Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nan giải hiện nay ở Việt Nam, mà người bị hại là người tiêu dùng trong nước.
Người Việt đang tự đầu độc lẫn nhau
Người Việt lạm dụng các loại thuốc bảo vệ, kích thích trong trồng trọt, chăn nuôi rồi đem bán cho chính người tiêu dùng trong nước.
Rau quả phun thuốc sâu hay thuốc kích thích, lợn nuôi bằng thức ăn có tăng trọng… không còn là hiếm gặp. Thực phẩm bẩn đang có mặt ở khắp nơi, “trèo” lên bàn ăn của mọi gia đình. Từ món ăn nhanh đến món ăn chín, món tráng miệng đến món chính, từ bữa sáng đến bữa đêm… nguy cơ ăn phải thực phẩm bẩn lúc nào cũng rình rập từng mạng sống trong các gia đình.
“Ăn cũng chết, không ăn chết nhanh hơn” vậy phải chọn cách nào? Đằng nào cũng chết. Ăn thì chết từ từ nhưng không ăn thì chết ngay nên cứ phải ăn. Biết là miếng thịt, con cá mỡ màng kia; rau quả xanh non mơn mởn kia chắc chắn là có thuốc kích thích, thuốc bảo bệ thực phẩm… nhưng vẫn phải ăn vì không còn lựa chọn nào khác. Ai cũng hiểu, các loại hóa chất từ các loại rau quả, thực phẩm này ngấm dần vào cơ thể con người gây ra các loại bệnh tật, gây đau đớn, tốn kém cho bệnh nhân và gia đình. Đặc biệt là gần đây, tình trạng người bị bệnh ung thư gia tăng cũng được cho một phần nguyên nhân từ việc ăn uống.
Để tránh xa thực phẩm bẩn người Việt đã làm gì? Nhiều người đã bỏ tiền ra mua sự yên tâm bằng cách dùng các loại hàng hóa, thực phẩm đắt tiền có tên gọi “hàng ngoại nhập”. Hoa quả nhập từ Úc, Mỹ, New Zealand, Canada… có giá cao gấp nhiều lần sản phẩm sản xuất trong nước nhưng vẫn phải “nhắm mắt” mua chỉ vì tin rằng, xuất xứ của các sản phẩm này đều ở các nước có tiêu chuẩn về chăn nuôi, trồng trọt rất cao. Nhưng cuối cùng họ còn bất an hơn khi biết rằng, nhiều sản phẩm trong số đó được nhập từ Trung Quốc về, có hàm lượng thuốc bảo quản cao hơn tiêu chuẩn cho phép, thậm chí còn có cả một số hóa chất cấm sử dụng.
Thực phẩm bẩn đã và đang hàng ngày đe dọa sức khỏe, tính mạng của người Việt. Các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong các bếp ăn công nhân, trường học, gia đình… vẫn xảy ra thường xuyên. Có thể thấy phổ biến hơn cả là tình trạng thực phẩm hết hạn sử dụng nhưng vẫn được đưa vào các nhà hàng, siêu thị để bán cho người tiêu dùng. Chẳng ai thấy lạ hay sốc khi có tin bắt được một ô tô chở toàn lòng lợn thối, mỡ bẩn. Lâu dần thành quen, người Việt đã quá chai sạn với những thông tin như vậy. Dã tâm hơn, khi những thực phẩm này lại được đưa vào các trường học để cấp các bữa ăn cho các em học sinh từ tuổi mẫu giáo đến trung học phổ thông – những thế hệ tương lai của đất nước, sử dụng.
Những người chăn nuôi, làm nông nghiệp và kinh doanh thực phẩm phải là những người có tâm? Nếu có tâm thì họ đã không đầu độc đồng bào của mình chỉ vì lợi ích trước mắt. Chúng ta có làng nọ, làng kia trồng rau sạch cung cấp cho các thành phố lớn, nhưng nếu có điều kiện đi thực tế thì nhiều làng trong số đó có cách chăn nuôi, trồng cấy khiến người nào nhìn rồi thì chẳng dám ăn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một hội nghị về an toàn thực phẩm đã nêu lên một thực tế hiện nay người nông dân khi đem ra chợ bán các sản phẩm thực phẩm là thường đẹp, xanh hơn so với sản phẩm họ trồng để tiêu dùng trong gia đình, do các thực phẩm này thường được sử dụng các chất kích thích. Thêm vào đó, nước ta sát với Trung Quốc nên nhiều sản phẩm thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích không đúng quy định được tuồn về trong khi việc kiểm soát nhập lậu rất khó khăn.
Còn nữa, rất nhiều lô hàng rau quả, thủy sản, thực phẩm… của Việt Nam xuất khẩu bị trả về do hàm lượng chất cấm vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Không ai biết, sau khi quay về các lô hàng này được xử lý ra sao? Liệu có phải lại được đưa vào các nhà hàng, siêu thị, chợ truyền thống… Vì ở đây, có mấy ai kiểm tra chất lượng sản phẩm đâu.
Tôi còn nhớ một chuyên gia Hàn Quốc khi nói chuyện với bà con nông dân ở Vĩnh Phúc ông đã bảo rằng: “Các vị dùng thuốc sâu, thuốc kích thích vô tội vạ để trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà… rồi bán cho thành phố kiếm lời. Sau này, biết đâu, chính con cái các vị lại lấy con cái của những người ở thành phố. Thế là các vị đã đầu độc chính con cái của mình. Bệnh tật khi ấy phát ra thì con cái các vị phải gánh chịu”. Ngẫm ra, quả đất tròn tưởng rộng nhưng lại rất hẹp vì thế suy luận của ông chuyên gia nọ rất dễ xảy ra.
Ngoài ra, môi trường sống của người Việt cũng đang bị chính người Việt làm ô nhiễm. Các loại chất thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp được xả vô tội vạ ra môi trường mà lực lượng chức năng xử lý không xuể. Theo các nghiên cứu khoa học thì bệnh tật không phải chỉ riêng do ăn uống mà ra, một phần còn do chúng ta hít thở. Bầu không khí, môi trường sống của chúng ta đã bị ô nhiễm nặng nên đây là các tác nhân chính góp phần làm gia tăng bệnh tật trong xã hội. Và có thể đây là một trong những tác nhân khiến cho người cao tuổi ở Việt Nam có sức khỏe kém hơn so với những người cùng độ tuổi ở các nước phát triển. Nói cách khác, tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước, sống lâu nhưng không sống khỏe. Theo một số số liệu thống kê, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 73 thì đã mất 12 năm ốm đau, bệnh tật.
An toàn vệ sinh thực phẩm lúc nào cũng bức xúc, lúc nào cũng nóng và hiện đang là vấn đề rất nóng nhưng giải pháp để quản lý hiệu quả lĩnh vực này thì gần như chưa có. Sau hàng loạt biện pháp được cơ quan quản lý đưa ra, câu chốt vẫn là “hãy là người tiêu dùng thông thái”./.
Vũ Hạnh/VOV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét