18 tháng 12, 2015

Bao giờ ra khỏi ‘bờ mê bến lú’ ?

THỂ CHẾ KINH TẾ VIỆT NAM ĐƯỢC ĐỔI MỚI THEO 'HAI HỆ THỐNG THỊ TRƯỜNG' ?
* NGUYỄN THÁI NGUYÊN
Về hệ thống “thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” thì từ lâu đã tồn tại và hoạt động như trong các văn kiện của đảng CSVN, trong các khẩu hiệu, khẩu ngữ và chỉ thị của các vị lãnh đạo kể cả Trung ương lẫn địa phương mà bất cứ đâu ta cũng gặp, bất cứ cán bộ đảng viên nào cũng phải quán triệt sâu sắc.
Trên thực tế thì nền kinh tế Việt Nam không phải “không chịu phát triển” mà hầu hết các nguồn lực của đất nước đã và đang bị trói chặt trong cái khuôn xã hội chủ nghĩa do kinh tế nhà nước làm nền tảng. Ở đó, mọi ưu ái được dành cho kinh tế quốc doanh đến mức có rất ít doanh nghiệp ngoài quốc doanh của Việt Nam có thể cạnh tranh được, nhưng không chỉ có năng suất lao động thấp, chất lượng và hiệu quả kém mà đây còn là mảnh đất mầu mỡ phát triển một cách tràn lan tệ tham ô tham nhũng với quy mô chưa từng có trong lịch sử đất nước và cũng là chủ thể sản sinh ra núi nợ công, nợ xấu cao ngất ngưởng mà không một nhà nghiên cứu, phân tích nào có thể đo đếm chính xác được. Con số chính thức thì nói rằng 70% nợ xấu trong số hơn 200 ngàn tỷ thuộc khối doanh nghiệp nhà nước; Hệ số ICOR của khu vực quốc doanh cao gấp 3 lần khu vực ngoài quốc doanh và năng suất lao động chỉ bằng 1/8 của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh... nhưng khó có thể khẳng định đây là con số chính xác, mà theo tôi, khả năng trên thực tế còn tệ hơn. Hệ thống này đang được “hoàn thiện” và tiếp tục khẳng định trong dự thảo Báo cáo chính trị chuẩn bị trình Đại hội XII của ĐCSVN đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thiết nghĩ không cần trình bày thêm ở đây.
Nhưng có điều hơi khác thường hay nói kỳ cục cũng không có gì quá lời, là chính các vị lãnh đạo đảng và nhà nước, hễ đi thăm bất cứ nước tư bản chủ nghĩa nào, trong hội đàm chính thức không bao giờ quên công khai “xin” lãnh đạo mấy nước ấy “công nhận Việt Nam là nước đã có nền kinh tế thị trường”. Không hề thấy có vị nào trong BCT xin họ “công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như các văn kiện của đảng và như... chính các vị ấy luôn luôn thuyết giảng ở các diễn đàn trong nước?
Tôi thường băn khoăn tự hỏi vì sao các vị lãnh đạo Việt Nam mình bây giờ nói và làm một đằng rồi lại đi xin thế giới “xác nhận” cho một nẻo như thế nhỉ? Và như vậy thì các vị lãnh đạo thường hô hào cải cách thể chế kinh tế là cải cách theo thể chế nào? Cải cách thật hay là giả? Đang trăn trở bởi những điều “khó nghĩ” như thế thì ngẫu nhiên gặp ông bạn vong niên vẫn thường có “lắm ý kiến” về những điều không giống ai như thế này. Rất ngạc nhiên, ông bạn già liền bảo: cậu thật vớ vẩn, thằng Lộc nó đã chứng minh như đinh đóng cột rằng Việt Nam theo tư tưởng Bác Hồ đã thực hiện kinh tế thị trường từ 90 năm trước rồi, bây giờ cậu còn trăn trở cái nỗi gì? Tôi hỏi “thằng Lộc nào, anh nói đùa hay nói thật đây?” Ông bảo thằng tiến sĩ Vũ Tiến Lộc đấy. Hôm sau ông chuyển cho tôi nội dung bài viết trên báo Infonet từ hôm 25/8/2015 ghi lời ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam. Té ra người mà ông bạn tôi nhắc đến là ông Vũ Tiến Lộc thật. Xin lỗi, xin đừng vội kết luận văn hóa giao tiếp của người Việt (Kinh) bây giờ xuống cấp quá vì họ thường gọi lãnh đạo bằng thằng nọ thằng kia quen rồi. Có lẽ có mức nào đó do “hấp thu” nền văn hóa các dân tộc ít người theo cách gọi thân mật của họ trong vài chục năm liền thành quen chứ không gọi bằng danh xưng ông có họ tên đầy đủ như xưa nữa nên ông Vũ Tiến Lộc cũng không có gì phải phiền lòng!
Chỉ có điều đọc những thông tin này tôi thấy lạ, không thể “yên chí lớn” như ông bạn của tôi nói được vì 90 năm trước, tức là lúc HCM thành lập Việt Nam Cách mệnh đồng chí hội (1925), đến Đảng CSVN cũng chưa có huống là nhà nước, vậy Bác Hồ chỉ đạo ai phát triển kinh tế thị trường mà ông Lộc lại khẳng định trước các doanh nhân: “Năm 1925, lúc thành lập Thanh niên cách mạng đồng chí hội, trong Điều lệ của tổ chức tiền thân của đảng này, nền kinh tế Việt Nam tương lai mà Bác Hồ định hướng là nền kinh tế thực hiện theo chính sách Kinh tế mới của Lê-nin, đó là nền kinh tế nhiều thành phần. Mà nền kinh tế nhiều thành phần có nghĩa là nền kinh tế thị trường”!? (Đã nói như thế này thì có lẽ ông Lộc phải nói thêm tư tưởng của Bác Hồ về Internet vào đây vì từ những năm 1925 mà Bác Hồ đã vận dụng ngay được tư tưởng Chính sách kinh tế mới (NEP) của Lê-nin?).
Danh chính ngôn thuận thì NEP kéo dài từ năm 1921-1929, nhưng thật ra, năm 1924, sau khi Lê-nin chết thì NEP cũng chết theo luôn. Những người ủng hộ NEP như Nicolai Ivanovich Bukharin cùng nhiều người khác bị Stalin đánh dẹp. Kể cả người thường đưa ra lý thuyết “Cánh kéo” để phản đối NEP của Lê-nin là Trotsky cũng phải chạy thoát thân ra nước ngoài cư trú). Và với hứng khởi như một nhà lý luận của đảng CSVN về Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chuyên nghiệp, ông Lộc còn cao hứng hơn:“Khi nghiên cứu về vấn đề này (kinh tế tế thị trường – NTNg), tôi đã rất bất ngờ và nói với các chuyên gia Mỹ: Các vị thử xem, lý thuyết kinh tế thị trường các vị đang làm hiện nay có khác gì với tư tưởng Hồ Chí Minh hay không? Chả khác gì cả. Tư tưởng kinh tế của Bác Hồ là tư tưởng hàng đầu của nền kinh tế thị trường hiện đại, không hề thua kém kinh tế thị trường của Harvard hay các trường Đại học nào khác”(!?). Hết biết mấy ông Mỹ nào đó có hiểu ông Lộc đã nói gì với họ hay không, nhưng VCCI rất đáng mở trường đào tạo để sinh viên và quan chức Việt Nam khỏi phải sang tận Harvard đi học rất tốn kém! Nếu làm được thế thì biết đâu, 300 ngàn sinh viên của Trung Quốc đang học ở Harvard cũng kéo nhau về Việt nam học luôn!
Người xưa đã nhắc nhở những người ít nhiều có chữ như chúng ta rằng: “Tận tín thư bất như vô thư”, đắm đuối với sách vở đến mức mê muội, nô lệ theo sách không biết gì ngoài sách thì thà vô học (đừng đọc sách) còn hơn!
Thật ra thì không chỉ riêng ông Lộc mà nói chung, số đông các nhà lý luận, các quan chức của ĐCSVN đều có cách “mượn Bác Hồ” như thế này để nhằm tới một mục đích nào đó của riêng mình. Họ có lý ở chỗ cho rằng tất tật cơ chế vận hành của cái gọi là thị trường từ ngày lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (không xa đến mức như ông Lộc nói), qua CCRĐ, Cải tạo Nông nghiệp và Công thương nghiệp, Cải tạo XHCN, Kế hoạch hóa nền kinh tế, áp dụng chế độ tem phiếu và giá cả do nhà nước định v.v.. cho đến ngày hôm nay đều là nền kinh tế thị trường đúng theo tư tưởng Bác Hồ và Chủ nghĩa Mác-Lênin, đúng theo đường lối của đảng. Cũng có thể hiểu đó là nền kinh tế mà giai đoạn nào cũng đều theo đúng định hướng XHCN, bởi vì chỉ có duy nhất đảng CSVN lãnh đạo và nhà nước XHCN điều hành mà không theo định hướng XHCN thì theo định hướng nào? Văn kiện chuẩn bị đưa ra Đại hội XII của đảng CSVN sắp tới tiếp tục khẳng định tính chất của nền kinh tế thị trường là như vậy mà thôi dù ngôn từ có có “lách” theo cách nào thì cũng vậy.
Vậy còn “nền kinh tế thị trường đầy đủ” mà lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị EU công nhận là nền kinh tế gì? Về nội hàm của nền kinh tế thị trường theo đinh hướng XHCN mới nhất thì Thủ tướng đã có giải trình trước Quốc hội trong phiên họp vừa qua. Tất nhiên Thủ tướng cũng đã khẳng định “theo chỉ đạo của Bộ Chính trị” và dĩ nhiên nội dung về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chủ yếu được trích từ trong dự thảo Báo cáo chính trị đã nói ở trên. Nhưng “nền kinh tế thị trường đầy đủ” mang những nội dung gì? Có đồng nhất với định hướng XHCN hay khác? Vì sao không ghi luôn vào Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII rằng Việt Nam sẽ quyết tâm đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ mà lại chia tách ra làm hai loại thị trường? Hoặc là đảng CSVN đang quyết tâm giữ vững đường lối phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN còn nhân dân thì cố gắng phát huy chút sức lực nhỏ nhoi của mình cùng với “mức thu nhập trung bình thấp”, chỉ có một ít tiền tích cóp được không đáng gọi là vốn đầu tư để phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ? Vì lẽ này mà chúng ta không “ngày càng tụt hậu xa hơn” thì mới là chuyện lạ.
Cần chú ý rằng, trước đây ta thường đổ tại chiến tranh nên phải áp dụng cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Những năm tháng đó thì lập luận này nhân dân có thể chấp nhận được dù rằng lịch sử không chỉ có một lối đi duy nhất. Nhưng nay, chiến tranh lùi xa đã 40 rồi, lãnh đạo đảng và nhà nước đều biết thực trạng mà đất nước VN đã và đang đi, đang đứng ở đâu trong khu vực và thế giới mà vẫn tiếp tục đẩy đất nước vào con đường “tụt hậu xa hơn”, tham ô tham nhũng, một bộ phận lớn quan tham vơ vét tiền bạc tài sản của dân trầm trọng hơn là cớ làm sao? Hai mươi năm trước, đảng CSVN chủ trương đẩy mạnh “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, hai mươi năm sau nhìn lại, chủ trương, đường lối này của đảng đã hoàn toàn thất bại mà đảng không tự rút ra bài học để kiên quyết từ bỏ con đường cũ, tìm lối đi mới có hiệu quả hơn chẳng phải là đảng CSVN đã quá bảo thủ đến mức không còn đóng được vai trò là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc? Nhìn lại lịch sử nhân loại, để thực hiện công nghiệp hóa đất nước mình, nước Anh phải mất 200 năm, nước Mỹ phải mất 100 năm, nước Nhật mất 50 năm còn các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, thậm chí cả Trung Quốc chỉ mất 20-25 năm. Nước ta đã mất 20 năm với bao nhiêu tiền bạc nợ nần mà “không làm nổi cái đinh vít” thì Việt Nam còn “đi tiếp” trên con đường cũ đến bao giờ?
Trên thực tế, Đảng và Nhà nước vẫn tiếp tục dồn một nguồn lực rất lớn của đất nước hoặc do dân đóng thuế, hoặc bán tài nguyên hay vay mượn nước ngoài (cũng là của dân) vào khu vực kinh tế quốc doanh nhằm phát triển thứ “nền tảng” theo định hướng XHCN và đây đó đang có những ý kiến tỏ ra “lo ngại” thậm chí phê phán chính sách cổ phần hóa của Chính phủ là quá mức, là tư nhân hóa hay một cách diễn đạt nào đó như là chệch khỏi định hướng XHCN! Cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê đã là chuyện của “muôn năm cũ” cũng do đảng CSVN đề ra nhiều năm trước chứ không phải do lực lượng đối lập nào khác đề xuất ra. Vậy mà đến khi cổ phần hóa hay bán doanh nghiệp quốc doanh nào đó thì lại “sợ”? Vấn đề rất nan giải chỉ là ở chỗ: để như nguyên trạng thì lãng phí và tốn không ít tiền bạc của dân một cách vô tích sự. Nhưng hễ đem cổ phần hóa, đem bán hay cho thuê thì lập tức những kẻ có chức có quyền trong đảng CSVN và trong các cơ quan công quyền sẽ chiếm đoạt phần vốn còn lại và quỹ đất rất quý giá một cách trắng trợn bằng rất nhiều hình thức để làm giàu cho mình và gia tộc mình. Sự hư hỏng của một bộ phận rất lớn cán bộ đảng viên của nước ta đã đến mức như thế rồi đấy. Nhưng tôi thiển nghĩ, đảng viên của đảng cũng không phải hư hỏng tất cả và đất nước Việt Nam này không thiếu nhân tài, vậy không có lý do gì để nói rằng đất nước ta không thể có những giải pháp mạnh, công khai minh bạch để đổi mới và đi nhanh theo hướng văn minh hiện đại được.
Chúng ta đang có hàng vạn doanh nghiệp nhà nước, kể cả các trạm, trại, trung tâm... được giao chức năng sản xuất kinh doanh hay nghiên cứu, thực nghiệm, thử nghiệm những thứ gì đó thuộc hệ thống sự nghiệp mà thực tế, không làm được việc gì đáng kể ngoài tình trạng sống lay lắt bằng đồng tiền cấp phát rất hạn hẹp của ngân sách với một số “biên chế” rất đông cả của Bộ, của tỉnh và của huyện, thị mà bỏ thì sợ sai đường lối, ôm thì quá khổ nạn cho cả công nhân viên chức và cho cả ngân sách của Trung ương và địa phương. Họ đang tồn tại trong thị trường gì và có đáng giải thoát họ khỏi cái khung định hướng khốn khổ ấy không? Đã có lần Thủ tướng nêu lại khái niệm “Nhà nước kiến tạo” rất đúng đắn, nhưng trên thực tế, càng đổi mới theo những khuôn phép của định hướng XHCN càng không thể nào làm cho nhà nước mạnh hơn trong vai trò quản trị quốc gia, vai trò giám sát, điều tiết... mà dần dần nhà nước trở thành một “cổ đông góp vốn”. Một cách quản trị mà ông Raymond Burghard, cựu Đại sứ Mỹ ở Việt Nam gọi tên khá chính xác là “Quản trị mang tính chính trị”! Còn các tỉnh và thành phố đối với lĩnh vực thu chi ngân sách và đầu tư đã có dáng dấp như một “tiểu Bang”, không nhất thiết phải chấp hành các quyết định thu và chi ngân sách của Thủ tướng và của Chính phủ. Chính vì thế mà trong tình cảnh rất khó khăn bố trí nguồn vốn cho đầu tư phát triển và trả nợ thì một số tỉnh và thành phố vẫn ung dung ra những quyết định “đầu tư” cho các công trình tượng đài, các khu di tích văn hóa lịch sử, các trụ sở làm việc của cả đảng, chính quyền và đoàn thể quần chùng hàng ngàn, thậm chí nhiều chục ngàn tỷ đồng, điều mà chưa từng có trong những nhiệm kỳ trước đây và vân.vân..
Vận nước đang chuyển dần từ ‘thời Bĩ’ sang ‘thời Thái’. Ước gì Trời Phật độ cho các Đại biểu đi dự Đại hội đảng XII này có được bản lĩnh quyết tâm đổi mới và trí tuệ sáng suốt để góp phần làm cho Đại hội có những quyết sách mới nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi bờ mê bến lú như những năm qua.

Không có nhận xét nào:

Trang