Bùi Hoàng Tám
Một thể chế luôn đặt nhân dân lên trên hết, tất cả là “của dân, do dân và vì dân” mà cán bộ lười tiếp dân thì tốt nhất là hãy trả cho họ về… làm dân cho hết bệnh "lười, phải không các bạn?
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Gặp “quan” thời nay sao khó thế! Đó có lẽ là lời than vãn của không ít người dân mỗi khi đến “cửa quan” mà không có sự quen biết, “a lô” trước. Trong khi đó, việc tiếp công dân được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cán bộ, công chức, đặc biệt là đối với người đứng đầu các địa phương và các ban ngành sở.
Theo báo cáo mới đây của Thanh tra Chính phủ, hiện lãnh đạo một số địa phương như TPHCM, Long An, Thừa Thiên - Huế… “lười” tiếp dân.
Cụ thể là kết luận trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng chống tham nhũng (từ năm 2011 đến tháng 6/2014) vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, Chủ tịch UBND TPHCM và đa số chủ tịch các quận huyện tiếp dân chưa thường xuyên.
Điển hình, Chủ tịch UBND TPHCM và các Phó Chủ tịch tiếp 15/42 ngày theo quy định, đạt 35%. Thanh tra “điểm” 8 sở ngành của TPHCM, Thanh tra Chính phủ phát hiện các giám đốc và phó giám đốc sở chỉ tiếp dân 88 ngày (đạt 30,7%). Tương tự, kiểm tra 11 quận, huyện, chủ tịch quận huyện chỉ tiếp 226 ngày (tỷ lệ 25%).
Đối với Thừa Thiên – Huế, Thanh tra Chính phủ cho biết UBND tỉnh chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các đơn vị, địa phương nên một số sở, UBND cấp huyện chưa thực hiện công tác tiếp dân theo đúng quy định.
Việc tổ chức tiếp công dân của một số giám đốc sở ở Thừa Thiên - Huế chưa đúng quy định, việc mở sổ tiếp công dân và ghi chép không đầy đủ. Chủ tịch một số huyện tiếp dân định kỳ chưa đầy đủ, việc ghi chép sổ tiếp công dân còn sơ sài, đơn thư vẫn vượt cấp…
Tại Long An, tình hình cũng không khả thi hơn khi tính từ ngày 1/1/2011 đến 30/6/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Long An chỉ tiếp dân định kỳ được 13/30 ngày theo quy định của pháp luật.
Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Long An nghiêm túc tự kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong việc tổ chức triển khai, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng liên quan đến những hạn chế, thiếu sót, vi phạm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được thanh tra.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Điện tử Dân trí cuối tháng 2/2015, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh rất băn khoăn về chế tài xử lý đối với hành vi này và đề xuất cần phải xử lý thủ trưởng cơ quan hành chính “lười” tiếp dân.
Đây là đề xuất đáng lưu ý bởi xa dân thì làm sao hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân? Làm sao chia sẻ nỗi khó khăn, gian khổ của dân? Làm sao có dược những biện pháp hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ những khó khăn của dân và thậm chí khó có thể điều hành công việc nếu như không gắn bó mật thiết với nhân dân?
Vả lại, “lười” tiếp dân không chỉ là một trong những biểu hiện của bệnh quan liêu mà từ “lười” tiếp dân, xa dân đến coi thường dân, khinh dân là khoảng cách rất mong manh.
Một thể chế luôn đặt nhân dân lên trên hết, tất cả là “của dân, do dân và vì dân” mà cán bộ lười tiếp dân thì tốt nhất là hãy trả cho họ về… làm dân cho hết bệnh "lười", phải không các bạn?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét