23 tháng 4, 2015

Phỉ báng lịch sử-không đơn giản là sự ít học

* XUÂN DƯƠNG
Lịch sử không thể được dùng như một công cụ ngụy biện hay trang điểm cho những ý đồ đen tối phản bội dân tộc, đất nước.
Lịch sử chỉ có hai màu đen và trắng, tô màu cho lịch sử nhằm trộn lẫn trắng đen chỉ là những trò chơi chính trị mà đôi khi những kẻ cuồng tín bị biến thành con tốt thí.
Phát biểu tại Cộng hòa Liên bang Đức ngày 8/1/2015, Thủ tướng Ukraina Arseny Yatsenyuk cho rằng trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 “Liên Xô xâm lược Đức vàUkraine”. [1]
Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói “Đằng sau những nỗ lực này thường là sự thèm muốn giấu che nỗi xấu hổ riêng của họ, nỗi xấu hổ của sự hèn nhát, đạo đức giả và phản bội…”.[2] 
Đem quân xâm lược Việt Nam, Đặng Tiểu Bình nói “đó là phản kích tự vệ”.
Những kẻ cực đoan ở Campuchia ngày nay đã nhanh chóng quên đi nạn diệt chủng mà Polpot gây ra cho dân tộc mình khi vu cáo Việt Nam xâm lược.
Người ta thường phủ hoa lên quan tài để tỏ lòng thương tiếc người quá cố, nhưng phủ hoa lên lịch sử để xóa nhòa tội ác thì lại chính là tội ác. 
Lịch sử không thể được dùng như một công cụ ngụy biện hay trang điểm cho những ý đồ đen tối phản bội dân tộc, đất nước.
Những ngày này, người Việt trong nước và gần năm triệu kiều bào ở nước ngoài nói nhiều về hòa hợp, hòa giải dân tộc, tất nhiên vẫn có những tiếng nói khác biệt cất lên từ một số ít người ở nơi này, nơi khác. 
Biểu đạt chính kiến là quyền của mỗi người, phê phán những yếu kém trong điều hành vĩ mô là chuyện bình thường, nhưng phỉ báng lịch sử thì không được phép.
Vậy thì nên nhìn nhận thế nào về triển lãm “Hoa nơi chiến trường” mà một số người làm nghề kinh doanh hoa ở phường Bến Nghé quận 1 TP Hồ Chí Minh vừa thực hiện? Có hai vấn đề cần phải làm sáng tỏ, người kinh doanh và cơ quan quản lý.
Có câu nói mà hầu như mọi người biết “nhiệt tình cộng với ngu dốt bằng phá hoại”, với “Hoa nơi chiến trường” cần phải hiểu khác đi một chút. 
“Nhiệt tình” được biến tướng dưới vỏ bọc “từ thiện” còn “ngu dốt” thì được phủ bởi những cành hoa. Liệu những lời giải thích của người tổ chức kinh doanh kiểu này có che dấu một mục đích nào đó giống như là một sự phá hoại được che đậy dưới vỏ bọc từ thiện và ngu dốt?
Với kẻ thù, người Việt luôn chủ trương “khép lại quá khứ, nhìn về tương lai”, vết thương chiến tranh trên đất mẹ Việt Nam đã dần được chữa khỏi, thù hận đang được thay thế bởi sự bao dung, vị tha. 
Nhưng liệu có ai không kìm được sự phẫn nộ khi nhìn tên lính đạp vào người đàn ông bị lột quần áo nằm dưới đất dù bàn chân tội ác ấy được che phủ bởi những bông hoa? 
Sự xuống cấp văn hóa không bó hẹp trong phạm vi “một bộ phận không nhỏ” mà phát triển khá mạnh ở nhiều cơ sở và cá nhân làm nghề kinh doanh. Chuyện những con ruồi trong chai nước giải khát, chuyện bơm nước vào động vật giết mổ, chuyện sữa bột biến thành sữa tươi… và nay là chuyện “Hoa nơi chiến trường”.Và liệu có ai sẵn sàng nhận những đồng tiền “từ thiện” có được từ sự kinh doanh trên nỗi đau chiến tranh mà cửa hàng Flower Box (số 74E Hai Bà Trưng, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) quảng bá?
Người kinh doanh có tâm, có học không ai biến tướng những bức ảnh dã man như vậy quảng bá rộng rãi cho công chúng. Trước khi lồng khung treo nó lên, họ có tự hỏi người xem thu nhận được gì từ những bức ảnh đó hay là họ hài lòng với “thành quả” lao động của mình?
Nhà báo Kim Dung viết trên blog của mình như sau “Dù mong muốn một điều tốt đẹp, thì cũng không thể là cái tư duy vớ vẩn, ngu dốt đến độ này”. Người viết cho rằng ý kiến của chị Kim Dung là hoàn toàn xác đáng.
Kho tàng tục ngữ, châm ngôn Việt Nam có câu “nó lú có chú nó khôn”, với những người kinh doanh đến độ lú lẫn như Công ty Thuận Lê, lẽ ra “chú nó” tức là chính quyền cơ sở phải tỉnh táo, phải ngăn chặn ngay trước khi sự dốt nát ấy kịp biến tướng thành những bông hoa để mà phun ra từ nòng súng.
Địa bàn một phường không phải là quá lớn, tuần tra một vòng bằng xe gắn máy có lẽ chỉ mất chút thời gian, thế mà chỉ khi “những hình ảnh này lan truyền, cộng đồng mạng đã bày tỏ phẫn nộ và phản ứng quyết liệt cho rằng phản cảm, báng bổ lịch sử không chấp nhận được…”
Rồi sự việc lan truyền ra khắp cả nước, đến mức hai vị lãnh đạo cấp cao trong quản lý văn hóa tư tưởng, tuyên truyền và quản lý báo chí phải lên tiếng thì tối 19/4 chính quyền địa phương mới vào cuộc tạm thu giữ toàn bộ những bức ảnh và ấn phẩm trưng bày”. [3]
“Nó lú” nên sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, còn “chú nó” có bị xử lý không? Một sự việc có thể nói là vô văn hóa xảy ra ngay tại trung tâm thành phố mà chỉ khi “cộng đồng mạng bày tỏ phẫn nộ” thì chính quyền phường, quận mới biết vậy họ ngồi đó để làm gì?
Chính quyền cấp phường, xã là nơi gần dân nhất, ở một số xã người ta ăn chặn tiền cứu trợ thiên tai, mì tôm, gà, nhím… của người nghèo, cũng may là chưa có phường nào ở thành phố lại khuyến khích người dân chăn nuôi gà, nhím!
Baodatviet.vn ngày 16/12/2013 có bài “1 phường có 400 cán bộ hưởng lương”. Bài báo cho biết tỉnh Quảng Ninh có hơn một triệu dân, nhưng có đến hàng vạn người được hưởng lương từ ngân sách. Mỗi năm tỉnh này phải chi trả lương hàng nghìn tỉ đồng. 
Quảng Ninh chắc không phải là trường hợp cá biệt, không biết phường Bến Nghé TP Hồ Chí Minh có số cán bộ hưởng lương như Quảng Ninh hay không? 
Điều không nghi ngờ là vụ “Hoa nơi chiến trường” chính là một dẫn chứng bác lại ý kiến của một vị Bộ trưởng khi ông cho rằng “chỉ khoảng 1% cán bộ, công chức không làm được việc, còn chuyện 30% người ngồi chơi chỉ là tin đồn”. [4]
Xử lý nghiêm khắc công ty Thuận Lê phải đi kèm với xử lý nghiêm khắc sự yếu kém của đội ngũ cán bộ cơ sở, còn nếu mà chỉ “nghiêm túc rút kinh nghiệm” hay “nghiêm túc viết kiểm điểm” thì biết đâu sau “Hoa nơi chiến trường” sẽ xuất hiện những biến tướng khó lường về “Hoa” mà những người theo khuynh hướng “tham có văn hóa” mong muốn tận dụng?
Tiếng chuông báo động đã được gióng qua bài Mũ chụp quá tai, hay bệnh mới ỡm ờ giả mù giả điếc. [5]
-----------------
Tài liệu tham khảo:
X.D/GDVN

Không có nhận xét nào:

Trang