Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) lên tiếng về những “kẽ hở chết người” trong quy trình kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm nhập khẩu hiện nay.
những ‘kẽ hở’ chết người trong quy trình kiểm định chất lượng rau quả nhập khẩu khiến hàng trăm tấn hoa quả độc hại từ Trung Quốc thoải mái tuồn vào Việt Nam mỗi năm.
Dù theo cơ quan quản lý, quy trình này được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 13/2010/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Bộ NN&PTNT), tức là hoàn toàn không có sai sót về mặt pháp luật.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, với những “kẽ hở chết người” trong Thông tư 13, Bộ NN&PTNN cần phải có sự điều chỉnh kịp thời để ngăn chặn hiệu quả những lô hàng độc hại, kém chất lượng đang tràn vào Việt Nam ngày một nhiều.
Gần 300 tấn rau quả độc Trung Quốc được nhập về Việt Nam và chỉ được phát hiện sau đó … 1 năm
Về vấn đề này, VTC News đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) – đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm định chất lượng ATTP nhập khẩu vào Việt Nam.
– Gần đây thông tin nhiều lô hàng rau, củ, quả từ TQ chứa chất độc hại nhập khẩu về VN được phát hiện muộn, khiến người tiêu dùng rất hoang mang. Là đại diện đơn vị chịu trách nhiệm kiểm định, ông đánh giá như thế nào về quy trình kiểm định chất lượng ATTP nhập khẩu hiện nay?
Ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT)
Hiện nay quy trình kiểm tra ATTP rau củ quả nhập khẩu đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư 13/2010/TT-BNN&PTNT. Phương thức kiểm tra của Việt Nam hiện nay cũng tương tự như cách thức kiểm tra của các nước đang nhập khẩu nông sản thực phẩm nguồn gốc thực vật về Việt Nam.
Trước hết, để được phép xuất khẩu rau củ quả vào Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu phải gửi hết hồ sơ theo yêu cầu của Việt Nam, báo cáo về quy trình sản xuất, các thuốc BVTV được sử dụng trong quá trình sản xuất, sơ chế, năng lực và cách thức kiểm soát ATTP…
Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thẩm định, nếu đạt yêu cầu mới đưa nước đó vào danh sách các quốc gia được phép xuất khẩu thực phẩm nguồn gốc thực vật vào Việt Nam.
Khi lô hàng đến cửa khẩu sẽ phải đăng ký thủ tục kiểm tra ATTP. Lô hàng đó sẽ được kiểm tra hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra ngoại quan, lấy mẫu để kiểm nghiệm ATTP của Việt Nam và được áp dụng phương thức kiểm tra thông thường. Sau đó, lô hàng này sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm tra ATTP và được thông quan ngay.
Nếu kết quả kiểm nghiệm phát hiện thấy vi phạm quy định về ATTP thì lô hàng tiếp theo của doanh nghiệp đó sẽ bị áp dụng phương thức kiểm tra chặt, bị giữ lại chờ kết quả kiểm nghiệm. Nếu đạt yêu cầu thì mới cấp giấy chứng nhận kiểm tra ATTP và cho thông quan. Nếu doanh nghiệp vi phạm nhiều lần thì sẽ tạm ngưng nhập khẩu loại hàng hóa đã vi phạm đó.
– Như ông nói, “lô hàng sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm tra ATTP và thông quan ngay”, dù chưa có kết quả kiểm định. Vậy rõ ràng đó chính là “kẽ hở” chết người để hàng độc hại từ các nước, đặc biệt từ Trung Quốc thoải mái tràn vào nước ta, thưa ông?
Việc kiểm tra ATTP và lấy mẫu kiểm nghiệm ATTP rau củ quả tại cửa khẩu đang được thực hiện theo đúng Thông tư 13, đúng quy định của pháp luật Việt Nam như quy trình đã nêu ở trên.
Hiện nay, tuyệt đại đa số các loại rau củ quả từ nước ngoài nhập vào Việt Nam là theo con đường chính ngạch và đều được kiểm tra. Hàng rào kỹ thuật này đang phát huy hiệu quả tốt và nhờ vậy chúng ta đã phát hiện nhiều lô hàng vi phạm quy định ATTP của Việt Nam. Như vậy, hoa quả độc hại không thể vào Việt Nam một cách thoải mái như bạn nói
– Một số quy định tại Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNN còn nhiều điểm rất bất cập, đặc biệt là việc cho phép thông quan ngay dù chưa có kết quả kiểm định chất lượng. Theo ông có cần thiết phải sửa đổi ngay những điểm bất cập này để tránh tình trạng hàng độc hại được tiêu thụ hết mới phát hiện ra?
Hiện nay đúng là Thông tư 13/2010/TT-BNNPTNT bộc lộ một số hạn chế, bất cập, vì vậy Bộ NN&PTNN đã chỉ đạo và Thông tư này đang được xem xét bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện.
Tôi cũng cho rằng một số quy định cần được sửa đổi theo hướng cụ thể hơn, như quy định về các biện pháp xử lý vi phạm như tái xuất, tiêu hủy, tạm ngừng nhập khẩu và thẩm quyền xử lý; quy định cụ thể trong trường hợp nào phải thực hiện việc thu hồi lô hàng vi phạm; kiểm tra tại gốc vùng sản xuất để xuất khẩu như thế nào và giám sát việc truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và khắc phục lỗi vi phạm ở nước xuất khẩu như thế nào…
– Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn từ đầu hàng hóa độc hại nhập về Việt Nam, chúng ta nên áp dụng cách làm của các nước EU, tức là yêu cầu nước xuất khẩu phải cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng nhận ATTP cho từng lô hàng xuất sang Việt Nam . Quan điểm của ông về vấn đề này?
Hiện nay quy định về kiểm tra ATTP của nước ta cũng tương tự các nước đang áp dụng để kiểm tra ATTP của nông sản Việt Nam.
Quy định này được áp dụng như nhau đối với tất cả các nước đang xuất khẩu thực phẩm nguồn gốc thực vật vào Việt Nam, trừ trường hợp giữa Việt Nam và nước xuất khẩu có ký kết với nhau về công nhận lẫn nhau kết quả kiểm tra ATTP.
Về nguồn gốc xuất xứ hiện nay chúng ta có quy định và bắt buộc, tuy nhiên chúng ta chưa đưa ra yêu cầu giấy chứng nhận kiểm tra ATTP của nước xuất khẩu để hài hòa với quy định của các nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam.
Hoàng Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét