Tiếp tục cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam, GS Vũ Minh Giang cho rằng mục đích tối thượng của bất cứ quốc gia nào cũng lấy hạnh phúc của người dân là điều quan trọng nhất.
Tuần Việt Nam giới thiệu kì 2 của tọa đàm kỉ niệm 70 năm thành lập nước chủ đề “Từ cuộc cách mạng xác lập nền dân chủ, nghĩ về Việt Nam giàu mạnh” với sự tham gia của GS-TSKH Vũ Minh Giang, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐHQG, Hà Nội và GS Trần Ngọc Vương, Giảng viên khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
GS Vũ Minh Giang: Đây là vấn đề rất lớn và không thể nói một cách đơn giản.
Nhà báo Lan Anh: Bàn tiếp về vấn đề độc lập, trong bản tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. 70 năm đã trôi qua, chúng ta đã thực sự có được độc lập, tự do như mong mỏi của Bác Hồ hay chưa?
GS Vũ Minh Giang: Đây là vấn đề rất lớn và không thể nói một cách đơn giản.
Tôi nói không đơn giản bởi vì khái niệm độc lập dân tộc của ngày hôm nay đã khác rất xa so với thời chúng ta mất độc lập. Chúng ta phải gìn giữ và bảo vệ độc lập trong một bối cảnh mới, trong thời đại toàn cầu hóa.
Trong một “thế giới phẳng” của thời đại bùng nổ thông tin và khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão, độc lập không còn là cái của riêng mình để muốn tự ý làm thế nào cũng được, cho dù đó chỉ là những quyết sách thuần túy đối nội. Giờ đây mỗi quyết định đều phải tính tới những tác động quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà có người đã đưa ra quan niệm thời nay, thực chất là “sự cân bằng các mối quan hệ phụ thuộc”.Bây giờ không thể có độc lập tuyệt đối. Một câu chuyện nhỏ ở quốc gia này thì ở quốc gia khác cũng biết, rồi người ta cũng có thể can dự vào những diễn biến ở rất xa các quốc gia khác.
GS Vũ Minh Giang: “Trong giai đoạn hiện nay, điều rất quan trọng đối với quốc gia là mức độ sự ủng hộ của người dân”. Ảnh: Phạm Hải
Cũng cần phải hiểu thêm, giá trị của độc lập hiện nay cũng khác.Nó bao gồm những giá trị nội hàm mới thì việc bảo vệ nó thì phương thức bảo vệ khó hơn nhiều lần so với trước đây.
GS Trần Ngọc Vương: Nhiệm vụ chính của một thể chế là bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, phát triển xã hội để dân được hạnh phúc.
Thực ra nếu nói về lí tưởng chính trị xã hội thì tôi chưa thấy lí tưởng nào xấu. Lí tưởng mà ta hay đưa ra “tự do, bình đẳng, bác ái” tự nó rất đẹp. Nhưng nó, cái lý tưởng ấy, mang tính khả thi hay không, đi vào thực tế như thế nào và nếu không giải quyết được nó thì anh đắc tội trước lịch sử.
Vì vậy, việc giải quyết độc lập và thống nhất dân tộc, thống nhất quốc gia đã được thực hiện tốt hơn. Còn ước vọng vươn lên trong bối cảnh quốc gia hiện nay, thế giới người ta thế thì mình cũng phải cố vươn lên như thế, đạt tới những cái hoàn hảo là những cái mà ai cũng đồng thuận là tốt, là tử tế.
Một trong những câu chuyện tôi suy nghĩ, đó là kinh tế biển. Việt Nam theo cơ chế bình thường là một quốc gia riêng biệt, có 3260 km, quốc gia có tỉ số đường bờ biển rất cao, có rất nhiều lợi thế để làm kinh tế biển nhưng dường như chúng ta chưa chú trọng, trong khi đó các quốc gia khác với các lợi thế như vậy, họ có tỷ trọng kinh tế biển 50-70% so với toàn bộ nền kinh tế trở lên.
Thứ nữa là kinh tế thuần nông, hiện chúng ta đang tư duy nhỏ lẻ và vụn vặt.
Nếu nhìn vào thực tế, với tât cả những điều kiện về địa chính trị, về trình độ văn hóa, về tính chất của nền chính trị xã hội và nhiều các phương diện khác, một quốc gia như Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cường quốc bậc trung là trong khả năng.
70 năm là một quãng thời gian rất dài, đến hôm nay ta đang phải đối mặt với nguy cơ lạc hậu so với thế giới. Nếu chỉ so sánh về mặt thời gian năm nay hơn năm trước, ngày hôm nay tốt hơn hôm qua, cách so sánh đó rất thủ công và giản đơn. Chúng ta nên so sánh với trình độ, tốc độ phát triển của các quốc gia ngang hàng mình xem họ đã ở đâu, còn mình đang ở đâu.
Nhà báo Lan Anh: Theo các vị, điều gì được coi là quan trọng của một quốc gia, hạnh phúc của người dân hay là điều gì khác?
GS Vũ Minh Giang:Từ thời xa xưa, dường như đã có một chân lí bất di bất dịch, đó là “Dân vi quý, dân vi bản”, nghĩa là lấy dân làm gốc, phải biết quý trọng dân. Nếu như không có dân thì đất nước cũng không còn ý nghĩa gì nữa.
Thời kì chúng ta chuyển sang chế độ dân chủ cũng là lúc người dân được trả lại những giá trị đích thực của người làm chủ xã hội. Vì vậy, mục đích tối thượng của bất cứ quốc gia nào theo thể chế dân chủ cũng đều phải coi hạnh phúc của người dân là điều quan trọng tối thượng.
Tuy nhiên, đó là trên lí thuyết. Khi vận ứng dụng vào mỗi quốc gia, mỗi hoàn cảnh, hay mỗi giai đoạn lịch sử sẽ có sự khác biệt. Như chúng ta đã biết, có những quốc gia cho rằng người có quyền lực chính trị là quan trọng nhất khiến cho các lực lượng xã hội khác phải đi theo và phục tùng. Người ta gọi đó là chế độ độc tài, và như chúng ta đã thấy, chế độ độc tài nào trước sau cũng bị sụp đổ và sẽ phải chịu sự phán xét của nhân dân và lịch sử.
Khi nhận diện một quốc gia mạnh hay yếu, người ta thường xem xét trên hai phương diện quyền lực cứng và quyền lực mềm. Quyền lực cứng là sức mạnh có thể nhìn thấy thông qua những con số cụ thể về tổng sản phẩm quốc nội, tỉ lệ dự trữ ngoại tệ, số lượng vũ khí quân sự, còn quyền lực mềm là sức mạnh văn hóa, uy tín quốc gia thông qua các quyết sách và đường lối.Nếu như quyền lực cứng tạo ra bằng sự áp đặt thì quyền lực mềm lại tạo ra sức hấp dẫn khiến dân tộc khác yêu mến và tin tưởng. Chính vì vậy mà người ta thường gọi quyền lực cứnglà sức mạnh của lực đẩy, còn sức mạnh mềm là lực hút, lực hấp dẫn.
Trong giai đoạn hiện nay, điều rất quan trọng đối với quốc gia là mức độ sự ủng hộ của người dân.
Nhắc lại sự kiện năm 1945 ta đang bàn đến sẽ thấy, khi đó chính quyền cách mạng vừa mới ra đời, lực lượng vũ trang hầu như chưa có gì. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ lập đội quân gồm 34 chiến sĩ ở Tân Trào, vũ khí chỉ là mã tấu, sung kíp, ngân khố chỉ còn lại vài nghìn bạc Đông Dương rách nát người ta không buồn lấy đi. Chúng ta hầu như không có sức mạnh cứng, nhưng vì sao chính quyền đó vẫn vững? Tất cả là ở dân.Khi đó chỉ cần một lời hiệu triệu, người dân có thể hiến hàng ngàn, hàng vạn cây vàng cho chính phủ để mua vũ khí và nuôi chính phủ.
Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện trong lịch sử thời Trần. Khi vua Trần Anh Tông đến thăm Hưng Đạo Vương khi ông lâm trọng bệnh, có hỏi về kế sách giữ nước. Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn đã không có một lời nào về binh pháp hay quân sự, mà chỉ điềm tĩnh giải thích nguyên nhân ba lần chiến thắng quân Mông – Nguyên là do trên dưới đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước góp sức. Và từ đó rút ra kết luận hãy lấy khoan thư dân làm kế sâu rễ gốc bền là thượng sách giữ nước.
Đấy, những bài học lịch sử còn nguyên vẹn giá trị. Hạnh phúc của người dân, làm cho dân hài lòng là việc cần làm hàng đầu.
Gs Trần Ngọc Vương: “70 năm là một quãng thời gian rất dài, đến hôm nay ta đang phải đối mặt với nguy cơ lạc hậu so với thế giới”. Ảnh: Phạm Hải
Nhà báo Lan Anh:Vậy theo ông, làm thế nào để người dân được hạnh phúc ạ?
Ông Vũ Minh Giang: Người dân sẽ thấy hạnh phúc khi được thỏa mãn nhu cầu chính đáng của mình, không chỉ là nhu cầu vật chất, mà còn là những nhu cầu tinh thần, là sự tự do và đặc biệt họ có nhu cầu được biết mồ hôi công sức, tiền bạc của họ đóng góp như thế nào cho sự phát triển của quốc gia.
Khi những thứ ấy chưa được tường minh thì người dân có thể không thấy hạnh phúc.
Tôi cho rằng hiện nay có hai vấn đề mà người dân đang quan tâm.
Thứ nhất, chính quyền đã sử dụng nguồn ngân sách do nhân dân đóng góp như thế nào?
Thứ hai, mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân.
Đặc biệt, với cá tính của người dân Việt Nam, có thể họ không đặt nặng vật chất lên hàng đầu, nhưng họ có nhu cầu được tôn trọng và lắng nghe ý kiến của mình.
Người dân phải được tham gia vào quá trình chính trị và được kiểm soát quá trình thực hiện các quyền lợi đó. Hay nói cách khác, chính quyền phải thuộc về nhân dân.
GS Trần Ngọc Vương: Dưới góc độ là một nhà nghiên cứu khoa học, tôi không tin lắm việc như thế nào là đủ với người dân. Tuy nhiên, người Việt chắc chắn có một não trạng về bình đẳng rất lớn. Đó là, sự bình đẳng tự phát và nhu cầu về bình đẳng tự phát. Truyền thống của người Việt ta là không cam chịu, độ nhẫn nhục của người Việt thấp. Có lẽ, đó là một sức mạnh.
Vì vậy, nếu người Việt được thỏa mãn những yếu tố minh bạch, giải trình, sòng phẳng thì họ sẽ thấy tin tưởng.
(Tuần Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét