“Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ,
nhưng chúng ta có thể sắp xếp lại tương lai”
(Dalai Lama)
* NGUYỄN QUANG DY
Cách đây hơn một thế kỷ, các bậc tiền nhân (như cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh) đã khởi xướng phong trào Đông Du để học tập người Nhật, nhằm khai trí và canh tân, định dựa vào Nhật để kháng Pháp giành độc lập. Nhưng tại sao phong trào này không thành công? Tại sao người Nhật làm được mà người Việt không làm được? Đến tận bây giờ (hơn một thế kỷ sau) người Việt vẫn loay hoay “định nghĩa lại trí thức”, vẫn loay hoay với một đất nước “không chịu phát triển”.Tôi trộm nghĩ dân trí và canh tân (hay trí thức và phát triển) là những cặp phạm trù có quan hệ mật thiết với nhau và tỉ lệ thuận với nhau. Thiếu cái này thì không thể có cái kia. Cái này yếu thì cái kia cũng kém. Hãy thử lý giải vài nguyên nhân chính.
Thứ nhất: Ảnh hưởng quá nhiều bởi văn hóa hủ nho
Cách đây một thế kỷ rưỡi, người Nhật đã làm được một cuộc cách mạng “văn hóa tư tưởng” vĩ đại là “Thoát Á” (Fukuzawa Yukichi, 1835-1901). Họ học hỏi Phương Tây để ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao dân trí bằng “duy tân”, để thoát khỏi những ảnh hưởng lạc hậu của Nho giáo trong nhiều thế kỷ. Vì vậy, họ đã biến được nước Nhật lạc hậu thành một quốc gia hiện đại, chấn hưng được đất nước (Meiji Restoration).
Nhưng tại sao người Nhật làm được, mà người Việt không làm được? Nước Nhật có Fukuzawa Yukichi, thì nước Việt cũng có Bùi Viện và Nguyễn Trường Tộ… Chúng ta thường tự hào về một nước Đại Việt, “nhân tài như lá mùa thu” và “rừng vàng biển bạc” (chắc Nhật không bằng). Đáng lẽ Việt Nam phải bằng hay hơn Nhật chứ?
Vậy tại bước ngoặt lịch sử đó, những yếu tố gì đã quyết định vận mệnh khác nhau của các quốc gia Châu Á này? Thứ nhất, nếu đọc kỹ thì tư tưởng của Fukuzawa Yukichi rất rõ ràng và triệt để, không nửa vời, không bị chấp vào Nho giáo như các trí thức (hủ nho) người Việt. Thứ hai, năng lực truyền thông và quản trị của họ giỏi hơn, tính cộng đồng của họ cao hơn. Thứ ba, Fukuzawa Yukichi không đơn độc như ông Bùi Viện và Nguyễn Trường Tộ, vì có nhiều trí thức, thương nhân, và “một bộ phận không nhỏ” samurai tham gia.
Trong khi người Nhật “Thoát Á”, học hỏi Phương Tây để hiện đại hóa đất nước, thì người Việt lại bài ngoại và đắm chìm trong Nho giáo cổ hủ. Vua quan và trí thức tối ngày uống rượu ngâm thơ, tầm chương trích cú, không lo chấn hưng kinh tế và quốc phòng. Những gì vua Gia Long làm được để thống nhất và chấn hưng đất nước (bằng cách hợp tác với Tây phương) thì các đời vua sau đã làm ngược lại. Vì vậy, khi Pháp đem quân đến xâm chiếm thì nước An Nam hủ nho và yếu kém không chống lại nổi, đành từng bước đầu hàng, trở thành thuộc địa. Bài học này đáng suy nghĩ, khi nguy cơ “Bắc Thuộc” đang hiện hữu. Trong khi trẻ con suốt ngày chơi game như nghiện xì ke, thì người lớn (cả trí thức và quan chức) cũng tối ngày nhậu nhẹt xả láng, sa đà vào những trò tiêu khiển xa hoa, hoặc tranh cãi về những vấn đề viển vông, chẳng khác gì thời trước các cụ uống rượu ngâm thơ. “Hủ nho” là một thói quen.
Quang Trung là một ông vua tài giỏi, có đầu óc canh tân, nên đã thu phục được nhân tài (như Ngô Thì Nhậm), xây dựng được một đội quân thiện chiến (ứng dụng chiến lược, chiến thuật mới), nên đã dẹp được thế lực chúa Trịnh và Nguyễn, thắng được quân Xiêm và quân Thanh, thống nhất được đất nước. Nhưng đáng tiếc là ông ấy chết sớm, hệ thống quản trị đất nước lạc hậu, các con yếu kém tranh giành quyền lực, nên đã thất bại.
Gia Long cũng là một ông vua tài giỏi, có đầu óc canh tân, biết tranh thủ nguồn lực của Tây phương, nên đã đánh bại được nhà Tây Sơn, thống nhất được đất nước. Nhưng hệ thống quản trị đất nước cũng lạc hậu, các đời vua sau không chịu duy tân để “Thoát Á”, mà còn xua đuổi người Phương Tây, kể cả cha Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes, 1591-1660) là người đã sáng chế ra chữ quốc ngữ. Về tư tưởng, Bộ luật Gia Long là một bước thụt lùi so với bộ luật Hồng Đức, vì dựa vào Nho giáo quá nhiều, không hiểu là thời thế đã thay đổi.
Theo các nhà nghiên cứu, Nho giáo từ sau thế kỷ XV có nhiều “khuyết tật trong cấu trúc” (theo Alexander Woodside). Đó là một thực tế mà quan lại và trí thức Việt thời đó không hiểu, vẫn nhắm mắt đi theo. Người Việt chịu ảnh hưởng quá nhiều của Nho giáo (hủ nho), từ thượng tầng chính trị đến hạng tầng xã hội. Ngay cả những người cộng sản thế hệ đầu cũng xuất thân từ nhà nho (như cụ Hồ, ông Trường Chinh, và nhiều người khác). Cụ Hồ cho rằng chủ nghĩa Đại đồng của Khổng Nho rất gần với chủ nghĩa Cộng sản. Trong di chúc, cụ Hồ còn trích dẫn một câu của ông Đỗ Phủ đời Đường, “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”…
Thứ hai: Ảnh hưởng quá lớn bởi tư tưởng cực đoan và quá khích
Năm 1945, Việt Nam giành được độc lập và những người cộng sản đã “cướp” được chính quyền. Câu hỏi đang gây tranh cãi là những người cộng sản lúc đó tài giỏi hay họ gặp may, vì “khoảng trống quyền lực” sau khi Pháp bị Nhật đảo chính phải bỏ chạy (3/1945) đến lúc Nhật đầu hàng (8/1945). Khi bối cảnh lịch sử tạo ra khoảng trống quyền lực (trong mấy tháng), thì những người cộng sản đã nhạy bén, tranh thủ thời cơ “cướp” chính quyền một cách dễ dàng (từ tay Bảo Đại và Trần Trọng Kim). Không phải vì những người cộng sản mạnh giỏi, mà vì những người không cộng sản lúc đó yếu kém (vì bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi Nho giáo).
Nói cách khác, những người cộng sản vô thần, nên họ thực dụng hơn, cực đoan hơn, bạo lực hơn, nên họ đã thắng. Nhưng vấn đề là họ sẽ dẫn đất nước đi đến đâu. Tại Liên Xô và Đông Âu, chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ cùng bức tường Berlin. Tại Châu Á (như Trung Quốc, ViệtNam) chủ nghĩa cộng sản chỉ tồn tại như một cái vỏ (tư tưởng) với một cái ruột (kinh tế tư bản). Cuba đang thay đổi. Bắc Triều Tiên là một ngoại lệ. Nhưng điều gì làm cho những người cộng sản Trung Quốc và Việt Nam vẫn cố thủ, không chịu đổi mới chính trị? Chỉ có thể lý giải rằng họ chịu ảnh hưởng quá nhiều và quá lâu bởi hai luồng tư tưởng độc hại. Thứ nhất là tư tưởng Nho giáo (hủ nho), và thứ hai là Mao giáo (cực đoan và bạo lực). Hệ lụy về ý thức hệ này giống như hội chứng nhiễm độc lâu ngày, đã ăn sâu vào tiềm thức, thậm chí có thể di truyền.
Vào những bước ngoặt lịch sử của cách mạng ở Pháp, Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba… xu hướng cực đoan và bạo lực có sức hấp dẫn đối với quần chúng, nên cách mạng dễ thành công. Không phải ngẫu nhiên mà những nhà cách mạng có xu hướng cực đoan và bạo liệt ở Pháp như Louis Saint-Just (1767-1794) và Jean-Paul Marat (1743-1793) hay ở Cuba như Che Guevara (1928-1967) đã trở thành những huyền thoại, hấp dẫn nhiều thế hệ cách mạng khuynh tả tại các nước thuộc thế giới thứ ba, nơi dân trí còn lạc hậu. Nó lý giải tại sao một số nhà cách mạng Châu Á thế hệ đầu của một số nước Phương Đông (như Hồ Chí Minh, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan) lại thích Paris hay Moscow, và chịu nhiều ảnh hưởng bởi trào lưu cánh tả của Pháp và Nga. Nó lại được nhân lên và nhiễm độc bởi chủ nghĩa Mao. Đến cả Miến Điện (Myanmar) cũng bị lây nhiễm. Hệ quả thế nào thì đã rõ.
Năm 1954, những người cộng sản Việt Nam (Việt Minh) đã đánh thắng quân viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ, làm chấn động dư luận. Năm 1975, những người cộng sản Việt Nam(Việt Cộng) lại một lần nữa đánh thắng quân Mỹ và VNCH tại Miền Nam, làm cả thế giới bị sốc. Sự kiện Sài Gòn thất thủ (30/4/1975) với những hình ảnh tượng trưng được giải Pulitzer là nỗi ám ảnh của Chiến tranh Việt Nam. Nghịch lý của cuộc chiến tranh đẫm máu đó đã để lại những bài học đau đớn cho cả Mỹ và Việt Nam, mà nhiều cuốn sách và bộ phim tài liệu đã đề cập đến (nhưng vẫn chưa đủ). Hãng phim tài liệu Florentine Films đang làm một bộ phim mới nhiều tập về Chiến tranh Việt Nam, sẽ phát trên kênh PBS năm 2016 (The History and Meaning of the Vietnam War, by Ken Burns & Lynn Novick).
Một lý do đơn giản mà Việt Minh hay Việt Cộng đã thắng là họ cực đoan và bạo liệt, sẵn sàng “đánh đến người Việt cuối cùng”, không phải chỉ với vũ khí của Trung Quốc và Liên Xô, mà còn với những vũ khí bí ẩn khác như “đường mòn Hồ Chí Minh” và “địa đạo Củ Chi”. Chiến tranh du kích (kèm theo cả khủng bố) là một học thuyết còn nhiều tranh cãi, nhưng nó đã làm cho người Mỹ và Nga phải điên đầu tại Việt Nam, Afghanistan và Iraq.
Nhưng điều trớ trêu là những cuộc chiến đẫm máu đó có thể là không cần thiết và là sản phẩm của sự nhầm lẫn về tư duy và tầm nhìn, của những người tài giỏi nhưng cuồng tín. Lập luận rằng “chiến tranh không thể tránh khỏi” thường chỉ để biện hộ cho sự cuồng tín và nhầm lẫn. Năm 1995, Robert McNamara đã chính thức thừa nhận sai lầm trong cuốn sách của mình. Nếu những người cầm quyền không cực đoan và cuồng tín, thì thế giới này sẽ bớt đi nhiều mất mát và đau khổ. Nhưng đáng tiếc, Mỹ đã đổ bộ vào Đà Nẵng (1965) để rồi tháo chạy khỏi Sài Gòn (1975), và 40 năm sau (2015) lại quay trở lại Việt Nam ("Back to the Future"), khi Mỹ xoay trục sang Châu Á để ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy “không hòa bình”. Lịch sử đang lặp lại.
Thứ ba: Cái giá qúa đắt của chiến tranh và bạo lực
Cách mạng bạo lực và chiến tranh liên miên làm người Việt được tôi luyện để giỏi chịu đựng và tồn tại (bằng mưu mẹo), nhưng đã để lại những hệ quả khôn lường, rất khó đổi mới tư duy để phát triển (bằng tri thức). Hay nói cách khác, kinh nghiệm và năng lực để tồn tại trong chiến tranh không thể thay thế kinh nghiệm và năng lực để phát triển trong hòa bình. Khi giải phóng Sài Gòn, thành phố may mắn còn nguyên vẹn. Nhưng các chiến sĩ giải phóng trẻ đã phá hoại rất nhiều. Ủy ban Quân quản cũng không thể quản nổi. Không trách được họ vì đó là bản chất chiến tranh, và họ chỉ là những người nông dân cầm súng. Chẳng ai dạy họ phải hành xử như thế nào (như hai phe Nam, Bắc sau nội chiến Mỹ).
Nhưng điều đáng nói là chỉ vài năm sau chiến tranh, tổng kho Long Bình và nhiều kho tàng khác tại Miền Nam đã trống rỗng, tài sản trị giá hàng tỷ USD đã bị tẩu tán như đồng nát. Những sỹ quan thiện chiến có thể là những người quản trị rất tồi. Đơn giản vì họ chỉ được đào tạo để bắn giết và phá hủy, chứ không được đào tạo để quản trị kinh doanh. Đơn giản vì Quân đội Nhân dân Việt Nam không phải là Quân đội Israel chuyên nghiệp (vừa giỏi chiến tranh, vừa giỏi quản trị). Chiến tranh nhân dân chỉ cần những người giỏi chịu đựng, liều lĩnh và cuồng tín, sẵn sàng hy sinh và nhắm mắt tuân lệnh, không cần tư duy. Vì vậy, hệ quả chiến tranh cũng khủng khiếp không kém chiến tranh. Kiêu hãnh và ngộ nhận về chiến thắng đã làm nhiều người mất trí, phải trả giá quá đắt trong vãn hổi hòa bình và tái thiết đất nước thời hậu chiến. Không những thế, quan hệ bạn thù truyền thống đã bị đảo lộn, vượt khỏi tầm kiểm soát, đã dẫn đến một cuộc chiến tranh mới, làm đất nước vốn đã bị hủy diệt bởi chiến tranh Việt Nam, nay lại tiếp tục bị chảy máu đến kiệt sức bởi một cuộc xung đột mới (Third Indochina War) giữa “anh em bạn thù” ("Brother Enemies"). Thuật ngữ này (của Nayan Chanda) miêu tả rất đúng bản chất quan hệ Việt-Trung, trước kia thân thiết “như môi với răng”, rồi đột nhiên trở thành “kẻ thù nguy hiểm nhất” (1979), đánh nhau chí chết rồi lại bá vai bá cổ nhau như đồng chí “bốn tốt”, gắn bó bằng “16 chữ vàng” (1990). Đó là hệ lụy của tư tưởng Mao giáo.
Trong khi đó, những người dân vô tội đã trở thành nạn nhân, không phải chỉ của kẻ thù xâm lược từ bên ngoài, mà của cả sự cuồng tín và ấu trĩ từ bên trong. Trong binh pháp người ta tối kỵ thế lưỡng nan bị kẹp giữa hai kẻ thù lớn. Đó là khi kẻ thù cũ (Mỹ) và kẻ thù mới (Trung Quốc) bắt tay với nhau, xô đẩy Việt Nam vào vòng tay Liên Xô (một ông bạn khổng lồ nhưng chân bằng đất sét, đang trên đà sụp đổ). Kết cục là Việt Nam đã rơi vào cái bẫy nguy hiểm của Trung Quốc. Cái gọi là “Chiến tranh Đông Dương lần Thứ ba” là một thảm họa về địa chính trị và tầm nhìn chiến lược. Thất bại về bình thường hóa với Mỹ (1978) đã dẫn đến chiến tranh với Trung Quốc (1979). Đó là cái giá phải trả cho chiến thắng quân sự, cho thái độ kiêu ngạo và cố chấp đối với kẻ thù cũ (Mỹ), cho thái độ quá khích và ấu trĩ đối với kẻ thù mới (Trung Quốc). Đó là một sai lầm chết người, vì đã bỏ lỡ thời cơ chiến lược, phải mất gần bốn thập kỷ sau mới có thể lặp lại. Liệu người Việt Nam có bỏ lỡ cơ hội cuối cùng này không?
Không phải những người cộng sản cực đoan và cuồng tín chỉ sai lầm về đối ngoại, mà còn sai lầm về đối nội. Chỉ trong mấy năm hậu chiến, họ đã biến Miền Nam từ một tài sản khổng lồ thành một đống đổ nát. Không những chỉ lãng phí vô cùng về vật chất, mà họ còn lãng phí vô hạn về tinh thần và tài nguyên con người, xô đẩy hàng trăm ngàn người phải bỏ quê hương ra đi trong tủi nhục. Tất cả là do cực đoan, cuồng tín, bạo lực, cố chấp, và dân trí thấp. Như vậy thì làm sao dân tộc có thể hòa giải, đất nước có thể tái thiết. Gs sử học Trần Quốc Vượng nhận xét rằng từ người thắng đến kẻ thua, tất cả đều thất vọng (frustration).
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, Mao nói “Trí thức không bằng cục phân” và đầy đọa họ về nông thôn làm ruộng. Còn ở Việt Nam, những người cộng sản cực đoan đã “đào tận gốc trốc tận rễ”. Người ta nói rằng Việt Nam chỉ có những người trí thức (intellectuals) mà không có giới trí thức (intelligentsia). Đơn giản vì giới trí thức nhỏ bé đã bị “trốc tận rễ” bởi hệ tư tưởng Maoism, cực đoan và cuồng tín (không khác gì Khmer Đỏ). Hệ lụy của Nho giáo (hủ nho) và Mao giáo (cực đoan và cuồng tín) là vấn nạn kép đã dẫn đến thảm họa “Cải cách Ruộng đất”, “Nhân Văn Giai phẩm”, “chống Xét lại và chống Đảng”.
Nhiều trí thức cách mạng có tài năng xuất chúng, có công lớn với chế độ như “khai quốc công thần”, nhưng đã bị hạ nhục và đối xử tàn tệ chỉ vì bất đồng chính kiến. Nhẹ thì bị vô hiệu hóa, “ngồi chơi xơi nước”, nặng thì bị lao tù, đến thân tàn ma dại. Đó là ông Nguyễn Hữu Đang, một người tài hoa được cụ Hồ giao trọng trách “bất khả thi” là dựng lễ đài tại quảng trường Ba Đình trong vòng 48 giờ, để cụ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Đó là ông Lê Trọng Nghĩa, một người đầy bản lĩnh, đại diện cho Việt Minh đàm phán với các sỹ quan chỉ huy quân đội Nhật tại Hà Nội, để hậu thuẫn cho khởi nghĩa, không bị đổ máu. Đó là ông Vũ Đình Huỳnh, bí thư đầu tiên của cụ Hồ từ khi mới đặt chân về Hà Nội, đã giúp cụ Hồ vận động các trí thức hàng đầu tham gia chính phủ cách mạng đầu tiên. Đó là nhiều người khác không thể kể hết tên, đã mang theo oan khuất xuống âm phủ. Không biết cụ Hồ sẽ ăn nói với họ thế nào. Làm sao lý giải được những khẩu hiệu như “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, chiêu hiền đãi sỹ…”. Nhân ngày 19/8 và 2/9, hãy thành tâm thắp một nén tâm hương để tỏ lòng tri ân với họ, để tự vấn lương tâm và cố gắng hòa giải với nhau, thì may ra mới hòa giải được dân tộc.
Dưới thời Đặng Tiểu Bình, người Trung Quốc đã cải cách quyết liệt, kêu gọi trí thức tham gia “ba đại diện” (vì “mèo trắng cũng như mèo đen”). Ví dụ, họ trả lương trí thức cao hơn (nghe nói 10 ngàn USD/tháng cho giáo sư đại học) và đầu tư lớn cho đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa thành “đẳng cấp quốc tế” (world class). Người Việt cũng bắt chước, “định nghĩa lại trí thức”, nhưng trả lương giáo sư đại học chỉ bằng lương công chức, nâng cấp Đại học Quốc Gia thành một “siêu đại học” nhưng không thấy có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học trong khu vực. Dân trí như vậy thì phát triển làm sao được? “Thoát Trung” thế nào được?
Một giáo sư Nhật (ông Kenichi Ohno) có lần đã nhận xét rằng khi ông ta đến Việt Nam lần đầu thì rất là ấn tượng vì thấy các bạn Việt Nam (quan chức và trí thức) say sưa tranh luận về những vấn đề hệ trọng của đất nước. Nhưng 5 năm sau trở lại Việt nam ông ta ngạc nhiên thấy các bạn Việt Nam vẫn say sưa tranh luận về những vấn đề đó. Có lẽ vị giáo sư Nhật hơi khiêm tốn, chứ hiện tượng đó kéo dài 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa. Vì vậy, không nên ngạc nhiên khi người ta nói Việt Nam thuộc nhóm nước “không chịu phát triển”. Trong khi thiên hạ đua nhau xây dựng “kinh tế trí thức” (knowledge-based economy) thì người Việt đua nhau xây dựng trụ sở, tượng đài hoành tráng (như Mộc Châu, Sơn La), đền chùa nguy nga (như Bái Đính, Sóc Sơn), và tổ chức lễ hội linh đình (như một hội chứng tâm thần).
Thay cho lời kết: Cần nâng cao dân trí và hòa giải dân tộc
Nhưng “nỗi ám ảnh của quá khứ” không thể làm “thui chột tương lai”. Một dân tộc hơn 90 triệu dân, có một lịch sử không tồi và một văn hóa không kém, không thể bó tay quỳ gối chịu trói như “tù binh của quá khứ”, với gánh nặng hệ tư tưởng lỗi thời trên lưng. Nếu không tự lập, tự cường, thì không thể “thoát Trung”, không tránh được “Bắc thuộc”. Nếu không tự lập, tự cường, thì tầm nhìn ASEAN hay Đông Á cũng vô nghĩa, “đối tác chiến lược” với Mỹ và TPP cũng vô nghĩa. Người Mỹ có thể bênh vực kẻ yếu, nhưng chỉ phù kẻ mạnh. Nếu chưa mạnh thì cũng phải có ý chí và nội lực để người khác tin cậy và tôn trọng. Người ta nói rằng bạn có thể bịp được vài người, vào lúc nào đó, nhưng không thể bịp được mọi người, mọi lúc.
Trước hết cần phải phản tỉnh để “giải độc” về hệ tư tưởng, để thoát khỏi cái “bóng đè” của tư tưởng Khổng giáo (hủ nho) và Mao giáo (cự đoan, bạo liệt). Thứ hai, không thể nâng cao dân trí, nếu trí thức (cả bên trong và bên ngoài) không đi đầu để “phá băng”, mở đường và kết nối các phe nhóm (chỉ thích cãi nhau) bằng “tư duy tích cực” (positive thinking) và “hành động xây dựng” (constructionism). Thứ ba, chỉ có trên cơ sở đó, mới có thể kết nối toàn dân, để “hòa giải dân tộc”, vì một nước Việt Nam Hòa bình, Hòa hợp, Hòa thuận, Hòa giải…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét