Lấy ý kiến không đồng nghĩa với lấy “quyết định”, trong khi đó, trưng cầu ý dân là nhằm lấy ý kiến quyết định theo số đông.
Sau khi được cho ý kiến tại kỳ họp vừa rồi, dự thảo luật Trưng cầu ý dân tiếp tục được đưa ra thảo luận tại UB Thường vụ QH ngày 11/8 với một số vấn đề còn nhiều quan điểm. Chẳng hạn, vấn đề hiệu lực của kết quả: nếu kết quả trưng cầu không giống ý Nhà nước thì xử lý ra sao?
Dẫn câu chuyện chuyến đi học tập kinh nghiệm ở Thụy Sĩ, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho hay: "Chúng tôi hỏi trong trường hợp kết quả trưng cầu khác với ý chính phủ thì sao, họ nói họ không bao giờ đặt câu hỏi đó, đã trưng cầu ý dân là phải theo ý dân".
Có thể nói, để góp phần hoàn thiện hơn nữa, Dự thảo luật cần phải được tiếp tục nghiên cứu cũng như lấy ý kiến của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cũng như của xã hội. Trong bài viết sau đây tác giả trình bày ý kiến cá nhân về một số nội dung của Dự thảo[1].
“Trưng cầu” khác “lấy ý kiến”
Trong tiếng Anh, “referendum” có nghĩa là trưng cầu ý dân, nhưng cũng có nghĩa là lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi về một vấn đề nào đó. Khi mang thuật ngữ này vào tiếng Việt thì hai vấn đề này khác nhau hoàn toàn. Thật ra, hoạt động lấy ý kiến nhân dân về một vấn đề nào đó đã được thực hiện trên thực tế trong thời gian vừa qua. Ví dụ: Việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Hiến pháp được tiến hành năm 2013.
Tuy nhiên, lấy ý kiến không đồng nghĩa với lấy “quyết định”, hay nói cách khác, cho ý kiến trong trường hợp này không đồng nghĩa với quyết định vấn đề được đưa ra lấy ý kiến. Đây là hình thức của dân chủ gián tiếp. Trong khi đó, trưng cầu ý dân là nhằm lấy ý kiến quyết định theo số đông. Như vậy, nội hàm của hai thuật ngữ này là hoàn toàn khác nhau.
Tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo đã giải thích thuật ngữ trưng cầu ý dân, nhưng lại không nói rõ sự khác biệt giữa trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân để tránh gây nhầm lẫn. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định rõ chủ thể tiến hành hoạt động này là Quốc hội, nghĩa là các chủ thể khác không có quyền quyết định việc trưng cầu ý dân. Thiết nghĩ ở điều khoản này chỉ cần giải thích thuật ngữ đơn thuần, còn những nội dung khác nên đưa vào các điều khoản cụ thể để đảm bảo tính khoa học của các điều luật.
Trưng cầu ý dân là người dân được trực tiếp quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Ảnh minh họa: VTV
Ai có quyền đề nghị?
Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ các quy định khác có liên quan đến việc tổ chức trưng cầu ý dân cũng như hiệu quả thực chất của việc trưng cầu ý dân.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Dự thảo thì có hai phương án được xây dựng về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầy ý dân: Phương án 1 bao gồm Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội; Phương án 2 mở rộng hơn, bao gồm Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.
Như vậy, theo cả hai phương án thì chỉ có các cơ quan thuộc hệ thống chính trị có quyền đề nghị trưng cầu dân ý.
Về vấn đề này, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đề nghị trưng cầu ý dân (xuất phát từ sáng kiến trưng cầu ý dân) thường xuất phát từ cử tri khi đáp ứng đủ các điều kiện do pháp luật quy định.
Cụ thể: Theo Hiến pháp Liên bang Thụy Sĩ, mọi công dân Thụy Sĩ đủ 18 tuổi trở lên, nếu không bị hạn chế về năng lực hành vi có quyền đưa ra sáng kiến về trưng cầu ý dân và ký vào bản thu thập chữ ký trưng cầu ý dân. Điều 84 Hiến pháp Liên bang Nga quy định tổng thống Liên bang Nga quyết định việc trưng cầu ý dân khi có yêu cầu của các cơ quan, của một số lượng nhất định đại biểu Duma Quốc gia cũng như một số lượng cử tri nhất định. Pháp luật Italia, Hungary, Belarusia... cũng có quy định tương tự[2].
Trở lại với Dự thảo, Chương II Dự thảo gồm 7 điều luật (Điều 13 – Điều 19) không thấy sự xuất hiện bất cứ quy định nào về cơ chế để cử tri đề nghị hoặc đưa ra sáng kiến trưng cầu ý dân. Thật ra quy định này xuất phát từ Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Điều 19 quy định rõ Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.
Theo ý kiến của các chuyên gia, về lâu dài, nên đặt vấn đề “dân quyết” bên cạnh việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Theo đó, nên quy định cử tri có quyền quyết định vấn đề nào đưa ra trưng cầu ý dân, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc phải tổ chức trưng cầu ý dân khi cử tri có yêu cầu về những vấn đề hệ trọng của đất nước. Khi đó, trưng cầu ý dân mới thật sự thể hiện đúng bản chất của dân chủ trực tiếp[3]
Ai giám sát?
Giám sát trưng cầu ý dân liên quan đến việc đảm bảo tính khách quan, trung thực của kết quả trưng cầu ý dân. Theo Điều 9 Dự thảo, chủ thể có quyền giám sát trưng cầu ý dân bao gồm Quốc hội (giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về trưng cầu ý dân), Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, công dân giám sát quá trình tổ chức trưng cầu ý dân.
Như vậy, Dự thảo đã quy định phạm vi các chủ thể có quyền giám sát trưng cầu ý dân rất rộng nhằm đảm bảo quá trình thực hiện khách quan, minh bạch, đảm bảo tính dân chủ.
Tuy nhiên, bản chất của việc trưng cầu ý dân là nhằm đảm bảo cho nhân dân được trực tiếp tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò quan trọng nhất, và cần nâng vị trí của cơ quan này lên hàng đầu trong việc giám sát quá trình trưng cầu ý dân.
Bởi lẽ: Về vị thế chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một cơ quan thuộc hệ thống chính trị Việt Nam; bên cạnh đó, cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ chế giám sát của xã hội, sẽ có nhiều điều kiện để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, bảo vệ hữu hiệu lợi ích của nhân dân, và dễ tạo sự đồng thuận cho các tầng lớp xã hội nhất so với các thiết chế khác./.
(Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh)
Trưng cầu ý dân là một trong những hình thức thực thi dân chủ trực tiếp phổ biến trên thế giới và quyền biểu quyết, khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân là thực hiện một trong những quyền cơ bản của công dân đã được quy định tại Điều 29 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân bao gồm 9 chương, 56 điều, tập trung điều chỉnh các vấn đề như quyền đề nghị trưng cầu ý dân, quyết định trưng cầu ý dân, tổ chức trưng cầu ý dân; các cơ quan, tổ thức phụ trách trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả trưng cầu ý dân và xử lý vi phạm về trưng cầu ý dân.
-------
[1] Xem: Dự thảo Luật trưng cầu ý dân, Tài liệu phục vụ cho Hội nghị tham vấn ý kiến công chúng về dự án Luật trưng cầy ý dân do Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với UNDP tổ chức ngày 21/7/2015 tại thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Xem: Đinh Ngọc Vượng, Chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, Tham luận trình này tại Hội nghị tham vấn ý kiến công chúng về dự án Luật trưng cầy ý dân do Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với UNDP tổ chức ngày 21/7/2015 tại thành phố Hồ Chí Minh.
[3] Xem: Đinh Ngọc Vượng, Tlđd.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét