nhóm hiện nay thể hiện rất tinh vi, mang lại hậu quả cũng rất lớn,” ông Tranh nói thêm.
Phản hồi trước báo cáo của các cơ quan thanh tra Thành phố HCM và Hà Nội mới đây cho biết “không phát hiện trường hợp nào tham nhũng”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói Thanh tra TP Hà Nội trong 9 tháng năm 2015 đã chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm và Thanh tra TPHCM chuyển 4 vụ việc.
Tuy nhiên ông Tranh mô tả việc “xác định tội danh tham nhũng” theo quy định của pháp luật thì “chỉ khi nào tòa án phán quyết tội danh đó, thì mới gọi là tội danh tham nhũng”.
“Do đó đối với ngành thanh tra chức năng chúng tôi thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chúng tôi chuyển cơ quan điều tra để cơ quan điều tra làm rõ, và chuyển truy tố, cơ quan xét xử,” ông Tranh giải thích thêm.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành một chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Chỉ thị này được ra đời vì điều được mô tả là "Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít; một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm; thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp."
Đã có sự chồng chéo về các cơ quan phòng chống tham nhũng giữa Đảng và Chính phủ và trong nỗ lực chuyển vai trò "đầu tàu" chống tham nhũng từ Thủ tướng Dũng sang Tổng Bí thư Trọng, Ban nội chính Trung ương đã được thành lập.
Có một số "đại án" được khởi tố và mang ra điều tra, đặc biệt trong giai đoạn ông Nguyễn Bá Thanh phụ trách ban này.
Tuy nhiên nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm là giáo sư Carl Thayer trong một cuộc phỏng vấn với BBC nói Việt Nam không thể chống nổi tham nhũng.
Ông Thayer nói sứ mệnh này là bất khả thi "chừng nào không có một cơ quan độc lập và có quyền lực, độc lập về hành pháp, tòa án, công an, độc lập về báo chí tường thuật về những vụ việc tham nhũng.
"Vì những yếu tố đó không tồn tại nên chống tham nhũng có quá nhiều động cơ chính trị," ông Thayer bình luận.
Được biết Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2016 của Thanh tra Chính phủ căn cứ trên các ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thanh tra năm 2016.
“Theo quyết định này, vào năm 2016 Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động của 23 cơ quan đơn vị, tỉnh thành trong cả nước. Cụ thể ở khối tài chính ngân hàng, tập đoàn là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán TP Hà Nội và TP.HCM, Tập đoàn Dệt may, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam,” truyền thông trong nước đưa tin.
"Ba bộ sẽ được thanh tra vào năm 2016 là Bộ Xây dựng, Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra về việc thực hiện chức trách nhiệm vụ liên quan được giao trong lĩnh vực của mình.
"Cũng theo quyết định này, 11 tỉnh, thành sẽ thanh tra vào năm 2016 là Lào Cai, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Kon Tum, Quảng Trị, Hậu Giang, Tây Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu với nội dung thanh tra tập tra tập trung vào quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, xây dựng cơ bản, khai thác khoáng sản, mua sắm tài sản công, công tác tiếp dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng,"
Báo Thanh Tra đưa tin. (BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét