30 tháng 4, 2015

CĂN BỆNH NÓI...ĐÃI BÔI

Như Thổ
Đã đến lúc chúng ta phải tuyên chiến với căn bệnh hình thức, tuyên chiến với những sự sáo rỗng, giáo điều và những lời nói mang tính đãi bôi ở trong báo cáo...
Năng lượng Mới số 414
Gần như đã thành một cái lệ, trong bất cứ báo cáo nào, dù là báo cáo sơ kết công tác tháng, công tác năm rồi báo cáo chính trị của các chi bộ, đảng bộ cơ sở thì bao giờ ở phần nguyên nhân để đạt được thành tích đầu tiên phải là “…được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, chính xác của Đảng ủy cấp trên”; hoặc “được sự giúp đỡ, đồng thuận và tranh thủ được sự ủng hộ, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành Trung ương…”.
Tóm lại là cái gì người ta cũng không được phép quên cấp trên.
Và mọi nguyên nhân dẫn đến thắng lợi trong bất cứ việc gì cũng là do cơ quan cấp trên “sáng suốt”, rồi có sự chỉ đạo kịp thời, rồi là có sự đồng thuận v.v…
Gần đây, những báo cáo đầy những lời lẽ kiểu đãi bôi, những lời sáo rỗng thế này xuất hiện nhan nhản trên các loại báo cáo và hình như đây là một nội dung không thể thiếu.
Có lẽ người Việt Nam chúng ta vốn nặng tình, lại cả nể, luôn nhớ tới công lao của người đi trước, của cấp trên cho nên cứ phải viết như vậy mới yên lòng.
Còn cấp trên khi xuống dự hội nghị hoặc đại hội ở cấp dưới thì hình như chưa ai dám nói rằng: “Thưa các đồng chí, tôi phải rất cảm ơn các đồng chí đã làm việc rất tốt, đã hoàn thành xuất sắc các kế hoạch đã đề ra và nhờ có các đồng chí mà cái ghế của tôi mới được vững”.
Khổ thế đấy! Từ xưa các cụ đã có câu “thần thiêng nhờ bộ hạ”, tạm hiểu là vị trí của người trên có vững được chính là nhờ cộng sự cấp dưới.
Ấy vậy mà hầu như không có mấy khi cấp trên nhắc đến công lao của cấp dưới mà thường họ vơ vào mình. Còn nếu có khuyết điểm xảy ra thì chắc chắn lỗi là do cấp dưới hoặc cùng lắm có thể nghiêm khắc tự kiểm điểm để nhận thấy rằng “không nắm bắt kịp tình hình”, “chưa dành thời gian đi sát cơ sở” chứ chẳng có cấp trên nào nhận là “để việc đó xảy ra là lỗi do tôi”.
Bấy lâu nay, Đảng, Chính phủ đấu tranh quyết liệt với bệnh quan liêu trong một bộ phận không nhỏ quan chức; phê phán bệnh vô cảm, xa dân của nhiều vị “phụ mẫu”. Và chúng ta dễ dàng nhận thấy không ít vị lãnh đạo thường có lối chỉ tay 5 ngón, “các đồng chí, các cậu phải thế này, thế kia”… thế nhưng không mấy khi vạch cho ra được nếu làm được điều này thì điều kiện kèm theo là gì.
Từ xưa người ta cũng có câu “Muốn nói gian làm quan mà nói”, rồi thời cận đại có thêm câu “Điều 1: Cấp trên bao giờ cũng đúng. Điều 2: Ai thắc mắc xem lại điều 1”.
Tất nhiên các cơ quan lãnh đạo cấp trên, đặc biệt là cấp quản lý vĩ mô thì không thể nào miệng hô tay vẫy, chỉ đạo quá cụ thể… Nhưng khi phát hiện ra những ách tắc, những gì cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, xã hội thì phải xắn tay áo vào giải quyết. Đằng này không ít cơ quan, lãnh đạo coi đó là chuyện của ai đó và… mặc kệ.
Cũng phải nói thêm rằng, bộ máy hành chính của chúng ta, cơ bản là “sinh ra dưới thời bao cấp”, cho nên tư duy và tác phong làm việc chủ yếu là phục vụ cho nền kinh tế kế hoạch hóa cao độ. Bây giờ chúng ta đã chuyển sang xây dựng một nền kinh tế thị trường thì bộ máy quản lý mang nặng tư duy bao cấp đó, đang là rào cản cho sự phát triển. Không ít các cơ quan quản lý Nhà nước với những chính sách, quy định, quy chế đã lạc hậu, không bắt kịp sự phát triển xã hội, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và chính họ đang là rào cản cho sự phát triển kinh tế, bởi sự quan liêu, sự vô cảm và cả sự tham nhũng nữa.
Ấy vậy mà cấp dưới báo cáo gì thì cũng phải có câu “nhờ sự sáng suốt”. Mà chưa có đơn vị nào dám nói huỵch toẹt ra rằng, “chúng tôi đang khốn khổ thế này, dở sống dở chết chính là vì các ông”.
Gần đây có những lời nói mà người ta vẫn hay nhắc đi nhắc lại như một con vẹt, đó là “thời cơ và thách thức”; đó là “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng…”. Nhưng xin phép bác Vũ Khoan, chúng tôi được nhắc lại lời của bác trong buổi đàm luận về kinh tế được phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình Trung ương, bác có nói rằng: “Người ta cứ nói sa sả suốt ngày về thách thức nhưng không có mấy doanh nghiệp biết thời cơ và thách thức ở đâu và cái gì thách thức mình, cái gì là thời cơ đối với mình”.
Các học giả, các nhà nghiên cứu, các chính khách cũng nói nhiều về những nguyên nhân phải làm cho một xã hội doanh nghiệp phát triển nhưng nói giời nói bể gì thì cũng chỉ có 3 yếu tố: Thứ nhất là phải minh bạch; thứ hai là phải biết lắng nghe và thứ ba là phải biết hành động quyết liệt. Nói giời nói bể gì mà thiếu một trong ba yếu tố này thì khó tạo ra sự phát triển bền vững.
Căn bệnh nói sáo rỗng, đãi bôi cũng có không ít trong nhiều báo cáo chính trị của các đại hội Đảng cấp cơ sở. Hầu như báo cáo nào cũng nói “đổi mới phương thức lãnh đạo để tạo ra được sức mạnh tổng hợp”… Nhưng cũng hầu như chẳng có mấy báo cáo chính trị nào nói “đổi mới phương thức lãnh đạo” là đổi mới cái gì, bắt đầu từ đâu và phải làm thế nào, cho nên đã đến lúc chúng ta gọi báo cáo này là báo cáo “chém gió”. Mọi việc bây giờ cần đi vào thực chất và cụ thể còn cấp trên thì các vị lãnh đạo có lẽ cũng cần phải có thái độ khi cấp dưới báo cáo rằng “nhờ sự giúp đỡ…”.
Chưa hết, căn bệnh hình thức còn thể hiện trên cả các băng-rôn khi địa phương, cơ sở tiếp đón những đồng chí lãnh đạo cao cấp tới làm việc “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí… về thăm và làm việc”.
Khổ quá đi mất, việc cấp trên về làm việc tại cơ sở đó là chuyện bình thường, nếu như không nói đó là bổn phận của cấp trên. Thế thì hà cớ gì phải “nhiệt liệt chào mừng”. Căn bệnh “nịnh” cấp trên này xem ra ngày càng phát triển và cũng có một điều rất lạ là chưa có cấp trên nào khi bước vào hội trường thấy có dòng chữ “nhiệt liệt” ấy lại bắt dỡ đi.
Đã đến lúc chúng ta phải tuyên chiến với căn bệnh hình thức, tuyên chiến với những sự sáo rỗng, giáo điều và những lời nói mang tính đãi bôi ở trong báo cáo. Cứ bảo rằng, chúng ta phải “đổi mới”, thậm chí coi đó như một “phát kiến” gì đó thật to tát, nhưng thực ra “đổi mới” cái từ này có từ cách đây cả 4.000 năm rồi. Ông vua Thành Thang thời cổ đại Trung Hoa đã từng khắc vào bồn tắm của mình dòng chữ “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” - có nghĩa là “Đổi mới, ngày càng đổi mới, ngày một đổi mới”.
Từ xửa từ xưa, người ta đã nói đến cần thiết phải đổi mới tư duy để xây dựng quốc gia như thế nào rồi, thế thì bây giờ, hà cớ gì chúng ta không dám đổi mới một cách mạnh mẽ, đổi mới một cách quyết liệt, cả về tư duy lẫn biện pháp hành động.
Và có lẽ, cần đổi mới sớm nhất là bớt đi những báo cáo làm “vừa lòng cấp trên”, những báo cáo… đãi bôi.

Không có nhận xét nào:

Trang