Sự phát triển của đất nước cùng truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc được bồi đắp từ hàng nghìn năm qua có sự đóng góp không nhỏ của các tôn giáo. Hình ảnh những tín đồ với việc làm từ thiện mà chúng ta từng chứng kiến chính là cách nhập thế sáng tạo, tích cực, góp phần xây đẹp cuộc đời.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc gặp mặt các chức sắc, chức việc tôn giáo, ngày 27/4.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ điều này trong buổi gặp mặt các vị chức sắc, chức việc lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức ngày 27/4 tại TPHCM.
Các vị chức sắc, chức việc lãnh đạo các tổ chức tôn giáo bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên được tham dự một hội nghị bàn về vai trò của tôn giáo trong nhiều vấn đề thiết thực như: y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, nước sạch, môi trường, giáo dục văn hóa, đạo đức, tổ chức lễ hội….
Ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, hiện cả nước có 38 tổ chức của 14 tôn giáo được công nhận và hoạt động với 24 triệu tín đồ, 83.000 chức sắc và gần 25.000 cơ sở thờ tự.
Từ khi nước nhà giành được độc lập tới nay, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật. Các tôn giáo đã đưa những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc vào đời sống xã hội và thực hiện văn hóa, văn minh trong các sinh hoạt tôn giáo. Qua đó, các hoạt động tôn giáo đã thể hiện lòng yêu nước, đồng hành với dân tộc.
Với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều giá trị tích cực của đạo đức, văn hóa được giữ gìn. Nhưng thời gian qua, một số biểu hiện xuống cấp của đạo đức xã hội, tình trạng tha hóa biến chất trong lối sống của một bộ phận người dân, tuy không phải đa số nhưng diễn biến phức tạp là điều đáng lo ngại.
Vì vậy, nhiều giải pháp, cách làm hay đã được trao đổi, chia sẻ trong cuộc gặp, với mục đích để các tôn giáo tham gia tích cực, chủ động hơn trong việc vận động, tuyên truyền, mà trước hết là trong tín đồ các tôn giáo nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, nếp sống văn minh, phong tục tốt đẹp, phê phán, lên án để loại bỏ các biểu hiện thiếu lành mạnh, không phù hợp trong xây dựng xã hội mới hiện nay.
Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết với truyền thống “Hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, Giáo hội luôn lấy tinh thần từ bi, chia sẻ, làm từ thiện để vận động phật tử bỏ điều ác, làm điều thiện, giữ tâm thanh tịnh, góp phần xây dựng đất nước ta hướng tới toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ.
Theo Giám mục Vũ Đình Hiệu (Giám mục Giáo phận Bùi Chu), trong tuyên truyền vận động cho bà con giáo dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh thì điều căn bản là xây dựng ý thức của mỗi giáo dân thông qua huấn dụ, nhắc nhở trong các sinh hoạt tôn giáo hàng ngày như biết kính trên, nhường dưới; cư xử lễ phép, biết nói lời cám ơn và xin lỗi; quan tâm gìn giữ, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; chăm sóc, hỗ trợ, chia sẻ cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật; kêu gọi lương tâm, nghề nghiệp và trách nhiệm của các DN do người công giáo làm chủ để đưa ra thị trường những thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng…
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Ban Trị sự Hội Phật giáo Hòa Hảo khẳng định thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh là một nhiệm vụ đạo sự của Hội. Các tín đồ được tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích thực hành đúng giáo lý để hiểu biết về những hoạt động hướng thiện, nhân ái và các chủ trương chính sách về an sinh xã hội.
Nhập thế tích cực, xây đẹp cuộc đời.
Trước sự quan tâm của các vị chức sắc, chức việc về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế cho người dân, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đây luôn là mối quan tâm lớn của người dân. Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể thì những lời kêu gọi thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các tôn giáo sẽ góp phần tích cực trong tuyên truyền, vận động người dân, tín đồ tuân theo giáo lý để thực hiện đúng quy định về an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá cao các mô hình chăm sóc sức khỏe, phòng khám từ thiện do các cơ sở tôn giáo triển khai, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, và cho biết ngành Y tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các phòng khám như vậy hoạt động hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đánh giá cao đóng góp của các tôn giáo và cam kết chỉ đạo các đơn vị liên quan, chủ động hơn nữa trong phối hợp cùng các vị chức sắc, chức việc để triển khai những cách làm hiệu quả, khắc phục những vấn đề đang nổi cộm trong xây dựng đời sống văn hóa, quản lý lễ hội, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Chia sẻ cùng các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sự phát triển của đất nước cùng truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc được bồi đắp từ hàng nghìn năm qua có sự đóng góp không nhỏ của các tôn giáo. Đây là nền tảng vững chắc để khắc phục những khiếm khuyết, bức xúc về an toàn thực phẩm, giáo dục, văn hóa ứng xử hiện nay.
Đóng góp đó bắt nguồn từ những việc làm tưởng chừng nhỏ nhặt như xây dựng ý thức kính già, yêu trẻ, thái độ ứng xử hàng ngày, tình yêu thiên nhiên, yêu những cái tốt, yêu lao động, biết ơn những người giúp đỡ mình đến việc hình thành nếp sống, tập tục ma chay, cưới hỏi, xử lý môi trường, nước sạch…
Phó Thủ tướng lấy ví dụ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thì những con chiên hay phật tử chắc không bao giờ vi phạm. Vì phun thuốc sâu vào rau rồi hái ngay để bán cho người khác rõ ràng là vì lợi ích nhỏ của mình nhưng lại làm hại sức khỏe, thậm chí tính mạng của người khác. Điều này trái với giáo lý của các tôn giáo.
Còn hình ảnh những phật tử mang cơm từ thiện cho các bệnh nhân nghèo hay các tu sỹ tham gia chăm sóc những người bị bệnh hiểm nghèo là cách nhập thế rất sáng tạo, rất riêng của mỗi tôn giáo đối với những vấn đề của đời sống, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi tín đồ trong việc giữ gìn, bảo vệ, phát triển những giá trị văn hóa đạo đức trong xã hội.
Từ những câu chuyện cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng có nhiều việc các tôn giáo chủ động làm vì phù hợp với giáo lý, nhận thức của các chức sắc, chức việc, vì vậy, các bộ ngành, chính quyền địa phương cần chủ động, tích cực trao đổi, phối hợp đồng bộ với các tôn giáo trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, góp phần phát huy những truyền thống, giá trị tốt đẹp của dân tộc
“Trước hết là những việc cụ thể và khi đã làm được thì sẽ có thêm lòng tin. Tất cả chúng ta, bằng hành động của mình, cùng nhau làm cho những người xung quanh mình có cuộc sống tốt hơn, làm cho cái đẹp, cái tốt được phát huy, làm cho đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, để văn hóa Việt Nam tiếp tục được tỏa sáng”, Phó Thủ tướng nói.
(Theo Chính Phủ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét