9 tháng 8, 2015

Hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Không ngạc nhiên?

Một trường ĐH tốt nhất cũng không phải một “hộp đen” để ai đi qua đó cũng đảm bảo có việc làm.
Cứ mỗi mùa tuyển sinh ĐH, nhiều người trong chúng ta nhận được rất nhiều những câu hỏi chẳng hạn như trường nào học xong sẽ dễ xin việc. Thoạt nghe thì đây là một câu hỏi bình thường, nhưng nếu suy nghĩ kỹ, nó bộc lộ rất nhiều bất cập trong tâm lý xã hội liên quan tới GD ĐH và thị trường việc làm.
Một điều phải thừa nhận rằng ở nhiều nước, kể cả các nước phát triển, thất nghiệp luôn là một vấn đề nan giải. Gần đây khi báo chí đưa ra con số 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, rất nhiều người đã sốc và cho rằng đây là một điều hết sức khủng khiếp. Song người viết cho rằng dù con số này trong thực tế có thể cao hơn thì nó cũng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên.
Đầu năm 2014, một nghiên cứu ở Anh cho thấy 40% sinh viên vẫn đang tìm việc làm sau 06 tháng tốt nghiệp; và số sinh viên đã tốt nghiệp một năm nhưng chưa có việc làm vẫn chiếm tới 25%. Nói như vậy không phải để tự an ủi hay bào chữa mà để nhìn nhận thực tế rằng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khó khăn như hiện nay, tình trạng thất nghiệp, kể cả đối với nhóm người đã qua đào tạo, đang là bài toán chung của nhiều nước chứ không phải riêng VN. Và trước thực tế đó, việc “học trường nào” xem ra không còn là giải pháp chống thất nghiệp hiệu quả nữa.
Điều đáng nói là nhiều người khi đối diện với con số này lập tức quy trách nhiệm chính cho việc đào tạo ở bậc ĐH. Nên nhớ, trường ĐH không có nghĩa vụ đảm bảo công ăn việc làm sau khi tốt nghiệp, mà phải do sinh viên nỗ lực tìm kiếm và chứng minh năng lực của mình.
Đồng ý rằng các trường ĐH có phần trách nhiệm đối với việc bồi dưỡng nguồn nhân lực cho thị trường lao động, nhưng chỉ khi nào điều tra xã hội học cho thấy nguyên nhân chủ yếu khiến cho số cử nhân, thạc sĩ này thất nghiệp là vì họ bị thị trường lao động từ chối do không đáp ứng đủ yêu cầu công việc thì lúc đó mới nên đổ lỗi cho GD ĐH. Trong khi thực tế hiện nay có phần phức tạp hơn như vậy rất nhiều.
Trường đại học tốt nhất cũng không phải "hộp đen". Ảnh minh họa
Thứ nhất, không thể phủ nhận đang có sự dư thừa, chí ít là dư thừa cục bộ trong một số ngành đào tạo. Điều này xuất phát từ việc đổ xô vào ĐH, CĐ của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.
Thay vì tìm kiếm những cơ hội việc làm khác, tâm lý phải vào ĐH bằng mọi giá khiến nhiều học sinh dù không đủ năng lực cũng tìm cách vào ĐH. Một số người lập luận rằng dù sao một xã hội có học có hơn, vẫn nên khuyến khích học sinh học lên cao. Thế nhưng, điều đó sẽ chỉ đúng nếu việc học lên này nhằm phục vụ mục đích rõ ràng.
Trong khi đó, trừ số học sinh có kết quả học tập đủ tốt để được chọn trường mình muốn, nhiều gia đình hiện nay đang cố gắng “nhét” con cái vào một trường ĐH bất kỳ, miễn là có đi học còn không cần biết nhu cầu đầu ra với ngành học đó thế nào.
Xuất phát từ nhu cầu đó, các cơ sở đào tạo được mở ra ồ ạt để đáp ứng nhu cầu này. Về nhiều vùng quê, có thể thấy cảnh nhà nhà đua nhau cho con học sư phạm, học lực trung bình thì học trung cấp, khá hơn thì học CĐ, ĐH sư phạm. Thử hỏi, làm sao có đủ vị trí làm việc để đáp ứng cho các em sau khi tốt nghiệp? Rồi chuyện chạy chọt để vào ngành GD lại từ đó mà ra như một vòng luẩn quẩn.
Thứ hai, tư duy khởi nghiệp của chúng ta còn yếu. Không ít phụ huynh khuyến khích con cái bắt tay vào những dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro, tiến hành những phép “thử và sai” đầy bấp bênh mà chỉ mong muốn con mình ngay lập tức “ổn định” sau khi tốt nghiệp. Tâm lý này ăn sâu, ảnh hưởng đến giới trẻ, cộng thêm những điều kiện bất lợi trong một môi trường xã hội chưa chú trọng khuyến khích khởi nghiệp, khiến cho đa phần sinh viên tốt nghiệp đều mong chờ tìm được những công việc sẵn có chứ hiếm khi tự tạo được công việc cho mình. Thị trường việc làm không tăng trưởng trong khi số lao động mới được bổ sung hàng năm thì thất nghiệp ngay cả khi có bằng cấp là điều không quá khó hình dung.
Thứ ba, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp có tâm lý chờ đợi một công việc có thu nhập khá, phù hợp với ngành đào tạo thay vì chủ động ứng phó với hoàn cảnh, tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp ở một phạm vi rộng hơn. Nếu một kỹ sư tốt nghiệp ngành kỹ thuật, thay vì chờ đợi cơ hội trong vô vọng, có thể làm thợ sửa chữa, làm công nhân để tích lũy vốn và kinh nghiệm thì chính những bước đi đầu tiên ấy sẽ cho các em rất nhiều trải nghiệm, rèn giũa các em trong sự nghiệp lâu dài.
Không có nghề nào là thấp kém, cũng không có nghề nào không có hướng phát triển nếu mỗi người thật sự cố gắng. Đủ can đảm để chấp nhận rằng tấm bằng ĐH chỉ chứng minh cho việc được trang bị kiến thức ở bậc học cao hơn, không ỷ lại vào nó và không trói buộc mình với chuyên ngành được ghi trên nó sẽ tốt hơn rất nhiều cho chính các em và cho bức tranh việc làm của xã hội.
Cuối cùng, không thể không đề cập đến một nguyên nhân sâu xa do nền kinh tế tăng trưởng thiếu chiều sâu, không tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội. Không thiếu những địa phương ở Việt Nam, cả vùng không tìm ra một nhà máy, xí nghiệp nào. Vậy thì nguồn nhân lực do các trường ĐH đào tạo ra sẽ làm việc ở đâu, nhất là những sinh viên có nguyện vọng quay trở lại quê hương làm việc?
Tất cả những vấn đề nêu trên không phải để lẩn tránh sự yếu kém của các trường ĐH. Có thể nói chất lượng GD ĐH và những vấn đề trên đây phải được giải quyết đồng thời thì bức tranh việc làm trong XH mới tươi sáng hơn. Phân tích như vậy cũng để các bậc phụ huynh thay đổi suy nghĩ trường ĐH nào sẽ giúp con em họ dễ xin việc.
Với đa số trường hợp, việc làm đến từ chính khả năng, nhu cầu và nỗ lực của con em họ. Ngay cả một trường ĐH tốt nhất cũng không phải một “hộp đen” để ai đi qua đó cũng đảm bảo có việc làm. Xét từ khía cạnh nào đó, mọi trường ĐH nào cũng như nhau, chỉ có con người là khác nhau mà thôi.
Hy vọng rằng khi xã hội dần nhận thấy ĐH không phải là "phao cứu sinh" với cuộc đời con em mình, mà chỉ chính các em mới quyết định được cuộc đời mình, biết đâu tình trạng này sẽ được cải thiện?
Khương Duy

Không có nhận xét nào:

Trang