Một loạt sai phạm và thiếu sót của nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND TP HCM được nêu ra, từ đó Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP xử lý các cá nhân, tập thể liên quan.
Ngày 17/8, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND TP.HCM trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng chống tham nhũng trong giai đoạn 2011 đến tháng 6/2014.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân.
Theo đó, về hoạt động thanh tra hành chính, qua thanh tra đã phát hiện một số đơn vị chậm ban hành kết luận như các quận 2, 7, Tân Bình và Bình Thạnh. Trong khi đó các đoàn thanh tra cấp quận, huyện, sở, ngành có vi phạm phổ biến là ghi chép nhật ký sơ sài, nhiều đoàn không ban hành kết luận, quyết định thanh tra, hay ban hành thiếu căn cứ Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại.
Đặc biệt, hầu hết các kết luận thanh tra hành chính đều có phát hiện vi phạm. Kiểm tra một số kết luận và xử lý sau thanh tra còn cho thấy một số kết luận xử lý chậm, hoặc chưa được xử lý nghiêm túc.
Cụ thể, kiểm tra một số kết luận thanh tra của Sở Giao thông Vận tải cho thấy 47/47 quyết định xử phạt hành chính sai nội dung. Kiểm tra kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong thời kỳ thanh tra cho thấy số tiền không thể thu là hơn 15 tỷ đồng, điều này chứng tỏ hiệu quả thực hiện các quyết định xử phạt hành chính rất thấp.
Trong khi đó, kết luận thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại quận 4, 6, 11 và Thủ Đức cho thấy chưa làm rõ nguyên nhân về tỷ lệ khiếu nại sai quá lớn.
Về công tác tiếp dân, Chủ tịch UBND TP và đa số Chủ tịch các quận, huyện chưa tiếp dân thường xuyên, trong đó Chủ tịch Thành phố chỉ đạt 35%, thậm chí Chủ tịch quận Tân Bình chỉ đạt 3% (2 ngày), Chủ tịch quận 7 đạt 6% (4 ngày), Chủ tịch quận Tân Phú đạt 7% (5 ngày).
Về công tác khiếu nại, Thanh tra Chính phủ cho biết nhiều vụ việc Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo nhưng Chủ tịch UBND TP chưa quyết liệt xử lý, hoặc đã chỉ đạo nhưng các sở, ngành, quận, huyện còn viện dẫn lý do, chậm triển khai… nên nhiều người khiếu nại còn bức xúc.
Bên cạnh đó thanh tra cũng phát hiện không ít hồ sơ giải quyết trễ hạn, không có thông báo thụ lý, nhiều vụ cho thấy chưa tổ chức đối thoại, thiếu kế hoạch kiểm tra, xác minh, nhiều vi phạm đã được Thanh tra Thành phố chỉ ra từ các năm trước nhưng phần lớn các địa phương vẫn chưa khắc phục.
Về thực hiện một số giải pháp phòng ngừa đối với pháp luật về công tác phòng chống tham nhũng, Kết luận cho thấy một số quận, huyện chưa thực hiện đầy đủ các nội dung về công khai tài chính ngân sách, mua sắm tài sản công, hay phân bổ và quản lý nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong công tác quản lý các cơ sở nhà đất, tình trạng lấn chiếm, bỏ trống, cho thuê đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp (tính đến hết 31/12/2013 TP bị lấn chiếm 45.782m2, bỏ trống 416,447m2, cho thuê 27.533m2).
Thành phố cũng bị đánh giá là chậm công khai quy hoạch đất đai, một số dự án chậm triển khai, hoặc giao đất, cho thuê đất thuộc trường hợp phải đấu giá nhưng không tổ chức.
Về việc quản lý đất công viên tại quận 6, Kết luận cho thấy các cơ quan được giao quản lý công viên đã ký hợp đồng cho 8 tổ chức, cá nhân thuê với tổng diện tích hơn 15 ngàn m2, tuy nhiên số tiền thu được sau khi trừ các khoản chi không được nộp vào ngân sách nhà nước.
Một nhà hàng xây dựng trên đất của công viên Phú Lâm (quận 6).
Trong lĩnh vực giáo dục còn tình trạng lạm thu, thu học phí sai quy định. Việc điều động một số cán bộ quản lý các đơn vị trực thuộc Sở chưa đảm bảo đúng quy định. Tại lĩnh vực y tế, Kết luận cũng chỉ ra những tồn tại trong đấu thầu giá thuốc, tiếp nhận viện trợ không hoàn lại.
Về việc thực hiện minh bạch tài sản thu nhập, qua thanh tra đã phát hiện hầu hết các sở, ngành, quận, huyện không thực hiện đúng các trình tự, thủ tục về kê khai, nhiều bản kê khai không kê khai giá trị nhà và đất.
Riêng về cán bộ, công chức nộp lại quà tặng, ngoài 8 cá nhân và tập thể y bác sĩ bệnh viện huyện Bình Chánh nộp lại quà tặng là 501 triệu đồng, còn lại hầu hết cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành, quận, huyện chưa chuyển biến và chấp hành.
Trong khi đó việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với một số vi phạm chưa được thực hiện nghiêm, việc nộp lại quà tặng chưa thực hiện đầy đủ… dẫn đến việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng trên địa bàn Thành phố chưa thật sự hiệu quả.
Kết luận cho rằng, những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân cơ bản là tiếp dân thiếu tập trung, cơ quan thanh tra giúp cho Chủ tịch UBND TP còn nhiều hạn chế, xử lý sau thanh tra trách nhiệm chưa đúng mức.
Do đó, ngoài trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch UBND TP.HCM thì còn có trách nhiệm của Thanh tra Thành phố vì chưa tham mưu cho Chủ tịch đầy đủ, kịp thời.
Từ những kết luận trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với UBND TP và cá nhân các chức danh liên quan trong việc xử lý chưa kịp thời các vụ có dấu hiệu cố ý làm trái và tham nhũng.
Bên cạnh đó Chủ tịch UBND TP cũng cần chỉ đạo cơ quan chức năng của Thành phố thanh tra toàn diện các đơn vị: Công ty TNHH MTV Bến Thành (quản lý nhà, cho tư nhân thuê đất), Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải (trợ giá xe buýt) và các vấn đề: Cho thuê đất công viên tại quận 6, các dự án chậm triển khai (trong đó có 400 ha của công ty Bitexco)…
Ngoài ra cần kiểm điểm và có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận Tân Phú, quận 6, quận 7 và huyện Hóc Môn vì không kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, không đối thoại và tiếp công dân theo quy định, không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng và Chủ tịch UBND TP trong giải quyết khiếu nại của công dân.
Nguyễn Cường/Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét