(Chính trị) - Tối nay đọc Lý Chánh Trung. Những bài viết trên báo Sài Gòn trước 75 được tập hợp lại trong cuốn “Đối diện với chiến tranh”, của NXB Trẻ. Tôi nghĩ cho mình, và không định tranh cãi với ai, rằng kết thúc chiến tranh là một điều tuyệt vời; gây ra chiến tranh là điều tàn ác; mang bom đạn ở đâu thả xuống đầu người già em bé một đất nước, dân tộc khác, là điều đáng lên án.
Tôi không tin hòa hợp có thể thực hiện được nếu cứ chê bai chửi bới. Nhưng cũng không nghĩ hòa giải là quên đi hoặc biện minh những đau khổ của chiến tranh.
Những ngày tháng Tư này, trên mạng, có nhiều những tranh cãi. Có cả những góc nhìn ngụy biện và phủ nhận. Cũng có không ít người, để phủ nhận ý nghĩa của hòa bình, cố né cái chuyện xác trẻ cháy khét vì bom xăng đặc và quên luôn cái đám giỗ bố mẹ ông bà người bạn hàng năm họ vẫn đến dự là chết vì bom đạn chiến tranh.
Tôi thấy có cả vài ông bạn già hồ hởi chửi đời. Trong số ấy có ông chục năm trước rưng rưng kể với tôi về cái chết của họ hàng mình vì bom Mỹ, về cái chết của bạn mình ở chiến trường K khi chống Polpot. Tôi thấy buồn. Bạn có thể chửi bới và lên án cái sai của bất kỳ chế độ nào, của bât kỳ ông sếp nào. Nhưng vì một vài ẩn ức hay muốn tỏ ra “cấp tiến” mà chỉ nhìn thấy một góc phố không bom đạn của chiến tranh và bảo nó hơn hoà bình thì thật sự không hiểu nổi.
Những ngôi trường khang trang, những mơ mộng và hiện đại ở đô thành thời chiến không thể tách rời phần còn lại khủng khiếp và đầy chết chóc, máu mủ của cuộc chiến ấy. Những công trình hiện đại cũng không che được mái tranh cháy dưới đạn bom. Hình ảnh em bé sống sót sau trận càn được đưa lên trực thăng bay ra tàu quân y để minh chứng cho sự nhân văn nào đấy cũng không thể phủ nhận được xác chết vùi trong rơm rạ với ruồi bâu trên da thịt của những em bé khác chết trước đó vài giờ hoặc ít phút.
Chẳng có gì không phải nếu ta hân hoan vì một đất nước thôi bom đạn. Chẳng có gì quá đáng khi kỷ niệm một ngày dân mình thôi chết vì chiến tranh. Dĩ nhiên cũng chẳng có gì đáng tự hào nếu chúng ta hoà bình nhưng nhiều tham nhũng, lắm cửa quyền, cứ lẹt đẹt kinh tế và tăng trưởng sản xuất tiêu thụ bia nhất thế giới. Nhưng đừng vì thế mà lãng quên những nấm mồ hôm nay còn cúng giỗ!
Tuần rồi, đi ăn tiệc cưới con của một anh bạn đi Mỹ theo chồng. Cô bé đi học rồi yêu một cậu làm nghề môi giới chứng khoán bên đó, hai đứa về đây cưới nhau. Cậu kia về cưới rồi dẫn vợ qua Mỹ. 40 năm trước những ngày này ông sui gái đang quần nhau một mất một còn ở Xuân Lộc còn ông sui trai nhỏ tuổi hơn, đang là học sinh, ra đi mấy năm sau đó theo gia đình có người cha sĩ quan mới đi học tập về. Nhìn hai ông sui vui vẻ nói cười ôm vai nhau, tôi nghĩ đấy thực sự là hòa hợp hòa giải.
(Theo Pháp Luật Thành Phố)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét